Giáo dục đại học: Điểm sàn và bài toán tuyển sinh
TS. Nguyễn Thị Kim Ngân
Bài viết đã được trích đăng phỏng vấn trên báo Thanh niên số 95 ra ngày 5/4/2013 và đăng toàn văn trên Báo Đại đoàn kết số 96 ra ngày 6/4/2013 trang 1,12
Còn hơn ba tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào đại học mới bắt đầu, nhưng ngay từ bây giờ cuộc chạy đua đã khởi động! Ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra rầm rộ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Thí sinh chạy đua, các trường đại học cũng chạy đua. Cuộc chạy đua mới chỉ bắt đầu nhưng chưa chi đã nghe tiếng kêu cứu của người trong cuộc. Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và cảnh báo về nguy cơ tan vỡ của khối các trường này. Nhiều trường đang đứng trước cảnh “cái chết được báo trước”. Năm 2012 Đại học Công nghệ Đông Á chỉ tuyển sinh 5,2% chỉ tiêu, Đại học Chu Văn An 15,5%. Nhiều khoa và ngành của một số Đại học ngoài công lập trong hai, ba năm liền không có hoặc chỉ có năm, ba người nộp đơn xin học! Năm 2013 tình hình rồi sẽ ra sao?
Để giải bài toán tuyển sinh, nhiều ý kiến cho rằng ngoài một số yếu tố không kém phần quan trọng như có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, vấn đề cốt lõi để các trường ngoài công lập có thể tuyển sinh được là giải quyết chuyện điểm sàn. Nên hay không có điểm sàn. Nên giữ điểm sàn ở mức nhất định để đảm bảo chất lượng đầu vào hay nên hạ điểm sàn xuống để các trường có nguồn tuyển sinh. Duy trì một điểm sàn chung cho tất cả hệ thống đại học và cao đẳng trong cả nước hay nên có nhiều điểm sàn khác nhau cho các loại trường. Xung quanh vấn đề này đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo chúng tôi để có câu trả lời hợp lí về điểm sàn cần phải thống nhất một số quan điểm có tính chất nguyên tắc, trên cơ sở đó mới có thể giải quyết những việc cụ thể. Thứ nhất đó là vấn đề phân tầng trong giáo dục đại học. Ở các nước, đại học cũng có nhiểu loại: đại học nghiên cứu, đại học tập trung vào đào tạo, đại học tổng hợp, đại học chuyên ngành, đại học cộng đồng, đại học công, đại học tư, đại học mở, đào tạo từ xa… Ở nước ta tính chất phân tầng còn rõ hơn: ngoài hai Đại học quốc gia Hà Nội và TPHCM, còn có các đại học trọng điểm được nhà nước ưu tiên đầu tư, bên cạnh đó là các đại học vùng, đại học do các tỉnh, thành hoặc Bộ chủ quản quản lí, đại học dân lập, tư thục. Nhìn vào đây ai cũng thấy qui mô, chất lượng đào tạo ở các trường nhất định khác nhau. Khó có thể đòi hỏi sinh viên ở một đại học ngoài công lập miền Tây Nam Bộ cũng giống như sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội hay TPHCM. Một điểm sàn chung cho tất cả các trường rõ ràng không hợp lí. Ở đây chúng tôi rất nhất trí với ý kiến của Giáo sư Phạm Phụ phát biểu trên báo Tuổi trẻ ngày 5/3/2013: “Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, trường công lập phải giữ vai trò đào tạo lớp sinh viên tốp trên, còn các trường ngoài công lập đào tạo sinh viên tốp trung bình và thấp. Nếu quan niệm như vậy, phải có nhiều mức điểm sàn khác nhau cho nhiều loại trường trong tuyển sinh”.
Thứ hai là vấn đề chất lượng đào tạo và quá trình đào tạo. Muốn chấp nhận một phổ điểm sàn đa dạng trước hết phải nhất trí với nhau quan điểm cho rằng đối với đại học cần thực hiện nguyên tắc mở rộng đầu vào và quản lí chặt đầu ra, có như thế mới vừa đảm bảo dân chủ, công bằng trong giáo dục, vừa đảm bảo chất lượng sinh viên ra trường. Mới đây trên báo Giáo dục Việt Nam, số ra ngày 3/3/2013, TS.Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long cho rằng những năm qua Đại học Thăng Long thành công một phần vì đã quán triệt nguyên tắc này, luôn coi trọng quá trình đào tạo hơn chất lượng đầu vào. Dĩ nhiên ai cũng biết rằng trong tình trạng nước ta hiện nay, siết chặt đầu ra là chuyện không dễ và đào tạo một sinh viên từ yếu thành khá, giỏi lại càng khó. Tuy nhiên đó là điều bắt buộc và không thể né tránh. Các đại học trên thế giới đều làm như vậy, chẳng lẽ chúng ta lại không thể thực hiện được. Thực tế cho thấy một sinh viên với điểm sàn thấp nếu được đặt trong môi trường giáo dục tốt và nỗ lực học tập thì hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu chất lượng của nhà trường. Mặt khác nếu quả thực sinh viên đó không thể vượt qua được ngưỡng cửa đại học thì đây cũng là chuyện bình thường. Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để thành đạt, huống chi với xu hướng đào tạo theo hệ thống tín chỉ đang triển khai hiện nay, nếu cố gắng tích lũy dần dần, cuối cùng sinh viên nào cũng có thể nhận được bằng đại học.
Để giải bài toán tuyển sinh cho các đại học ngoài công lập, ngoài vấn đề điểm sàn, còn một vấn đề nữa là chỉ tiêu tuyển sinh. Mấy năm qua nhiều trường được cấp chỉ tiêu tuyển sinh quá lớn, dẫn đến các trường khác gặp khó khăn ở đầu vào. Theo thông tin đăng trên báo Tuổi trẻ, năm 2012, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm được cấp 8.200 chỉ tiêu, Đại học Công nghiệp TPHCM 17.000 chỉ tiêu! Nhiều người lập luận rằng “đất lành chim đậu”, trường nào tốt thí sinh nộp đơn nhiều. Điều này không sai. Tuy nhiên trong hoàn cảnh nhà nước chủ trương mở rộng ồ ạt các trường đại học, việc để mặc tình trạng vận hành theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Trước hết là một số trường ra sau hoặc chưa có điều kiện tiếp thị sẽ không có khả năng thu hút thí sinh, thứ hai là những trường được tuyển sinh nhiều sẽ có qui mô quá lớn, khó đảm bảo chất lượng đào tạo. Thông thường nhiều trường đại học ở các nước chỉ có 5.000 – 10.000 sinh viên. Hơn nữa ở nước ta hiện nay kể cả các trường trọng điểm của Nhà nước cũng chưa có trường nào có đủ điều kiện vật chất để đảm bảo đào tạo chất lượng cho hàng vạn sinh viên. Đó là chưa kể đến số lượng và chất lượng giảng viên. Chính vì vậy việc phân phối chỉ tiêu tuyển sinh không đúng sẽ dẫn đến một hậu quả kép: vừa ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường đại học non trẻ và còn yếu, vừa ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường có qui mô sinh viên quá lớn so với điều kiện cho phép.
Trường đại học tồn tại được là nhờ có sinh viên. Muốn có sinh viên trước hết phải tuyển sinh cho được. Giải được bài toán điểm sàn và phân phối chỉ tiêu tuyển là mở lối thoát cho các trường đại học nói chung và đặc biệt là đại học ngoài công lập nói riêng. Xét đến cùng đại học nào – công lập hay ngoài công lập – cũng đều vì giáo dục, đều vì thế hệ trẻ, vì lợi ích quốc dân. “Cứu” đại học ngoài công lập lúc này cũng là vì sự nghiệp giáo dục nói chung./.
TPHCM, 5/2013