Đọc ca dao tình yêu xứ Nghệ...

Đọc ca dao tình yêu xứ Nghệ

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Bài đã đăng trên Bình luận văn học, NXB Văn hóa Thông tin)       

           1. Cũng như ca dao các vùng trong cả nước, những bài ca dao của xứ Nghệ là những lời ướm hỏi, những câu giao duyên tế nhị, những lời thề nguyền gắn bó, những lời xe kết diết da, những lời nhớ nhung và những trách móc ai oán, những nỗi niềm tủi nhục và những trách móc đắng cay, nói lên  những mối tình éo le, ngang trái, dang dở… với mọi nỗi giận hờn, lo lắng, đau xót nhưng dạt dào sức sống. Tất cả đều trong sáng lành mạnh và ít nhiều mang bản sắc riêng của con người xứ Nghệ trong Tổ quốc Việt Nam.

      2.1.  Tình yêu con người vốn thuộc về cõi riêng tưởng như bé nhỏ nhưng lại hết lớn lao và đầy sức sống. Tình yêu trong ca dao xứ Nghệ cũng như vậy: lớn lao và giàu sức sống như thiên nhiên đất nước, như cuộc sống cần lao. 

     Cái lớn lao của tình yêu tình yêu trong cõi thầm kín của con người được đo bằng chiều kích của đá núi, mây trời, bằng sự vĩnh hằng của thiên nhiên tạo vật và không tách rời tình yêu đất nước quê hương :

Bao giờ Hồng Lĩnh đá mòn

Hoành Sơn mây phủ dạ còn nhớ anh”

Trời xanh biển rộng mênh mông

Yêu anh yêu cả ruộng đồng nuớc non”.

           Khi yêu, tâm hồn con người trở nên đa cảm, mộng mơ, lãng mạn như   “Tâm hồn thi sĩ”, nhưng đây là người nghệ sĩ của làng quê. Do vậy, dù khi miêu tả tâm trạng hay khi tỏ tình, hình ảnh người trong cuộc bao giờ cũng hiện lên trong không gian làng quê. Có khi phảng phất, hư ảo như bóng người, bóng trăng:

Sáng trăng ngồi gốc cây mai

Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình

Cành lê thấp thoáng sau nhà

Bóng trăng dọi lại, anh tưởng là bóng em”;

có khi lại thực và chân chất như tấm lòng của nhà nông với cây lúa, hạt gạo, như bà mẹ với con thơ:     

“Thương em khi cấy lúa  ra

Lúa bỏ lá hẹ lúa ra đòng đòng

 Thương  em khi mới lọt lòng

“Khi ăn cơm mớm mẹ bồng trên tay”

    Cái say đắm của người lao động đang yêu luôn được “bảo hiểm” bởi một tinh thần thực tiễn, tiêu chuẩn thực tiễn:

Tóc thơm những búi mạ trưa

Ham chi người đẹp mà thưa công làm”

“Anh  không  yêu em  quần là áo lượt

Anh không yêu em gương  lược suốt ngày

Anh yêu em cái cuốc liền tay

Cái vai liền gánh  miệng hay vui cười”.

         2.2.Tình yêu của người xứ Nghệ đặc biệt tha thiết, nồng nàn cháy bỏng trong nhưng lời ca tỏ tình.

          Trước gia đình, xã hội, dù táo bạo đến đâu, người lao động xứ Nghệ, khi bày tỏ tình yêu, vẫn tỉnh táo gìn giữ đạo lý, khuôn phép truyền thống:     

“Bây giờ anh  hỏi người ngoan

Em về thưa với thầy mẹ anh muốn dan díu tình”

“Hỏi nàng  thử có chồng chưa

Hay là chưa có anh thưa vài lời”.

       Nhưng trong không gian riêng của tình yêu, khi hò hẹn, gặp gỡ

 “Đêm khuya trăng tắt sao mờ

Ra ngồi bên giếng đợi chờ người thương…”

người ta không ngại ngần trao nhau những lời tỏ tình táo bạo, rất “có  lửa”, như chàng trai trong câu ca dao này:

“Diết da da diết quá chừng

Cho anh chụt một cái em đừng kêu đau”

Người đã dám tỏ tình như thế thì hẳn là lúc xa cách, tương tư phải rất mãnh liệt, cao độ:

 “Thương em ruột nát da vàng

Cá dưới sông ngơ ngẩn, cây trên ngàn héo hon”

     “Thương cha thương mẹ có khi

Thương anh lúc đứng, lúc đi lúc ngồi;

Thương cha thương mẹ có hồi

Thương anh lúc đứng, lúc ngồi lúc đi”.

 Và lúc giận hờn cũng phải thật “đến nơi đến chốn”:

 “Có yêu thì yêu cho chắc

Có trục trặc thì trục trặc cho luôn.

Đừng như con thỏ đứng đầu truông

Khi vui giỡn bóng khi buồn bỏ đi”.

          2.3. Cũng như những câu ca tỏ tình, những lời thề trong ca dao tình yêu xứ Nghệ cũng mang một ngữ khí riêng, rất Nghệ. Thật khó mà quên những lời thề giữa những người yêu nhau như thế này:

- ”Dầu ai khoét mắt chặt tay

Cũng vẫn hơi hướm đường này với anh”

- “Dao phay kề cổ, súng nổ bên tai

Chết thì mặc chết chứ tay không buông nàng”

- “Hai tay cầm tám gươm vàng

Thác đi thì thác buông chàng không buông”

- “ Yêu nhau đem quách nhau đi

Công cha nghĩa mẹ sau này hãy hay”

- “Cơm đơm hai bát, bát ăn bát để

Đũa so hai đôi, đôi đứng đôi nằm

Dù thầy mẹ đập chín chục một trăm

Đập rồi lại dậy, quyết tâm lấy chàng”

          Đó là nhưng lời thề rất nặng, sắc như rìu chém đá, như rạ chém đất. Không rõ ở những vùng quê khác còn có nhiều những câu ca bạo liệt như thế không? Đem “mắt”, đem “tay”, đem cả sinh mạng, danh dự ra mà thề thốt như thế, đủ thấy khát vọng yêu, ý chí yêu của con người trên vùng đất này mạnh mẽ, lớn lao đến mức nào.

          Thề với nhau, thề với trời đất,... chưa hết, lại còn thề trước “công môn”, thề “giữa gia đàng”:

- “Hai ta thề trước công môn

Sống không lấy được chắc (nhau) chết hai hồn táng chung”

- “Anh mà không lấy được nàng

Thì anh tự vẫn giữa gia đàng nhà em”

          Và đến lúc chẳng may bị dồn đến đường cùng thì trở nên liều lĩnh, sẵn sàng thua đủ với tất cả:

- “Mẹ cha có cản đường Bắc

Thì ta rẽ ngoặt đường Nam

Mẹ cha có cản đường Nam

Thì ta rẽ sang đường Bắc,

Ví dù có trục trặc cả đường Bắc đường Nam

Thì xúm tay ta nhen lửa đốt cả xóm làng ta đi.”

Ở đây rõ ràng là có cái cực đoan khó chấp nhận của người rơi vào ngõ cụt, đường cùng. Nhưng điều đáng quan tâm là bài ca dao này góp phần khẳng định thêm kết luận này: có một cốt cách, một dạng thái, một khẩu khí riêng trong ca dao tình yêu xứ Nghệ.      

3. Sự phân tích và trích dẫn trên đây về mảng ca dao tình yêu xứ Nghệ, có thể hiểu thêm về cốt cách, tâm hồn của người vùng đất này. Trong tình yêu, tâm hồn của con người trên quê hương sông Lam núi Hồng khác nào những ngọn núi lửa. Nó ầm ĩ, nung nấu, sục sôi trong lòng, song ngoài mặt vẫn điềm tĩnh, trầm lặng. Đó dường như là cái trầm lặng của hỏa diệm sơn chưa đến ngày phụt lửa, cái trầm lặng của mặt nước biển hồ trong những ngày im gió nhưng dưới đáy vẫn cuộn dậy những đợt sóng ngầm. Đó là cái trầm lặng của con người cảm nhiều, nghĩ nhiều, hành động nhiều. Đúng như Giáo sư Đặng Thai Mai đã nói : “ Nhân dân xứ Nghệ nổi tiếng về khá nhiều khuyết điểm, tâm lí cũng như một số đức tính can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến cá gỗ” nhưng “kì thực đời sống tình cảm của con người ở đây đối với tự nhiên, với con người , với cái đẹp của lý tưởng, tuy không bộc lộ một cách ồn ào, hời hợt, nhưng lại có phần suy nghĩ, điềm tĩnh, sâu sắc và bền bỉ, cảm động đến thiết tha(4) .       

    N.T.K.N

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:

  1. Ninh Viết Giao (1993), Hát phường vải, NXB Nghệ An.
  2. Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang và Hoàng Chương (1963), Dân ca Nam Trung Bộ, 2 tập, NXB Văn hoá, Hà Nội.
  3. Ninh Viết Giao (1996), Về ca dao của người Việt ở xứ Nghệ, trong “Kho tàng ca dao xứ Nghệ”, NXB Nghệ An (tập 1).
  4. Đặng Thai Mai (1958), Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn hoá 
  5. Ninh Viết Giao (chủ biên) (1996), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, 2 tập, NXB Nghệ An.
  6. Ninh Viết Giao (2006), Nghệ An đất phát nhân tài, NXB trẻ.

 



Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30