Nên nhìn nhận vấn đề văn học phản ánh hiện thực như thế nào

 NÊN NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ VĂN HỌC

PHẢN ÁNH HIỆN THỰC NHƯ THẾ NÀO

                                                                                     GS.TSKH. Lê Ngọc Trà

           Vấn đề hiện thực là một trong những quan tâm lớn của văn học từ xưa đến nay. Mặc dù trong thế kỉ của chúng ta mối quan hệ văn học và hiện thực như một vấn đề lý luận không được đặt ra cấp thiết và rộng rãi như trong thế kỉ XIX- XX, nhưng ở nhiều mức độ khác nhau, nó vẫn thường hiện diện trong phát biểu của các nhà văn và các nhà phê bình, nhất là ở Việt Nam. Có thể nói ở nước ta hiện nay, hiện thực vẫn là một chữ ám ảnh những người sáng tác, những người làm lý luận và đặc biệt là những người được phân công “ quản lí ” văn nghệ. Cho dù thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” không còn có vai trò và được nhắc đến nhiều như trước nhưng phản ánh hiện thực vẫn là tinh thần chung, là phương châm mà giới sáng tác được cho là phải hướng tới. Thực tế này đòi hỏi cần có những nghiên cứu sâu hơn vấn đề đặt ra.

           Văn học định hướng hiện thực là một xu hướng lớn, rất phổ biến và đạt được những thành tựu rực rỡ với những tên tuổi vĩ đại và những tác phẩm bất hủ. Sức  mạnh cơ bản nhất của văn học hiện thực là sự phân tích xã hội, khả năng nhận thức, trước hết là nhận thức về hiện thực xã hội và hiện thực về con người. Tác phẩm hiện thực đem lại cho người ta một cái nhìn mới, một cái nhìn khác về những điều đã thấy hay đã biết, từ đó khám phá thêm những cái mới trong đời sống, trong con người, giúp người ta không chỉ biết được nhiều hơn mà còn hiểu sâu hơn – hiểu sâu hơn không chỉ hiện thực bên ngoài mình mà còn cả chính mình, cuộc đời mình, cái bên trong mình. Mặt khác, bởi vì trong tác phẩm định hướng hiện thực bao giờ sự tái hiện đời sống cũng kèm theo sự phán xét của tác giả về cái được “phản ánh”, nên ngoài giá trị nhận thức, tác phẩm hiện thực còn thường được đánh giá căn cứ vào tính chân lí lịch sử của khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm, tức ý nghĩa lịch sử - toàn dân tộc của sự ca ngợi hay kết án, thương yêu hay căm giận. Về phương diện này có thể nói chủ nghĩa nhân đạo và sự phê phán xã hội là những giá trị tư tưởng lớn nhất của văn học hiện thực.

        Tuy nhiên, cũng như bất cứ định hướng sáng tác nào khác, xu hướng coi “ phản ánh” hiện thực như chức năng cơ bản của nghệ thuật và từ đó mọi sự xét đoán về tác phẩm đều căn cứ vào quan hệ của nó với hiện thực bên ngoài, cũng có những đối thủ và thách thức không nhỏ. Tạm để sang một bên sự phản bác  xuất phát từ quan điểm của Plato cho rằng nghệ thuật “ mimesis” ( mô tả) chỉ tái hiện được những biểu hiện bên ngoài của hiện thực chứ không thể thâm nhập vào “ hình thái” ( Form ), tức bản chất ( Essence) của nó, cũng như sự khước từ nó do những khác biệt mang tính chất hệ hình ( paradigm) của Chủ nghĩa hình thức ( Formalism) hay Lí thuyết biểu hiện ( Expressive Theory), bản thân văn học “ phản ánh hiện thực” cũng tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn đến việc hạ thấp giá trị của tác phẩm. Thực tiễn sáng tác của văn học hiện thực, đặc biệt là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đã chứng tỏ điều đó.

       Một trong những nhược điểm thường gặp của văn học đề cao nguyên tắc phản ánh là nhiều khi tập trung quá mức vào ghi chép, mô tả đời sống, dẫn đến làm giảm sức mạnh tư tưởng và chiều sâu nhận thức của tác phẩm. Người viết dường như coi trọng việc kể lại một câu chuyện có thật, tả lại một sự kiện vừa diễn ra, mô tả một cảnh sống nào đó, “ phản ánh” nó hơn là suy tư về nó. Ở đây, nói theo cách của Aristotle, văn học đã tỏ ra “ không triết học hơn lịch sử”. Người đọc dường như được hướng vào việc thu nhận kiến thức, hiểu biết về hiện thực được phản ánh nhiều hơn là thâm nhập vào sự vận động và mâu thuẫn bên trong của đời sống cũng như những chiêm nghiệm của nhà văn về nhân sinh, thế sự.

       Một biểu hiện khác cũng thường dẫn đến hạ thấp uy tín của văn học “ phản ánh” là ở chỗ khá nhiều tác phẩm văn học hiện thực chủ yếu hướng vào tái hiện đời sống hằng ngày, cảnh sinh hoạt, ăn ở hay các sự kiện xã hội, tức là chủ yếu hướng vào hiện thực “ vật chất”, hiện thực xã hội bên ngoài. Gía trị tư tưởng của tác phẩm do đó cũng chủ yếu xoay quanh chủ nghĩa nhân đạo : bày tỏ sự cảm thông, thương xót những cuộc đời nghèo khổ, bất hạnh bị chà đạp hay tố cáo sự bất công xã hội, áp bức, bóc lột con người. Những tác phẩm ưu tú của văn học hiện thực đã vượt qua giới hạn này, đi vào hiện thực bên trong của con người, khám phá “ Biện chứng của tâm hồn” và từ đó tiến sâu một bước nữa, vượt ra khỏi ranh giới của chủ nghĩa tâm lí, bước vào thế giới của tư tưởng, vào hiện thực tinh thần. Chính ở đây văn học sẽ trở nên triết học hơn bao giờ hết. Tác phẩm nghệ thuật lúc ấy không chỉ là cẩm nang về đời sống, một hành động chính trị, một cảm xúc riêng tư, một tình cảm đạo đức mà còn chứa đựng những khám phá của nhà văn về bí ẩn của con người, những động cơ chìm sâu trong tiềm thức, vô thức, những trăn trở về tự do, những tìm tòi về chân, thiện, mỹ. Nếu không cố gắng đạt đến đó, văn học hiện thực chỉ dừng lại ở dạng phổ biến, thông thường và trong trường hợp đó, theo Dostotevsky “ chủ nghĩa hiện thực là trí tuệ của đa số, của đám đông, một đám đông không nhìn thấy xa hơn cái mũi của mình, nhưng còn đầu óc thì tinh ranh và thông tỏ, hoàn toàn thích hợp với cái trước mắt”. ( Dostoevsky, 31).

        Một nguy cơ khác đối với việc “phản ánh” hiện thực trong văn học, ảnh hưởng đến tính chân thực của sự tái hiện đời sống và giá trị nhận thức của tác phẩm – đó là sự thể hiện lộ liễu tính khuynh hướng và tính chất áp đảo của mục tiêu giáo dục, tuyên truyền đối với mục tiêu nhận thức. Nếu trong trường hợp đầu, tính khuynh hướng lộ liễu chỉ làm tổn hại đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm do tình trạng tác giả đứng ra thuyết lí nặng nề, thì đối với trường hợp sau, sự lấn át của mục tiêu tuyên truyền không chỉ hạn chế ý nghĩa nhận thức của tác phẩm mà còn làm thay đổi bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, biến nghệ thuật thành công cụ hay vũ khí, thành phương tiện để đạt những mục tiêu ngoài nghệ thuật. Lúc ấy văn học không những bị giới hạn trong việc lựa chọn đối tượng phản ánh như đã nói ở trên ( chỉ phản ánh cái điển hình tiên tiến, cái mới, cái tốt, trong quá trình phát triển cách mạng…) mà còn bị hạn chế trong thái độ, cách nhìn đối với cuộc sống nói chung cũng như những hiện tượng được mô tả nói riêng. Cảm hứng bi kịch, nỗi buồn, thậm chí cả thái độ trào phúng, nếu không gắn với mục tiêu phục vụ chính trị đều được coi là không thích hợp. Kết quả là văn học định hướng hiện thực đã không thực hiện được chức năng cơ bản của mình : hiện thực đã không được “phản ánh” đầy đủ trong tất cả chiều sâu và sự đa dạng của nó, nhận thức của người đọc về hiện thực qua các tác phẩm văn học, do đó, cũng hời hợt, phiến diện, một chiều. Đó là vì ngay từ đầu nghệ thuật đã không hiện ra trong bản chất của nó.“ Nghệ thuật không đơn giản là công cụ của ý chí chính trị-xã hội; nghệ thuật có giá trị như tài liệu về xã hội chỉ khi nó thực sự là nghệ thuật chứ không phải khi nó được sử dụng như một vũ khí” ( Gadamer, 579). Nếu không thực sự là nghệ thuật, văn học hiện thực dễ biến thành “trí tuệ của đám đông, của đa số”.

       Trong suốt quá trình tồn tại của mình, nghệ thuật theo định hướng hiện thực luôn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giới phê bình, đặc biệt là phê bình văn học mác-xít. Tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm theo xu hướng này thường tập trung xoay quanh hai điểm chính : một là tính chất của bản thân hiện thực được phản ánh và hai là nghệ thuật mô tả hiện thực ấy. Giá trị của tác phẩm phụ thuộc trước hết vào giá trị của hiện thực được lựa chọn làm đối tượng phản ánh cùng với thái độ đối với nó, sau đó là tài năng của tác giả trong việc mô tả hiện thực. Tác phẩm không được xem như một công trình sáng tạo nghệ thuật mà như tấm gương trong suốt, xuyên qua nó có thể nhìn thấy hiện thực bên ngoài rõ hơn, hấp dẫn hơn. Theo quan điểm phê bình mác – xít, hiện thực càng đẹp, càng lớn giá trị tác phẩm phải càng cao. Nhiệm vụ của nghệ sĩ, của nhà văn là phải tạo ra được những tác phẩm lớn ngang tầm thời đại và muốn thế người cầm bút phải sống với hiện thực vĩ đại của cách mạng, phản ánh chân thật và hùng hồn hiện thực ấy. Yêu cầu thường được đặt ra đối với người sáng tác là tại sao hiện thực chúng ta đang sống thì to lớn mà văn hoc nghệ thuật lại không có những tác phẩm lớn. Trong một thời gian dài, sự lý giải đơn giản quan hệ văn học và hiện thực kiểu như vậy đã chiếm vị trí chủ đạo trong phê bình nghệ thuật chính thống ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Ngoài cách hiểu mang nặng tính thực dụng và tính chất ý thức hệ, khuynh hướng này còn bộc quan niệm phiến diện và có phần hời hợt về ý nghĩa nhận thức của văn học hiện thực nói riêng. Ở đây mọi phẩm chất của tác phẩm đều quy về giá trị hiện thực và giá trị hiện thực này không được hiểu như tinh thần phân tích xã hội, nhận thức bản chất của cuộc sống, bí ẩn của con người, như sự “ hiểu đời” (chữ của Cao Bá Quát ), mà ở việc cung cấp “ bức tranh hiện thực” về một giai đoạn lịch sử nào đó, cung cấp những kiến thức về một tầng lớp, giai cấp, một cảnh sinh hoạt của một thời. Cách tiếp cận và phân tích tác phẩm như vậy đã ngự trị rất lâu trong giới nghiên cứu và trong nhà trường Việt Nam, để lại những hậu quả vẫn còn phổ biến cho đến tận hôm nay.

          Nghệ thuật sáng tác theo định hướng hiện thực, xem thế giới hiện thực bên ngoài như đối tượng nhận thức là một khuynh hướng lớn trong lịch sử nghệ thuật nhân loại. Dù không phải là toàn bộ nghệ thuật, nghệ thuật hiện thực vẫn là một bộ phận lớn trong di sản văn hóa tinh thần của nhân loại. Nhiều tác phẩm vẫn đang được sáng tác theo nguyên tắc “phản ánh” hiện thực. Công chúng vẫn quen với việc tiếp nhận tác phẩm hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực vẫn là “ trí tuệ của đám đông, của đa số

         Tuy nhiên tính chân thực của sự “phản ánh” không phải là tiêu chuẩn chính yếu, là giá trị duy nhất hay cốt lõi của tác phẩm nghệ thuật và bản thân việc “phản ánh hiện thực” cũng không phải là đặc trưng bản chất của nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng. Không nên tuyệt đối hóa giá trị hiện thực của tác phẩm. “ Phản ánh” hiện thực, cho dù là phản ánh có chọn lựa, có sáng tạo, có kèm theo sự đánh giá và phán xét của người viết đối với cái được mô tả chứ không phải phản ánh theo kiểu tấm gương, sao chép hoặc thờ ơ, thì đó cũng chỉ là một mặt của hành động sáng tạo, của nội dung tác phẩm. L. Tolstoi đã từng nói: “ Chủ nghĩa hiện thực làm yếu tư tưởng” ( L. Tolstoi, 39). Nghĩa là “ chủ nghĩa hiện thực” “ tư tưởng” là hai mặt khác nhau và ý của L. Tolstoi ở đây là nếu nhà văn quá sa đà vào “phản ánh” đời sống hoặc vào mô tả thật chân thực  để cho hấp dẫn thì điều đó có thể khiến người viết sao nhãng việc thể hiện những quan niệm, những “tư tưởng” và đồng thời do đó cũng lôi kéo người đọc khỏi những vấn đề được đặt ra, tức là “ làm yếu” những mặt khác, đặc biệt là tư tưởng.

         Ba mươi năm trước tôi có viết: “…văn học trước hết không phải là phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực”( báo Văn Nghệ số 20,14/5/1988). Bài viết gây nhiều tranh cãi. Người phản bác thì cho rằng đó là phủ nhận văn học phản ánh hiện thực, người đồng tình thì nghĩ nói như vậy cũng chỉ cốt đề cao vai trò của chủ thể, tính tích cực của sự phản ánh. Thật ra ai đọc kỹ bài viết sẽ thấy tôi không hề phủ nhận hoàn toàn việc văn học phản ánh hiện thực và cũng không phải chỉ nhấn mạnh tính tích cực của nhà văn trong quá trình phản ánh.“ Nghiền ngẫm về hiện thực” nói ở đây không phải là một phương diện của sự phản ánh, không phải “nghiền ngẫm” để phản ánh cho sâu sắc hơn, mà là một mặt khác của nghệ thuật, của tác phẩm. Nghiền ngẫm về hiện thực là trăn trở, chiêm nghiệm về cuộc đời, về sự sống, về cõi nhân sinh và từ đó sẽ nảy sinh ra tư tưởng. Tư tưởng ấy, nói theo L. Tolstoi, không phải là một mặt của “chủ nghĩa hiện thực”, mà là một phương diện khác tồn tại cùng với “chủ nghĩa hiện thực”. 

        Nghệ thuật không chỉ mang lại bức tranh về đời sống mà còn chứa đựng tư tưởng – tình cảm của người cầm bút và những khám phá sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Trong nghệ thuật, giúp người ta biết thêm điều gì đó về thế giới bên ngoài là cần thiết, nhưng mang lại cho người ta trải nghiệm về những chân lí xưa cũ hay dù chỉ là những rung động thoáng qua, những cảm giác về một âm thanh, một màu sắc cũng đều cần thiết như nhau. Bởi vậy quan trọng không phải là “hiện thực” hay “không hiện thực” mà ở nội dung tinh thần, ở giá trị tư tưởng- nhận thức và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.      

        Xem xét và đánh giá lại quan niệm mác-xit về “văn học phản ánh hiện thực” không đồng nghĩa với việc phủ nhận hoàn toàn khả năng nhận thức và mô tả hiện thực của văn học, cũng như khước từ nguyên tắc hiện thực XHCN không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa hiện thực và nguyên tắc sáng tác hiện thực nói chung. Ngày nay nếu văn học theo định hướng “phản ánh hiện thực” không được chào đón như trước đây nữa thì ngoài vấn đề giá trị và chất lượng của tác phẩm, tài năng của nhà văn, đó còn do yếu tố thị hiếu, yếu tố thời đại. Mỗi thời thường có những chọn lựa, sở thích về cái hay, cái đẹp riêng.

           Hiện thực là khái niệm quan trọng đối với văn học, nghệ thuật. Nhưng không nên bó hẹp vấn đề hiện thực và văn nghệ trong mối quan hệ mang tính chât quyết định luận của đời sống xã hội đối với văn học cũng như trong chức năng phản ánh hiện thực bên ngoài của tác phẩm nghệ thuật. Đối với nghệ thuật, hiện thực không chỉ là thực tại đời sống thường nhật mà còn là thực tại được kiến tạo bằng ý thức. “ Thế giới bao gồm nhiều thực tại khác nhau” ( Berger P. & Luckmann T., 38). Con người có thể sống trong nhiều thực tại khác nhau như khi lao động, khi nằm mơ, khi xem kịch, khi chơi sắm vai, khi thực hành lễ nghi tôn giáo. Dẫu biết rằng trong số các thực tại ấy, thực tại của đời sống thường nhật, theo Berger và Luckmann, được coi là “ thực tại tối thượng, hoàn hảo nhất”, luôn luôn bao trùm lên các lãnh địa khác của ý thức, tự áp đặt mình lên trên ý thức theo một cách đồ sộ nhất, manh mẽ nhất và “ý thức luôn trở về với thực tại tối thượng như trở về từ một chuyến viễn du”, nhưng cuộc sống không thể chỉ cột chặt vào “thực tại tối thượng”, vào đời sống thường nhật. Con người cần được sống trong nhiều thực tại khác nhau. Sự độc tôn của văn học hiện thực sẽ làm nghèo thế giới nghệ thuật, ràng buộc và hạn chế tầm nhìn, tư duy sáng tạo của nghệ sĩ, sẽ làm mòn thị hiếu nghệ thuật của công chúng, dẽ đưa cách cảm thụ nghệ thuật trở về với “tư duy duy thực ấu thơ” ( Jean Piaget ), đồng nhất ký hiệu với cái được biểu đạt, lẫn lộn bức tranh được miêu tả với thực tại, sân khấu với cuộc đời. Tất cả điều đó sẽ góp phần làm gia tăng sự lệ thuộc của con người vào “ thực tại tối thượng”, vào đời sống thường nhật, vào chủ nghĩa thực dụng, kìm hãm sự thăng hoa của những giá trị tinh thần. Mọi biểu hiện của đầu óc duy vật và vô thần triệt để đều là những thứ là xa lạ với bản chất cuộc sống và lại càng xa lạ hơn với nghệ thuật.

Năng lực sống và tạo ra những thực tại khác nhau ngoài đời sống thường nhật là chỉ dấu về sự phong phú của cuộc sống tinh thần và tài năng sáng tạo của cá nhân. Và ở  đây nghệ thuật có tầm quan trọng đặc biệt.

 

                                                                                           Sài Gòn, 12/2017

TÁC GIẢ TRÍCH DẪN:

Berger, P. & Luckmann T. ( 2015)  Sự kiến tạo xã hội về hiện thực ( Trần Hữu Quang chủ biên dịch và chú thích ), TriThức, HN

Carroll, Noel ( 2007)  Philosophy of Art, Routledge, London & New York

Dostoevsky, F.M. ( 1987)  Về văn học Nga ( tiếng Nga), Nxb. Người Đương Thời, Moskva

Gadamer, G. H. (2003)  Truth and Method, second ed., Continuum, N.Y.

Tolstoi, L.N. ( 1985) Toàn tập ( 22 tập), tập 22 ( tiếng Nga), Moskva

                        

 

L.N.T

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31