Để hình thành con người nhân văn

Để hình thành con người nhân văn

 Nguyễn Thị Kim Ngân

Bài đã đăng trên Tạp chí “Thế giới mới”, số 26, ngày 09/7/2012.

(To build up the Man of Humanity , Nguyen Thi Kim Ngan, The Gioi Moi, No. 26, on 29th July 2012)

           Trong cuộc đổi mới giáo dục hiện nay có rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Đổi mới phải bắt đầu từ đâu? Cần đột phá ở khâu nào? Cốt lõi của cải cách là cái gì? Đây là những vấn đề lớn, chúng tôi không có khả năng và không dám bàn tới. Tuy nhiên thiết nghĩ, nếu nói bắt đầu từ đâu thì nhất định phải bắt đầu từ tư duy, từ quan niệm. Dù có chọn một điểm nào đó để đột phá, để làm bung ra mọi thứ và sắp xếp lại, ví dụ như đột phá vào khâu tuyển sinh hay thi cử chẳng hạn, thì công việc đột phá ấy cũng phải xuất phát từ một quan niệm chung nào đó, phải được đặt trong hệ thống một chuỗi hành động được tính toán đầy đủ, chứ không phải là một sự lựa chọn tùy tiện, ngẫu nhiên. Ngay cả bản thân việc tổ chức lại hệ thống giáo dục, cách quản lí giáo dục tuy cũng thuộc vào hàng những vấn đề ưu tiên số một nhưng để làm tốt điều này cũng lại phải dựa vào một quan niệm chung nào đó. Vì vậy có thể nói triết lí giáo dục là điểm khởi đầu của cải cách giáo dục. Công cuộc cải cách giáo dục không chỉ có vấn đề triết lí giáo dục mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác. Nhưng không bắt đầu từ triết lí giáo dục, không xây dựng hệ thống hoạt động cải cách trên nền tảng một triết lí giáo dục hiện đại, được quan niệm rõ ràng, nhất quán thì những đổi mới hay cải tiến khác về nội dung giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy...v…v.. sẽ chông chênh, không đầy đủ.

          Không có điều kiện đi sâu vào vấn đề triết lí giáo dục, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, dù trong các cuộc thảo luận về triết lí giáo dục, các ý kiến có khác nhau như thế nào, nhìn chung vẫn có một sự thống nhất căn bản: đó là làm sao nền giáo dục của chúng ta phải hình thành nên những con người nhân văn và có tri thức, những con người có khả năng sáng tạođược tự do phát triển.

           Đối chiếu với triết lí, mục tiêu trên đây chúng ta thấy nhà trường chúng ta chưa hoàn thành được sứ mạng của mình. Tất cả những xuống cấp văn hóa và đạo đức hiện nay, những hiện tượng hết sức xấu hổ và đau lòng đang diễn ra hàng ngày và tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nguyên nhân xã hội sâu xa của chúng. Nhưng ở đây cũng có một phần trách nhiệm của giáo dục.

           Trách nhiệm ấy nằm ở chỗ nào, cách dạy của nhà trường có chỗ nào còn bất cập, làm cho nhà trường không thể làm tốt sứ mạng của mình. Chúng tôi xin phân tích một vài trường hợp cụ thể, thông qua việc dạy Văn, dạy Sử và một số môn học khác để cùng suy nghĩ.

          Dạy Văn trong trường phổ thông (bao gồm cả tiểu học) là một vấn đề phức tạp, dư luận xã hội cũng thường quan tâm và nhiều nhà nghiên cứu cũng đã có ý kiến thảo luận. Tuy nhiên cho đến nay mục tiêu của môn học này vẫn chưa được quan niệm đầy đủ và rõ ràng và điều này bộc lộ rõ rệt nhất trong thực tế giảng dạy trong nhà trường. Là một giáo viên nhiều năm đứng lớp, chúng tôi thấy có một thời dạy Văn gần như dạy chính trị. Hầu hết các tác phẩm đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy là tác phẩm có ý nghĩa cách mạng, có tính Đảng, tính chiến đấu, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Đối với các tác phẩm không thuộc dòng văn học cách mạng thì khi phân tích, bình giảng, giáo viên cũng hướng học sinh đánh giá tác phẩm theo các tiêu chuẩn giá trị trên. Những năm gần đây khuynh hướng này đã được khắc phục, các bài văn trong sách giáo khoa đã đa dạng hơn, có nhiều áng văn hay hơn. Tuy nhiên cách dạy của nhiều thầy cô giáo vẫn còn lạc hậu, không theo kịp, vẫn muốn biến bài dạy Văn thành dạy đạo đức và chính trị.

          Đáng chú ý là cùng với việc khắc phục khuynh hướng chính trị hóa việc dạy Văn, hiện nay đang tồn tại một xu hướng khác – đó là biến môn Văn thành môn học cung cấp kiến thức về văn học, tiểu sử tác giả, thi pháp tác phẩm…v..v.. Kết quả là nội dung tư tưởng – tình cảm của tác phẩm không được khắc sâu, cái hay cái đẹp của tác phẩm cũng không được cảm nhận, cái còn lại nhiều nhất vẫn là những kiến thức thuộc lòng về bố cục, chủ đề, các biện pháp nghệ thuật được sử dụng..v..v… Môn Văn không còn lôi cuốn nữa vì mất đi phần hồn, phần sáng tạo, chỉ còn là môn cung cấp tri thức. Điều này cũng diễn ra tương tự với việc dạy tiếng Việt mà nhiều nhà chuyên môn và các bậc cha mẹ học sinh đã từng lên tiếng: việc dạy tiếng Việt trong trường phổ thông không tập trung vào việc hướng học sinh vào việc sử dụng tiếng Việt thành thạo mà còn nặng về cung cấp kiến thức mang tính chất ngôn ngữ học. Kết quả là học sinh học tiếng Việt rất vất vả, nặng nề mà lên đến đại học vẫn viết sai câu, sai chính tả!

          Vì sao có hiện tượng trên đây? Theo chúng tôi cái gốc là ở quan niệm, ở triết lí giáo dục và việc thực hiện triết lí đó một cách cụ thể trong chương trình, sách giáo khoa, trong phương pháp giảng dạy. Nếu quan niệm sứ mạng của nhà trường là hình thành những con người nhân văn thì mục tiêu của các môn học phải thể hiện được điều đó.

          Theo chúng tôi, trường phổ thông, bên cạnh các môn cung cấp những tri thức phổ thông nhằm phát triển trí tuệ như toán, khoa học, địa lí, vi tính, ngoại ngữ…còn có những môn cung cấp kinh nghiệm sống phổ thông nhằm hình thành nhân cách, thế giới tinh thần của trẻ em. Đây là hai loại “phổ thông” rất khác nhau: một loại phổ thông về kiến thức, một loại phổ thông về năng lực cảm xúc, năng lực tình cảm. Một cái là IQ (intelligence quotient – chỉ số thông minh), một cái là EQ (Emotional quotient– chỉ số cảm xúc). Sứ mạng đặc trưng của môn Văn trong nhà trường chính là ở chỗ nó không phải là những phương tiện để giáo dục chính trị hay đạo đức, cũng không phải để cung cấp những tri thức về ngành Văn học mà quan trọng là hình thành những năng lực tình cảm căn bản, những cảm xúc về giá trị, về đẹp, xấu, yêu, ghét. Điều này sẽ góp phần hình thành con người nhân văn bên cạnh con người tri thức, tạo nên sự phát triển hài hòa, cân bằng của học sinh.

          Liên quan đến vấn đề xác định mục tiêu môn học trong việc hình thành con người nhân văn ở trường phổ thông, chúng tôi muốn nêu thêm một trường hợp nữa là môn Lịch sử Việt Nam.

          Môn Lịch sử có khác môn Văn một chút bởi vì ở đây vị trí của phần kiến thức khá quan trọng. Tuy nhiên xét trong tổng thể và trong tương quan với các môn cung cấp tri thức phổ thông thì môn Lịch sử vẫn gần với môn Văn hơn. Dạy Sử là để học sinh biết được lịch sử dân tộc, nhưng quan trọng hơn là để các em yêu dân tộc, tự hào với chiến công của cha ông và thấm thía với nỗi đau, bất hạnh của dân tộc. Cái chính đối với môn Lịch sử không phải là nhớ chính xác, thuộc lòng, năm nào, tháng nào xẩy ra trận đánh, các sự kiện và các chi tiết mà là cảm hứng về sự kiện, bài học rút ra, sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Vừa qua dư luận xã hội xôn xao về hiện tượng hàng ngàn bài thi đại học, cao đẳng điểm 0 môn Lịch sử. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do cách dạy ở nhà trường. Môn Sử đã không thu hút được học sinh do cách dạy nhồi nhét tri thức, thiên về học thuộc lòng, nhớ máy móc, diễn giải cứng nhắc, rập khuôn, giáo điều, mất đi tất cả cái hồn của biến cố, sự kiện. Cách dạy này một phần bắt nguồn từ quan niệm không đầy đủ về tính chất và mục tiêu của môn học trong việc hình thành con người nhân văn mà trong số các môn học trong nhà trường môn Lịch sử có một vị trí đặc biệt.

          Nếu chú ý kĩ, chúng ta sẽ thấy đây cũng là tình trạng diễn ra với hai môn Nhạc và Họa. Cùng với Văn, Sử đây là hai môn có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng năng lực cảm xúc, khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp và những giá trị của cuộc sống. Song thực tế giảng dạy hiện nay ở các trường cho thấy việc dạy Nhạc, Họa đã bị biến thành việc dạy tri thức và kĩ năng thuần túy, phần dạy cảm nhận vẻ đẹp của âm thanh, màu sắc, cách nghe nhạc, cách xem tranh đã không được quan tâm đầy đủ. Nhiều học sinh vì không thích, hoặc không có khả năng vẽ, hát, chơi đàn đã bị loại khỏi cuộc chơi và chán, không thích học. Rõ ràng nhà trường đã bỏ lỡ mất một cơ hội trong việc hình thành con người “phổ thông” xét dưới khía cạnh nhân văn và để cho khuynh hướng dạy và học thiên về thu nhận tri thức lấn lướt.

          Những ví dụ và phân tích trên đây cho thấy vấn đề xác định mục tiêu và tính chất môn học rất quan trọng. Nhưng để xác định đúng phải có một triết lí giáo dục làm nền tảng, làm điểm xuất phát. Dĩ nhiên từ triết lí giáo dục đến thực tiễn giảng dạy còn một khoảng cách lớn. Có triết lí giáo dục đúng nhưng nếu không quán triệt được trong xây dựng chương trình, xây dựng mục tiêu môn học, trong biên soạn sách giáo khoa  cũng như trong cách giảng dạy của thầy cô giáo thì cuối cùng triết lí giáo dục vẫn không phát huy được sứ mạng của nó.

          Những phân tích của chúng tôi ở đây về tình hình giảng dạy Văn, Sử, Nhạc, Họa chủ yếu nhằm làm rõ sự cần thiết của triết lí giáo dục , về chỗ triết lí giáo dục đã ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến thực tế dạy và học, đến kết quả đào tạo của nhà trường được phản ánh một phần trong bức tranh các hiện tượng xẩy ra trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, tại diễn đàn này, chúng tôi cũng thiết tha mong muốn các nhà cải cách, các nhà biên soạn chương trình, các tác giả sách giáo khoa hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến việc hình thành con người nhân văn như một triết lí, một mục tiêu của giáo dục và quán triệt nó trong cấu trúc chương trình, trong xác định mục tiêu môn học. Việc hình thành con người nhân văn là công việc của cả hệ thống giáo dục, của toàn bộ các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, tuy nhiên ở đây vị trí của các môn học rất quan trọng và sự đổi mới ở đây là trong tầm tay, có thể kiểm soát được, không phụ thuộc quá nhiều vào các điều kiện khách quan bên ngoài. Làm hay không làm được điều này cũng là một yêu cầu, một thách thức đối với việc cải cách mà hiện nay chúng ta đang mong muốn thực hiện./.

 TP Hồ Chí Minh, 6/2012

 

 

 

 


Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30