“Trời” và “Ông Trời” trong ca dao miền Trung

“Trời” và “Ông Trời” trong ca dao miền Trung

                                                                                                                  NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

                   Bài đã đăng trên Tạp chí Nguồn sáng dân gian, Hội Văn nghệ dân gian, Việt Nam (số 3 (40)-2011), tr.3-9, 81

      (Heaven and The Creator( Grand Father Heaven) in Folksong in the Central VietNam Nguyen Thi Kim Ngan, the periodical “ Folklore Illumination” No.3(40) in 2011, the Folklore Culture Association, VietNam.Pages 3-9, 81).


        Trong tiếng Việt, “trời” còn được phát âm là “giời”. Trời là thiên nhiên và qua sự sáng tạo của người nghệ sĩ dân gian, trời đã được nhân cách hoá, lúc đó người ta gọi là ông Trời (hoặc Giời). Trong quá trình nghiên cứu thiên nhiên trong ca dao miền Trung, chúng tôi nhận thấy, trời có một vị trí rất đặc biệt(1).

       Trời trong ca dao miền Trung trước hết là thế giới tự nhiên, là toàn bộ cảnh vật thiên nhiên tồn tại xung quanh con người. Núi, sông, mưa, lụt, biển khơi,… đều có dấu ấn của trời. Thí dụ:

Ai vô xứ Huế mà coi

Sông Hương, núi Ngự, cảnh trời đẹp thay.

(CDTTH)

Chim trời ai dễ đếm lông

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.

(CDNTB)

Giơ tay anh hứng sương trời

Rửa sao cho sạch những lời thị phi.

                                              (CDNTB)

Nhưng phổ biến hơn cả, trời là những hiện tượng tự nhiên ở trong không gian, những vật ở trên không như mặt trời, mặt trăng, mây, gió, chim, đêm tối, sương, sao:

Chờ cho trăng lặn trao lời

Không hay trăng lặn mặt trời mọc lên.

(CDTTH)

Gió nam thổi cạn bầu trời

Vàng anh phai đi còn nhuộm lại, em đã đóng dấu rồi khó phân...

(CDTTH)

 

Đêm khuya phảng phất ngọn gió tây

Trời xanh biển lặng con cá vàng phải ăn.

(CDTTH)

                                                                                               Trời một vầng đêm dài vô hạn

                                                                                              Mượn gió chiều hỏi bạn bên sông.

(KTCDXN)

Ngóng lên trời thấy một trời sao

Ngóng xuống ao thấy một ao cá

Ngóng vô nhà, mẹ góa con côi…

(KTCDXN)

Vì mây nên núi liền trời

Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng.

(KTCDXN)

Bên cạnh cái nghĩa là thế giới tự nhiên, trong đó nổi bật là cảnh trên không, trời còn được sử dụng để chỉ hai thế giới khác.

Thứ nhất là nhân thế, là chính cuộc sống, xã hội con người:

Trên trời dễ mấy tri âm

Biết ai đồng điệu, đồng tâm mà chào.

(CDNTB)

Trên trời” ở đây chính là trên đời, trong cõi sống này.

Thứ hai, trời là cõi tiên, một cõi sống khác ở tận trên cao, trên chín tầng mây, vô định, không ai biết đó là đâu, chỉ biết là ở trên cao, rất xa, rất cao:

Hai ba ông Táo về trời

Dựng nêu trước ngõ, ăn chơi suốt tuần.

(CDTTH)

Ra đi vừa gặp bạn hiền

Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.

(KTCDXN)

Thang đâu dám bắc tận trời

Lưới đâu dám bủa những nơi cá thần.

(KTCDXN)

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại, chịu đời đắng cay.

(CDNTB)

                                                                                                      Muốn lên trời, trời không có ngõ

                                                                                                    Muốn xuống đất, đất không có đàng.

                                              (CDNTB)

Đặc biệt, trong ca dao miền Trung, song song với trời như hình ảnh của một thế giới hữu hình hay vô hình, còn có Trời như một đấng siêu nhiên đầy quyền uy:

Trời mưaướt bụi ướt bờ

Ướt cây ướt lá ai ngờ ướt em.

(CDNTB)

Trời mưa trời gió đùng đùng

Cha con lão Hùng đi gánh phân trâu.

(CDNTB)

Lạy trời, trời nổi gió Đông

Thuận buồm xuôi gió, bõ công đi về.

(KTCDXN)

Trời làm bão lụt mênh mông

Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi.

(KTCDXN)

Trời lụt thì lút cả làng

Hai Quai có lở, Văn Tràng mới trôi.

                                            (KTCDXN)

Như vậy, trong những lời ca dao trên, trời không phải là cảnh vật tự nhiên bình thường mà là một ai đấy, một “nhân vật” nào đấy có khả năng hành động, có sức mạnh to lớn, siêu nhiên, có thể làm mưa (“trời mưa”), làm gió (“trời gió”), có thể làm lụt (“trời lụt”), làm “bão lụt mênh mông”. Nhân vật đó trong dân gian và trong ca dao thường được gọi là Trờihoặc Ông Trời:


Ai lên nhắc với ông Trời

Thu ngày bớt tháng cho rồi mùa đông.

(KTCDXN)

Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng

Ngó lên trên núi, rú rậm rừng xanh

Ông Trời kia khéo đoạt duyên anh nửa chừng.

(CDTTH)

                                                                                                Trăm lạy ông Trời chớ điếc, đừng đui

                                                                                                    Để hai con mắt coi người thế gian.

                                              (CDNTB)

Ca dao miền Trung có 4309 lời có từ chỉ thiên nhiên, trong đó có 598 lời có từ trời. Trong 598 lời ca dao có từ trời này có đến gần một nửa số lời (267 lời) mà trong đó chữ trời không phải dùng để chỉ các hiện tượng tự nhiên mà để chỉ một đấng siêu nhiên, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến ông Trời.

Trong ca dao miền Trung, Trời/ông Trời hiện ra với hai diện mạo khác nhau. Một mặt, đó là đấng siêu nhiên toàn năng, là người sinh ra tất cả, định đoạt tất cả, làm ơn làm phúc và cũng gây ra không biết bao nhiêu bất công, tai họa:

Trời sinh có biển có nguồn

Có ta, có bạn, có buồn nỗi chi.

(CDNTB)

Thân em như con quạ trời sinh

Đậu trên trái mít, thỏa tâm tình bạn chưa?

(CDTTH)

Trời sinh cái cực mần chi

Bán thì nỏ được, cho thì không ai xin.

                                            (KTCDXN)

Tất cả những gì tồn tại, những gì xảy ra từ chuyện nắng mưa, được mùa hay mất mùa, yêu nhau, thành vợ thành chồng hay phải xa nhau, không lấy được nhau - tất cả đều là “ý Trời”, do Trời quyết định sẵn:

                                                                                           Tơi mang không cổ, nón đội không vành

                                                                                           Ông Trời đã định, rách lành phải theo.

(CDTTH)

Lương duyên trời địnhđất kề

Lòng em khăng khắng một bề anh thương.

(CDTTH)

Được thua là sự bởi trời

Chớ thấy sóng cả mà rời tay ra.

(KTCDXN)

Thề xưa lời đã nặng lời

Anh cố xa em đi nữa

Nếu chẳng phải ý trời thời cũng khó xa.

                                              (CDNTB)

Những gì có được từ mùa màng no đủ đến sinh con đẻ cái, yêu nhau, sống với nhau trọn đời cũng đều là nhờ Trời, ơn Trời:

Lọt lòng nghe tiếng u oa

Ơn  Trời, ơn Phật, mừng đà xiết bao.

(KTCDXN)

Nhờ Trời hạ kế sang đông

Lúa khoai no đủ, thong dong con người.

(KTCDXN)

Nhờ Trời một trộ (trận) gió đông

Hoa gạo rụng xuống nằm cùng cỏ may.

(KTCDXN)

Lời thề hớt mái tóc xanh

Theo nhau cho trọn tử sanh nhờ Trời.

                                              (CDTTH)

Trời thương ai thì người ấy được, Trời ghét ai thì người ấy phải chịu, đó là số trời, dù vui hay buồn, muốn hay không cũng là do Trời bắt, Trời đày:


Mưa sa đất bệ dễ cày

Trai anh đây chưa vợ, Trời đày đi đêm.

(CDTTH)

Mưa sa ướt áo lụa dày

Anh đã có vợ, Trời đày anh thương.

(CDTTH)

Vì duyên nên phải lụy tình

ông Trời đã lỡ bắt mình thương nhau.

                                              (CDNTB)

Tóm lại, Trời là nguyên nhân của tất cả, Trời muốn làm gì được nấy, cho gì được nấy, Trời gây ra mọi chuyện trên đời:

Trời làm một lặng gió Đông

Chồng tôi đi lưới rổ không trở về

Trời làm ghê gớm, gớm ghê

Bạn thời chết đói, nhà nghề thời không

Trời làm cho vợ chửi chồng

Đi vay đi tạm luống công đêm ngày

May sao may khéo là may

Trời cho hết lặng ngày rày phong lưu.

                                            (KTCDXN)

Với sức mạnh và quyền uy như vậy, không ai có thể chống lại được ý Trời, một khi Trời đã quyết thì không gì cứu vãn được:

Chỉ sợ trời hại mà hư

Còn như người hại chỉ như phấn dồi.

(CDTTH)

Của trời, Trời lại lấy đi

Giương hai con mắt, làm chi được trời.

                                              (CDTTH)

Trong hoàn cảnh đó, con người chỉ biết trông vào Trời, mong Trời ban phước lành, giúp con người có được vận may:

 

Trông trời một trận mưa sa

Để cho ngoài ruộng trong nhà được vui.

(KTCDXN)

Trông trời cho chóng đến mai

Ra đường gặp bạn trao vài ba câu.

 (KTCDXN)

Cũng có khi người ta kêu Trời, trách Trời:

Trách Trời đại hạn không mưa

Lúa người đã chín, lúa tôi không đòng.

(KTCDXN)

Hai hàng nước mắt rưng rưng

Chàng xa, thiếp cách, giậm chân kêu trời.

(CDNTB)

Em trách ông Trời vội gió vội mưa

Mình thương nhau buổi trước, phân chưa hết lời.

(CDTTH)

Trời sao Trời ở không cân

Kẻ ăn không hết người lần không ra.

                                              (CDNTB)

Nhưng thái độ phổ biến nhất, tiếng nói chủ đạo nhất vẫn là kêu cầu, van lạy Trời, xin Trời giúp đỡ, phù hộ, cứu vớt:

Lạy Trời thổi ngọn gió Đông

Xuôi buồm thuận gió cho chồng tôi vô.

(KTCDXN)

Nhà em làm ruộng giữa đồng

Bắt anh tát nước, nhọc lòng anh thay

Nửa ngày mưa bụi gió bay.

Anh bưng thau nước chắp tay vái Trời.

(CDTTH)


Lạy Trời trăm lạy Trời ơi

Trông cho trong lộng ngoài khơi được mùa.

(KTCDXN)

Tới đây lạ bến đậu nhờ

Vái Trời bớt gió cho sóng trong bờ đừng chao.

(CDTNB)

Vái Trời cho đặng vuông tròn

Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng.

(CDTNB)

Lạy Trời phù hộ ấu nhi

Ăn no chóng lớn, biết đi biết đùa.

(KTCDXN)

Lạy Trời cho miễn sống lâu

Ai kêu bằng chó, bằng trâu cũng ừ.

                                              (CDTTH)

Người ta cầu Trời, lạy Trời vì dù biết trời ở xa, ở tận đâu đâu nhưng vẫn tin là “Trời có mắt”, Trời sẽ chứng giám, Trời không phụ người, phân xử công minh:

Đứa mô đã nói quên lời

Đi ra trộ sáo, ông Trời đánh ngay.

(CDTTH)

Những người nói láo nói không

Xin Trời quăng xuống giữa sông Bồ Đề.

(KTCDXN)

Anh mà có nói dối ai

Thì Trời đánh chết dây khoai ngoài đồng.

(CDTTH)

Ai mà ở bạc thì có ông Trời

Trước răng sau rứa, mình lập đạo đời với nhau.

(CDTTH)

 

Em mà ăn ở hai lòng

Trời tru đất diệt không mong thấy chàng.

(CDNTB)

Ai mà ở bạc có Trời

Lòng em khăng khẳng một lời như xưa.

(CDTTH)

Trời xanh có phụ ai đâu

Trọng thầy trọng bạn sang giàu hiển nhiên.

                                            (KTCDXN)

Vì vậy không nên lúc nào cũng trách ông Trời, chuyện gì cũng đổ cho Trời:

Anh xa, em cách, đừng trách ông Trời

Trách người hàng xóm lắm lời thị phi.

                                              (CDNTB)

Con người trong ca dao miền Trung thường nhìn Trời như một đấng thiêng liêng soi xét, nếu mình làm điều gì đó sai trái thì sẽ phải hổ thẹn với Trời:

Làm người phụ bạc sao nên

Trông xuống thẹn đất, trông lên thẹn Trời.

(CDNTB)

Và mang tội với Trời:

Hai ta nguyện ước sa lời

Đó bỏ đây không tội mấy, đây bỏ đó tội trời ai mang.

(CDTTH)

Xương da ai cũng là người

Chàng mà đạp thiếp, tội trời chàng mang.

(KTCDXN)

Đã thành gia thất thì thôi

Đèo bòng chi lắm, tội trời ai mang.

(CDNTB)

Cũng có khi con người biết mình có tội nhưng vẫn làm:

 

Mẹ cha bồng bế bế bồng

Tội trời thì chịu, có chồng thì hơn.

(KTCDXN)

Cha mẹ bú mớm nâng niu

Tội trời đành chịu, không yêu bằng chồng.

                                              (CDNTB)

Làm ở đây không có nghĩa là chống lại Trời mà là chịu tội với Trời, nghĩa là vẫn coi Trời như đấng cao cả, thiêng liêng, nắm giữ những chuẩn mực đạo đức, có quyền phán xét đâu là tốt đâu là xấu, đâu là có tội, đâu là không. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, GS. Nguyễn Văn Huyên đã nhận xét: “Ông giời, đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt(2).

Qua tất cả thái độ, cách ứng xử của con người với Trời/Ông Trời được thể hiện qua những câu ca dao miền Trung được dẫn ra trên đây, chúng ta thấy Trời hiện ra như một đấng toàn năng đôi khi mang hình dáng của Thần Thánh, giống như Phật, như Bụt. Không phải ngẫu nhiên mà trong ca dao miền Trung thỉnh thoảng bắt gặp những câu ở đó Trời và Phật, Bụt(3) đứng cạnh nhau:

Nhà anh ước Phật, nhờ Trời

Bố mẹ sinh đẻ được mười anh em.

(CDNTB)

Chắp tay vái lạy Bụt Giời

Gió đông phẳng lặng, đạo đời theo nhau.

(KTCDXN)

Lọt lòng nghe tiếng u oa

Ơn Trời,ơn Phật mừng đà xiết bao.

                                            (KTCDXN)

Ở đây Trời không hiện ra như một uy lực siêu nhiên mà như một Đức Thánh Thần, tượng trưng cho những gì tốt đẹp, nhân từ giống như ông Bụt, bà Phật. Và nếu Phật là đạo (đạo Phật) thì Trời cũng là đạo – “đạo Trời”:

Thương nhau cho trọn đạo trời

Dù mà không chiếu nằm tơi cũng đành.

(CDTTH)

Lấy nhau cho trọn đạo trời

Đổ chùa Thiên Mụ mới rời xa nhau.

(CDTTH)

Theo nhau cho trọn đạo trời

Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm.

                                              (CDNTB)

Trên đây là diện mạo thứ nhất của Trời/ ông Trời như đấng siêu nhiên, toàn năng, như Thánh thần. Nhưng trong ca dao miền Trung, Trời còn có một diện mạo nữa:

Bạn về lòng nhớ ta chăng

Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời.

(CDTTH)

Căn duyên răng rứa hỡi rời

Chàng mà không gặp thiếp, khác thể trăng trời không gặp nhau.

(CDTTH)

Lời thề tại chốn sơn lâm

Chàng mà xa thiếp như trăng xa trời.

(CDTTH)

Mừng chàng hai chữ ra vời

Gió với trăng là bạn, nước với trời giải khuây.

(KTCDXN)

                                                                                                        Ngó lên trời,trời buồn trời bực

                                                                                               Ngó về sông An Cựu, nắng đục mưa trong.

(CDTTH)

 

Mẹ cha là biển là trời

Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha.

                                              (CDNTB)

Ở đây trời không còn là hình ảnh của một đấng tối cao, quyền năng mà chỉ như con người, tôn kính thì như mẹ cha, gần gũi thì như người yêu, trời cũng biết buồn bực, cũng nhớ nhung quyến luyến, có thể chia sẻ buồn vui với người. Hình ảnh trời ở đây không còn vẻ linh thiêng, xa vời mà bình thường, gần với cuộc đời hơn:

Hôm nay anh gặp em đây

Trời khuyên, đất bảo, lòng say lấy lòng.

                                            (KTCDXN)

Trời không định, không quyết (“Lương duyên trời định đất kề”) mà chỉ khuyên bảo. Trời can dự vào những việc rất đời thường:

Trời mưa thì mặc trời mưa

Tôi không tơi nón, trời đưa tôi về.

(CDTTH)

thậm chí cả những chuyện tầm phào:

Ông tra mà đội nón cời

Muốn đi ve gái mà trời không cho.

                                            (KTCDXN)

Tính chất “người”, tính chất đời thường của trời hiện ra đặc biệt rõ nét trong thái độ của người ta đối với trời:

Phải chi lên đặng ông trời

Hỏi xem duyên nợ đổi dời về đâu.

(CDNTB)

Trời còn có kẻ không ưa

Huống chi phận thiếp, ở cho vừa lòng ai.

                                              (CDTTH)

Một cách ứng xử bình đẳng như vậy khác xa thái độ van lạy, cầu xin, xem Trời như đấng thiêng liêng, không ai chạm đến, có thể quyết định tất cả. Thậm chí vì quan niệm Trời cũng như người, nên đôi khi người ta đối với Trời rất thân mật, thậm chí sàm sỡ:

Trông trời trời mưa cho to

Không mai thì mốt, tôi gả chị tôi cho trời.

(KTCDXN)

Ngồi buồn nói chuyện láo thiên

Một bầy kiến lửa lên khiêng ông trời.

                                              (CDTTH)

Chỉ trên cơ sở một quan niệm có tính chất “giải thiêng” như vậy, người ta mới có thể dám có những thái độ bất kính, bất phục tùng, thậm chí chống lại Trời:

Một lòng chỉ quyết lấy anh

Ong bay bướm lượn xung quanh mặc trời.

(KTCDXN)

Ông trời chết nứt chết trương

Ông ghét tôi khổ, ông thương nhà giàu.

(KTCDXN)

Em mà nỡ phụ duyên anh

Núi cao anh xô đổ, trời xanh anh lật nhào.

                                            (KTCDXN)

Hai diện mạo của Trời/ông Trời trong ca dao miền Trung cũng chính là hai diện mạo của thiên nhiên, phản ánh hai mặt trong nhận thức và cách ứng xử của con người đối với tự nhiên. Thế giới tự nhiên vừa là cái nhìn thấy vừa là cái không nhìn thấy, vừa là cái hiểu được, vừa là cái không thể giải thích được, vừa là cái có thể chinh phục được vừa là cái không thể khuất phục. Gió mưa, bão, lụt là có thật, là cái có thể nhìn thấy, nhưng nó từ đâu đến, ai đã gây ra bão lụt, đó là điều bí ẩn. Người bình dân miền Trung xưa không quen tư duy trừu tượng. Tất cả phải được quy về con người, đời sống con người. Những gì siêu nhiên, siêu hình được góp lại gọi chung là thần (thần gió, thần mưa, thần sấm...). Nhưng thần cũng như người, cũng đi lại, yêu ghét như người. Trời bao trùm lên tất cả, Trời bao gồm hầu hết các thần, nên Trời cũng là người, chỉ có điều đây không phải là người sống ở thế gian mà ở trên trời. Vì vậy Trời cũng như giới tự nhiên vừa xa, vừa gần, vừa đáng sợ, vừa không đáng sợ, vừa thiêng liêng, vừa quen thuộc. Qua hình tượng Trời, ca dao miền Trung đã phản ánh một tư duy thời xưa về tự nhiên, phản ánh một đặc điểm của văn hóa nhận thức và văn hóa tâm linh của con người vùng đất này - một vùng đất đầy thách thức đối với con người và đồng thời cũng chứng kiến sự thách thức, ý chí kiên cường của con người đứng trước tự nhiên./.

N.T.K.N

Chú thích:

1. Hiện nay có nhiều quan niệm về ranh giới giữa ba miền Bắc, Trung, Nam. Chúng tôi quan niệm miền Trung là từ Nghệ An trở vào đến hết Bình Thuận.

Dưới đây là những cuốn sách biên soạn ca dao được chúng tôi sử dụng làm tư liệu thống kê, phân tích:

+ Ninh Viết Giao chủ biên (1996), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Nxb. Nghệ An, Vinh, hai tập. Viết tắt là KTCDXN;

+ Triều Nguyên (2005), Ca dao Thừa Thiên - Huế, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế xuất bản. Viết tắt là CDTTH;

+ Thạch Phương, Ngô Quang Hiển (1994), Ca dao Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Viết tắt là CDNTB.

2. Nguyễn Văn Huyên (1995), Hát đối của nam nữ thanh niên trong “Nghiên cứu văn hóa Việt Nam”, 2 tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1, tr.111.

3. Trong Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972, tr.197, GS. Đinh Gia Khánh cho rằng: “Hai tên gọi khác nhau là Bụt và Phật phản ánh hai còn đường du nhập của đạo Phật, một đằng thì trực tiếp từ Ấn Độ sang (Bụt là phiên âm thẳng từ Ấn Độ Buddha); một đằng thì thông qua Trung Quốc (Phật, Phù đồ là âm Hán Việt của các từ ngữa Trung Quốc). Bụt lại là từ ngữ dân gian, còn Phật thì là từ ngữ bác học”. Trong cuốn sách Những tiếng trống qua cửa nhà sấm, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tác giả Huệ Thiên không đồng tình. Ông cho rằng cả Bụt lẫn Phật đều là những hình thức phiên âm của từ Sanskrit buddha. Từ này đã được người Trung Hoa phiên âm bằng nhiều cách, đọc theo âm Hán Việt hiện đại là Phật Đà, Phật Đồ, Phù Đồ.Phật là dạng tắt đã trở thành thông dụng của Phật Đà và Phật Đồ. Còn Bụt là âm xưa còn Phật là âm nay của cùng một chữ Hán, chứ không phải một đằng là âm dân gian, một đằng là âm bác học, càng không phải Bụt là âm do người Việt Nam phiên thẳng từ tiếng Ấn Độ (tr.195-196).

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30