“Đạo Trời” và tín ngưỡng dân gian qua ca dao (phần 1)

“Đạo Trời” và tín ngưỡng dân gian qua ca dao (phần 1)

 TS. Nguyễn Thị Kim Ngân

(Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số Tháng 6/2014)

Tóm tắt:

        Trong tín ngưỡng dân gian có tín ngưỡng thờ Thiên, tức đạo Trời. Trời cũng được thờ cúng như các thánh thần khác. Thuận Thiên, tuân theo đạo Trời cũng như theo Đạo Phật, Đạo Giáo:

Thương nhau cho trọn đạo Trời

Dù mà không chiếu nằm tơi cũng đành

                            (Ca dao Thừa Thiên Huế) 

         Nhưng tín ngưỡng này khác các tín ngưỡng khác. Con người quan hệ với Trời khác với Phật hay các thánh thần khác. Đây vừa là tín ngưỡng vừa là thế giới quan, vừa là thái độ sống của người nông dân Việt Nam.

         Những điều này được phản ánh khá rõ trong ca dao. 

        

        Trong ca dao chúng ta gặp rất nhiều những câu có chữ Trời. Thường nhất là những câu mà Trời dùng để chỉ toàn bộ cảnh vật thiên nhiên tồn tại quanh con người, trước hết là không gian và cảnh vật trên không:

 Ai vô xứ Huế mà coi

Sông Hương núi Ngự cảnh trời đẹp thay.

                                                                              (CD TTH)[1]

Giơ tay anh hứng sương trời

Rửa sao cho sạch những lời thị phi.

                                                                              (CD NTB)

Vì mây nên núi liền trời

Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng.

                                                                                   (KT CDXN)

Nhưng bên cạnh Trời như một hình ảnh thiên nhiên còn có hình ảnh Trời như một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng quyền uy làm ra tất cả, quyết định tất cả:

Trời làm bão lụt mênh mông

Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi.

                                                                         (KT CDXN)

Trời mưa trời gió đùng đùng

Cha con ông Hùng đi gánh phân trâu.

                                                        (CD NTB)

Trời sinh có biển có nguồn

Có ta, có bạn, có buồn làm chi.

                                                         (CD NTB)

Trời không chỉ làm ra núi sông, mưa gió, bão bùng, mà còn làm ra vạn vật, thậm chí cả cái sướng, cái khổ của con người:

Thân em như con quạ trời sinh

Đậu trên trái mít, thỏa tâm tình bạn chưa?

                                                                              (CD TTH)

Hay

Trời sinh cái cực mần chi

Bán thì nỏ được, cho thì không ai xin.

                                                                                 (KT CDXN)

Tóm lại, Trời là một đấng toàn năng, tạo ra tất cả:

Trời làm một lặng gió Đông

Chồng tôi đi lưới rổ không trở về

Trời làm ghê gớm, gớm ghê

Bạn thời chết đói, nhà nghề thời không

Trời làm cho vợ chửi chồng

Đi vay đi tạm luống công đêm ngày

May sao may khéo là may

Trời cho hết lặng ngày rày phong lưu

                                                                       (KT CDXN)

Đấng toàn năng ấy người Việt gọi là Ông Giời hay Ông Trời:

Ngó lên trên trời, trời cao lồng lộng

Ngó lên trên núi, núi rậm rừng xanh

Ông Trờikia khéo đoạt duyên anh nửa chừng

                                                                    (CD TTH)

Đứa mô đã nói quên lời

Đi ra trộ sáo, ông Trời đánh ngay.

                                                                        (CD TTH)

Trăm lạy ông Trời chớ điếc, đừng đui

Để hai con mắt coi người thế gian.

                                                                          (CD NTB)

        Gần một trăm năm trước, trong công trình Hát đối của nam nữ thanh niên, nhà bác học Nguyễn Văn Huyên (chữ dùng của GS. Hà Văn Tấn) đã có nhận xét: “Ông giời đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt”. [2]

         Ông Trời/Ông Giời với người nông dân là hiện thân của sức mạnh siêu nhiên và do đó cũng trở thành một vị thần linh như bao nhiêu thần khác (thần sấm, thần sét, thần gió, thần mưa…), chỉ có điều ông Trời là vua của các vua, là vị thần cao nhất, là Ngọc Hoàng Thượng đế,Ông có một triều đình” ở tận trên cao, ở một cõi khác:

Hai ba ông Táo về Trời

Dựng nêu trước ngõ ăn chơi suốt tuần

                                                                             (CD TTH)

Ra đi vừa gặp bạn hiền

Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời

                                                                                (KTCDXN)

Thang đâu dám bắc tận trời

Lưới đâu dám bủa những nơi cá thần

                                                                                 (KTCDXN)

       Người nông dân Việt xưa tin có một đấng thiêng liêng như vậy, một cõi thiêng liêng như vậy. Niềm tin ấy chính là một tín ngưỡng dân gian tồn tại trong tâm linh người Việt, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa của người Việt.

         Một trong những biểu hiện của tín ngưỡng ấy là tục thờ Tứ pháp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuốn “Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam”, GS.Ngô Đức Thịnh viết: “Trời với tư cách là vị thần linh tối cao có thể “tùy ý” tạo ra mưa nắng, mưa thuận gió hòa hay sinh ra bão lụt, hạn hán… Nếu người dân cũng như vua quan trong triều đình làm những việc không đúng, không theo đạo trời đất thì sẽ bị trời trừng phạt gây ra bão lụt hạn hán. Cho nên trong tâm tưởng của con người thời đại đó, ai ai cũng phải tuân theo đạo trời đất, phải tôn vinh, thờ phụng trời đất, khi có hạn hán hay bão lụt phải cầu xin trời đất làm mưa hay cho tạnh. Từ đó hình thành nên các nghi lễ cầu mưa, trong đó tập trung nhất là tín ngưỡng tứ pháp.[3]

     Tứ pháp, tức Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (sấm), và Pháp Điện (chớp) là bốn hiện tượng trời tạo nên mưa, do vậy cũng có thể xem tín ngưỡng Tứ Pháp là tín ngưỡng thờ Trời, hay có thể gọi là Đạo Trời.

     Trong ca dao người Việt có nhiều câu nhắc đến Đạo Trời:

 

Thương nhau cho trọn đạo trời

Dẫu mà không chiếu nằm tơi cũng đành

                                                                           (CD TTH)

Lấy nhau cho trọn đạo trời

Đổ chùa Thiên Mụ mới rời nhau xa

                                                                           (CD TTH)

Theo nhau cho trọn đạo trời

Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm

                                                                           (CD NTB)

     Vì là đạo nên “đạo trời” cũng có vị trí, giá trị trong tâm linh người Việt như đạo Phật hay những đạo khác. Điều này giải thích vì sao trong ca dao, Trời và Phật thường được đặt gần nhau, được xem như những đấng thiêng liêng như nhau, những đạo giống nhau:

Nhà anh ước Phật, nhờ Trời

Bố mẹ sinh đã được mười anh em

                                                                     (CD NTB)

Chắp tay vái lạy Bụt Giời

Gió đông phẳng lặng, đạo Trời theo nhau[4]

                                                                                    (KT CDXN)

      Tín ngưỡng đạo Trời cũng như những tín ngưỡng khác, một mặt gắn với nghi lễ thờ cúng (lễ thờ Tứ Pháp, bàn thờ Pháp Vân ở Chùa, bàn thờ Thiên ở mỗi nhà…), mặt khác nằm sâu trong tâm linh, thể hiện ở lòng tôn kính, biết ơn, cầu xin, van vái mỗi khi hoạn nạn hay ăn năn hối lỗi khi phạm điều gì sai, mắc tội.

       Như chúng ta đều biết, tín ngưỡng và tôn giáo [5] là một trong những môi trường nảy sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa (lễ hội, thờ cúng…), nhiều sáng tác dân gian, đặc biệt là văn học dân gian như Văn chầu, thần tích, thần phả, thần thoại, truyền thuyết, các bài thơ giáng bút… gắn liền với việc thờ cúng đạo Mẫu hay các vị thần khác. Ca dao không thuộc loại các giá trị này. Cho đến nay hình như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ của ca dao với các nghi lễ tín ngưỡng, chưa dẫn ra những câu ca dao nào trực tiếp bắt nguồn từ các hoạt động tín ngưỡng. Ca dao trước hết vẫn là những câu hát dân gian được hình thành trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, nói lên kinh nghiệm sản xuất, nói lên cảm nghĩ và tình cảm của người nông dân, nhất là tình yêu nam nữ. Nhưng trong ca dao chúng ta cũng có thể tìm thấy dấu vết của các sự tích lịch sử, đời sống vật chất và tinh thần của xã hội trong những hoàn cảnh khác nhau, dấu vết của các phong tực, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa dân gian.

      Xét theo phương diện này, nếu tín ngưỡng là “niềm tin vào cái thiêng”[6] thì có thể thấy ca dao phản ánh khá rõ tín ngưỡng dân gian về Trời hay có thể gọi là đạo Trời.

            Ông Trời trong ca dao là một đấng thiêng liêng. Người nông dân Việt Nam coi trời như thánh thần (“trời đánh, thánh vật”), tất cả đều phụ thuộc vào Trời, vào ý Trời (“xởi lởi trời cho, lo xo trời co lại”).

Thề xưa lời đã nặng lời

Anh cố xa em đi nữa

Nếu chẳng phải ý trời thời cũng khó xa

                                                                      (CD NTB)

Được thua là sự bởi trời

Chớ thấy sóng cả mà rời tay ra

                                                                          (KT CDXN)

      Người nông dân nhắc đến Trời với niềm tin thiêng liêng rằng cái gì Trời cũng biết:

Ai mà ở bạc có Trời

Lòng em khăng khẳng một lời như xưa

                                                                          (CD TTH)

Trời xanh có phụ ai đâu

Trọng thầy trọng bạn sang giàu hiển nhiên

                                                                            (KT CDXN)

           Trời là thánh, là thần, mọi thứ có được đều nhờ ơn Trời, do Trời phù hộ, ban cho:

Nhờ Trời hạ kế sang đông

Lúa khoai no đủ, thong dong con người

                                                                                (KT CDXN)

Nhờ Trời một trộ (trận) gió đông

Hoa gạo rụng xuống nằm cùng cỏ may

                                                                                 (KT CDXN)

Lời thề hớt mái tóc xanh

Theo nhau cho trọn tử sanh nhờ Trời

                                                                              (CD NTB)

        Trời thương ai người ấy được, Trời ghét ai thì người ấy phải chịu, đó là số trời, tất cả đều do Trời định:

Tơi mang không cổ, nón đội không vành

Ông Trời đã định, rách lành phải theo

                                                                               (CD TTH)

Lương duyên Trời định đất kề

Lòng em khăng khắng một bề thương anh

                                                                              (CD TTH)

Mưa sa đấu bệ dễ cày

Trai anh đây chưa vợ, Trời đày đi đêm

                                                                               (CD TTH)

       Với sức mạnh và quyền uy ấy, không ai có thể chống lại được ý Trời, một khi Trời đã quyết thì không gì cứu vãn được:

 

Của Trời, Trời lại lấy đi

Giương hai con mắt làm chi được Trời

                                                                       (CD TTH)

Chỉ sợ Trời hại mà hư

Còn như người hại chỉ như phấn dồi

                                                                          (CD TTH)

       Người nông dân xưa đã tin như vậy. Đó là niềm tin vào một sức mạnh huyền bí, vô hình, tồn tại ở đâu đó, thường là ở tận trên cao (“Trời xanh có phụ ai đâu”) và con người không giải thích được, không can dự được, hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Nhưng tin chưa phải đã là tín ngưỡng. Tín ngưỡng vừa là niềm tin vào cái thiêng vừa là thái độ, cách ứng xử với cái thiêng. Thái độ tiêu biểu của mọi tín ngưỡng là sự tôn kính và cầu xin. Dù là đến nhà thờ hay đến đền, chùa, miếu mạo, ai cũng tỏ lòng tôn kính đối với Chúa, với Đức Phật, với Thánh Thần và luôn van vái cầu xin một điều gì đó. Thái độ ấy cộng với niềm tin vào sự hiện hữu của đấng vô hình là bản chất của mọi tín ngưỡng và tôn giáo..

(Còn nữa)

      

[1]Những câu ca dao được dẫn trong bài này lấy trong các công trình sau đây:

1. Hát ví đồng bằng Hà Bắc, Mã Giang Lân, Nguyễn Đình Bưu sưu tầm, biên soạn (1976), Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, Bắc Giang. (Viết tắt là HV ĐBHB)

2. Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Triêu Dương, Phạm Hòa, Tảo Trang, Chu Hà (1972), Hội văn nghệ Hà Nội xuất bản. (Viết tắt là CD NNHN)

         3. Kho tàng ca dao Xứ Nghệ, tập 1 và 2, Ninh Viết Giao chủ biên (1996), NXB Nghệ An, Vinh. (Viết tắt là KT CDXN)

4.  Ca dao Thừa Thiên Huế, Triều Nguyên (2005), Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế. (Viết tắt là CD TTH)

5. Ca dao Nam Trung Bộ, Thạch Phương, Ngô Quang Hiển (1994), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. (Viết tắt là CD NTB)

6. Ca dao dân ca Nam Bộ, Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984), NXB TPHCM. (Viết tắt là CD DCNB)

[2]Nguyễn Văn Huyên, Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, 2 tập, NXB KHXH, Hà Nội, tập 1, tr.111

[3]Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên, NXB KHXH, HN, 2001, tr.361

[4]Trong Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972, tr.197, GS. Đinh Gia Khánh cho rằng: “Hai tên gọi khác nhau là Bụt và Phật phản ánh hai còn đường du nhập của đạo Phật, một đằng thì trực tiếp từ Ấn Độ sang (Bụt là phiên âm thẳng từ Ấn Độ Buddha); một đằng thì thông qua Trung Quốc (Phật, Phù đồ là âm Hán Việt của các từ ngữa Trung Quốc). Bụt lại là từ ngữ dân gian, còn Phật thì là từ ngữ bác học”. Trong cuốn sách Những tiếng trống qua cửa nhà sấm, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tác giả Huệ Thiên không đồng tình. Ông cho rằng cả Bụt lẫn Phật đều là những hình thức phiên âm của từ Sanskrit buddha. Từ này đã được người Trung Hoa phiên âm bằng nhiều cách, đọc theo âm Hán Việt hiện đại là Phật Đà, Phật Đồ, Phù Đồ. Phậtlà dạng tắt đã trở thành thông dụng của Phật Đà và Phật Đồ. Còn Bụt là âm xưa còn Phật là âm nay của cùng một chữ Hán, chứ không phải một đằng là âm dân gian, một đằng là âm bác học, càng không phải Bụt là âm do người Việt Nam phiên thẳng từ tiếng Ấn Độ (tr.195-196).

[5] Chúng tôi quan niệm tín ngưỡng là hình thức thể hiện niềm tin của con người vào cái thiêng liêng, còn tôn giáo cũng là tín ngưỡng, nhưng có hình thức biểu hiện và tổ chức riêng, xuất hiện trong một điều kiện và giai đoạn lịch sử cụ thể.

[6] Ngô Đức Thịnh: Phác họa về tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, trong sách “Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam”, NXB KHXH, HN, 2001, tr.17

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31