Làm gì để đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục phổ thông

          Làm gì để đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục phổ thông 

                GS.TSKH.Lê Ngọc Trà   

         I. Triết lý giáo dục

         Để có thể đổi mới giáo dục một cách cơ bản và toàn diện thì việc đầu tiên là phải xác định cho rõ triết lý giáo dục, tức quan niệm chung nhất có tính triết học về mục đích và phương pháp của các việc mà chúng ta gọi là giáo dục. Nếu triết lý giáo dục chi phối cách chúng ta tổ chức hệ thống giáo dục, cách xây dựng chữ tín và nội dung giảng dạy, cách dạy và học, cách đánh giá, thi cử,…v..v…Triết lý giáo dục yêu cầu trả lời hai câu hỏi chính: 1) Chúng ta hiểu thế nào là hoạt động giáo dục, tính chất cơ bản của hoạt động đó là gì và 2) Mục đích của giáo dục là gì, con người được giáo dục sẽ trở thành con người nào.

        Ở nước ta nền giáo dục phong kiến đã có một triết lý giáo dục rõ ràng, thể hiện trong câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” và “Tiên học lễ, hậu học văn”. Triết lý giáo dục này đã được quan niệm rõ ràng và được thực thi trật tự suốt thời kỳ phong kiến.

        Nhược điểm của giáo dục nước ta hiện nay là thiếu một quan niệm rõ ràng, công khai và nhất quán về bản thân hoạt động giáo dục. Đa số chúng ta làm giáo dục một cách tự phát, chưa có ý thức đầy đủ về một triết lý giáo dục cần thiết. Bộ Giáo dục, các trường sư phạm không nơi nào chủ trương một triết lý giáo dục rõ ràng đúng đắn và sâu sắc, từ đó truyền đạt cho các thầy giáo, cho những người làm công tác giáo dục. Có bao giờ chúng ta nghĩ đến những điều như triết gia nổi tiếng F.Nietzsche nói không. Ông viết: “Những nhà giáo dục của anh sẽ chẳng là gì hết nếu học không phải là những người giải phóng anh”. Đại văn hào Nga L.Tolstoi thì cho rằng đối tượng của giáo dục học, của khoa học sư phạm không phải là giáo dục mà là quá trình đào tạo, tức quá trình hình thành con người một cách tự do. Ông viết: “Giáo dục là sự tác động cưỡng bách, áp đặt của một người đối với người khác, nhằm tạo dựng một con người mà chúng ta cho là tốt, còn đào tạo là quan hệ tự do của những con người dựa trên cơ sở một bên có nhu cầu thu nhận kiến thức và một bên có như cầu truyền đạt điều anh ta đã thu nhận được…Giáo dục là một ý nguyện đưa thành nguyên tắc hướng đến độc đoán về đạo lý…Giáo dục là ý nguyện của một người muốn biến người khác thành một kẻ giống anh ta. Giáo dục- tôi thực lòng không muốn nói như vậy- là biểu hiện cái mặt tồi tệ trong bản chất con người. “Nếu nhớ rằng L.tolstoi không chỉ là nhà văn vĩ đại mà còn là nhà tư tưởng lớn, nhà giáo dục lớn. Ông đã từng viết nhiều tiểu luận về giáo dục và đã tự mình mở trường dạy học.

        Để hiểu sâu thêm thế nào là triết lý giáo dục và sự cần thiết để có một triết lý về giáo dục cũng như phải thay đổi những quan niệm đang chi phối trong nền giáo dục của chúng ta, cho phép dẫn ra đây một ý kiến nữa của J.Deway, triết gia và cũng là nhà sư phạm lỗi lạc của nhân loại. Ông viết: “Hãy chấm dứt coi giáo dục như là sự chuẩn bị đơn thuần cho cuộc sống tương lai, hãy coi giáo dục như là ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống đang diễn ra trong hiện tại”. Theo ông sự phát triển của trẻ em “Không phải là cái được làm sẵn cho trẻ em, nó là cái mà trẻ em làm ra”. Ông viết tiếp: “Chúng ta đơn giản coi thường thơ ấu như một tình trạng thiếu thốn bởi chúng ta sự dụng thời trưởng thành như một tiêu chuẩn cố định để đánh giá về nó. Cách nhìn này khiến chúng ta chỉ chú ý tới cái mà trẻ em không có, cái mà trẻ em chỉ có khi chúng trở thành người lớn”.

        So sánh tư tưởng của J.Deway: “Tất cả vì con em chúng ta”, so sánh quan niệm của J.Deway xem học là sống, trẻ em sống trong quá trình học với quan niệm của chúng ta xem học chỉ là chuẩn bị để sống, chuẩn bị cho tương lai, chúng ta thấy có biết bao nhiêu điều phải nghĩ về triết lý giáo dục. Từ quan niệm của F.Nietzsche xem giáo dục như một hành động giải phóng giúp hình thành con người tự do, sáng tạo, từ quan niệm của L.Tolstoi xem giáo dục không phải là áp đặt, dù là áp đặt chân lý mà là “tìm kiếm những con đường giúp hình thành những con người và thúc đẩy sự hình thành tự do đó”, soi chiếu vào hoạt động giáo dục ở nước ta, khi chương trình giảng dạy được qui định chi tiết và được xem như pháp lệnh, khi cả nước chỉ được phép dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất, khi mọi bài văn đều phải được làm theo mẫu, chấm theo mẫu, khi toàn bộ năng lực sống phong phú và sinh động của học sinh bị thu hẹp chỉ vào vài ba tiêu chí, chủ yếu là vào chỉ số IQ, chúng ta thấy sự thiếu hụt rất lớn trong triết lý giáo dục của chúng ta. Đó là tôi mới nói đến mặt thứ nhất trong triết lý giáo dục, tức là những quan niệm có tính chất triết học về bản thân hành động giáo dục. Vấn đề thứ hai là mục tiêu của giáo dục, chân dung của con người như sản phẩm của giáo dục những tri thức, những cái mà chúng ta sẽ đào tạo những người thừa hành hay con người tự do, đào tạo những người chỉ thuộc lòng duy nhất đúng xem là chân lý hay những người có khả năng lập suy nghĩ, có tư duy sáng tạo, đó cũng là vấn đề rất lớn, tôi xin không trao đổi ở đây, nhưng cũng phải nói rằng xung quanh vấn đề này còn rất nhiều điều phải thảo luận, xác định lại và nó trực tiếp liên quan đến những vấn đề tôi sẽ nói dưới đây.

         II. Chương trình và nội dung giảng dạy

        - Cần phải xây dựng lại chương trình đảm bảo 2 yêu cầu:

  • Quán triệt một triết lý giáo dục rõ ràng, nhất quán, thể hiện trong kết cấu các chương trình và nội dung môn học.
  •  Có tính hệ thống, xuyên suốt từ tiểu học đến THCS và THPT, đảm bảo học sinh học môn học đó từ lớp thấp đến lớp cao như đi từng bước trên một chặng đường dài đã được tính toán kỹ từ đầu, chứ không chắp vá, đứt đoạn. Muốn làm được điều này phải có một cá nhân hay một nhóm biên soạn chương trình từng môn cho suốt cả ba cấp học, chứ không phải chỉ cho trường cấp, cấp nào biết cấp đó như cách làm lâu nay.

       - Xác định lại mục tiêu từng môn học phù hợp với triết lý giáo dục, nhất là mục tiêu đào tạo con người. Xác định cho rõ khái niệm “phổ thông” (THCS, THPT), kiến thức phổ thông là gì, đào tạo phổ thông là thế nào. Khắc phục tình trạng hiện nay có những môn học mà mục tiêu và nội dung giảng dạy không phù hợp với tính chất phổ thông và không thực tế. Đây là vấn đề còn nhiều cấp bậc cần được thảo luận kỹ, tránh tình trạng biến SGK phổ thông thành sách giản yếu của giáo trình đại học, biến việc học tiếng việt thành học ngôn ngữ học văn như để làm thơ viết văn, học toán để thành nhà toán học như tình trạng hiện nay. Xác định mục tiêu không đúng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải và tính chất không thực tế của các môn học mà dư luận đang nói nhiều.

       - Kiên quyết cắt giảm nội dung và liều lượng kiến thức được giảng dạy, khắc phục tình trạng quá tải ở trường phổ thông hiện nay. Đó là một thực tế không có lý do nào để bào chữa.

      - Biên luận lại sách giáo khoa theo hướng hiện đại. Cho phép giáo viên được sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa để dạy.

         III. Phương pháp giáo dục và giảng dạy

         - Không nên chỉ tập trung vào vấn đề phương pháp giảng bài mà ít quan tâm đến phương pháp giảng dạy và phương pháp giáo dục.

         - Trong phương pháp giảng dạy nên chú ý đến tính đa dạng của các phương pháp giảng dạy, không chỉ chạy theo cái mới mà cần khai thác cái hay của tất cả các phương pháp, chú ý cả đến khâu lên lớp và khâu tổ chứ việc học tập (hướng dẫn tự học, thuyết trình, ngoại khoá, v…v…)

         - Dù chọn hình thức giáo dục nào, phương pháp giảng dạy nào thì quan trọng vẫn phải đảm bảo hai yêu cầu, nguyên tắc cơ bản:

          - Không áp đặt, cưỡng bức mà khuyến khích tưởng tượng, được suy nghĩ.

          - Không giáo dục theo một khuôn mẫu nhất định, có sẵn và yêu cầu xem là duy nhất đúng, bắt buộc phải theo.

          - Thay đổi cách đánh giá và thi cử

          - Cải tiến và thay đổi cách đánh giá học sinh, cách chấm bài, đảm bảo tôn trọng nhân cách và phát huy tất cả các năng lực của học sinh, không hạn chế chỉ vào năng lực tiếp thu kiến thức và hạnh kiểm được hiểu một cách hẹp, không được gò tất cả vào một khuôn mẫu duy nhất.

          -  Bỏ các kỳ thi tốt nghiệp ở từng cấp học (tiểu học, THCS, THPT), thay vào đó là tổ chức thi, kiểm tra thường xuyên để đến cuối cấp xét tốt nghiệp.

             IV. Cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục

        Vấn đề này tôi nhất trí với đề xuất của một số nhà giáo dục: sau trung học cơ sở, những học sinh không đủ điều kiện sẽ chuyển sang trung học nghề, trung học kỹ thuật, số ít hơn sẽ vào trung học phổ thông. Trung học phổ thông cũng sẽ được học theo kiểu phân ban để chuẩn bị cho việc đi vào đại học, nhưng dĩ nhiên không phải kiểu phân ban đã thất bại như hiện nay.

        Tổ chức lại hệ thống giáo dục theo hình thức này sẽ có hai cái lợi: thứ nhất, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho nền kinh tế đang “thiếu thợ thừa thầy” như tình trạng hiện nay, thứ hai, tránh được “hội chứng đại học” mà xã hội và học sinh đang bị kéo vào: ai cũng học được đại học, ai cũng phải vào đại học, chỉ có đại học mới mang lại cơm no áo ấm. Đại học là con đường duy nhất để mưu sinh. Rất nhiều lãng phí, phiền toái và tiêu cực bắt nguồn từ quan niệm này, từ cách tổ chức hệ thống giáo dục hiện nay.

        Trên đây là 4 vấn đề lớn của giáo dục phổ thông hiện nay mà muốn đổi mới cơ bản và toàn diện thì thực chất là phải tiến hành một cuộc cải cách giáo dục.

        Muốn làm được điều này, theo tôi, ngoài quyết tâm và tâm huyết ra phải có thực hiện một số việc sau đây:

        1)     Phải lập 1 đơn vị hay tổ chức viên để nghiên cứu, tổ chức, theo dõi việc thực hiện cải cách giáo dục. Đó không phải là một Ủy ban hay một Vụ mang tính chất hành chính mà là một tổ chức vừa mang tính chất nghiên cứu khoa học, vừa mang tính chất tư vấn và chỉ đạo. Chẳng hạn có thể lập một Viện Nghiên Cứu đổi mới và phát triển giáo dục để thực hiện nhiệm vụ này. Viện trực thuộc Thủ tướng hay Bộ trưởng có cơ chế và tổ chức nhân sự đặc biệt. Song song với việc này phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu về giáo dục là lĩnh vực yếu nhất trong công tác giáo dục của chúng ta hiện nay. Không nghiên cứu thì đổi mới chỉ là mò mẫm, làm theo cảm tính, là giải pháp tình thế.

        2)     Phải giao cho cá nhân hay tổ chức đứng ra giữ vai trò Tổng công trình sư, chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ hệ thống giáo dục và chương trình đào tạo theo một triết lý giáo dục nhất quán đảm bảo thực hiện bản thiết kế này ở các khâu tiếp theo như mục tiêu môn học, nội dung giảng dạy sách giáo khoa, hệ thống phân ban, v…v…

         Lâu nay việc cải cách giáo dục của chúng ta còn chắp vá vì thiếu vai trò với tư cách của Tổng công trình sư là nhà khoa học, nhà thiết kế, người có triết lý giáo dục rõ ràng, chứ không phải là người chỉ đạo và quản lý về hành chính. Tổng công trình sư phải là một người hay một nhóm các nhà khoa học có tâm huyết, có tầm am hiểu giáo dục, văn hoá và có đầu óc cởi mở, thiết tha đổi mới, chúng ta có những giáo sư, thầy giáo Tóan học, Văn học, Sử học giỏi nhưng còn thiếu những chuyên gia gíao dục có tầm cỡ, những người có thể đảm nhận vai trò Tổng công trình sư của đổi mới hay cải cách giáo dục.

        3)     Phải xem lại công tác đào tạo giáo viên, mô hình các trường sư phạm

        a. Phải có chính sách để thu hút người giỏi vào sư phạm. Không có thầy giỏi sẽ không có trò giỏi. Những tư tường mới, những phương pháp mới phải bắt đầu ở các trường sư phạm, ở nơi đào tạo các thầy giáo tương lai. Mọi cuộc cải cách không qua các trường sư phạm sẽ kém hiệu quả.

        b. Tôi ủng hộ việc đa dạng hoá hình thức đào tạo giáo viên, các đại học có thể mở chương trình đào tạo giáo viên nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên phải kiên quyết xây dựng hai hay ba đại học sư phạm trọng điểm như là nơi đào tạo giáo viên có tính chất chuẩn mực, chất lượng cao, nơi chuẩn bị đội ngũ, các chuyên gia nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp, nơi có thể giúp nhà nước hình thành các chính sách giáo dục quốc gia.

        Tuyệt đối không nên biến các ĐHSP trọng điểm hiện nay thành các đại học đa ngành. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay vẫn giữ những trường ĐHSP chuyên ngành theo kiểu này. ĐHSP TPHCM hiện nay dù không muốn vẫn mở các ngành đào tạo ngoài sư phạm.

         Đây chủ yếu là do áp lực tài chính, tăng nguồn kinh phí, tăng thu nhập cho giáo viên.

         Mỗi ĐHSP trọng điểm phải trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu giáo dục lớn của quốc gia. Muốn vậy nhà nước phải tập trung đầu tư thiệt mạnh. Phải xem đầu tư cho các trường SP là đầu tư cho cải cách giáo dục chứ không phải đào tạo cho đại học, cao đẳng bình thường. Nếu đào tạo không phải là hàng hoá thì đào tạo giáo viên càng không thể là lĩnh vực mang tính chất thị trường. Nếu trong kinh tế nhà nước phải đầu tư và nắm một số Tổng công ty và tập đoàn của mình thì trong giáo dục Nhà nước cũng phải làm như vậy theo nghĩa đó. Các ĐHSP trọng điểm phải trở thành ĐHSP quốc gia, được Nhà nước nuôi đầy đủ để thực hiện sứ mệnh quốc gia.

          4)     Cuối cùng, vấn đề thiết yếu nhất, thậm chí có tính chất quyết định là vấn đề lương giáo viên và người làm công tác giáo dục. Không thay đổi tình trạng hiện nay, mọi ý định và kế hoạch dù tốt đẹp đến đâu cũng sẽ khó mang lại kết quả thực tế. Giáo dục của chúng ta là nền giáo dục mang nặng tính duy ý chí. Chúng ta muốn có một nền giáo dục tiên tiến nhưng lại không có một triết lý giáo dục tương xứng, chúng ta muốn có một nền giáo dục hiện đại nhưng không có khả năng tổ chức cơ cấu hệ thống giáo dục, thiết kế chương trình và nội dung giảng dạy cho phù hợp với tinh thần thời sự và yêu cầu của phát triển xã hội, chúng ta muốn đào tạo có chất lượng cao, áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhưng cơ sở vật chất của trường, lớp lại hết sức nghèo nàn, chúng ta muốn các thầy giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục nhưng đồng lương trả cho học lại không đủ sống, chúng ta kêu gọi chống bệnh thành tích nhưng lại cổ vũ cho mọi hình thức thi đua, mọi danh hiệu, hậu đãi cho mọi kiểu thành tích. Duy ý chí và nhiều vấn nạn khác không phải là căn bệnh chỉ của ngành giáo dục mà là của cả xã hội, của hệ thống, bởi vậy khắc phục nó cũng như để thực hiện cải cách giáo dục, một mình ngành giáo dục không làm nổi. Phải có sự đổi mới của cả hệ thống, sự thay đổi và hỗ trợ đồng bộ của toàn xã hội. Nhưng dù sao trong phạm vi của mình, nếu tâm huyết, có quyết tâm lớn, chịu nghĩ và chịu làm, ngành giáo dục cũng sẽ làm được rất nhiều điều xã hội mong đợi.

                                              TP HCM, 11/6/2012

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30