Nói đến dân
gian là nói đến cái gì đó dân dã, đến cái thuộc lớp người bình dân mà trước hết
là lớp người thuộc tầng lớp dưới, những người nông dân ở các vùng quê tay lấm
chân bùn. Hai tiếng dân gian gợi lên cảm giác về cái gì đó không chính qui, không
chính thống, về sự giản dị, mộc mạc, chân tình. Văn học dân gian chính là văn học
gắn với dân gian trong nghĩa ấy.
Lâu nay nói đến
văn học dân gian người ta thường nghĩ ngay đến tính truyền miệng và tính tập thể, đến tình yêu quê hương, kinh nghiệm sản
xuất, tình yêu nam nữ, tinh thần chống áo bức bóc lột. Đây đúng là những đặc điểm
cơ bản và phổ biến của nó. Ca dao hay chuyện cổ tích thường không phải do một
người sáng tác và thường tồn tại dưới hình thức truyền khẩu. Nói đến tính tập
thể và tính truyền miệng là nhấn mạnh đến đặc điểm về phương thức sáng tác và
phương thức lưu truyền của tác phẩm văn học dân gian. Điều này có ý nghĩa hết sức
quan trọng đối với việc nghiên cứu các
sáng tác dân gian. Tuy nhiên đôi khi sự
hấp dẫn của những nghiên cứu hình thức và loại hình có thể khiến người ta quên
lãng những tính chất cơ bản, không kém phần quan trọng, cái tạo nên hồn cốt của
các tác phẩm tự sự và thơ ca trữ tình dân gian. Đó mới chính là những cái giải
thích lí do tồn tại của văn học dân gian, ý nghĩa của nó đối với đời sống con
người, giải thích vì sao nó được lưu giữ, truyền bá trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Khái niệm “dân
gian” thường được đặt ra trong sự đối lập với khái niệm “ bác học”. Văn học dân
gian là một bộ phận văn học nằm trong quan hệ đối sánh với văn học bác học.
Trong mối quan hệ này dân gian hay văn học dân gian hiện ra như một tiếng nói
khác với tiếng nói chính thống, quan phương, một tiếng nói mang giọng điệu
khác, nội dung khác. Khi đọc câu ca dao:
Con ơi nhớ lấy câu
này
Cướp đêm là giặc cướp
ngày là quan
hay :
Sông Hương nước chảy lờ đờ
Dưới sông có đĩ, trên
bờ có vua
chúng ta hiểu
ngay rằng đây không phải là tiếng nói “ được phép” lưu hành công khai, chính thống
mà chỉ là tiếng nói lưu truyền trong dân gian. Có thể nói tính không chính thống
ấy là một nét cơ bản tạo nên nhiều đặc điểm khác về nội dung và hình thức của văn thơ dân gian.
Không chính thống không có nghĩa lúc nào cũng mang tính chất đối kháng, như trường
hợp câu thơ “Con ơi nhớ lấy câu này…”.
Không chính thống ở đây có thể có nhiều nghĩa. Nó có thể hàm nghĩa một tiếng
nói phê phán, đối lập :
Con quan thì lại làm
quan
Con nhà kẻ khó đốt
than cả ngày
Nhưng phần nhiều
nó là tiếng nói không công khai, tiếng nói của những người bình dân nói với
nhau, có khi bông đùa, châm biếm:
Ban ngày quan lớn như
thần
Ban đêm quan lớn tần
mần như ma
có khi chỉ là chuyện
tình cảm khó nói công khai :
Yêu nhau cởi áo cho
nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu
gió bay
Truyện tiếu
lâm và ca dao trữ tình là hai thể loại tiêu biểu cho tính chất “ phi chính thống”
của văn học dân gian. Những truyện tiếu lâm thì thường không thể xuất bản và đọc
to lên giữa chỗ đông người, còn ca dao, nhất là ca dao tình yêu thì nhiều câu
vượt cả ra ngoài lễ giáo.
Tính phi chính
thống làm cho văn học dân gian có sức hấp dẫn riêng. Đó là sự hấp dẫn của cái “
không được phép”, hấp dẫn của cái khác, của một thứ giọng lạ so với giọng chính,
nhất là khi cái lạ ấy không còn chỉ là cái lạ về chữ nghĩa, âm điệu mà chủ yếu
là cái lạ về những cái nói ra, cái lạ của nội dung chữ nghĩa. Trong bất cứ xã hội
nào, nhất là xã hội phong kiến trước đây, tầng lớp yếu thế bao giờ cũng cần có một không gian tinh thần riêng, khác với
không gian chính thống. Người ta sống với
nhau, giao lưu với nhau trong môi trường dân gian, tức không gian tinh thần
riêng ấy. Văn học dân gian vừa là ngôn ngữ, ký hiệu giao tiếp, vừa là món ăn
tinh thần của con người sống trong không gian ấy. Hiểu được điểm này là nắm được tinh thần của văn học
dân gian, giải thích được vì sao trong
thời đại hiện nay vẫn tồn tại văn học dân gian, những truyên tiếu lâm, những
bài thơ mang tính dân gian.
Như đã nói ở
trên, tính không chính thống của văn học dân gian không chỉ nằm ở sự đối kháng,
đối lập mà cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm những gì khác nhiều hay ít với
cái cái chính thống, quan phương. Lấy thí dụ thái độ đối với vấn đề đạo đức. Nếu
văn chương bác học tập trung vào đạo đức
xã hội, đạo đức công dân mà trước đây thường đươc nhắc đến bằng các khái niệm
trung, hiếu, lễ, nghĩa, thì văn học dân gian thường hướng vào phương diện đạo
lí ăn ở, đạo lí làm người. Không phải ngẫu nhiên mà những câu như :
Nhiễu điều phủ lấy
giá gương
Người trong một nước
thì thương nhau cùng
không có nhiều
trong ca dao. Nhiều nhất vẫn là những câu về tình nghĩa gia đình, về quan hệ
cha mẹ và con cái, quan hệ vợ chồng, anh em. Trong những quan hệ này, văn học
dân gian không chỉ đề cao tình yêu thương, sự găn bó mà còn nhấn mạnh đến mặt đạo
lí tronh tình cảm . Nói đến quan hệ giữa
con cái với cha mẹ, câu thơ được phổ biến nhiều nhất là câu thơ nhắc về đạo lí
:
Công cha như núi Thái
sơn
Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra
Đạo lí cũng là cái cốt
lõi trong quan hệ vợ chồng :
Tay nâng chén muối
đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin
đừng có quên
***
Đã rằng là nghĩa vợ
chồng
Dầu cho nghiêng núi cạn
sông chẳng rời
Ca dao tình
yêu bên cạnh những câu buồn nhớ, khao khát yêu thương nhiều nhất vẫn là những câu nhắc nhở về sự tử
tế, thủy chung, tức là nhắc nhở về đạo lí làm người của những người yêu nhau :
Nào khi gánh nặng em
chờ
Qua truông em đợi,
bây giờ phụ em
***
Lời nguyền trước cũng
như sau
Ta không ham vui bỏ bạn,
bạn chớ tham giàu bỏ ta
Văn học dân
gian là cái nôi nuôi dưỡng đạo lí và những phẩm chât cơ bản của đạo làm người.
Đọc truyện cổ tích, ca dao cũng như truyện nôm khuyết danh ( Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa v.v.) và
sáng tác của những nhà văn như Hồ Biểu Chánh, chúng ta thấy câu chuyện và chủ đề
hầu hết đều xoay quanh cách xử thế và lẽ ở đời, đều đề cao lòng hiếu nghĩa, thực
thà, phê phán những kẻ tham lam, phản trắc. Người bình dận quan tâm nhiều nhất
không phải là những điều to tát, những lời răn dạy Trung với nhước, Trung với
vua mà là những tình cảm bình dị, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người
thân, của cha mẹ, gia đình :
Mình về ta chẳng cho
về
Ta nắm lấy áo ta đề
câu thơ
Câu thơ ba chữ rành
rành
Chữ trung, chữ hiếu,chữ tình là ba
Chữ trung thì để phần cha
Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình
Trung, Hiếu ở
đây không mang ý nghĩa xã hội nữa mà được chuyển đổi thành những phẩm chất cuả
cách ứng xử trong gia đình. Đặc biệt, trong đạo lí dân gian thể hiện qua ca
dao, tình cảm đối với mẹ là một nét nổi bật. Ít ở đâu trong văn chương bác học có hình ảnh người mẹ và tinh cảm
của con với mẹ cảm động như trong ca dao:
Ngôi buồn nhớ mẹ ta
xưa
Miệng nhai cơm búng,
lưỡi lừa cá xương
***
Đói lòng ăn hột chà
là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ
già yếu răng
Đời sống con
người dù ở thời đại nào cũng rất cần một loại văn học như thế. Nó nuôi dưỡng ở
con người tình yêu thương, lòng nhân từ, ý nguyên làm điều thiện, ghét cái ác,
giúp con người sống nhân bản hơn. Tìm về dân gian, tìm về văn học dân gian là
tìm về với đạo lí bình dân, lắng nghe tiếng nói của người bình dân về lẽ cư xử ở
đời, học cách sống, cách làm người giản dị nhất. Điều này lại càng có ý nghĩa
trong thời đại chúng ta, khi con người một mặt bị cuốn theo cơn lốc của công
nghệ, một mặt bị xô đẩy trong cuộc cạnh tranh của kinh tế thị trường, thu hoạch
được nhiều lợi ích, nhiều điều mới mẻ, thông minh và mạnh mẽ hơn nhưng đồng thời
cũng yếu đuối, cô đơn và ích kỷ hơn.
Tìm về dân
gian còn là tìm về với sự minh triết giản dị hình như đã bị lấn át bởi tư duy
phân tích và chìm lấp trong đống tri thức phức tạp, khổng lồ chất chồng ngày một cao của nhân loại thời nay. Minh
triết dân gian là môt hình thức nhận thức cuộc sống băt nguồn từ trực giác và
không chịu ảnh hưởng của bất cứ giáo điều nào, bắt nguồn từ sự quan sát tự
nhiên và quan sát cuộc sống của con người, là sự đúc kết trí khôn dân gian,
nhưng không phải đúc kết dưới hình thức tổng kết, khái quát hóa mà đơn giản chỉ
là sự cảm nhận vô tư và bằng chính trực giác sâu sắc bẩm sinh. Văn chương dân
gian dạy chúng ta nhìn đời một cách giản dị, nhiều khi đến mức ngây thơ. Ở hiền gặp lành. Tre non dễ uốn, Ác giả ác báo,
Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Phức tạp hóa nhiều khi che mờ bản chất
của sự việc, hiện tượng. Có những thứ, nhất là những thứ thuộc về lẽ đời, nhiều
khi rất đơn giản mà bị hiểu thành phức tạp :
Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi đi sau rốt
Cuộc sống tự
nhiên là như vậy, chân lí cuộc sống cũng giản dị như vậy. Đó là quy luật của tự
nhiên. Không hiểu hoặc cố tình không hiểu cái quy luật tự nhiên đơn giản và
vĩnh hằng ấy là tai họa của trí tuệ.
Văn chương dân gian bản thân nó
cũng rất thô sơ. Cái thô sơ ấy không phải là sự cố tình, sự nổ lực văn chương
mà đơn giản chỉ là vì để phù hợp với sự giản dị của những điều nói ra, của những
chân lí được nghiệm ra trong đời:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy
Con cóc nhảy đi
Sống sao như cóc vô
vi
Nhảy ra ngồi đấy rồi
đi chầu trời
Minh triết dân
gian thể hiện một kiểu nhận thức thế giới đặc biệt, nhất là nhận thức về xã hội
và con người. Đặc biệt ở chỗ nó không chỉ sâu sắc mà còn hết sức giản dị. Tính
chất giản dị, mộc mạc này là một phẩm chất đặc sắc của các sáng tác dân gian,
thể hiện cả trong những câu tục ngữ, câu thơ minh triết và những câu ca dao trữ
tình . Mộc mạc trước hết là trong tình cảm :
Trâu ơi ta bảo trâu
này
Trâu ra ngoài ruộng
trâu cày với ta
Mộc mạc không
chỉ trong tình cảm với con trâu. con bò, con chó con gà nuôi trong nhà. Mộc mạc
, đáng yêu nhất là trong tình cảm con người. Trong tình mẹ con :
Có vàng vàng chẳng
hay phô
Có con, con nói trầm
trồ mẹ nghe
Trong tình thương mẹ
già :
Mẹ già đầu bạc như tơ
Lưng đau con đỡ, mắt
lờ con nuôi
Trong tình yêu trai
gái :
Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu
rồi lại bay
Mộc mạc cũng trong
suy nghĩ :
Bầu ơi thương lấy bí
cùng
Tuy là khác giống
nhưng chung một giàn
Và mộc mạc cả trong
cách nói, cách diễn đạt :
Cá không ăn muối cá
ươn
Con cãi cha mẹ trăm
đường con hư
Sức hấp dẫn, sức
mạnh của những câu chuyện cổ tích, của thơ ca trữ tình dân gian nằm chính trong
chất mộc mạc, hồn nhiên của những tình cảm, suy nghĩ và cách diễn đạt này.
Đời sống dân
gian, văn chương dân gian là một bộ phận của đời sống, của văn chương nói
chung. Văn chương dân gian có quan hệ mật thiết với văn chương bác học, chịu ảnh
hưởng của văn chương bác học, đồng thời cũng tác động không nhỏ đến nó. Từ cách
nghĩ, cách cảm đến cách nói, văn chương
dân gian đã để lại dấu vết đậm nét trong sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn lớn
nước ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính
v.v. Chất dân gian đã tạo thành một nét đặc sắc trong sáng tác của các nhà thơ
này.
Tìm về dân
gian , bởi vậy, không chỉ là tìm về với đời sống dân gian, với những giá trị
dân gian, không chỉ là tìm về với văn học dân gian, với những sáng tác mộc mạc,
chân thành chứa đầy cái nhìn minh triết, đạo lí bình dân và những tình cảm hồn
nhiên, tình yêu quê hương, yêu thương gia đình, người thân đậm đà, tha thiết mà
còn là tìm về với những giá trị, dấu vết dân gian trong sáng tác của các nhà
thơ nhà văn thuộc dòng văn chương bác học, xưa cũng như nay. Việc đó vừa làm
phong phú thêm hoạt động nghiên cứu văn học, vừa mang lại nhiều bài học bổ ích
cho nhà nghiên cứu cả về phương diện khoa học cũng như cái nhìn nhân sinh và
tình yêu cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Phương Châm ( 1998 ), Tính chất bác học trong ca dao xứ Nghệ, tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, tr. 46-54
2. Cao Huy Đỉnh (1976 ), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, HN
3. Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên ( 1972 ), Văn học dân gian ( tập 1 ), Nxb. Địa học và Trung học chuyên nghiệp, HN
4. Kho tàng ca dao người Việt (2001), Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật và những người khác biên soạn, Nxb. Văn hóa Thông tin, HN
5. Nguyễn Quốc Túy ( 1995 ) Ảnh hưởng của văn hóa dân gian, ca dao, dân ca đối với Thơ Mới, trong Thơ Mới – bình minh thơ Việt Nam hiện đại, Nxb. Văn học, tr. 50- 64
6. Tuyển tập V.IA.Propp, tập 1 ( 2003 ), Nxb. Văn hóa Dân tộc, HN
7. Văn hóa dân gian - những phương pháp nghiên cứu ( 1990 ), Nxb. Khoa học xã hội, HN
N.T.K.N