Đọc - Mùa Thu trong thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư và Quách Tấn-

Đọc "MÙA THU TRONG THƠ XUÂN DIỆU,  LƯU TRỌNG LƯ  VÀ QUÁCH TẤN"

Nguyễn Thị Kim Ngân

         Thiên nhiên có một vị trí đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật. Điều đó vừa phản ánh mối quan hệ gắn bó của con người với môi trường, vừa nói lên những đặc điểm của chính bản thân hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Ngay trong những tác phẩm trữ tình đơn giản nhất là ca dao điều này đã thể hiện rõ rệt. Thiên nhiên trong ca dao vừa là đối tượng mô tả, đối tượng của sự ngợi ca, là phương tiện để diễn tả tình yêu quê hương đất nước, vừa đóng vai trò như hình tượng đưa đẩy, như câu mở đầu, như biểu tượng chất chứa những tình cảm, những quan niệm sống. Chính vì vậy tìm hiểu thiên nhiên trong các tác phẩm nghệ thuật luôn luôn lôi cuốn các nhà nghiên cứu. Nó không chỉ mang lại niềm vui của sự khám phá mà còn mang lại cảm hứng nhân văn – cảm hứng về quan hệ của con người với thiên nhiên, với sự sống xung quanh.

          Xét theo nghĩa đó, tôi cho rằng “Mùa Thu trong thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư và Quách Tấn” là một vấn đề rất thú vị. Mới nghe qua có thể nghĩ đây là một đề tài cũ và đơn giản, nhưng đọc và nghĩ cho kĩ thì không phải như vậy. Đã đành mùa Thu là nguồn cảm hứng, là chủ đề quen thuộc của thơ văn xưa và nay, nhưng viết về mùa Thu như thế nào là câu hỏi không chỉ chứa đựng một lời giải đáp. Không chỉ là việc trình bày bức tranh mùa Thu trong thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư và Quách Tấn mà tìm hiểu “cách cảm nhận về mùa Thu” của các nhà thơ nói trên cũng rất thú vị. Nhưng cái khó và cái hay là ở chỗ mỗi người cảm nhận mùa Thu theo một kiểu khác nhau, làm thế nào để chỉ ra được sự khác nhau ấy và sau đó là giải thích vì sao có sự khác nhau như vậy. Cảnh Thu trong thơ Xuân Diệu có cái mới riêng, “đó là chất trẻ trung tươi mới được phát hiện qua con mắt vẻ đẹp “xanh non” của tác giả, là sức sống của tuổi trẻ và tình yêu”, “Mùa Thu ở đây không có lá vàng, lá úa, không thấy sự tàn phai mà ta thấy không gian của màu xanh, không gian của sự sống”. Còn mùa Thu trong thơ Lưu Trọng Lư thì khác. Tác giả viết: “Màu sắc, đường nét của khung cảnh thiên nhiên cho đến con người trong “Tiếng Thu” đều khá mơ hồ, không xác định trong không gian và thời gian hiện thực, mà bàng bạc trong màu sương mờ ảo của mộng tưởng, của kỉ niệm”, và ““Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư là sự cộng hưởng hài hòa, xuyên thấm, hòa nhập vào với nhau giữa âm thanh của lòng người và âm thanh của tạo hóa”. Còn về Lưu Trọng Lư, nhà thơ “không quan sát mùa Thu bằng thị giác mà lắng nghe bằng thính giác, hơn thế nữa là lắng nghe bằng chính lòng mình, để cảm nhận trạng thái của mùa Thu”. Ở đây tác giả đã đi gần đến một ý quan trọng, không chỉ đúng với Lưu Trọng Lư mà với cả Xuân Diệu và Quách Tấn, đó là trong thơ của các nhà thơ này, khác với thơ truyền thống, không có cảnh Thu mà chỉ có tiếng Thu, không có mùa Thu mà chỉ có tiếng vọng mùa Thu trong lòng thi sĩ đúng như câu thơ của Quách Tấn “Đây lòng ta đó một trời thu”. Trong ý nghĩa ấy bài “Tiếng Thu” rất hay, rất tiêu biểu.

        Ở trên chúng tôi có nói đến cái hay nhưng cũng là cái khó của vấn đề này. Cái khó và cái hay ấy là ở chỗ mùa Thu trong thơ không chỉ là sự trộn lẫn của cảnh sắc và lòng người mà còn là sự trộn lẫn của không gian và thời gian. M.Bakhtin có một khái niệm rất quan trọng là khái niệm “Thời - Không”, tức Không gian – Thời gian như một sự dính kết gắn liền. Vận dụng vào đây có thể thấy mùa Thu chính là một khái niệm Thời – Không. Nhắc đến mùa Thu người ta liên tưởng ngay đến cành liễu rũ, những chiếc lá vàng, đến bầu trời trong vắt, ao thu yên tĩnh, tức là mùa Thu – Không gian. Nhưng mùa Thu cũng là mùa Thu – Thời gian, là bước đi của vũ trụ, là những khoảnh khắc, sự luân chuyển của đất trời. Sự cảm nhận của nhà thơ về mùa Thu bởi vậy, không chỉ là sự cảm nhận màu sắc, âm thanh, cảnh vật của tự nhiên trong mùa Thu mà còn là sự cảm nhận nhịp đập, bước đi của thời gian, của cuộc sống, của đời người. “Các nhà thơ thời đại mới như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Quách Tấn đã trực tiếp nhìn mùa Thu bằng thị giác, nghe Thu bằng thính giác, cảm sắc Thu bằng xúc giác của chình con người mình. Hơn thế nữa, họ còn lắng nghe mùa Thu bằng cả hồn mình”. Đó là một nhận xét tinh tế. “Khác hẳn với thơ ca thời Trung đại, những thi sĩ của phong trào Thơ Mới đã thoát ra khỏi những cái nhìn mùa Thu mang tính ước lệ, sáo mòn, khuôn phép đã trở thành công thức rất đỗi thân quen. Các hình ảnh quen thuộc như “lá ngô đồng, lá vàng rơi, sen tàn cúc nở, gió thu hiu hắt, long lanh đáy nước in trời…” một thời gian dài đã ngự trị phổ biến trong thơ ca cổ điển, giờ hiếm thấy có mặt trong phong trào Thơ Mới”. Đúng là Thơ Mới không có những hình ảnh mùa Thu như trong thơ Trung Đại, nhưng sự khác nhau không phải ở chỗ mùa Thu trong thơ cổ điển thì gắn với những hình ảnh ước lệ, sáo mòn, còn mùa Thu trong Thơ Mới thì sinh động và hiện thực hơn. Thực ra thơ cổ điển và Thơ Mới đều lấy chủ thể, cái tâm làm điểm tựa. Thơ cổ điển là “thi ngôn chí”, tả cảnh cũng chỉ để nói chí, tả tình. Thơ Mới là văn chương lãng mạn, là hình thức bộc lộ cái tôi, cảnh có chăng cũng chỉ là cảnh lãng mạn, không có thực. Điều đó giải thích vì sao Thơ Mới cũng đầy rẫy những cảnh ước lệ, tượng trưng như “rặng liễu chịu tang”, “hoa cúc vàng lưng dậu”, “con nai bị chiều giăng lưới”, “con nai vàng ngơ ngác”…

       “Mùa Thu trong thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư và Quách Tấn” là vấn đề thú vị. “Đóng góp quan trọng nhất của các nhà Thơ Mới cho đề tài mùa Thu trước hết được thể hiện ở sự đổi mới về cách nhìn, cách cảm nhận, cách rung động về mùa Thu”.

(Viết nhân đọc luận văn của ThS. Nguyễn Thị Huyền)

SG, 7/2014

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31