Biết rung cảm trước cái đẹp sẽ rất khó làm điều xấu

    GS.TSKH. Lê Ngọc Trà: Biết rung cảm trước cái đẹp sẽ rất khó làm điều xấu

                                                   06/01/2009 18:56 (GMT + 7)
            Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Lê Ngọc Trà là một nhà giáo nhiều tâm huyết. Ông là viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Đại học Sư phạm TP.HCM) từ năm 2001 đến 2005. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước có Trung tâm đo lường giáo dục, triển khai chương trình kiểm định và đánh giá giáo dục, thành lập Trung tâm Công nghệ Dạy học với mục tiêu áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy…
           
           Giờ đây, dù không còn làm công tác quản lý, nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy trong môi trường sư phạm. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra tại nhà riêng của ông, một căn hộ khá yên tĩnh ở khu Nam Sài Gòn. Ông nói:

- Đời tôi có một may mắn rất lớn là được học những thầy giỏi. Ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi học các thầy Trương Chính, Lê Trí Viễn, Nguyễn Đức Nam… - những giáo sư được đào tạo thời Pháp. Khi qua Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp - trường đại học lớn nhất của Nga làm luận án phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ, tôi được Giáo sư G. N. Pôxpêlốp - một trí thức Nga được vinh danh trong các Từ điển Bách khoa của Nga đồng thời là người sáng lập bộ môn Lý luận văn học của trường này - trực tiếp hướng dẫn.

Tôi đã học được rất nhiều từ Giáo sư Pôxpêlốp, cả về khoa học và nhân cách. Trong ông còn phảng phất hình ảnh những trí thức, những giáo sư thế hệ cũ trước cách mạng. Trí thức Nga là một hiện tượng xã hội khá đặc biệt. Tại sao người ta không nói trí thức Anh, Pháp, Mỹ… mà lại là trí thức Nga. Tầng lớp này hình thành từ giai đoạn cuối thế kỷ XIX, gắn với việc tìm kiếm con đường phát triển cho nước Nga. Thời Stalin, mặc dù bị đàn áp khá mạnh tay nhưng tầng lớp này vẫn âm ỉ tồn tại.

* Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận xét về danh nhân Nguyễn Trãi rằng người đã chọn một cách xuất xử không sáng suốt. Nhân nhắc đến trí thức Nga, ông nghĩ thế nào về cách xuất xử của người trí thức Việt Nam trong xã hội hiện nay?

- Trí thức đồng nghĩa với tình yêu chân lý. Người trí thức là người say mê chân lý, sáng tạo, theo đuổi học vấn và tôn trọng nhân cách. Nhân cách đối với trí thức trước hết không phải là đạo đức theo nghĩa thông thường mà là sự trung thành đến cùng với chân lý, với sự thật. Trí thức là những người có suy nghĩ độc lập, đi đầu trong việc tìm kiếm sự hợp lý.

Khi xã hội phát triển bất hợp lý thì xuất hiện sự đối kháng giữa trí thức và nhà cầm quyền. Tôi nghĩ rằng lực lượng trí thức của chúng ta hiện nay khá mỏng. Một phần do thiếu thông tin, bị trói buộc trong suy nghĩ…, phần khác là do mình tự trói buộc mình, tự đánh mất mình, tư duy theo lối mòn, nên lực của trí thức không mạnh.

* Vậy còn bản lĩnh thì sao, thưa ông?

- Đó là cái mà theo cách nói của ông bà mình ngày xưa là cái dũng của người quân tử, dám bày tỏ ý kiến trên cơ sở học vấn và sự hiểu biết của mình. Biết mà không nói là không có khí phách. Có khí phách mà không biết thì sinh ra nói càn.

* Theo ông, phải chăng hầu như chúng ta chưa có cuộc thi nào để tìm kiếm nhân tài?

- Thực tế là chúng ta hay nói đến chuyện chăm sóc và bồi dưỡng nhân tài. Có khi do chăm sóc kỹ quá nên rốt cuộc người tài không còn tài nữa chăng? Tôi thấy rất lạ là người ta luôn coi bồi dưỡng nhân tài là thành tích. Còn việc sử dụng nhân tài như thế nào thì hầu như rất ít quan tâm. Học sinh Việt Nam đi thi quốc tế được giải cao, gửi đi nước ngoài đào tạo, đến khi thành tài về nước thì không được tạo điều kiện để tiếp tục phát triển.

Sự lãng phí ghê gớm này là một trong những điều tệ hại nhất của nước mình, rất đau xót. Cũng giống như những hạt mầm, thảy ra ở chỗ này thì thui chột, đưa qua chỗ khác thì lại phát triển rất tốt. Lê Bá Khánh Trình là một trong nhiều trường hợp mà tôi đã chứng kiến. Trong khi đó, Lê Tự Quốc Thắng ở lại Nga, rồi qua Mỹ ở lại, tiếp tục nghiên cứu thì trở thành một giáo sư toán nổi tiếng.

* Thực tế đã có khá nhiều lời than phiền về cách dạy và học trong nhà trường, nhất là môn văn. Cũng đã có không ít những cuộc hội thảo, hội nghị của ngành giáo dục để bàn về vấn đề này nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ rệt?

- Đây là một vấn đề làm tôi băn khoăn nhiều năm nay. Tôi nghĩ rằng ngành giáo dục cần xem lại một cách kỹ lưỡng cách dạy văn trong nhà trường, xem lại một cách triệt để toàn bộ, xem lại một cách hệ thống. Trước hết cần làm rõ mục đích của việc dạy văn ở cấp phổ thông đặc biệt là xác định rõ mục tiêu và quan hệ giữa việc dạy tri thức và dạy tư duy, dạy chữ và dạy người, dạy tiếng Việt và dạy văn học.

Nếu chọn dạy tiếng Việt là chính thì phải làm sao đảm bảo để học sinh thông thạo bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Còn nếu ưu tiên cho văn học thì phải cân nhắc xem nên đưa văn học vào giảng dạy từ bậc học nào là tốt nhất. Theo tôi, dạy văn học hay tiếng Việt cũng nên đi từ dạy cái đúng lên dạy cái hay. Cách làm hiện nay cũng giống như “chưa học bò đã lo học chạy”.

Học sinh tiểu học, trung học cơ sở còn rất nhỏ đã phải học những tác phẩm cổ điển rất khó, bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức và thể loại, về ngôn ngữ, gây ra tình trạng quá tải mà dư luận xã hội đã kêu rất nhiều. Chúng ta bập vào cái hay quá sớm, trong khi cái đúng lại dạy chưa tới nên sinh ra lộn xộn. Chính vì vậy nên mới có tình trạng nhiều người đã tốt nghiệp đại học nhưng viết câu vẫn sai.

Có một vấn đề cũng cần phải tính đến là nên dạy cái gì? Đây là vấn đề lớn, phụ thuộc vào việc xác định mục tiêu của dạy và học? Chẳng hạn như mảng văn học nước ngoài. Hiện nay chúng ta vẫn chọn những tác phẩm “hợp” với mình để đưa vào chương trình. Làm như vậy đúng không? Dạy văn học nước ngoài là dạy cái khác mình, để hiểu thêm sự đa dạng của cuộc sống.

Cái chính của dạy văn ở cấp phổ thông là dạy người (dạy cách sống, cách cảm, cách nghĩ, khả năng giao tiếp), còn ở đại học là dạy nghề (nghề dạy văn, nghiên cứu, viết văn…). Đó là điều rất cần phải phân biệt. Không phải vô cớ mà có nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam chương trình phổ thông thì khó, còn đại học thì dễ trong khi ở nước ngoài thì ngược lại.

* Dạy văn là dạy người. Đã có những hồi chuông báo động về sự gia tăng tội phạm vị thành niên. Theo ông, nhà trường đã làm hết trách nhiệm?

- Phải nói ngay rằng đây là vấn đề xã hội, không phải lỗi của người thầy. Không có nhà trường nào dạy học trò hư hỏng. Tuy nhiên, thực trạng này cũng có một phần trách nhiệm của nhà trường. Các môn học, trước hết là môn văn kích thích chưa hết phần nhạy cảm và tốt đẹp trong tâm hồn các em. Cũng như âm nhạc, hội họa,… văn học tác động rất mạnh vào phần hồn của học trò. Những em biết rung cảm trước cái đẹp sẽ rất khó làm điều xấu.

Nghệ thuật và văn chương có lẽ chủ yếu không làm cho người ta cứng rắn và mạnh mẽ mà mang đến tình yêu, sự mềm yếu và nhạy cảm. Mềm yếu cũng là một phẩm chất. Nó có vẻ đẹp và sức mạnh riêng. Đứa trẻ biết thương xót một chiếc lá, biết yêu một cánh hoa sẽ dễ chia sẻ với nỗi đau của người khác, biết gìn giữ cái đẹp. Nền giáo dục chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục tiên tiến và nhân văn, thiếu những tổng công trình sư thiết kế chương trình một cách hệ thống, đồng bộ, từ tiểu học đến trung học.

* Nếu như được bỏ phiếu đề cử tổng công trình sư thiết kế toàn bộ chương trình giảng dạy môn văn từ bậc tiểu học đến trung học, ông sẽ chọn ai?

- GS Hoàng Ngọc Hiến, GS Hồ Ngọc Đại, GS Nguyễn Văn Hạnh hoặc một vài người khác.

* Ngành giáo dục đang theo đuổi mục tiêu đào tạo hai vạn tiến sĩ đến năm 2020. Được biết ông cũng có tham gia hướng dẫn luận án tiến sĩ, ông suy nghĩ thế nào về chương trình này?

- Cảm giác đầu tiên của tôi về chương trình hai vạn tiến sĩ (TS) là nó thế nào ấy, mang tính chất phong trào. Tiến sĩ là một bậc học cao, đào tạo TS không đơn giản như đào tạo công nhân lành nghề. Mục tiêu đào tạo hai vạn TS đến năm 2020 là quá tham vọng. Cách đặt chỉ tiêu như vậy rất dễ đến cái tạm gọi là thành tích, chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Tôi hiểu được nhu cầu đào tạo TS là do hiện nay số lượng các trường hệ đại học và cao đẳng được mở ra nhiều một cách bất thường nên cần thêm những giảng viên mới. Vừa rồi có một con số thống kê khá thú vị là ở Việt Nam, số trường đại học, cao đẳng nhiều hơn trường trung cấp dạy nghề, trong khi thực tế chỉ có khoảng 20% - 30% học sinh tốt nghiệp cấp III có cơ hội vào đại học, cao đẳng.

Nhưng việc tìm mọi cách tăng số lượng tiến sĩ không thể chữa cháy cho thực trạng thiếu giảng viên. Những TS có được bằng mọi giá nếu tham gia công tác giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sinh viên nhiều năm sau này. Mặt khác, chi phí để đào tạo được một tiến sĩ không hề nhỏ, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, chênh lệch rất nhiều so với chi phí đào tạo dành cho tiến sĩ hiện nay.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan ngại là những ai đủ tiêu chuẩn để làm nghiên cứu sinh. Hiện nay, tôi cũng đang đứng lớp một số lớp thạc sĩ và tiến sĩ. Đối tượng thứ nhất ở bậc học thạc sĩ là giáo viên cấp 2, cấp 3. Đối tượng thứ hai, ít hơn, là những bạn vừa mới ra trường, học thạc sĩ là vì chưa tìm được công việc phù hợp. Những người này, nếu học giỏi, sẽ có nhiều cơ hội để học lên TS. Nhưng liệu có ai đảm bảo rằng những bạn này sẽ đi vào nghiên cứu và dạy đại học sau khi hoàn tất luận án TS.

* Một vấn đề cũng đang được dư luận quan tâm khá nhiều là việc ngành giáo dục bỏ ra 400 triệu USD để xây dựng bốn trường đại học đẳng cấp quốc tế. Là người trong cuộc, ông thấy sao?

- Một giáo sư nước ngoài đã nhận xét rằng chúng ta hăng hái với việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là do thấy rất dễ làm. Không phải cứ xây lên một tòa nhà, lắp đặt trang thiết bị hiện đại là thành đẳng cấp quốc tế. Chúng ta thường hay hô khẩu hiệu “đi tắt đón đầu” nhưng giáo dục không thể làm vậy được. Đây là vấn đề con người, phải làm từ từ, từng bước, có tính toán. Trong giáo dục không thể có Thánh Gióng.

* Thế thì chúng ta nên đi theo hướng nào?

- Tôi cho rằng xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế cũng giống như xây một ngôi nhà, nên bắt đầu từ dưới lên. Cụ thể là xuất phát từ bộ môn, tiến đến thành lập khoa, rồi dần dần nâng lên thành trường. Bên cạnh đó còn hàng loạt vấn đề cũng phải tính đến như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… và đặc biệt là xây dựng một môi trường mở về tri thức. Ở các nước phát triển, các trường đại học có quyền tự trị (chúng ta không dùng chữ “tự trị”, mà thay bằng “tự chủ”). Tự trị đại học gắn liền với tự do nghiên cứu, tự do tư tưởng.

Mục tiêu của giáo dục đại học là tìm tòi cái mới. Muốn vậy, phải có tự do trong suy nghĩ và giao tiếp. Khi xây dựng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, các chí sĩ yêu nước có đầu óc đổi mới đã biến trường học thành một môi trường mở về kiến thức, mời những bậc trí giả như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… đến truyền bá tri thức và tư tưởng, chứ không chỉ trông cậy vào những khuôn mẫu đúc sẵn.

Nói một cách nôm na thì đại học là hôm nay nghĩ được cái gì mới thì có thể được mang ra trình bày, thấy ai có cái gì hay thì mời đến giảng, mặc dù điều đó đang còn tranh cãi và ngày mai có thể không còn đúng nữa.

* Theo ông, cần phải làm gì để có tự do học thuật?

- Trong hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều điều cấm kỵ. Lỡ phát biểu một câu không đúng lập trường là có thể bị đối xử một cách không công bằng, tạo thành “vết xe đổ” khiến những người khác e ngại, từ đó dẫn đến tình trạng nói không thực, nói những điều mà có thể họ không nghĩ. Sự trì trệ này kìm hãm sáng tạo rất dữ.

Vậy nên, muốn khuyến khích tự do sáng tạo thì phải bỏ những điều cấm kỵ. Việc duy trì sự cấm kỵ quá lâu dẫn đến tình trạng “tự kiểm duyệt”. Mỗi người tự đặt cho mình một cái ngưỡng trong suy nghĩ, trói buộc sáng tạo. Điều đáng nói là vấn đề này không chỉ rơi vào một số cá nhân, mà đã trở thành một thực trạng khá phổ biến.

* Cách nay ít lâu, ngành giáo dục kêu gọi đổi mới phương thức giảng dạy từ dưới lên. Liệu rằng các thầy, cô giáo đã đủ “lực” để thực hiện chủ trương này?

- Nói đổi mới phương thức giảng dạy từ dưới lên tôi cho là không đúng. Đổi mới phải gắn liền với việc xác định mục tiêu của đào tạo, thi cử, rà soát lại toàn bộ chương trình, sách giáo khoa… Đây là công việc của các cơ quan quản lý vĩ mô, không thể tùy tiện dồn trách nhiệm lên vai các thầy cô giáo.

* Ngoài công việc thường ngày là đứng trên bục giảng, ông còn được biết đến với tư cách một nhà lý luận văn học. Cuốn Lý luận và Văn học đã mang lại cho ông giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Đây cũng là thời điểm mà làng văn có ba tác phẩm cùng được giải là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng. Có ý kiến cho rằng năm đó văn học được mùa là nhờ chúng ta vừa mở cửa?

- Thực ra, thời điểm đó còn có hai nhà văn xứng đáng có giải thưởng là Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Cách đây một số năm Trần Đăng Khoa có viết rằng năm 1991 văn học được mùa giải thưởng, còn từ đó trở về sau thì toàn hạt lép. Tôi cũng đồng ý với Khoa, năm 1991 văn chương có một sự đột khởi. Cảm hứng rất quan trọng, nó giúp người sáng tạo có những giây phút xuất thần. Sau mùa giải đó, hứng khởi của nhà văn giảm xuống. Khi đã mất hứng rồi thì có cho tự do thoải mái cũng khó lên lại được.

* Vậy còn tài năng thì sao, thưa ông?

- Đương nhiên tài năng vô cùng quan trọng. Nhưng tài năng không phải muốn là được, vì còn có yếu tố bẩm sinh ở đó nữa. Nhiều người cứ hay đòi hỏi tại sao văn học chúng ta không có những tác phẩm lớn, nhà văn lớn. Đó là những yêu cầu có tính chất chính trị hơn là văn học. Vấn đề tác phẩm lớn, nhà văn lớn không có quy luật, càng không phụ thuộc vào ngân sách hàng năm nhà nước rót xuống cho giới sáng tác. Sáng tác là một nhu cầu tự thân.

* Ông đã từng viết: “Muốn cứu lấy văn học thì phải cứu lấy nhà văn. Không chỉ cứu phần xác mà còn phần hồn, nhân cách của người cầm bút”…

- Nhà văn Nga Dostoievski nói rằng “Nghèo không phải tội lỗi nhưng kiệt quệ thì rất đáng sợ”. Nam Cao viết Sống mòn, Trăng sáng… làm nhiều người lầm tưởng rằng ông ấy túng quẫn. Vợ ông Nam Cao sau này kể lại rằng bà chăm sóc ông cũng khá đầy đủ. Khổ như vậy làm sao viết văn được. Đau khổ về vật chất thì giết chết nghệ thuật, còn đau khổ về tinh thần thì đẻ ra nghệ thuật.

So với thời kỳ trước Đổi mới, cuộc sống của nhà văn hiện giờ đã dễ thở hơn rất nhiều. Nhưng phần hồn mới là cái quan trọng. Tôi có cảm giác là cái phần hồn của nhà văn Việt Nam hiện nay chưa được thanh thoát lắm. Phần vì còn bị gò bó, chưa thật tự do, phần vì bị lôi kéo bởi kinh tế thị trường. Phần vì chưa thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ, phần vì chưa hình dung rõ tương lai làm sao. Tất cả những cái đó trì kéo tâm hồn các nhà văn, làm cho nó không bay lên được. Không hẳn đau khổ, không hẳn sung sướng, làm sao có tác phẩm hay.

* Ở bậc phổ thông, học trò đang được dạy rằng nghệ thuật vị nhân sinh. Ông nghĩ sao?

- Nghệ thuật vị chính bản thân nó. Nghệ thuật là cuộc sống, muôn màu muôn vẻ, có cả ánh sáng và bóng tối. Nó vị chính nó cũng là vị cuộc sống. Nó vừa quan trọng, vừa không quan trọng, vừa rất nghiêm túc, lại vừa vớ vẩn, có khi để giáo dục nhưng có khi chỉ để giải trí, để chơi. Phải làm cho học sinh cảm nhận được tất cả điều đó, dĩ nhiên là phải căn cứ vào từng lứa tuổi, từng cấp học.

* Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông chú ý đến ai trong số những nhà văn thế hệ sau năm 1975?

- Thực lòng thì ít có tác giả mới mà tôi thích. Cũng có lẽ do tôi ít đọc. Gần đây xuất hiện gương mặt Nguyễn Ngọc Tư. Cánh đồng bất tận là một cuốn xuất sắc về nhiều phương diện. Nguyễn Ngọc Tư có cái giọng văn riêng. Tạo được cho mình một cái giọng văn riêng đâu phải chuyện dễ. Văn của Ngọc Tư có chất Nam bộ, nhưng lại không có kiểu địa phương tỉnh lẻ. Tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư cũng vậy. Giữ được chất địa phương nhưng không quê mùa là khó lắm.

* Một câu hỏi cuối cùng. Các con ông có nối nghiệp ông, theo nghề giáo?

- Không. Các con tôi đều không theo nghề bố.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo THƯỢNG TÙNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
 
 
 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30