Câu chuyện về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều và sách giáo khoa lớp 1 nói chung tưởng đã tạm
ngưng không ngờ lại bùng lên, thậm chí có phần gay gắt hơn, làm nóng cả diễn
đàn Quốc hội. Có đại biểu còn đề xuất cả việc đình chỉ sử dụng cuốn sách có nhiều
sai phạm. Điều gì đã gây nên những bức xúc như vậy? Phải chăng đó chỉ là những
sai sót trong việc sử dụng một số ngữ liệu hay ví dụ? Tôi nghĩ có lẽ không phải.
Những lỗi sai phạm trong sách
giáo khoa Tiêng Việt lớp 1 tuy không
lớn nhưng nó đụng chạm đến những vấn đề lớn hơn trong cách dạy trẻ, trong
nguyên lí giáo dục mà những người bình thường chứ không phải chỉ các chuyên gia
giáo dục mới quan tâm. Phụ huynh học sinh là những người nhạy cảm nhất đối với
những vấn đề này bởi vì họ là người gần gũi và trực tiếp nhất với con trẻ, cảm
nhận rõ rệt nhất thành quả học tập của con em mình. Đó là những vấn đề gì?
Thứ nhất, đó là tính dễ hiểu, vừa sức của bài học, của chương
trình. Đã đi học dĩ nhiên là phải học cái mới, cái chưa biết, vì vậy việc học
bao giờ cũng bao hàm cái khó, đòi hỏi sự cố gắng để biết, để hiểu.
Nhưng cái khó ở đây không phải
là cái quá khó hiểu đối với lứa tuổi trẻ em, cái quá trừu tượng, đòi hỏi sự suy
luận vượt quá khả năng trí não của trẻ. Phải xem việc học đối với trẻ là một niềm
vui, một ngày đến trường là một ngày vui, hạnh phúc. Mỗi bài tập phải thiết kế
sao cho vừa sức của các em, để mỗi lần làm được các em cảm thấy có được niềm
vui của người làm được, người chiến thắng trong cuộc chơi. Muốn thế việc học phải không được quá nặng nề, quá
khó. Học khó quá trẻ sẽ không nắm được, sẽ mất hứng thú, đâm ra chán nản. Sách
giáo khoa Tiêng Việt lớp 1 phần nào có lẽ đã vi phạm điều này nên gây phản ứng của dư luận. “Người lớn đã sai rồi, sai trong cách tiếp cận ngược, sai
trong lối tư duy ngược, chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ nhưng lại mang ý chí
và tham vọng của những người lớn, nó quá sức đối với sự tiếp thu của trẻ .”
( Ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Thị
Minh Hiền, báo Tuổi Trẻ, 5-11-2020 ).
Thứ hai, chú trọng đến tính chất nêu gương, học
theo cái tốt. Trong cuộc thảo luận về sách Tiêng Việt lớp 1, nhiều ý kiến phê phán việc sử dụng ngữ liệu trong
sách, cho rằng những ví dụ về sư tham lam. mưu mô hiểm độc của loài vật không
có ý nghĩa giáo dục đối với trẻ. Những người biên soạn và thẩm định sách thì phản
bác lại, cho rằng cần tập cho trẻ tập nhận diện, quen dần với cái xấu, cái ác
vì ngoài đời có cả cái tốt và cái xấu. Vậy sai đúng ở đâu ? Ở đây có vấn đề thuộc về quan niệm. Quan niệm truyền
thống và thiết nghĩ cũng là quan niệm chung của xã hội đều cho rằng đối với lứa
tuổi tiểu học việc giáo dục phải lấy nêu gương tốt làm cốt yếu. Đó là lứa tuổi
trưởng thành bằng sự bắt chước, ví vậy phải tạo điều kiện để các em bắt chước
những cái hay cái tốt, thay vì phải tiếp xúc với cái xấu quá sớm. Ở lứa tuổi bắt
chước đó các em chưa đủ sức kháng cự với sự hấp dẫn của cái xấu, thậm chí còn
nhầm lẫn, chưa thể phân biệt đâu là cái tốt, đâu là cái xấu mà cái xấu lại thường
ma lanh, dễ tiêm nhiễm hơn. Trẻ em như
búp trên cành. Cái chính là vun đắp, nâng niu.Trẻ em ở tuổi tiểu học như tờ
giấy trắng, cần để các em “ tiêm nhiễm” những gì tốt đẹp, những tấm gương về sự
trung thực, về lòng dũng cảm, tấm lòng hào hiệp, giúp đỡ người khác. Từ chỗ bắt
chước những hành vi tốt sẽ dần dần hình thành ở các em những đức tính tốt đẹp.
Đây phải được xem là nguyên lí bắt buộc, quán triệt trong toàn bộ hoạt động
giáo dục trẻ , nhất là trẻ em ở bậc tiểu học. Việc tập cho các em tiếp xúc và làm quen với những hiện tượng phức tạp,
với cái ác, cái xấu sẽ được tính toán và được thực hiện từng bước trong những bậc
học cao hơn, khi tâm sinh lí của trẻ đã phát triển đến một trình độ nhất định.
Đây là điều mà những người lảm sách giáo khoa cũng như tất cả phụ huynh và những
người làm công tác giáo dục phải quán triệt. Hiện tượng trẻ vị thành niên do tiếp
xúc nhiều với phim ảnh, video mang tính
chất bạo lực mà sinh ra tâm lí “ ném đá” trên mạng , có những hành vi sai trái,
thậm chí tội phạm là bài học mà chúng ta cần phải suy ngẫm, nhất là về phương
pháp giáo dục, về cách dạy trẻ.
Thứ ba, chất nhân văn của nội dung giáo dục.
Ai cũng biết trẻ đến trường là để học. Đối với trẻ em tiểu học, học trước hết
là học chữ và học tính toán. Yêu cầu chủ yếu với các em là đọc thông viết thạo
và biết làm những phép tính đơn giản. Nhưng bên cạnh đó còn có một yêu cầu nữa
quan trọng không kém là học để trau dồi những đức tính tốt đẹp. Trẻ em ở lứa tuổi
này là tuổi hình thành những phẩm chất đầu
tiên và cũng là những phẩm chất cơ bản của con người. Xét về phương diện này ý
kiến cho rằng bậc tiểu học là bậc học quan trọng nhất của quá trình giáo dục không phải là không có lí
và câu châm ngôn Tiên học Lễ, hậu học Vănở đây cũng rất thích hợp. Trong việc hình thành nhân cách cho trẻ, quan trọng
nhất là phải quán triệt tinh thần nhân văn, dạy cho trẻ biết yêu thương từ những
điều đơn giản nhất, biết thân thiện với bạn bè, yêu thương cha mẹ, ông bà, lễ
phép với thầy cô, kính trọng người già. Tinh thần nhân văn này còn phải thấm
nhuần cả trong cách ứng xử của trẻ em với
súc vật, với môi trường. Ngay cả trong việc giáo dục lòng yêu nước cũng không
nên chỉ giảng dạy những điều to tát, chung chung mà nên gắn với tình yêu thương
những gì cụ thể, gần gũi, như yêu cái cây quanh nhà, con phố hay dòng sông trước
ngõ. Lòng yêu nước bao giờ cũng gắn liền với tình yêu con người, yêu đồng loại,
đồng bào, như câu ca dao “ Nhiễu điều phủ
lấy giá gương // Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Tinh thần nhân
văn ấy cần phải là sợi dây xuyên suốt những bài học chữ và những hoạt động giáo
dục của nhà trường. Không bắt đầu bằng tình yêu thương và tôn trọng con người,
bằng lòng nhân ái, vị tha trẻ sẽ mất đi một nền tảng đạo đức căn bản, sơ đẳng
mà khi lớn lên khó lòng bù đắp được.
Trên đây là những vấn đề lớn mà
những người dạy trẻ cần phải thấu triệt khi biên soạn chương trình, sách giáo
khoa hay giảng dạy. Nó thuộc về vấn đề tầm
văn hóa, tầm nhìn. Có được nó thì sẽ tránh được những sai sót như trường hợp
sách Tiếng Việt lớp 1 mà dư luận đã chỉ ra. Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng để
tránh những sai sót như vậy trước hết phải xem lại những khâu quan trọng như quy trình biên soạn, thẩm định, thực
nghiệm, tập huấn…Đó đúng là những việc phải làm. Tuy nhiên , thiết nghĩ có một
việc cũng hết sức cần làm đó là làm sao cho những người biên soạn sách, hội đồng
thẩm định thông suốt và thống nhất những quan niệm chung về cách dạy trẻ, về
cách giáo dục đối với học sinh từng bậc học, nhât là với học sinh tiểu học. Đó
là cái sàng đảm bảo để không lọt những hạt sạn đáng tiếc. Có như thế nếu có sai
phạm thì chỉ là những lỗi nhỏ thông thường chứ không phải là những sai sót gây
phản ứng của dư luận như trường hợp vừa xảy ra.
N.T.K.N