Về các phương án thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học
THI ĐỂ LÀM GÌ?
(Bài gửi đăng Báo Tuổi trẻ 8/2014)
Cuộc thảo luận về các phương án tổ chức kì thi quốc gia diễn ra trên báo chí và các diễn đàn giáo dục đã thu thập được nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ nhiều cách nhìn, cách nghĩ, mỗi ý kiến đều có những đóng góp riêng. Hy vọng các nhà làm chính sách sẽ có điều kiện tham khảo để đưa ra những quyết định sáng suốt và hợp lí.
Tuy nhiên, theo dõi quá trình thảo luận tôi thấy hầu hết ý kiến đều tập trung vào việc đưa ra các phương án A, B, C mà ít nêu lên cơ sở của việc lựa chọn các phương án ấy. Nói một cách đơn giản, chúng ta thường bàn cách phải tổ chức một hay hai kì thi quốc gia, làm thế nào để thi cho nghiêm túc, bớt tốn kém, nhưng ít đặt lại vấn đề: tại sao phải thi như vậy, thi để làm gì. Không làm rõ mục đích của việc tổ chức thi, thì sẽ không thể xác định được cách tổ chức thi, không biết nên thi như thế nào cho tốt.
Nhiều đồng nghiệp chúng tôi lâu nay vẫn tự hỏi: tại sao hàng năm chúng ta lại tổ chức kì thi tú tài qui mô và tốn kém như vậy. Các em học hết chương trình lớp 12 thực chất là đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Nếu không tốt nghiệp lớp 12 thì các em cũng đã học xong hơn 90% chương trình phổ thông khi chuyển từ lớp 11 lên lớp 12. Vậy nếu tính từ lớp 1 đến lớp 12 coi như là 12 “tín chỉ” thì mỗi học sinh 12 đã tích lũy được 11 “tín chỉ”. Chỉ cần vượt qua kì thi lớp 12 là các em đã hội đủ 12 “tín chỉ” và sẽ mặc nhiên được coi là tốt nghiệp phổ thông. Vậy tại sao lại phải thi “tốt nghiệp phổ thông”? Đúng ra các em chỉ cần trải qua kì kiểm tra cuối lớp 12 như đã trải qua cuối lớp 10, lớp 11 để được công nhận là đã hoàn thành chương trình lớp 12 là đủ để được công nhận Tú tài. Có điều vì lớp 12 là lớp cuối cấp và cũng là cuối chương trình phổ thông, nên kì thi này có thể có gì đó khác một chút về hình thức để gây ấn tượng đáng ghi nhớ cho học sinh sau này. Và với mục đích và tính chất cuộc thi như vậy thì nó rất đơn giản, hoàn toàn có thể do các địa phương tự đảm nhiệm, Bộ Giáo dục – Đào tạo không phải quá lo lắng và bận bịu như hiện nay.
Có người sẽ nói làm như thế sợ không nghiêm túc, các địa phương sẽ dễ dãi, chạy theo thành tích. Nhưng sợ như thế sẽ vô cùng. Tại sao chúng ta không sợ các trường “dễ dãi” cho học sinh từ lớp 10 lên lớp 11 và từ lớp 11 lên lớp 12 mà sợ dễ dãi trong việc công nhận các em đã học xong lớp 12? Vấn đề là quan niệm về tốt nghiệp phổ thông như thế nào. Nếu hiểu đó chỉ là công nhận các em đã hoàn thành xong chương trình phổ thông thì vấn đề trở nên rất đơn giản. Còn sợ các địa phương sẽ tổ chức thi không nghiêm túc thì như có ý kiến đã phát biểu, thi có không nghiêm túc đến mấy thì kết quả cũng khó vượt qua con số 98,9% học sinh tốt nghiệp phổ thông trong kì thi quốc gia mà Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức hết sức nghiêm túc vừa qua!
Nhưng lại cũng có ý kiến cho rằng nên kết hợp thi tốt nghiệp phổ thông với thi đại học cho đỡ tốn kém và phiền phức. Theo chúng tôi phương án này mới nghe có vẻ hay nhưng thực ra không đúng.
Thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học có mục tiêu rất khác nhau. Như đã nói ở trên, thi tốt nghiệp phổ thông thực chất là đánh giá kết quả học tập của lớp 12 và từ đó công nhận các em đã hoàn thành toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. Còn thi đại học là cuộc thi mang tính tuyển chọn, cạnh tranh, có yêu cầu rất khác “thi tốt nghiệp phổ thông”. Bởi vậy nếu kết hợp hai cuộc thi làm một là “ép” học sinh phổ thông. Thực tế cho thấy chỉ khoảng 65% học sinh phổ thông đạt được điểm sàn trong cuộc thi “ba chung” và chỉ hơn 1/3 học sinh phổ thông có thể vào đại học. Vậy nên hãy để cho các em học sinh lớp 12 bình tâm với những bài kiểm tra hay bài thi hết lớp và hết cấp của mình, để các em yên tâm lo cho được giấy công nhận đã hoàn tất chương trình phổ thông và nhận bằng Tú tài, còn sử dụng kết quả này như thế nào là quyền của các trường đại học, chứ không nên lôi cuốn các em vào một cuộc thi mà đa số các em sẽ không có lợi ích liên quan và lại bị thêm áp lực rất lớn. Một số ý kiến khi phản đối kì thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia thường lập luận rằng nếu thi mà kết quả gần như đạt 100% thì tổ chức thi làm gì cho tốn kém. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng cái chính không phải ở chỗ tốn kém mà ở chỗ nó không hợp lí, không phản ánh đúng bản chất của hoạt động giáo dục, ở đó một cuộc sát hạch để công nhận học sinh đã hoàn tất chương trình lớp 12 và cũng là hoàn tất chương trình phổ thông đã bị đẩy lên thành cuộc “thi tốt nghiệp phổ thông” quốc gia căng thẳng, đầy áp lực và lãng phí. Còn thi “tốt nghiệp phổ thông” nên như thế nào, thi theo phương án 1, phương án 2 hay phương án 3 như Bộ gợi ý thì thật ra không quan trọng. Một khi đã xác định được bản chất của kì thi này, thì tự nó cuộc thi không còn quá phức tạp nữa. Tốt nhất là học gì thi nấy, giống như đã làm cuối lớp 10 và lớp 11. Học sinh nào không đạt thì học lại hoặc năm sau thi lại để được chứng nhận là đã hoàn tất chương trình phổ thông và được lãnh bằng Tú tài.
Đó là với phổ thông, còn với kì thi đại học thì sao, có nên tổ chức một kì thi quốc gia “ba chung” như lâu nay không? Hầu hết các ý kiến đều cho là không cần thiết. Thi đại học là công việc của các trường đại học. Các trường phải tổ chức thi vì hai lí do: thứ nhất là số thí sinh đông quá, phải loại bớt, thứ hai là để chọn được những người có đủ năng lực và điều kiện theo học. Để đạt mục tiêu trên, mỗi trường có thể tổ chức các kì thi riêng, kết hợp với việc xét tuyển điểm thi tốt nghiệp lớp 12 và học bạ phổ thông. Vấn đề mà nhiều người lo ngại là ở chỗ, vì không có cuộc thi quốc gia và do đó không có điểm sàn, nên không có cơ sở để qui định điểm tối thiểu dựa vào đó các trường tuyển sinh, và nếu không có điểm sàn, các trường có thể vì chạy theo số lượng mà lấy ồ ạt, không đảm bảo chất lượng.
Lo lắng này không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, theo chúng tôi, điều này hoàn toàn có thể khắc phục được thông qua việc Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể khống chế chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của mỗi trường căn cứ vào số lượng giảng viên và điều kiện vật chất mà trường có, tức là căn cứ vào việc nhà trường đã đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đến mức nào. Các trường hoàn toàn có quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng tự chủ đại học phải đặt cơ sở trên nền tảng đại học, nghĩa là trước khi có được quyền tự chủ đại học, trường phải thực sự là một trường đại học, có ý thức đầy đủ về sứ mạng và trách nhiệm của mình trước xã hội, có những điều kiện cần thiết để giảng dạy và học tập. Thực ra với mức điểm sàn thấp như hiện nay (13 điểm), mỗi môn thi chỉ đạt 4,2/10 điểm, thì các trường đại học đàng hoàng cũng chẳng nỡ nào lại lấy thấp hơn! Lấy thấp hơn làm sao đào tạo, nếu chẳng phải vì để đảm bảo nguồn học phí cho chi tiêu. Còn như nếu trường nào lạm dụng quyền tự chủ của mình, hạ thấp điểm tuyển sinh đến mức không thể chấp nhận được thì khi đó Bộ cũng sẽ cần phải can thiệp.
Tóm lại, sẽ chẳng cần phải có kì thi đại học chung nào cả. Có chăng Bộ sẽ qui định một số đợt thi để các trường lựa chọn và các trường sẽ có quyền tổ chức thi nhiều lần trong năm. Thí sinh không đậu trường này có thể thi ở trường khác, không bị gò bó khổ sở vì lệ thuộc vào việc đăng kí nguyện vọng 1, nguyện vọng 2,3 như hiện nay. Tuyển sinh như thế nào là quyền của mỗi trường, nhưng tuyển sinh như thế nào để đảm bảo minh bạch, công bằng và không mất tính đại học là trách nhiệm của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Rốt cuộc sẽ chẳng có một kì thi quốc gia chung nào cả. Không có cả thi tốt nghiệp phổ thông và cả tuyển sinh đại học. Mọi việc sẽ diễn ra đơn giản, bình thường, đúng với bản chất của nó. Làm được như vậy học sinh sẽ đỡ khổ, phụ huynh sẽ đỡ lo lắng căng thẳng, xã hội cũng đỡ bị xáo trộn và nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được một khoản chi tiêu lớn. Thi cử - Việc đơn giản hóa thành phức tạp. Bỏ thi rồi chuyện phức tạp sẽ thành đơn giản.
TP HCM, ngày 16/8/2014