Giăng lưới bắt chim - Đi cùng Nguyễn Huy Thiệp

GIĂNG LƯỚI BẮT CHIM

ĐI CÙNG NGUYỄN HUY THIỆP

PGS.TS. NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Năm 2006 Nguyễn Huy Thiệp có tặng tôi cuốn GIĂNG LƯỚI BẮT CHIM do Hội Nhà văn cùng với công ty Đông A  xuất bản. Tôi không còn nhớ lúc ấy đã đọc và nghĩ những gì, nhưng cảm giác chung là rất thích. Thích ở cái giọng của tác giả,cái giọng mà trước đó tôi bắt gặp và thích thú khi đọc CHÂN DUNG VÀ ĐỐI THOẠI của Trần Đăng Khoa. Năm nay NXB Trẻ in lại GIĂNG LƯỚI BẮT CHIM, N.H.Thiệp lại tăng tôi cuốn mới, có thêm bớt đôi chút.

Ban đầu tôi cũng chỉ định đọc qua xem có gì mới không, nhưng rồi đọc lại thấy cuốn hút , có cảm giác như mới đọc lần đầu.Tôi nhận ra rằng N.H.Thiệp quả là một nghệ sĩ thực sự, một nghệ sĩ có đẳng cấp. Anh nói về văn học và nghề văn với cái giọng không khác mấy với nhiều tác giả nổi tiếng nước ngoài khi trả lời phỏng vấn hay viết hồi ký về văn học.Chắc một phần cũng do nhận thấy điều này nên Vương Trí Nhàn đã không ngần ngại nói rằng N.H.Thiệp là người đã “ nối nghề văn ở xứ ta với nghề văn ở cả các xứ khác” và “ trong khi mang nặng cốt cách bản địa, các sáng tác cũng như tiểu luận phê bình của ông đã là một bằng chứng để những ai vốn ngần ngại trước con đường hội nhập có thể yên tâm.”(Giăng lưới bắt…lý luận,báo Thể thao và Văn hóa).

Cái hấp dẫn trước hết ở những tiểu luận của N.H.Thiệp là ở chỗ tác giả nói thật. Nói thật điều mình thấy, nói thật điều mình nghĩ, nói thật cái mình yêu ghét.Ở  nước ta nói thật không dễ. Các nhà văn xã hội chủ nghĩa ít khi dám nói thật, thường họ chỉ nói thật những điều đúng, những cái đã được nhất trí,  giống như  ông chồng trong một truyện tiếu lâm khi được hỏi vì sao vợ chồng ông sống hạnh phúc vậy, ông ấy nói  không có bí quyết gì lạ, chẳng qua do ông tuân theo nguyên tắc là việc gì hai vợ chồng cùng nhất trí thì  ông quyết, còn việc gì không thống nhất thì vợ quyết. N.H.Thiệp không thế. Có thể ở nhà với bà xã chắc anh cũng quyết theo kiểu đó, nhưng ở đây, trong tác phẩm và những tiểu luận anh hành xử theo cách khác hẳn. Anh nói: “ Trừ đôi ba người thực sự xuất chúng, còn nhìn chung văn chương của các cụ ta ngày xưa và những nhà văn hiệnđại ngày nay, so với các dân tộc khác,phải thừa nhận là kém cỏi “( Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn). Anh nhận xét: “ Trong tác phẩm của mình,những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Văn học ở ta rất ít muối”( Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn). Có chỗ anh nói còn dễ làm mất lòng hơn nữa :” Thơ tự do ở ta ra đời với các thể chế và tiết chế thơ độc đoán, được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột,ít học,nóng nảy. Thơ tự do ở ta bắt đầu từ “quần chúng”, kiểu “ lũ chúng ta bọn người tứ xứ”, rõ ràng tự do thật, “rằng hay thì thật là hay” nhưng cũng sẽ có mặt trái của nó khi được dịp lên ngôi. Khi hình thức ( thơ ) bình dân được tư tưởng ( thơ ) bình dân nhân  lên nhiều lần theo cấp số nhân ( giống như cơm bình dân, nhà nghỉ bình dân ) thì tình trạng cả nước làm thơ, thiếu vắng một đẳng cấp ngoại hạng, thượng lưu thì đấy là một bi kịch, một sự cay đắng vô cùng cho văn học”( Hiện tượng Vi Thùy Linh ). Cái tình trạng cả nước làm thơ kiểu như vậy theo N.H.Thiệp không  chỉ là hệ lụy riêng với văn học :”Tôi không dám khẳng định rằng một dân tộc đi đâu cũng thấy tiếng thơ véo von là một dân tộc suy đồi, nhưng bất hạnh là chắc chắn”( Con đường của nhà thơ).

Tôi cũng không dám khẳng định rằng những điều N.H.Thiệp nói trên đây là đúng hoàn toàn nhưng có điều tôi chắc là anh nói thật. Nói thật bây giờ dễ hơn trước, bây giờ đã có nhiều người dám nói thật hơn, mà lại nói nhiều chuyện tày đình nữa, liên quan đến quốc kế dân sinh, đến cả sự tồn vong của chế độ, của dân tộc, chứ không phải chỉ chuyện thơ ca hò vè như N.H.Thiệp nói. Nhưng phải thừa nhận rằng hai chục năm trước đây mà nói như vậy là bạo, là dũng cảm. Lòng dũng cảm chống lại mệnh lệnh nhiều khi còn khó khăn hơn  dũng cảm chấp hành mệnh lệnh, cho dù là mệnh lệnh  thực thi một nhiệm vụ nguy hiểm. Có điều tôi ngờ rằng những điều N.H. Thiệp nói ra ở đây không phải do dũng cảm. N.H. Thiệp, theo như tôi biết, không phải là người dũng cảm, dũng cảm hiểu theo nghĩa là người không biết sợ, hăng hái chiến đấu, sẵn sàng xông lên phía trước. Kiểu  hăng hái đó N.H.Thiệp rất ác cảm. Anh nói thẳng: “ Dĩ nhiên không ai cho rằng bản tính lười biếng, rụt rè, sợ sệt là hay ho ở con người.Tuy nhiên những bản tính ngược lại với nó như hăng hái,phiêu lưu,cố gắng biểu hiện điều gì đó thật ra cũng đáng ghê tởm, càng ghê tởm hơn khi nó được ngụy trang bằng một vài lý tưởng mù mờ”( Con đường văn học). N.H.Thiệp không phải là “tuýp” người hăng hái như vậy, thậm chí về một phương  diện nào đó có thể nói anh là người nhút nhát, ngại xuất hiện trước đám đông. Vậy tại sao N.H.Thiệp lại dám nói những điều dễ gây động chạm như thế. Vì  anh tin là mình nói đúng sao? Không phải. Chính anh cũng đã thừa nhận : “ Tôi không hề coi những ý kiến của tôi là chân lý”. Vậy tại sao anh cứ “nói trắng phớ” ra những ý nghĩ của mình, dám “ khỏa thân”( chữ của Trần Đăng Khoa ) như thế?

Tôi nghĩ cái chính bắt nguồn từ bản tính nghệ sĩ mạnh mẽ của nhà văn. Chúng ta nhiều người cũng có bản tính nghệ sĩ. Đọc báo, xem ti-vi thấy bây giờ ai cũng đươc gọi là ca sĩ, nghệ sĩ. Nhưng nghệ sĩ  kiểu đó và tài năng thực sự hết sức khác nhau.” Nghệ sĩ” bình thường thì làm theo khuôn mẫu, dựa theo khuôn mẫu để sáng tạo, còn tài năng thì không câu nệ vào khuôn mẫu, nhiều khi còn phá vỡ khuôn mẫu, thậm chí tự mình tạo ra khuôn mẫu. Nhưng thường thì anh ta tạo ra khuôn mẫu không phải do cố ý mà do sự thành thật. Anh ta thành thật diễnđạt tất cả những điều mình nghĩ, mình cảm thấy, nhưng vì anh ta là nghệ sĩ tài năng nên những điều anh ta nghĩ và cảm thấy  tự chúng sẽ có cái gì đó độc đáo, khác thường. Những cái khác thường ấy đôi khi tạo cảm giác là anh ta dũng cảm hay “sáng tạo”, trong khi thực ra là do anh ta thành thực, trước hết là thành thực với mình, “ trung thực  với mình đến tận đốt xương sống”( Nhà văn và bốn trùm “mafia” ).

Sự  thành thực không chỉ đáng quí ( vì nó đối lập với giả dối, mang lại lòng tin ) mà còn hấp dẫn, nhất là khi  thành thực đó là của nhà văn. Nghệ sĩ  tài năng nói chung, đặc biệt  là nhà văn, vốn là những người có tâm hồn phong phú, sống sâu với cuộc đời, nhưng nói như N.H.Thiệp,hầu hết đều phải trải qua những tình huống hết sức oái oăm trong số phận mình, “ đa số các nhà văn thuộc loại người thất bại chủ nghĩa”, nhà văn “chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy”, anh ta là “ một người nông nổi, một người nông nổi hết sức đáng thương, một kẻ bất hạnh-nhưng tốt bụng” ( Một góc sơ suất…).Tính chất phức tạp trong số phận và tâm hồn nhà văn là một điều kiện để sáng tác và cũng là một yếu tố góp phần tạo nên sức cám dỗ của tác phẩm . L.Tolstoi đã ghi lại ý này trong cuốn  Nhật kýriêng một năm trước khi ông qua đời : “ Để trở thành một nghệ sĩ ngôn từ, cần làm sao cho tâm hồn vươn lên thật cao và làm sao để có thể rơi xuống thật thấp. Lúc đó anh ta có thể hiểu được tất cả những tầng bậc từ trên xuống dưới và anh ta có thể sống trong tưởng tượng, sống với cuộc đời của những người ở rất nhiều các tầng bậc khác nhau”( Trích Nhật ký ngày 3/12/1909).

Khi nhà văn nói thực về cuộc sống hay về những ý nghĩ của mình, hiện thực cuộc sống và thế giới tinh thần của anh ta sẽ hiện ra phong phú, sinh động, có hồn hơn, ít tẻ nhạt hơn, bởi vì bản thân sự sống, cho dù là sự sống tự nhiên hiện hữu trước mắt hay sự sống tinh thần miên man, siêu hình, tự nó là vô thường, luôn luôn biến đổi, đầy màu sắc và do đó rất hấp dẫn. Người ta có thói quen thích nghe những điều đúng và những cái dễ hiểu, nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng đơn giản như vậy. Đòi hỏi khoa học lúc nào cũng dễ hiểu là không tưởng, nhưng đòi hỏi nghệ thuật lúc nào cũng như đạo đức lại càng ngây thơ hơn. Nghệ thuật là cao quí, thánh thiện, nhưng nghệ thuật, theo lời L.Tolstoi,  cũng là “điều ác khổng lồ”: “ Toàn bộ cái gọi là nghệ thuật – đó là một điều ác khổng lồ, một điều ác đươc đưa thành hệ thống…”. Tôi nghĩ rằng bằng trực giác nghệ sĩ, N.H.Thiệp cảm nhận được điều đó.

Đọc GIĂNG LƯỚI BẮT CHIM, thấy N.H.Thiệp  nhiều lần nói đến giá trị to lớn của văn học. Trong bài “ Những khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn”, anh khẳng định: “ Tôi viết bài này với đức tin văn học có ich thực sự và mang lại niềm vui thực sự cho con người. Tôi cũng giữ đức tin văn học là một sự nghiệp cao cả”. Văn học đối với anh “ cũng có vẻ na ná như một bài học luân lý, một bài học nhận thức gì đó”. Có chỗ anh còn đề cao hết mức sứ mạng của nhà văn và văn học: “ Công việc của nhà văn phần nào giống công việc của các bậc thánh, tức là sản xuất ra những người cao thượng, những tình cảm cao thượng. Đấy là lý tưởng cao cả của người cầm bút. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng”( Con đường văn học), “ Thơ, đấy là đạo đức, là văn hóa, là xã hội”( Hiện tương Vi Thùy Linh).

Nhưng thừa nhận chức năng cao cả của văn học, anh vẫn tự hỏi: “ Tôi không hiểu tại sao xã hội lại đi đòi hỏi nhà văn nhiều sứ  mệnh lớn lao đến nỗi trừ phi phải thế nào đấy thì mới tải nổi, chứ nếu là người bình thường thì tôi chắc không sao chịu được”( Một góc sơ suất…). Văn chương  theo anh, ngoài đạo đức và nhận thức, còn là một hành động du hý, “ một cuộc chơi tinh thần, một sự tiến tới độ cực khoái tinh thần”. Nhưng du hý thì cũng vẫn là bổ ích, mua vui cũng được một vài trống canh ( Nguyễn Du). N.H.Thiệp còn nói đến cả một mặt khác của văn học, tương tự như cái mà L.Tolstoi gọi là “điều ác khổng lồ”. Anh cho rằng nhà văn dù biết  văn học vô nghĩa và ẩn tàng nhiều may rủi”nhưng vẫn cầm bút, vẫn viết vì đó là số phận, là lẽ tồn tại của người làm nghiệp văn chương. Anh nhận ra rằng văn học mang con người vào một thế giới hoang tưởng, ở đó người ta bị mê hoặc bởi những thứ hão huyền, có khi không tìm được lối ra trong đời thực. “ Văn học có khả năng thôi miên. Thôi miên bạn đọc,nó còn thôi miên chính người viết. Những bi kịch đầy rẫy trong cuộc đời các nhà văn chứng minh điều ấy” ( Con đường văn học). Nhưng dẫu như thế vẫn còn nhẹ. Văn chương theo N.H.Thiệp có khi còn nguy hiểm hơn. Anh nói: “ Trong chữ viết, trong văn chương, chứa mầm mống loạn. Đấy là một thực tế và thực tế ấy đã được chứng minh từ xưa đến nay”( Nhà văn và bốn trùm “mafia”). Đây không phải là một nhận xét bâng quơ. Nó có lẽ đã ám ảnh N.H.Thiệp nhiều  năm  kể từ khi, như chữ anh hay dùng là ”bước vào trường văn trận bút”. Nhiều nhân vật của anh cũng đã từng có những phát ngôn tương tự. Trong  truyện ‘Chút thoáng Xuân Hương’ có đoạn đối thoại:

“- Tôi nghe đồn ông hách lắm phải không?- Ấm Huy xen vào…

-Hách chứ! – Thặng giơ ngón tay như quả chuối mắn ra trước ấm Huy.  – Không hách thì để cho bọn văn chương các chú làm loạn cả à? Văn chương là miếng đất nghịch…”

“ Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất! – Anh cay đắng nghĩ.-  Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường”…

Bằng kinh nghiệm cá nhân và sự mách bảo của của bản năng nghệ sĩ, N.H.Thiệp hiểu rằng văn nghệ không như các nhà lý luận nghiệp dư rao giảng hay những người cầm cân nảy mực răn dạy, đó  không chỉ là “sách giáo khoa”, là vũ khí, mà còn là trò chơi và nhiều thứ nữa, đôi khi trông như phù phiếm, vô nghĩa, thậm chí “độc hại”. Xuân Diệu lúc còn rất trẻ , còn thành thực, đã từng có câu thơ hay nói về  bản  chất đa dạng, phức tạp  này của văn học:

Đây là quán tha hồ muôn khách đến

Đây là bình thu hợp trí muôn phương

Đây là vườn chim nhả hạt mười phương

Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc…

( Cảm xúc )

Trên con đường học tập của mình tôi ngày càng hiểu ra rằng nghệ thuật nói chung, văn học nói riệng, là những hiện tượng hết sức phức tạp, có nhiều mặt. “ Văn học là nhân học”, tức là một hình thức “ nghiên cứu” về con người. Nhưng con người có rất nhiều điều kỳ lạ, mỗi người là một thế giới riêng, ẩn chứa nhiiều bí mật. “ Con người là một điều bí ẩn” ( F. Dostoevsky ). Văn chương viết về con người, khám phá bí ẩn của con người nên văn chương cũng không thể đơn giản, một chiều, nói trắng là trắng, nói đen là đen, đẹp xấu, lợi hại rõ ràng. Văn chương tự nó cũng là sự sống . Sự sống với tất cả ánh sáng và bóng tối, hoa thơm và trái độc, thiên thần và quỷ dữ,  một sự sống đầy đủ, toàn vẹn, không chia cắt. Sự  sống tồn tại không chỉ bên ngoài nghệ thuật mà cả bên trong nghệ thuật, trong chất liệu, trong thế giới hình tượng, trong sự thống nhất hữu cơ của tất cả các chức năng, các giá trị. Nghệ thuật  là hình thức tinh thần duy nhất lắp lại dạng thức tồn tại của cuộc sống, bảo tồn tính nguyên hợp ( syncretism ) của ý thức con ngườ ở thời kỳ  khi lao động, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, vui chơi còn gắn với nhau, chưa tách rời. Tính toàn vẹn là đặc tính cơ bản của nghệ thuật, phân biệt nghệ thuật với các hình thái ý thức khác. Khoa học, chính trị, đạo đức đều phiến diện, chỉ nghệ thuật là đa diện. “ ‘    Nhà khoa học – L.Tolstoi viết- -  không thể làm công việc của nhà thơ, bởi vì anh ta luôn luôn chỉ nhìn thấy một thứ  chứ không thể nhìn thấy tất cả”( Nhật ký, ngày 9/12/1903 ). Văn chương phải nhìn thấy tất cả, bản thân nó cũng bao gồm tất cả.“ Thơ ca là năng lượng, thời gian và tài năng chuyển thành những vật phù phiếm” ( Octavio Paz ).

Cách nghĩ của N.H.Thiệp về nhà văn, nghề văn là cách nghĩ của một nghệ sĩ thực sự, một người luôn hành xử theo nguyên tắc nói thật và nói những điều đúng là mình nghĩ, những cảm nhận  của cá nhân mình, chứ không theo số đông, theo sách vở . Sự thành thực và cái giọng mang đậm  tính chất cá nhân, cái tôi của người viết, vừa như không biết  nể nang, vừa nhún nhường, vừa sâu sắc, khôn ngoan vừa đôi khi  như  từng trải, “ giang hồ”,  làm cho những tiểu luận của N.H.Thiệp có một giọng điệu riêng, hấp dẫn. Viết phê bình mà có đươc cái giọng riêng kiểu như Trần Đăng Khoa hay Nguyễn Huy Thiệp là rất khó. Đa số các nhà phê binh chúng ta thường trôi tuột trên những chữ cũ, những khái niệm đã mòn, diễn đạt những chân lý đã được thừa nhận, của xã hội, của tất cả mọi người, với những kết luận nhạt nhẽo nhưng vui vẻ và an toàn. N.H.Thiệp  viết phê bình cũng giống như sáng tác, những tiểu luận của anh mang cùng một giọng điệu như các truyện ngắn hay vở kịch, tiểu thuyết của anh.

Chính vì nghĩ rằng trước mắt mình là một nghệ sĩ , nên lần này tôi dọc GIĂNG LƯỚI BẮT CHIM có hơi khác. Tôi cố gắng để ý xem có chỗ nào N.H. Thiệp “bàn” về văn học, về nhà văn không và với tư cách là nghệ sĩ quan niệm của anh có giống với  lý luận hay những những điều tôi đang nghĩ không. Đọc kỹ, tôi phát hiện thấy có nhiều điểm thú vị.

Chẳng hạn, N.H.Thiệp  nhiều lần nói về “ chất nghệ sĩ” trong con người nhà văn và phân biệt nó với nhà tư  tưởng. Anh viết: “ Việc hiểu biết dân tộc theo lối một nghệ sĩ không phải là không hay và không đáng tôn trọng. Song điều đó sẽ hạn chế sức nặng trong các tác phẩm văn chương…Sự hiểu biết dân tộc theo lối một nhà tư tưởng đòi hỏi nhà văn một sức làm việc phi thường, một lòng dũng cảm phi thường, một nghị lực phi thường, một sức chịu đựng phi thường…” ( Khoảng trống ai lấp đươc trong tư tưởng nhà văn ).Thế nào là “ lối một nhà tư tưởng” và thế nào là “lối một nghệ sĩ”, N.H.Thiệp không giải thích. Có lúc anh hiểu đó như là một nội tâm đau xót : “ Tôi đã từng thú vị chứng kiến cảnh mấy tay say rượu đi trên đường phố, khi tôi hỏi bất kỳ một người qua đường  rằng đấy là ai thì họ thản nhiên trả lời : “ Chắc là mấy tay nghệ sĩ đó mà “. Tôi thấy trong câu nói đó một sự thương xót nồng nàn. Nhân dân hiểu rằng nghệ sĩ là những kẻ vô hại, tấm lòng đôn hậu, họ bê tha chẳng qua vì họ đau xót “nội tâm”quá mà thôi “ ( Khoảng trống ai lấp được…). Có lúc anh gắn tư chất nghệ sĩ với khả năng “ tự sự “ và  coi nó như “ một hinh thức nghiêm cẩn nhất , chính trực nhất trong tư chất nghệ sĩ mỗi nhà văn “ ( Trò chuyện với hoa thủy tiên…). Chất nghệ sĩ của nhà văn thể hiện  ở chỗ anh ta có biết “ kể chuyện”  hay không :” Nhà văn sinh ra là để “kể chuyện “. Kể chuyện  hay! Có thế thôi. Giống như cầu thủ đá bóng: sinh ra là để đá bóng giỏi “ ( Trò chuyện với hoa thủy tiên…). Đây  quả thực là những gợi ý rất đáng để những người làm lý luận suy nghĩ.

Tuy nhiên trong những ý kiến của N.H.Thiệp về vấn đề này,  tôi thấy có hai điểm đáng chú ý hơn, đó là  khi cái anh nói trực tiếp liên quan đến bản chất của tư duy nghệ sĩ. Thứ nhất là tưởng tượng. Anh cho rằng thường những sáng tác đầu tay hay được đánh giá cao không phải vì tác giả có nhiều vốn sống ( “ thậm chí ở đấy chẳng có tí vốn sống quái gì cả! ” ) mà “ nó hay vì ở đấy giàu óc tưởng tượng”. Anh nói  óc tưởng tượng chỉ có ở người trẻ. Người già mất đi óc tưởng tượng giống như người già mất đi tinh lực, mất đi sức khỏe, nhưng bù lại họ có kinh nghiệm. “ Với kinh nghiệm, đa số người viết có tuổi không “ sáng tác “ ( tức không tưởng tượng nữa, họ không bịa đặt, không ỷ vào cảm xúc nữa ), họ sẽ “làm việc”, họ trở thành các nhà soạn giả, các nhà soạn văn, soạn kịch “ ( Không nhạt ). Tôi rất thích thú với chữ “làm việc” ở đây mặc dù thấy anh có hơi lý trí quá  khi  cho rằng: “ Tô Hoài, Nguyễn Khải  khoảng 10 năm trở lại đây là những tấm gương sáng cho sự “ soạn văn”, sự “ làm việc” trong đời sống văn học”.

Thứ hai là kinh nghiệm cảm giác. Theo N.H.Thiệp  đây là  cái thuộc tư chất nghệ sĩ và cũng là đặc điểm chung của văn học, nhất là văn học hiện đại : “ Văn học hiện đại rất coi trọng “ cảm giác “. Không có cảm giác thật thì chẳng làm đươc gì cả. Cảm giác là thứ không thể truyền lại được. Kinh nghiệm của cảm giác là thứ rất khó ấn chứng giũa người này với người kia. Kinh nghiệm viết văn thực ra chỉ là kinh nghiệm của cảm giác…”( Trò chuyện với hoa thủy tiên…).

Sở dĩ tôi quan tâm đến ý kiến của N.H.Thiệp về tưởng tượngkinh nghiệm cảm giác như những đặc điểm của tư chất nghệ sĩ bởi vì nó liên quan đến một vấn đề gây tranh cãi trong  lý luận mỹ học hiện đại, đó là có hay không  một cái nhìn kiểu nghệ sĩ, một thứ tâm thế nghệ sĩ, một trạng thái tâm lý đặc thù làm cơ sở cho mọi hoạt động sáng tác và thưởng ngoạn nghệ thuật. Những người ủng hộ cho rằng khi Kant coi “tính không quan tâm” ( disinterestedness ) như  đặc điểm cơ bản nhất của sự hài lòng thẩm mỹ, tức  sự cảm nhận cái đẹp, là ông đã đặt nền móng cho khái niệm  “Cảm  nghiệm thẩm mỹ “ ( Aesthetic Experience ) hay “Thái độ thẩm mỹ” ( Aesthetic  Attitude ), tức là cái mà chúng ta có thể gọi là tư duy nghệ sĩ. Đại khái có thể kể ra những tính chất của kiểu cảm nhận này như : “ tính không quan tâm”, hướng nội, tình cảm mãnh liệt,  tính gián cách, gắn với tưởng tượng, mang lại vui thú. Nhưng những người phản đối thi cho rằng không  hề có trạng thái thẩm mỹ đăc biệt nào như thế. Nổi tiếng nhất là bài báo của G.Dickie nhan đề “ Huyền thoại về Thái độ thẩm mỹ “ (The Myth of the Aesthetic  Attitude). Tôi không có ý đi sâu vào cuộc tranh luận này vì hiểu rằng bất kỳ cuộc tranh luận nào, nhất lại là các cuộc tranh luận triết học, có tính chất tư biện, chẳng bao giờ kết thúc một cách rõ ràng, thua được phân minh. Tôi chỉ  nhắc đến vì thấy nó có liên hệ với ý kiến của N.H.Thiệp  khi anh nói về cách nghĩ theo  lối một nghệ sĩ” và cách nghĩ theo “ lối nhà tư tưởng  để chứng minh rằng, bằng bản năng nghệ sĩ của mình, nhà văn, nếu  quả  thật là tài năng, sẽ có thể nêu ra những vấn đề hết sức cơ bản của sáng tạo nghệ thuật hay thuộc bản chất văn học mà các nhà lý luận thường tìm kiếm, giải thích.Trong nghiên cứu nghệ thuật, tìm hiểu  phát biểu trực tiếp của các nghệ sĩ tài năng nhiều khi là con đường ngắn hơn là dò tìm trong mớ bong bong của các khái niệm tư biện.

Tôi muốn dẫn ra đây thêm một trường hợp nữa, đó là ý kiến của N.H.Thiệp về vấn đề hiện thực trong văn học. Đây là một vấn đề tồn tại dai dẳng trong văn học chúng ta, tuy gần đây đã được tháo gỡ ít nhiều, đôi chỗ đã rõ hơn một chút, nhưng nhìn chung quang cảnh vẫn rất mù mờ, thói quen nhìn văn học như một thứ phản ánh hiện thực vẫn trượt dài trong suy nghĩ của các nhà phê bình và các thầy cô giáo dạy văn trong nhà trường. Về vấn đề này tôi thấy quan niệm của N.H.Thiệp  rất đáng để suy nghĩ.

N.H.Thiệp không phản đối nhà văn tái hiện lại hình ảnh cuộc sống, thế giới bên ngoài. Thậm chí anh rất đề cao cái thực như một tiêu chuẩn thẩm mỹ của tác phẩm : “ Tiểu thuyết xét về khía cạnh nào đó chỉ là chuyện bịa  đặt nhưng “ thực “ lại là nguyên tắc thẩm mỹ, là giá trị tạo ra “ chỗ khả quan”, nó chính là giá trị của tài năng nhà sáng tác…Từ các bộ tiểu thuyết trứ danh như Kim Bình Mai, Tam quốc chí, Thủy hử ở Tàu, đến Chiến tranh và Hòa bình, Những linh hồn chết, Anh em Karamazop ở Nga, Faust ở Đức,Hội chợ phù hoa ở Anh v.v. tất cả đều “ hiện thực “ hoặc bắt nguồn từ “ hiện thực” ( Thời của tiểu thuyết ). Nhưng  hiện thực mà anh nói ở đây không phải hiện thực như người ta thường hiểu: “ Cái hiện thực mà chúng ta vẫn hay nói đến chỉ là tinh thần của nó, sự tưởng tượng về nó. ..vấn đề là suy nghĩ của anh ta với “ tinh thần hiện thực” và cách thức anh ta diễn đạt nó có “nghệ thuật” không.”  Chính vì vậy N.H.Thiệp  không tán thành những ngưởi  chỉ biết phản ánh hiện thực xã hội : “ Các nhà văn kém cỏi, không tự tin ở tài năng cá nhân mình nên ra sức ráo riết “ hoạt động xã hội “ để “ phản ánh xã hội“.( Nhà văn và bốn trùm “mafia” ). Vậy  nên hiểu vấn đề này thế nào cho đúng?

Trong văn học – N.H.Thiệp viết – thế giới hoang tưởng nhà văn dựng nên có thể như thực, giống thực ,khác thực, siêu thực v.v.. chẳng ai giống ai, mỗi người một cách nhưng tựu trung có lẽ không ra ngoài cái mà Goethe gọi là “ nghệ thuật trình diễn kịch”.Điều ấy thật khó chịu nhưng biết làm sao” ( Con đường văn học ). “ Nghệ thuật trình diễn kịch” này không phải chỉ là bản chất của nghệ thuật mà chính là bản chất của hiện thực, của tự nhiên : “ Ta biết rằng thiên nhiên và tạo hóa cũng có một thứ  “ nghệ thuật trình diễn kịch”, điều mà ta vẫn gọi  là “ hiện thực “, thứ hiện thực dai dẳng xen cả có lý lẫn vô lý, nhìn chung là tàn nhẫn vô thủy vô chung”. Hiện thực này quan hệ với “ hiện thực “ , với cái thế giới hoang tưởng mà nhà văn “ sáng tác “, dựng lên trong tác phẩm như thế nào? N.H.Thiệp  giải thích : “ Tôi cho rằng cái “ nghệ thuật trình diễn kịch” mà nhà văn quan niệm có vẻ như  SỰ MÔ PHỎNG LẠI THIÊN NHIÊN VÀ TẠO HÓA ( nhấn mạnh của người viết bài này ) để người ta chịu nói “ chơi được”. Thứ “ nghệ thuật trình diễn kịch” của thiên nhiên và tạo hóa có phạm vi rộng lớn quá, với mục đích vô vọng quá, người ta không tải hết, không sao chơi được, không kham nổi, buộc phải chịu thua. Ở đây, về mặt nào đấy, ta có thể ví văn học với nghệ thuật chơi cây cảnh, với nghệ thuật bonsai, một kiểu chơi “ thế” nào đấy nhằm NHẠI LẠI THIÊN NHIÊN VÀ TẠO HÓA” ( Nhấn mạnh của người viết bài này).

Tôi không biết N.H.Thiệp lấy câu nói của Goethe ở đâu và khi nói Goethe đã  hàm ý những gì, nhưng  cái mà N.H.Thiệp muốn mượn ý của Goethe để diễn đạt ở đây là hoàn toàn thuyết phục. Có thể nói trong số những  quan niệm nằm rải rác trong cuốn sách của N.H.Thiệp, đây là một ý tưởng xuất sắc, vừa rất nghệ sĩ, vừa có chiều sâu triết học. Lâu nay khi nhắc đến mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, giữa thế giới hoang tưởng do nhà văn  “ tạo” ra, vẽ ra với đời sống bên ngoài, chúng ta vẫn đinh ninh rằng đó là quan hệ giữa cái phản ánh và cái được phản ánh, giữa cái gương và thế giới bên ngoài. Cái gương càng thu nhận được nhiều hình ảnh về thế giới bên ngoài bao nhiêu, “ phản ánh chân thực và hùng hồn cuộc sống mới và con người mới” bao nhiêu nó càng xứng đáng với chức năng của mình, càng có giá trị. Tấm gương có thể phản ánh theo kiểu giống như thật, cũng có thể bóp méo một chút, có thể khuếch đại (miễn là không được bôi đen! ) nhưng cái chính là phải đảm bảo hiệu quả tuyên truyền và giáo dục, đảm bảo giúp người  đọc biết càng nhiều càng tốt về hiện thực bên ngoài, nhất là khi đó là “ hiện thực lớn”.  Nhiều thế hệ những người cầm bút và giảng dạy văn học nước ta trong thời gian dài bị ám ảnh bởi nhan đề bài báo của Lenin “ L.Tolstoi, như tấm gương của cách mạng Nga“ dù không thực sự hiểu đúng tác giả muốn nói gì và đặc biệt là một câu văn được lấy từ lá thư riêng của F.Engels gửi cho một nữ tác giả  người Anh nói rằng ông hết sức khâm phục  tác phẩm  Tấn trò đời  của Balzac vì nó “ mang đến cho chúng ta lịch sử hiện thực tuyệt vời nhất của “ xã hội” Pháp, đặc biệt là của “ giới thượng lưu Paris “, khi miêu tả dưới  hình thức biên niên hầu như từng năm một, từ 1816 đến 1848…Balzac đã tập trung mô tả toàn bộ lịch sử của xã hội Pháp mà nhờ  đó, ngay cả chỉ xét về các chi tiết kinh tế thôi thì tôi cũng đã biết được nhiều hơn rất nhiều (…)  so với những cuốn sách của tất cả các nhà chuyên môn – các nhà lịch sử, kinh tế, thống kê thới ấy cộng lại”. Những câu văn này đã thành kinh điển trong các sách giáo khoa lý luận văn học mác-xit, tạo thành một chướng ngại vật không thể vượt qua, thành lối mòn trong tư duy người nghiên cứu khi nói đến vấn đề văn học và hiện thực.

N.H.Thiệp đã không dẫm vào lối mòn ấy. Anh không nói văn học mô tả hay phản ánh hiện thực mà nói, theo ngôn ngữ hình tương của các nhà văn, là “ mô phỏng lại tự nhiên và tạo hóa” và còn giải thích thêm mô phỏng ở đây không phải mô tả, sao chép lại mà là một kiểu chơi “ thế”, một hành động nhại lại thiên nhiên và tạo hóa”. Đối với N.H.Thiệp “ thiên nhiên và tạo hóa”, tức hiện thực khách quan, khộng hiện ra như  đối tượng để khảo sát, mô tả mà như một hành động, một sự  trình diễn,  một thứ “nghệ thuật trình diễn kịch”mà nhà văn có thể nhại theo. Sáng tác là bắt chước, mô phỏng cái hành động trình diễn ấy để tạo ra một vở kịch tương tự như vở kịch trong đời, nhưng nó không phải là sự lắp lại, “ phản ánh “ vở kịch trong đời, mà chỉ là  sự “ nhại lại”, sự “sáng tác”, bịa đặt của nghệ sĩ, mặc dù trong thế giới hoang tưởng của tác phẩm chúng ta vẫn có thể nhận ra hình bóng nhiều “ nhân vật” trong vở kịch cuộc đời.

Cách đây hơn 2000 năm, triết gia Hy Lap Aristotle đã  phát biểu một điều tương tự. Trong tác phẩm “ Poetics” ( Thi pháp học } nổi tiếng, ông nói rằng đặc điểm chung của nghệ thuật là Mimesis, các nghệ thuật dù là sân khấu, thơ ca hay âm nhạc, hội họa đều là những nghệ thuật Mimesis.Có người giải thích Mimesis là mô tả  thế giới bên ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của con người về thế giới. Tuy nhiên có người ( trong đó có người viết bài này ) cho rằng nói như vậy là không hiểu đúng ý của Aristotle. Khi gọi nghệ thuật là  Mimesis, tức mô phỏng, Aristotle không nói mô phỏng con người hay sự kiện mà “ mô phỏng hành động”, tức  là bắt chước cách mà con người hoạt động, cách mà cuộc sống diễn ra, hay nói như  Goethe là cuộc sống đang “ trình diễn kịch” để sáng tác. N.H.Thiệp  dùng một chữ rất hay đó là NHẠI,  nghệ thuật  “ nhại “ lại thiên nhiên và tạo hóa. Aristotle cũng đã từng nói một ý như vậy. Trong tác phẩm “ Vật lý”, ông  có một câu nổi tiếng: “ Nghệ thuật mô phỏng ( mimesis) tự nhiên”.Theo những nhà nghiên cứu uy tín thì khi nói điều này Aristotle không hề ám chỉ  rằng tác phẩm nghệ thuật là bản sao của các đối tượng tự nhiên, tái hiện lại hình ảnh của tự nhiên mà coi tự nhiên như  một lực lượng sáng tạo, một hành động sinh thành mà  sáng tạo nghệ thuật cũng là một hành động, một quá trình, nó mô phỏng, “nhại lại” sự trình diễn ấy của tự nhiên. Tôi rất mừng khi bắt gặp những suy nghĩ trện đây của N.H.Thiệp. Bằng tài năng, bằng trực giác nghệ sĩ, N.H.Thiệp đã cảm nhận được những điều mà các nhà làm lý luận văn học chuyên ngiệp nhiều khi phải khó nhọc lắm mới nhận ra được, thậm chí có người hết đời vẫn không ngộ ra.

Trong  GIĂNG LƯỚI BẮT CHIM  có khá nhiều  ý nghĩ sâu sắc của N.H.Thiệp về văn, về đời. Anh nói đến cái tê buốt của sự  lừng danh, nỗi  cô đơn như lối mòn của bậc thánh nhân, tình cảnh đáng thương của nhà văn khi luôn tự mâu thuẫn với mình,  mối liên hệ giữa niêm luật thơ và luân lý. Anh giải thích vì sao vua chúa xưa đặt ra lệ thi cử trong đám văn nhân  để chọn người ra giao việc nước. Anh giải thích vì sao  anh coi một người  làm thơ có vẻ nghiệp dư như  Đồng Đức Bốn lại là “ một nhân vật quái kiệt, hoang đường lạ lùng trong làng văn nghệ ở Việt Nam ta “, vì sao Nguyễn Bảo Sinh với những câu lục bát  “ ỡm ờ, nhập nhằng giữa chân lý và phi lý, thực và ảo, thị và phi, hay và dở cứ lẫn vào nhau “ lại trở thành “ nhà thơ dân gian”.  Anh  định nghĩa  nhà văn theo cách của mình, một cách “rất N.H.Thiệp”: “ Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn luôn tìm cách sám hối vượt  khỏi những lỗi lầm ấy. Nó là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó, nó viết  để cả bầy đoàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hóa “. Dĩ nhiên thứ văn học và nhà văn anh nói ở đây không phải là tất cả văn học mà chúng ta vẫn bắt gặp, không phải tất cả những người cầm bút vẫn được gọi là nhà văn. Có lẽ N.H.Thiệp chỉ muốn nói đến văn học và nhà văn đích thực.

Nhưng  có hay không những nhà văn đích thực, văn học đích thực như vậy?  Theo N.H.Thiệp là có. Trong bài “ Nhân ngày thơ, bàn về thơ” anh đặt hẳn vấn đề: “ Cái đẹp của thơ từ xưa đến nay không ai phủ nhận, không phải bàn. Nhưng cái cần bàn là thế nào mới gọi là thơ đích thực?”. Theo N.H.Thiệp có ba loại thơ. Loại một là của những người trẻ, những “thiên thần”,” Thơ của họ như  giọt sương mai, nó là cái đẹp, ta cảm nhận được ngay, không cần phân tích”. Loại hai là “ thơ ngôn chí”, làm khi người ta không còn trẻ nữa, thường  đề cập đến một khu vực mạo hiểm và nhạy cảm nhất mà chúng ta vẫn quen gọi là tâm hồn”. Loại thứ ba là “ thơ chính trị”. Trong ba loại thơ trên “ loại một, loại hai vốn là thơ đích thực”.

Đây là cách phân loại của N.H.Thiệp, đúng sai tôi không bàn. Cái tôi quan tâm ở đây là ý tưởng muốn có sự phân định giữa văn học đích thực và không đích thực. N.H.Thiệp nhiều lần nhắc đi nhắc lại chữ “ văn học đích thực” và muốn bảo vệ những tác phẩm mà người đọc thường băn khoăn: “ Vậy như thế được gọi là văn học à?” ( Khải huyền muộn…),  tuy nhiên không thấy chỗ nào anh nói cụ thể văn học đích thực là gì. Thực ra đây cũng không phải là chuyện đơn giản, nó liên quan đến một vấn đề làm đau đầu các nhà mỹ học lâu nay – đó là nghệ thuật là gì, cái nào là nghệ thuật, cái nào không phải nghệ thuật. Ở ta chuyện đó cũng đã xảy ra xung quanh cuộc tranh luận thậm  chí đến mức quy chup chính tri, liên quan đến việc nhà trường có nên giảng dạy Tuyên ngôn độc lập như một tác phẩm văn học hay không. Tác phẩm nghệ thuật đích thực là tác phẩm có chất lượng, đạt được giá trị ở mức nào đó hay tác phẩm đáp ứng được những tiêu chí thẩm mĩ, những “ nguyên tắc vàng” ( chữ của N.H.T ) nào đó mà tác phẩm bắt buộc phải có – những vấn đề này thường không được giới thuyết rõ ràng làm cho khái niệm “đích thực” khi thì được hiểu như thước đo giá trị, khi thì được hiểu như căn cước hình thức. Dù sao  “văn học đích thực” cũng là vấn đề có thực, một thực tế của sáng tác nghệ thuật, một câu hỏi lý luận không thể bỏ qua. N.H.Thiệp cảm nhận được điều đó.

Giăng lưới bắt chim”, đi cùng N.H. Thiệp tôi nhận ra anh rất giống hình ảnh nhà văn mà anh mô tả, “ một người nông nổi, một người nông nổi hết sức đáng thương, một kẻ bất hạnh – nhưng tốt bụng”. Và nếu cần phải nói thêm, một người hay “nhầm lẫn”. Có khi anh nhầm lẫn thật, ví dụ như có chỗ anh nói : “ Tôi rất ngạc nhiên bởi danh hiệu “ nhà thơ chuyên nghiệp”! Làm gì có thứ đó !”, nhưng  sau đó chắc do quên nên anh viết về mình :” Mãi sau này khi đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp…”. Nhầm lẫn như vậy cũng là thường và có lẽ đó là nhầm lẫn thật. Nhưng có nhiều chỗ tôi ngờ rằng N,H,Thiệp chỉ nói vậy thôi chứ anh không hề “nhầm lẫn”. Nói xong  rồi xí xóa, đó chẳng qua cũng chỉ là giả vờ xí xóa , nói mình “nhầm lẫn” chẳng qua cũng chỉ là để tự vệ, để che dấu một chút tự cao khiêm tốn của mình. Đó là cách hành xử của người khôn ngoan, hiểu biết và cũng rất nghệ sĩ , một nghệ sĩ “tốt bụng”. “ Tốt bụng “ không theo nghĩa chỉ là thương người. “ Nhà văn lương thiện chính là sự ráo riết ở từng con chữ”, ở “ lòng tín ngưỡng với cuộc sống” ( Một góc sơ suất…). Và tôi nghĩ cũng cần nói thêm, ở tình yêu cuộc sống.  Đó chính là lẽ sống còn, được mất với nhà văn. Tín ngưỡng làm cho văn học  vươn tới tầm cao của văn hóa, tình yêu sinh ra nghệ thuật. Không có tình yêu cuộc sống người ta vẫn có thể tồn tại, nhưng không có tình yêu cuộc sống người ta không khóc, cười, không ca hát, nhảy múa,làm thơ, viết văn. Đó là quy luật muôn đời của nghệ thuật.

Đi cùng N.H.Thiệp “ Giăng lưới bắt chim” tôi bắt gặp một nghệ sĩ - nhà văn –nhà lý luận. Không phải ai là nhà văn cũng có tư duy mang chất lý luận. Cũng như không phải ai nhà văn cũng là nghệ sĩ. Đây là  cái duyên trời cho mỗi người, không phải muốn và cố gắng là được.

Mấy năm lại đây N.H. Thiệp không còn viết nhiều, nhất là viết tiểu luận – phê bình. Bài mới nhất trong tập sách này cũng ghi là năm 2006. Điều gì đã khiến  cho anh viết ít như vậy? Có phải như  ông Phạm Quỳnh từng giải thich trước đây  rằng người Việt mình vốn “ngắn hơi”,  xưa nay khí văn  yếu, như con chim không đủ sức bay dài, bay xa không. Tôi thấy chưa chắc đã phải. Bằng chứng là tác phẩm của N.H.Thiệp đến nay cũng đã bay đi bốn biển năm châu, được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Tôi nghĩ nói như  Nguyễn Du có lẽ thuyết phục hơn:

Lão khứ văn chương diệc tị nhân ( Ngẫu đắc )

Già rồi văn chương cũng lánh xa người.  Nguyễn Du thốt lên những lời này khi nhiều nhất cũng mới gần năm mươi tuổi. N.H.Thiệp năm nay đã gần bảy mươi rồi. Trên vai không chỉ văn chương mà còn cả gánh nặng năm tháng, gia đình. Mệt mỏi là phải, “ rửa tay gác kiếm” cũng được rồi. Những gì đã nghĩ cũng khá đủ đầy, văn xuôi, tiểu luận, những trang sách viết vài chục năm rồi nay đọc lại vẫn còn thấy mới, thấy hay, mong gì hơn…

11/2016

 

 

N.T.K.N

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30