NHỮNG LỜI HÁT DÂN DÃ VỀ CÁ, CHIM, HOA, TRÁI MIỀN NAM
Nguyễn
Thị Kim Ngân
The folk songs about the fishes, birds, flowers, fruits in the South of Vietnam
“Ve” verse (a kind of folk song) about
the species of fishes, birds, fruits in the Folk – song store in the South of
Vietnam forms a very interesting and plentiful part. Those are the songs of the
folk (usually known as “đồng
dao” (children’s songs)) which reflect the feelings of
the nature, the yield in the South of Vietnam and have individual characters in
the improvisation of the people in the South Vietnam. Those characters are
expressed by the choice and the use of verses, the arrangement of the
structures and the attached technical methods of “telling a folk song”.
Trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, mục viết về vè, Vũ Ngọc Phan có nhắc đến vè về các loài hoa trái, các loài cá, nhưng lại cho rằng thể vè chỉ “phổ biến ở miền Bắc và miền Trung”. Nhận định này chưa thỏa đáng, do tình hình tư liệu sưu tầm lúc ấy chưa đầy đủ[1]. Những công trình sưu tầm biên khảo về ca dao dân ca nói chung, đồng dao nói riêng gần đây đã thật sự mang lại cho chúng ta nhiều thú vị bất ngờ cùng, một cái nhìn bổ sung: vè là thể loại văn học dân gian cũng rất phát triển ở miền Nam, đặc biệt là vè về các loài cá, chim, hoa, trái, về các loài bánh, loài rau, các loài kiến,… và vè “nói ngược”.
Riêng vè về cá, chim, hoa, trái tạo thành một mảng mang phong vị dân dã đặc sắc của miền Nam. Thực hiện bài viết này, tác giả muốn tìm hiểu, gợi ra một số đặc điểm nội dung, hình thức của mảng vè về cá, chim, hoa trái ở miền Nam.
Bước đầu, khảo sát 14 lời đồng dao in trong tập Đồng dao Việt Nam (sưu tầm, nghiên cứu, tuyển chọn) – Nguyễn Nghĩa Dân, NXB Văn học 2008, có tham khảo đối chiếu với 2 lời Vè trái cây và Vè con cá trong Tục ngữ ca dao dân caViệt Nam của Vũ Ngọc Phan, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, tái bản lần thứ tám năm 1978, có thể nhận thấy một số đặc điểm đáng lưu ý sau đây của vè về cá, chim, hoa trái miền Nam.
1. Vè về cá, chim, hoa trái miền Nam thường dễ dàng chuyển thành đồng dao (những câu hát của trẻ em). Trong 14 lời (in trong tập Đồng dao Việt Nam)[2] có 4 lời kể về các loài cá, 4 lời kể về các loài chim, 3 lời về các loài trái cây, 2 lời về các loài hoa và 1 lời về các loài rau.
Chức năng của vè là kể, khi đã chuyển thành đồng dao, thì thêm chức năng ghi nhớ – ghi nhớ vào tâm trí trẻ em, ghi nhớ vào kí ức cộng đồng.
Chỉ mới là một góc thiên nhiên miền Nam được kể ra, được ghi vào tâm trí trẻ thơ qua
những câu hát, đã thấy thiên nhiên sản vật phong phú, gần gũi như thế nào: Hơn
hai trăm loài cá, khoảng bảy chục loài trái cây, chừng năm chục loài hoa, hơn bốn
chục loài chim, và hàng chục loài rau. Đó quả là những lời ca dân dã về một
thiên nhiên phong phú, tươi đẹp, thân thiện với con người.
2. Trong ca dao dân ca Việt Nam, vè có thể được sáng tác theo thể lục bát, 5 chữ, 3 chữ, hoặc 4 chữ. Nhưng việc lựa chọn thể thơ nào để kể vè thì tùy thuộc ở mỗi vùng miền. Ở khu vực miền Trung nước ta, nhất là vùng Nghệ Tĩnh, rất thịnh thể vè 5 chữ. Các bài hát dặm vè Nghệ Tĩnh rất được ưa chuộng trên vùng đất này đều thuộc thể 5 chữ như vậy: Vè chúc thọ Tự Đức năm mươi tuổi, Vè đi lính, Vè chồng chung, Vè làm lẽ, Vè gái góa, Vè nghĩa quân Bang Ninh hạ thành Hà Tĩnh, Vè con dao. Trong khi đó vè về cá, chim, hoa trái, rau cỏ miền Nam hầu như chỉ sử dụng thể thơ 4 chữ. (Nói chính xác hơn là 4 chữ nếu tách dòng, 8 chữ nếu gộp dòng). Hẳn là do ưu thế của thể thơ này và một phần do “cá tính của người miền Nam”.
Mô hình bố cục đầy đủ của một bài vè gồm
ba phần (ba đoạn): mào đầu, kể và kết[3]. Chẳng hạn, lời
bài Vè trái cây trong Tục ngữ ca dao
dân ca Việt Nam
của Vũ Ngọc Phan, có mào đầu:
Nghe vẻ nghe
ve, nghe vè trái cây.
Tiếp đến là phần kể:
Dây ở trên mây là trái đậu rồng
Có vợ có chồng là trái đu đủ…
Và, phần kết:
Nhưng chi lịch sự bằng táo với hồng.
Những gái chưa chồng muốn ăn mua lấy.
Thường không mấy khi các lời ca có đầy đủ ba phần. Nhiều trường hợp chỉ có phần mào đầu và phần kể.
Dưới đây xin nêu một số ví dụ.
Lời A31:
- Mào đầu:
Cá biển cá đồng
Cá sông cá ruộng
- Kể:
Dân yêu dân chuộng
Là cá tràu ổ
….
Cứ viết lách luôn
Là con cá chép…
Lời A32:
- Mào đầu: Cá biển cá bầy
- Kể:
Ăn ngày hai bữa
Là con cá cơm
….
Ăn chẳng biết no
Là con cá hốc.
Lời A194:
- Mào đầu: Nghe vẻ nghe ve/ Vè các loài cá
- Kể:
Cá kình, cá ngạc
Cá nác, cá dưa
…
Bông voi, út hoác
Cá chạc, cá mòi...
Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ có phần kể. Ví dụ lời A213 không có mào đầu, vào bài là kể ngay về “cá cơm”, “cá ngát”:
No lòng phỉ dạ
Là con cá cơm
Không ướp mà thơm
Là con cá ngát
…
Kết thúc, vẫn là là những câu kể (về “cá lòng tong”, “cá nhái”):
Dài lưng hẹp nách
Là cá lòng tong
Ốm yếu hình dong
Là con cá nhái.
Xuất phát từ chức năng của vè (trong đồng dao), sức kể (kể đúng, kể rõ, kể nhiều) của người hát rất được coi trọng. Vì thế, một bài vè thường kể ra không dưới 10 loài (cá, chim, hoa, trái). Và dĩ nhiên, kể được càng nhiều, càng thú vị thì càng đáng được tán thưởng.
Theo đó, mỗi lời ca đều cố gắng lập một “kỉ lục” nào đó.
Chẳng hạn:
- Về các loài chim: lời A46 kể được 10 loài, lời A132 kể được 23 loài, lời A191 kể 17 loài, lời A265 kể được 10 loài. Về các loài cá, lời A31 kể được 23 loài, lời A32 kể được 12 loài, lời A213 kể 10 loài. Đặc biệt lời A194 kể tới 228 loài cá.
- Về các loài trái cây, lời A110 kể 18 loài, lời A192 kể 26 loài, lời A301 kể 33 loài.
- Về các loài hoa và rau, lời A188 kể 28 loài hoa, lời A275 kể 37 loài hoa, lời A190 kể 13 loài rau.
Tiết tấu kể quen thuộc của các bài vè thường là tiết tấu tạo theo nhịp chẵn của thơ 4 chữ. Thường cứ 8 chữ kể xong một loài. Nhưng nhiều khi để kể được nhanh và nhiều loài hơn, lời kể có xu hướng co lại trong bốn chữ hoặc hai chữ, và một dòng thơ 4 chữ có thể kể được đến hai loài. Ví dụ lời A194 đã dùng 114 dòng thơ 4 chữ kiểu “Cá kình, cá ngạc/ Cá nác, cá dưa/ Cá voi cá ngựa/ Cá rựa, cá dao/…” để kể được 228 loài cá.
Lời A301 cũng có những dòng thơ 4 chữ kể tới hai loài trái cây(Cam ngọt cam sành/ Chuối già chuối ngự)
3. Chức năng của vè là kể, nhưng nếu chỉ liệt kê thì vè kém mềm mại, hấp dẫn và kém về mặt thẩm mĩ. Người kể vè giỏi thường không chỉ biết nhớ được nhiều loài mà còn là người hóm hỉnh, nhanh, nhạy, phong phú về khả năng liên tưởng. Phẩm chất này rất cần để nắm bắt đặc điểm riêng của mỗi loài cá, chim, hoa trái.
Lời A275 dưới đây gồm 74 dòng 4 chữ, kể 37 loài hoa, cho thấy cách ví von liên tưởng của tác giả dân gian rất linh hoạt và không kém phần thú vị:
Trời làm hạn hán/ Nước biển mặn mòi/ Vác móng mà soi/ Là hoa bông giếng/ Hay bay hay liệng/ Là hoa chim chim/ Xuống nước mà chìm/ Là hoa bông đá/ Làm bạn với cá/ là hoa san hô/ Cạo đầu đi tu? Là hoa bông bụt/ Khói bay nghi ngút/ là hoa hoắc hương/ Nước chảy đẫm đường/ Là hoa mần tưới/ Đi ăn đám cưới/ Là các hoa dâu/ Muốn tắm ao sâu/ Là hoa muống biển/ Nói bậy đi kiện/ Là hoa mít nài/ Trèo cao có tài/ Là hoa cứt chuột/ Cây suôn đuồn đuột/ Là hoa cứt dê/ Đi học bỏ về/ Là hoa bông trốn/ Ra trái chộn rộn/ Là hoa thầu dầu/ Khéo uốn lưỡi câu/ Là hoa ngành ngạnh/ Ăn vụng bị đánh/ Là hoa nhọ nồi/ Khốn khổ thân tôi/ Là hoa bồ ngót/ Giận ai chua xót/ là hoa trà giang/ Quần áo lang thang/ Là hoa mần giẻ/ Không già không trẻ/ Là hoa bạc đầu/ Thiên hạ tới cầu/ Là hoa bông lúa/ Hay làm hay múa/ Là hoa vòng tay/ Cho mượn cho vay/ Là hoa cam thảo/ Đêm nằm tỏ rõ/ Là bông hoa trăng/ Không nói không rằng/ Là hoa ngủ điếc/ Xanh xanh biêng biếc/ Là cái hoa chàm/ Đụng chút đã hờn/ Là hoa xấu hổ/ Vui chơi thong thả/ Là cái hoa chè/ Ăn nói lè nhè/ là hoa chùm rượu/ Rủ nhau bổ củi /Là hoa đầu rìu/ Lo xế lo chiều/ Là hoa bông cái/ Rủ nhau làm vải? Là cái hoa bông/ Xuống quán ngồi không/ Là hoa bông chén/ Xuống rừng mè trẽn/ là hoa vòi voi/ Rủ nhau bám nòi/ Là hoa bươm bướm/ Nhỏ mà khó lượm/ Là cái hoa mè/ Muốn đứng gần xe/ Là hoa vạn lý.
Tất nhiên, việc nhận diện, chỉ ra đặc điểm các loài hoa, thường ít khi mang lại những thông tin nhận thức có giá trị khoa học, mà chủ yếu vẫn là làm sao kể được về các loài hoa một cách tươi, hóm, thú vị. Cho nên có thể kết luận ngay với tác phẩm vè vẫn phải coi trọng tính thẩm mĩ. Và nhận thức ở đây, căn bản vẫn là nhận thức – thẩm mĩ. Đúng với đặc trưng của văn học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Ngọc Phan (1978), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, tái bản lần thứ tám.
2. Nguyễn Nghĩa Dân (2008), Đồng dao Việt Nam (sưu tầm, nghiên cứu, tuyển chọn), NXB Văn học.
3.Nguyễn Thuý Loan, Đặng Diệu Trang (1997), Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, NXB Văn hoá.
4. Nguyễn Thành Thi (1998), Đồng dao nói ngược ở Khánh Hòa, Phú Yên, Văn hóa dân gian, số 2.
5. Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2002), Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, luận án Tiến sĩ ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm TP HCM.
6. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên)(1999), Văn học dân gian Việt Nam- những công trình
nghiên cứu, NXB Giáo dục TP HCM.
[1] Công trình in lần đầu năm 1956 (NXB Văn Sử Địa), và được tái bản nhiều lần. Cho đến năm 1977, tác giả chỉnh lí, bổ sung công để in lần thứ tám năm 1978 (NXB Khoa học Xã hội). Theo Vũ Ngọc Phan, trong điều kiện “nước nhà mới thống nhất được hai năm”, tác giả “chỉ mới sưu tầm thêm một ít ca dao dân ca miền Nam”.
[2]Các dẫn liệu trích theo Nguyễn Nghĩa Dân (sưu tầm,
nghiên cứu, tuyển chọn): Đồng dao Việt Nam – NXB Văn học 2008 đều được đánh số thứ tự. Các lời ca trong
bài viết, mang mã số A31, A32, A46, A.110, A.132, A188, A190, A191, A192, A194,
A213, A265, A275, A301 đều lấy từ tập sách này.
[3] Khi xác định mô hình này, chúng tôi có tham khảo mô hình bố cục chung của đồng dao nói ngược Khánh Hòa, Phú Yên, do Nguyễn Thanh Thi đề xuất trong Đồng dao nói ngược ở Khánh Hòa, Phú Yên, Văn hóa dân gian số 2/1998, tr. 47.