Một số vấn đề cấp thiết của giáo dục hiện nay

 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP THIẾT CỦA GIÁO DỤC HIỆN NAY

                                                               Lê Ngọc Trà

          Phải khẳng định rằng những năm qua trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, giáo dục đã đạt được những thành quả to lớn. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc mặc dù môi trường kinh tế - xã hội có nhiều điều không thuận lợi.

          Vậy thì vì sao hiện nay xuất hiện dư luận xã hội và tâm trạng không hài lòng phổ biến đối với tình hình giáo dục, xuất hiện yêu cầu muốn chấn hứng, cải cách lại giáo dục?

          Thứ nhất, hiện nay trong giáo dục nổi lên nhiều hiện tượng tiêu cực có tính chất báo động: chương trình, nội dung khó và quá tải, học sinh phải học quá nhiều, lối dạy nhồi nhét kiến thức, áp đặt, không phát huy óc sáng tạo của học sinh, lối học vẹt còn khá phổ biến, thi cử không hợp lý, những tiêu cực trong thi cử (phao thi, chạy điểm…) quá nhức nhối, tình trạng “học giả”, bằng giả, mua bán bằng cấp lan rộng từ phổ thông đến Cao học, Tiến sĩ làm cho xã hội bất bình, làm mất uy tín và sự tôn nghiêm của nhà trường, làm hại thanh danh của giới trí thức, bệnh thành tích (học sinh giỏi, trường tiên tiến …), chạy theo chỉ tiêu (phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở…) đã dẫn đến hiện tượng chất lượng giả, phản ánh không đúng thực trạng giáo dục.

        Thứ hai, đằng sau những hiện tượng nêu trên, đối với những người có tâm huyết và hiểu biết về giáo dục điều quan trọng hơn chính là sự tụt hậu của giáo dục Việt Namso với các nước trong khu vực và trên thế giới và do đó kéo theo sự bất cập của hệ thống giáo dục hiện nay so với mục tiêu phát triển kinh tế - xãhội của đất nước trong thời kỳ mới và yêu cầu phát triển con người Việt Nam trong thế kỷ 21.

Nguyên nhân của tình trạng trên nằm ở đâu?

         Trước hết, giáo dục một phần chính là kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự lạc hậu về kinh tế hiện nay ảnh hưởng quyết định đến đầu tư cho giáo dục. Nói một cách nôm na là nghèo thì lấy đâu ra tiền đi học. Thêm vào đó những nguyên nhân xã hội cũng rất quan trọng: sự chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, sang xã hội theo đuổi mục tiêu dân giàu nước mạnh kéo theo hàng loạt những chuyển đổi phức tạp về tư tưởng, đạo đức, tâm lý, sự đảo lộn về giá trị. Tất cả những hiện tượng đó đều được phản ánh trong giáo dục, tác động vào nhà trường, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục, dạy và học của người thầy. Ngoài ra tâm lý, quan niệm của xã hội, trước hết là của phụ huynh học sinh về bằng cấp, hư danh, về ngành nghề, về con đường thành đạt … cũng tạo một áp lực rất lớn lên nhà trường.

          Sự yếu kém của giáo dục còn nằm trong chính sự phát triển tự nhiên của giáo dục, đặc biệt là mở rộng về diện, về số lượng. Những năm vừa qua sự phát triển theo chiều rộng (đây cũng là một thành quả của giáo dục Việt Nam) đã vượt quá khả năng kiểm soát, quản lý của ngành, vượt quá khả năng đảm bảo tài chính của Nhà nước và do đó cũng vượt quá khả năng đảm bảo chất lượng của hoạt động đào tạo. Số lượng học sinh, sinh viên, trường lớp thuộc đủ các hệ đào tạo, các loại trường tăng nhanh trong khi đó cơ sở vật chất - kỹ thuật của các trường còn thiếu, số trường chuyên, trường tốt còn ít, trường đại học chỉ đủ sức tuyển sinh một số lượng có hạn. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm hiện nay.

           Nguyên nhân thứ ba dẫn đến sự yếu kém của giáo dục thuộc về phía chủ quan của Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo.

           Nhìn chung hiện nay Nhà nước vẫn quản lý giáo dục theo lối bao cấp và tập quyền. Bộ Giáo dục – Đào tạo chưa có những chủ trương lớn và chỉ đạo thực hiện triệt để một số vấn đề quan trọng thuộc tầm tay của ngành như: xây dựng chương trình, giảm tải, cải tiến thi cử, giao quyền chủ động cho các trường đại học trong việc tuyển sinh, đào tạo Thạc sĩ. Đặc biệt công tác nghiên cứu giáo dục không được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng quan trọng đến việc đề ra các chủ trương, chính sách. Các trường sư phạm không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đào tạo người thầy, dẫn đến việc hạ thấp chất lượng giáo viên.

          Dĩ nhiên ở đây cũng có trách nhiệm của những người trực tiếp đứng lớp, làm công tác giáo dục. Việc mở rộng qui mô của giáo dục cũng như tính chất chuyên nghiệp hóa của hoạt động giáo dục đã dần dần làm thay thế khái niệm “người thầy” bằng khái niệm “giáo viên”, biến giáo viên thành người hành nghề dạy học nhiều hơn là người làm thầy với thiên chức nhà sư phạm, nhà giáo dục, người cha tinh thần của trẻ. Nhưng dù vậy cũng không nên đổ hết lỗi cho đội ngũ giáo viên. Không có giáo viên nước nào hơn nước nào. Quan trọng là họ được đào tạo, sử dụng và trả lương như thế nào.

A.   MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

I.      Ở cấp vĩ mô:

1.    Trung ương và Chính phủ phải can thiệp trực tiếp vào việc giải quyết một số vấn đề cấp bách của giáo dục, trước hết là cần xem xét kỹ, lựa chọn và đưa ra quyết sách cụ thể về một số vấn đề quan trọng nhất, tránh dàn trải, tràn lan, nhằm tạo một chuyển động rõ rệt trong giáo dục, giống như trước đây Hồ Chủ Tịch đưa chủ trương Bình dân học vụ, lập khu học xá Trung ương ở Nam Ninh (Trung Quốc) hay xây dựng các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Một Nghị quyết Trung ương toàn diện về giáo dục có vẻ hay nhưng sẽ không mang lại hiệu quả thực tế mong muốn.

2.    Để làm được điều này cần lập một Ban (hay Tổ) nghiên cứu đặc biệt trực thuộc Chính phủ bao gồm những chuyên gia hàng đầu và các nhà hoạch định chính sách, dành trọn thời gian và được cấp kinh phí để lựa chọn các mục tiêu trọng điểm và xác định cụ thể phương thức thực hiện các mục tiêu này. Bộ Giáo dục – Đào tạo hay Hội đồng Quốc gia Giáo dục không phải là những cơ quan có chức năng và có điều kiện làm tốt việc này. 

       Hiện nay việc đổi mới giáo dục ở nước ta nhất thiết phải bắt đầu từ bên trên, từ chuyển động ở cấp vĩ mô. Nếu giáo dục thực sự được xem là quốc sách, là bức xúc của toàn dân, là đòn bẩy của sự phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc chấn hưng dân tộc thì phải tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho giáo dục, tập trung chỉ đạo công tác cải cách giáo dục như chỉ đạo chiến dịch trong chiến tranh, phải có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự quan tâm cụ thể của lãnh đạo cao nhất của đất nước như trước đây Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng làm. 

II.   Một số vấn đề cụ thể

1. Xác định lại mục tiêu đào tạo, quan niệm về giáo dục và tính chất của nhàtrường trong hoàn cảnh mới của đất nước đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần quán triệt tinh thần Thông điệp của UNESCO về giáo dục trong thế kỷ 21: “Học để biết, học để làm, học đểlàm ngườihọc để sốngvới nhau” (Hiện nay chúng ta chỉ nặng về “học để biết”). Trong mục tiêu giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến việc hình thành ở thế hệ trẻ những phẩm chất cần thiết cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới như tính trung thực, óc phê phán, tư duy sáng tạo, tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm và lòng khoan dung, nhân ái. 

Trên cơ sở này thiết kế lại Chương trình giáo dục phổ thôngChươngtrình đào tạo đại học cũng như chương trình, nội dung giảng dạycủa từngmôn học cho phù hợp với mục tiêu trên và đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt từ mẫu giáo đến lớp 12 (Hiện nay các chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông không gắn với nhau. Mục tiêu của việc dạy các môn học ở phổ thông cũng chưa được ý thức thật rõ). Cần nhanh chóng thực hiện chủ trương: Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa để phát huy trí tuệ chung của các nhà giáo và khả năng sử dụng của mỗi địa phương.

Trong khi chờ đợi cải cách chương trình, cần mạnh dạn cắt giảm từ 20 –25% nội dung chương trình giảng dạy hiện nay cắt giảm giờ lên lớp và ngày học trong tuần, góp phần giải quyết tình trạng quá tải và tạo điều kiện giúp giáo viên có thể đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm hình thành tư duy sáng tạo cho học sinh. Đây cũng là một nhân tố làm giảm tình trạng học thêm dạy thêm hiện nay.

2. Cải cách hệ thống thi cử hiện nay, khuyến khích hoạt động đánh giá giáodục toàn diện đối với học sinh trong đó bao gồm nhiều khâu (kiểm tra, thi, cho điểm), nhiều mặt (đạo đức, lối sống, khả năng học tập, năng lực diễn đạt, năng lực hoạt động: văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng…), trên cơ sở đó giảm thiểu các kỳ thi ở phổ thông, giảm nhẹ thi đại học bằng cách kết hợp thi và xét tuyển theo mô hình đại học Hoa Kỳ. Hiện nay hoạt động đánh giá trong giáo dục đã bị thu hẹp vào thi cử và thậm chí vào việc cho điểm. Điều này ảnh hưởng xấu đến việc dạy và học của thầy giáo và học sinh (thi thế nào thì dạy và học như thế), ảnh hưởng đến cách giảng dạy mới, phát huy óc sáng tạo, trí thông minh và tính tích cực của người học. 

Cách thi cử hiện nay cũng là gốc rễ của tình trạng dạy thêm học thêm trong nhà trường mà dư luận xã hội đang bất bình.

3.    Thực hiện quốc sách giáo dục về giáo dục thẩm mỹ:

Trong bốn nội dung giáo dục: trí, đức, thể, mỹ hiện nay khâu “mỹ” bị coi nhẹ nhất và thực tế hoạt động này chưa được tiến hành tương xứng với yêu cầu của nó, trong khi đó đây lại là lĩnh vực hết sức quan trọng.

Thời đại chúng ta đang chứng kiến sự lấn lướt của tư duy lý trí, của nền văn minh phương Tây đe dọa làm lệch sự phát triển cân bằng của con người, làm cho con người thông minh hơn nhưng cũng dễ trở nên khô khan, vô cảm, ích kỷ và thiếu lòng khoan dung trong thế kỷ đầy xung đột này.Ở nước ta sự mở rộng kinh tế thị trường vừa tạo điều kiện vật chất cho con người nhưng cũng đang tạo ra những thách thức gay gắt về đạo lý, về cách hưởng thụ văn hóa và thành tựu của văn minh, khoa học kỹ thuật. Vượt qua được những thách thức này con người mới làm chủ được những kết quả của phát triển kinh tế, không trở thành nô lệ của nó, đồng thời mới có thể tác động lại kinh tế, làm cho kinh tế phát triển mạnh hơn nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn và yêu cầu của sự phát triển bền vững. Xã hội càng phát triển, nhu cầu về giáo dục thẩm mỹ càng lớn.

Giáo dục thẩm mỹ là con đường thuận lợi nhất để giáo dục đạo đức và rộng hơn đạo đức là giáo dục tính nhân văn, hình thành nhân cách, thế giới tinh thần của con người.

Giáo dục thẩm mỹ là một phương cách hữu hiệu giúp giữ gìn bản sắc dân tộc bởi vì nghệ thuật và các hình thức sinh hoạt văn hóa là nơi lưu giữ nhiều nhất cái hồn, cái bản sắc của dân tộc.

Hiện nay công tác giáo dục thẩm mỹ chưa được nhận thức đầy đủ. Giáo viên dạy Nhạc, Họa thiếu hụt nghiêm trọng. Việc dạy Nhạc, Họa bị giản lược vào dạy hát, dạy vẽ, còn dạy Văn thì bị biến thành dạy tư tưởng chính trị, đạo đức. Thị hiếu thẩm mỹ của thanh thiếu niên còn thấp, lối sống văn hóa trong ứng xử yếu kém, việc tiếp nhận tác phẩm văn hóa nghệ thuật còn nhiều lệch lạc. 

Để xây dựng nền tảng văn hóa cho thời kỳ đổi mới phải bắt đầu bằng giáo dục, bắt đầu từ nhà trường. Văn hóa là công việc lâu dài, không thể làm một lúc và bằng các biện pháp hành chính. Chỉ có kiên trì làm dần dần thông qua nhà trường, bằng con đường giáo dục mới có thể đạt được thành quả vững chắc. Đây cũng chính là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần thực hiện chiến lược ngăn chặn phòng chống tội phạm, HIV, ma túy từ xa, nhưng hiệu quả rất to lớn.

Muốn như vậy ngay từ bây giờ cần có một Chuơng trình quốc gia về giáo dục thẩm mỹ do Chính phủ phụ trách. Điều này nhiều quốc gia trên thế giới đã làm từ lâu.

4.    Đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm:

Thầy giáo là khâu quyết định trong giáo dục. Thầy giỏi sẽ có trò giỏi, thầy yêu nghề, trò sẽ ngoan. Hiện nay chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giáo dục là do 2 nguyên nhân: Thứ nhất: do đời sống khó khăn, tiền lương không đủ sống, Thứ hai: do chưa được đào tạo kỹ

Nhìn chung các trường sư phạm hiện nay chưa xác định thật rõ mục tiêu đào tạo của mình, hầu hết mới tập trung vào việc dạy kiến thức, chưa chú ý đầy đủ đến việc dạy nghề, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực sư phạm. Trong việc giáo dục phẩm chất thường cũng chỉ quan tâm đến giáo dục tư tưởng đạo đức nói chung, chưa chú trọng bồi dưỡng lòng yêu nghề, tình yêu thương học sinh, yêu thương con người vốn là điều cốt lõi của mọi hoạt động giáo dục. Đặc biệt chương trình đào tạo của các trường sư phạm hầu hết tập trung vào việc cung cấp tri thức chuyên môn của từng môn học chứ chưa quan tâm rènluyện phương pháp giảng dạy các kiến thức đó theo hướng phát huy tính sáng tạo của học sinh. Nhiều vấn đề quan trọng như phương pháp đánh giá, kiểm tra, cho điểm bằng trắc nghiệm, tự luận, kỹ năng tổ chức lớp học không được dạy trong trường sư phạm.

Điều đáng nói hơn nữa là hiện nay trong chương trình đào tạo của các trường sư phạm hầu như không có nội dung bồi dưỡng năng lực giáo dục cho sinh viên. Nhà trường chỉ chú ý đến năng lực giảng dạy chứ chưa quan tâm đến việc hình thành người giáo viên với tư cách là nhà giáo dục, người thầy, trong khi đó sau khi ra trường, sinh viên không chỉ trở thành người giáo viên đứng lớp mà còn là người hướng đạo, sống chung với trẻ, dìu dắt, uốn nắn, giúp trẻ trở thành con người phát triển.

Để làm được điều này cần có một thay đổi lớn về mục tiêu và chương trìnhđào tạo của các trường sư phạm. Nên kéo dài việc đào tạo giáo viên ở các trường ĐHSP, trước hết là ĐHSP trọng điểm thành 5 năm. Đồng thời nên mở rộng phạm vi và tính chất của các trường ĐHSP trọng điểm, biến các trường này không chỉ bó hẹp trong việc đào tạo giáo viên (teacher training college) mà còn là nơi huấn luyện, nghiên cứu về giáo dục, nơi chuẩn bị các công trình sư về giáo dục cho đất nước (University of Education).

Đồng thời với việc đổi mới hoạt động đào tạo ở các trường sư phạm, cần thực hiện công tác đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đối với những người đã tốt nghiệp. Hiện nay công tác bồi dưỡng tiến hành không có kết quả, lãng phí lớn. Cần học tập kinh nghiệm của Nhật bản về vấn đề này.

5.    Hình thành tư duy đại học và quan niệm hiện đại về giáo dục đại học:

Hiện nay nhiều người vẫn gọi đại học Việt Nam là trường cấp 4. Điều này đúng cả về 2 phương diện: cơ sở vật chất và cách nghĩ, cách dạy. Để khắc phục tình trạng này Nhà nước phải cấp đất cho các đại học (kể cả công và tư) và đầu tư xây dựng một số đại học thật đàng hoàng. Đồng thời phải tạo điều kiện cho các trường đại học có quyền chủ động nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chương trình, xuất bản, tổ chức đào tạo. Đặc biệt phải hình thành tư duy đại học trong nhà trường và trong xã hội, làm cho trường đại học trở thành trung tâm chất xám, nơi bồi dưỡng tinh thần dân chủ, dám nghĩ, dám phát minh, có ý kiến mới, thành một môi trường mở về tri thức và tư tưởng, trung tâm giao lưu quốc tế về khoa học và sáng tạo. Không có được điều này cho dù cơ sở vật chất có khang trang thì đại học chúng ta vẫn chỉ là trường cấp 4 và vẫn lạc hậu so với các nước.

Đại học Việt Nam đang gặp khó khăn vì cùng một lúc phải làm cả 2 việc: vừa xây dựng đại học tinh hoa, đào tạo nhân tài, đại học cho ra đại học, vừa mở rộng cánh cửa đại học cho toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của các địa phương, đáp ứng nhu cầu xây dựng một xã hội học tập, nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Để giải quyết khó khăn này phải thực hiện hai việc: Thứ nhất, tập trung xâydựng một số đại học thật hiện đại để đào tạo nhân tài, để làm mẫu và cung cấp cán bộ giảng dạy cho các đại học khác, Thứ hai, mở rộng hệ thống đạihọc, chấp nhận nhiều loại trường (trường công, trường tư), nhiều qui mô, nhiều hình thức đào tạo (tại chức, từ xa, tín chỉ…).

Bên cạnh đó cần lập một hay vài Trung tâm kiểm định quốc gia để đánhgiá, xếp loại các cơ sở đào tạo đại học. Kết quả đánh giá này sẽ giúp Bộ Giáo dục – Đào tạo kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của các trường đại học cũng như giúp các trường tự điều chỉnh lại công tác đào tạo của mình. Việc công bố công khai kết quả kiểm định hàng năm trên báo chí cũng sẽ có tác dụng khuyến cáo đối với các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng sinh viên tốt nghiệp. 

6.    Quản lý và nghiên cứu giáo dục: 

Muốn làm được tất cả những việc trên đây, Bộ Giáo dục – Đào tạo phải là người chủ xướng và tổ chức thực hiện. Không có những chủ trương mạnh dạn từ bên trên, không có sự chỉ đạo chặt chẽ và kiểm tra giám sát của Bộ, các chủ trương đề ra sẽ không được thực hiện triệt để. 

Xu hướng phi tập quyền hay phi tập trung (decentralazation) là xu hướng chung của quản lý giáo dục trên thế giới hiện nay. Việc giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục, các trường đại học phải được thể chế hóa rõ ràng, vừa đảm bảo quyền kiểm soát của Trung ương vừa phát huy được tính sáng tạo của cơ sở.

Trong lãnh đạo giáo dục hiện nay hình như còn thiếu một triết lý giáo dục, một cái nhìn tổng thể, thiếu vai trò của những nhà thiết kế mô hình giáo dục quốc gia. Chính phủ và Bộ Giáo dục – Đào tạo cần đóng vai trò của những nhà Tổng công trình sư về giáo dục – đào tạo của đất nước. 

Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu giáo dục để làm cơ sở cho việc ra quyết định, hoạch định chính sách và quản lý thực hiện. Đây là một trong những khâu yếu nhất trong công tác giáo dục hiện nay. Có một khoảng cách khá lớn giữa quản lý và nghiên cứu trong giáo dục hiện nay. Những gì được nghiên cứu thì không ai cần, những gì cần thì không ai nghiên cứu. Nhiều khi nhà quản lý trực tiếp đứng ra nghiên cứu luôn và tổ chức thực hiện. Kết quả của tình trạng đó là nhiều chính sách, chủ trương đưa ra không có cơ sở khoa học vững chắc, không triển khai được, đành phải vừa làm vừa sửa, làm đi làm lại, tốn kém mà lại không có hiệu quả. 

Công tác nghiên cứu giáo dục ở ta còn có tính hàn lâm, hình thức, ít có tác dụng thực tiễn. Nhiều lĩnh vực quan trọng như kinh tế giáo dục, đánh giá giáo dục, xây dựng chương trình, giáo dục thẩm mỹ gần như không có đội ngũ chuyên gia, không được nghiên cứu. 

Sự yếu kém của hoạt động nghiên cứu giáo dục đi kèm theo sự yếu kém trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ các nhà nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp, nhất là các chuyên gia đầu ngành, các công trình sư và tổng công trình sư hoạch định chính sách và thiết kế chương trình. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao hiện nay chất lượng của hoạt động nghiên cứu và đào tạo sinh viên về phương diện giáo dục (chứ không phải chỉ kiến thức chuyên môn) ở các trường sư phạm rất yếu.

Yêu cầu cấp bách hiện nay là phải xây dựng và phát triển các Viện, các Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ở Trung ương và các trường đại học, các thành phố lớn. Các chủ trương của Nhà nước về giáo dục phải được nghiên cứu về phương diện khoa học thật kỹ trước khi đưa ra thành Nghị quyết, chính sách.

KẾT LUẬN: 

I.     Để tạo sự chuyển biến căn bản của giáo dục Việt Nam về lâu dài cần làm một số việc sau đây:

1.    Xác định lại mục tiêu, triết lý giáo dục, trên cơ sở đó thiết kế lại chương trình, nội dung, sách giáo khoa, thống nhất từ mẫu giáo đến hết trung học. 

2.    Xây dựng chương trình quốc gia về giáo dục thẩm mỹ.

3.    Đẩy mạnh công tác nghiên cứu giáo dục.

II.  Trước mắt cần tổ chức thực hiện các việc sau đây:

1.    Cắt giảm chương trình, nội dung giảng dạy, giờ lên lớp, kết hợp với việc cải tiến cơ sở vật chất trường lớp, tạo điều kiện thay đổi cách dạy và cách học.

2.    Cải cách hệ thống đánh giá, thi cử. 

3.    Đổi mới việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. 

4.    Xây dựng một số trường đại học hiện đại.

5.    Thể hiện chủ trương giáo dục là quốc sách trong đầu tư ngân sách cho giáo dục và chế độ tiền lương cho giáo viên.

6.    Lập một bộ phận nghiên cứu Chương trình đổi mới giáo dục quốc gia trực thuộc Chính phủ, làm sao tập trung cho được trí tuệ cao nhất của cả nước.

 

                                                                                                            >>>>

 

 

 

 

 

 

 

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31