NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC: NHỮNG GIẢI PHÁP ĐÃ CÓ SẴN
Lê Ngọc Trà
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học đúng là một đòi hỏi rất cấp thiết hiện nay.
Nhưng làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học? Theo tôi đây là câu hỏi đã có lời giải đáp. Nói cách khác, đi tìm giải pháp cho vấn đề này không có gì là quá khó khăn, phức tạp. Bản thân đại học Việt
Sau đây tôi chỉ xin nói đến một vài điểm mà tôi tâm đắc và thấm thía.
Thứ nhất, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học đầu tiên phải nâng cao chất lượng giáo viên. Thầy giỏi thì trò giỏi. Cũng có trường hợp thầy bình thường nhưng vẫn có trò giỏi, nhưng đó là do trò vốn có năng khiếu, có tài. Mà người có tài hay như chúng ta vẫn nói: “nhân tài” thì thường là do tự phát triển nhiều hơn là do đào tạo. Nói chung thầy loại một thì đào tạo trò loại một, thầy loại hai thì thường chỉ đào tạo được trò loại hai. Cho nên có được thầy giỏi là xem như đã có được một nửa trường đại học!
Nhưng làm thế nào để có được thầy giỏi. Câu này ai cũng trả lời được nhưng thực tế lại không làm được. Nguồn đầu tiên để có được thầy giỏi là giữ sinh viên giỏi lại ở trường. Nhưng nhiều năm qua những người giữ lại trường có thực sự là giỏi không? Câu này tôi xin để mỗi người tự trả lời. Ở đây tôi chỉ xin nói thêm hai điều: thứ nhất, cần phân biệt sinh viên học giỏi và sinh viên có khả năng nghiên cứu. Có những sinh viên điểm không thật cao và đều, nghĩa là có thể không đáp ứng những tiêu chuẩn hình thức về điểm số, lại là những người có tư chất làm khoa học, giỏi thực sự, đồng thời có những sinh viên chỉ là những người đạt được điểm cao, chuyên cần, ngoan ngoãn nhưng thực sự không có năng lực nghiên cứu và tiếp tục phát triển. Thứ hai, không nên chỉ giữ sinh viên tốt nghiệp khoa mình, trường mình ở lại làm cán bộ giảng dạy, bởi vì có nguy cơ họ sẽ lặp lại thầy mình do quá sùng bái thầy hay do không có điều kiện để suy nghĩ sáng tạo. Đây là kinh nghiệm mà nhiều trường đại học ở Mỹ đã thực hiện.
Ngoài việc giữ lại sinh viên tốt nghiệp, nên thực hiện chế độ thi tuyển vào các vị trí cán bộ giảng dạy ở các bộ môn. Việc này rất nên làm nhưng tôi cũng hiểu là bây giờ đây cũng chỉ là nói cho vui thôi. Ở ta tiếc là hiện nay đang có quá nhiều điều nói cho vui theo kiểu này. Ai cũng thấy là hay, là cần, nhưng không ai làm, mà làm cũng chẳng được. Thành ra chuyện nói thì cứ nói, nhưng cũng chỉ là nói cho có nói, nói cho vui, ngay cả ở những nơi nghiêm chỉnh như hội nghị khoa học.
Tôi đã nói chuyện thứ nhất là vấn đề chất lượng người dạy. Bây giờ tôi xin nói thêm một chút về vấn đề cách dạy – tức là vấn đề thứ hai.
Hiện nay chúng ta đang nói rất nhiều về đổi mới phương pháp giảng dạy cả ở phổ thông và đại học. Thú thật tôi không thích cái câu “đổi mới phương pháp giảng dạy” này. Nói mãi thành nhàm mà nội dung cũng không thật chính xác. Đúng là hiện nay có những cách dạy mới như dạy theo nhóm, sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin. Đó là những phương pháp hiện đại, giáo viên cần biết, cần vận dụng. Nhưng cái cần thiết đối với thầy giáo không phải là “đổi mới” mà sử dụng một cách thích hợp tất cả các phương pháp cũ và mới, vận dụng sáng tạo các phương pháp ấy trong mỗi trường hợp cụ thể để giúp sinh viên nắm được kiến thức và phát triển được tư duy sáng tạo. Bản chất của phương pháp giảng dạy ở đại học là dạy làm sao để sinh viên có thể tự họcđược, biết cách tự học, biết cách tự đọc sách, tự nghiên cứu, tự suy nghĩ. Bởi vậy phương pháp có thể rất đa dạng, nhưng làm sao phải đạt cho được mục đích nói trên. Hiện nay tình trạng phổ biến là sinh viên chỉ học ở trên lớp, còn nhà trường thì cố đưa thật nhiều nội dung kiến thức vào chương trình và thầy giáo thì phải cố giảng cho thật nhiều mới yên tâm. Thật ra làm như thế là làm ngược.
Chuyện này liên quan đến vấn đề thứ ba mà tôi cũng muốn nói thêm một chút ở đây là vấn đề giáo trình. Muốn cho sinh viên tự học được cái cần nhất là phải có sách, có thư viện. Tôi nói là sách và thư viện, chứ không nói là giáo trình. Nhiều trường nghĩ rằng muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải có giáo trình và thế là dốc hết sức để biên soạn giáo trình. Nhiều trường trình độ cán bộ ở bộ môn còn yếu cũng viết giáo trình và thế là sinh viên cứ thế ôm giáo trình của thầy và học thuộc. Tôi cho đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục đại học kém hiện nay.
Chúng ta đều biết biên soạn giáo trình là một công việc hết sức khó khăn. Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Maxcova mang tên M.Lomonoxop có lịch sử gần 300 năm và mãi đến 60 năm sau Cách mạng tháng Mười là năm 1978 mới xuất bản được bộ giáo trình chính thức về “Lý luận văn học”, trong khi bộ môn này thành lập từ năm 1960, và chủ nhiệm bộ môn đã có học hàm Phó Giáo sư từ cách đó hơn 30 năm. Công việc của trường đại học là phải xây dựng được những thư viện lớn mua thật nhiều sách, tổ chức dịch thuật nhiều tài liệu cho các ngành chuyên môn. Công việc của thầy giáo là giới thiệu cho sinh viên những tài liệu bắt buộc hoặc cần phải đọc chứ không phải là yêu cầu sinh viên đọc hay học thuộc giáo trình của mình. Báo chí đã nêu lên một số trường hợp các thầy dịch copy giáo trình của nước ngoài rồi để tên mình. Đúng là chuyện bậy nhưng như vậy vẫn còn có cái may. Tôi đã có xem qua một số giáo trình về văn hóa, văn học do một số thầy giáo ở đại học hay cao đẳng biên soạn được bày bán ở hiệu sách. Tôi nghĩ giá mà sinh viên không phải học hay đọc những giáo trình như vậy có lẽ trình độ biết đâu sẽ khá hơn.
Trên đây chỉ là một vài điều mà tôi thấm thía nhất trong số không biết bao nhiêu những giải pháp có thể làm để nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Những giải pháp này hầu như đã có sẵn, không phải là những bí quyết cần tìm đâu xa. Tất cả phụ thuộc vào những nhà quản lý ở các cấp, vào những người lãnh đạo các trường đại học và một phần vào cơ chế. Nếu không tháo gỡ cơ chế, không quyết tâm làm, không định làm thật thì rồi tất cả cũng chỉ là để nói cho vui mà thôi.