Nhìn lại việc thể hiện thiên nhiên trong ca dao

Nhìn lại việc thể hiện thiên nhiên trong ca dao

Nguyễn Thị Kim Ngân

Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam số 6(49)/2011, trang 91-99.

         (Review the Way the Nature to be Depicted in Folksong, Nguyen Thi Kim Ngan,the  periodical “ Sociology Science Viet Nam”No.6 (49)-in 2011- Pages 91-99).

1. Thiên nhiên trong ca dao nói chung

Vấn đề thiên nhiên trong ca dao được đặt ra khá sớm trong công trình của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan. Trong bài tiểu luận “Một đặc điểm trong tư duy hình tượng của nhân dân Việt Nam về cuộc đời; đời người với đời con cò và con bống” in trong tập Tục ngữ và dân ca Việt Nam xuất bản lần đầu tiên năm 1956, tác giả đã lí giải về sự xuất hiện của con bống và con cò trong ca dao, nói lên sự gắn bó của thiên nhiên với đời sống người nông dân. Ông viết: “Trong ca dao, người dân lao động Việt Nam đã mượn đời sống con cò để  biểu hiện đời sống của mình và dùng hình ảnh con cò để gợi hứng, để tỏ sự mong muốn của mình, nói lên những đức tính của mình, nông nỗi khổ cực của mình và cả những thói xấu của mình nữa” [32, tr. 76]. Về những cảnh vật thiên nhiên khác, ông nhận xét: “Những cây lan, huệ, trúc, đào, liễu, mận, mai trong văn học dân gian đều là những hình ảnh để người phụ nữ trẻ trung gửi gắm tâm sự của mình, liên hệ với số phận mình” [32, tr. 73].

Năm 1966, GS. Đinh Gia Khánh trong bài “Nhận xét về đặc điểm câu mở đầu trong thơ ca dân gian” nghiên cứu vai trò của thiên nhiên trong cấu trúc của bài ca dao. Tác giả viết: “Cảnh trí thiên nhiên và hiện tượng thiên nhiên như trăng, sao, núi, sông, gió, mưa… là những sự vật, hiện tượng hay được nêu lên trong câu mở đầu của nhiều bài thơ dân gian” [17, tr. 35]. Ông nhận xét rằng: “Nếu như trong phần lớn trường hợp, câu mở đầu thường gắn với ý nghĩa của từng bài thơ, thì trong một số trường hợp nhất định, câu mở đầu có thể không gắn liền với ý nghĩa của bài thơ. Những câu đó thường nói về cảnh vật thiên nhiên như trời mưa, trên trời có, gió đưa, cái bống, cái cò…” [17, tr. 40]. Theo ông, sở dĩ những câu mở đầu có tính chất truyền thống “phần lớn là những câu nói về thời gian và không gian, cảnh vật thiên nhiên” là vì “thi sĩ dân gian, sống gần gũi với thiên nhiên, thường xuyên bị phong cảnh thiên nhiên tác động đến cảm quan nên ứng khẩu là hay nói đến phong cảnh thiên nhiên” [17, tr. 44].

Năm 1973, PGS. Chu Xuân Diên chú ý đến vị trí của thiên nhiên trong cấu tứ của bài ca dao cũng như trong xây dựng hình tượng ca dao. Trong sách Văn học dân gian, tập 2, ông viết: “Ca dao dân ca cổ truyền rất hay nói tới thiên nhiên. Có những trường hợp đề tài thiên nhiên là đề tài trọn vẹn của một bài hát. Cảm hứng thiên nhiên ở đây hoặc có tính chất là một sự khám phá về đặc điểm của giới tự nhiên (…) hoặc có tính chất là những niềm vui, niềm tự hào, những cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của đất nước thân yêu (…). Nhưng thiên nhiên trong đa số các bài ca dao dân ca cổ truyền thường gắn liền với cuộc sống con người, và ở đây cảm hứng thiên nhiên trở thành một trong những yếu tố cấu tứ của toàn bộ bài hát” [19, tr. 374 - 375]. Ông cũng giải thích vì sao thiên nhiên có vị trí như vậy trong sáng tác trữ tình dân gian: “Thiên nhiên xuất hiện nhiều và đa dạng như vậy trong ca dao dân ca cổ truyền phản ánh sự gắn bó của người nông dân Việt Nam với môi trường thiên nhiên vốn cũng là môi trường lao động, môi trường sinh sống của họ. Cảm hứng thiên nhiên trong ca dao dân ca phản ánh tính chất phác, hồn nhiên của những tâm hồn khoáng đạt nơi thôn dã. Thiên nhiên còn là hoàn cảnh sáng tác ca dao dân ca, hoàn cảnh nảy sinh và hình thành thi hứng dân gian, hoàn cảnh cấu tứ của thơ ca trữ tình dân gian” [19, tr. 376].

Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh trong cuốn Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam cũng cho rằng ca dao trữ tình dân gian “là một hệ thống hình ảnh thiên nhiên và lao động quyện lẫn với cảm nghĩ và tâm tình con người. Nó được sáng tạo ngẫu hứng theo những quy cách so sánh, liên tưởng, phóng đại, ước lệ và trùng lặp” [10, tr. 76].

Như vậy, vấn đề thiên nhiên trong ca dao đã được các nhà nghiên cứu văn hóa và văn học dân gian, thế hệ đi trước đặt ra trên nhiều phương diện khác nhau, từ những vấn đề chung như thiên nhiên và con người, vị trí của thiên nhiên trong ca dao đến những vấn đề cụ thể như cảm hứng thiên nhiên trong ca dao, thiên nhiên và cấu tứ của ca dao, cảnh vật thiên nhiên trong câu mở đầu của bài ca dao. Những hướng nghiên cứu này được các nhà nghiên cứu những thế hệ sau tiếp tục mở rộng và đi sâu. Chẳng hạn, trong cuốn Thi pháp ca dao xuất bản lần đầu năm 1992, GS. Nguyễn Xuân Kính đã xem xét sự hiện diện của thiên nhiên trong ca dao trên nhiều bình diện thi pháp khác nhau như ngôn ngữ, kết cấu, thời gian và không gian nghệ thuật, hình ảnh và biểu tượng. Về ngôn ngữ, tác giả chú ý đến tên gọi của các cảnh vật thiên nhiên (tên núi, tên sông…), về kết cấu, tác giả lưu ý trường hợp mối liên hệ lỏng lẻo giữa phần miêu tả thiên nhiên và phần chính của lời ca dao. Đặc biệt, tác giả dành nhiều trang để phân tích các biểu tượng thiên nhiên. Trên cơ sở phân chia hai loại biểu tượng (thế giới các hiện tượng thiên nhiên, tự nhiên và thế giới các vật thể nhân tạo), tác giả đi sâu phân tích các biểu tượng cây trúc, cây mai, hoa nhài, và con cò, con bống trong ca dao, cũng như sự khác nhau giữa dân gian và bác học trong ý nghĩa một số biểu tượng thiên nhiên như rùa, rồng, phượng. Những phân tích của Nguyễn Xuân Kính không chỉ làm sáng tỏ một số trường hợp cụ thể mà còn đem lại nhiều gợi ý bổ ích cho việc nghiên cứu thi pháp ca dao nói chung và nghiên cứu thiên nhiên trong ca dao theo hướng thi pháp nói riêng.

Cũng theo hướng này, PGS. TSKH. Bùi Mạnh Nhị trong bài viết “Công thức truyền thống, đặc trưng cấu trúc của ca dao dân ca trữ tình” đăng trên Tạp chí Văn học, số 1 năm 1997, đã xem các biểu tượng thiên nhiên như một dạng của “công thức folklore”. Các biểu tượng thiên nhiên này cũng như các dạng khác của công thức truyền thống, có chức năng thiết kế văn bản, tức là có vai trò cấu tứ hay tổ chức kết cấu bài ca dao như nhận xét của Chu Xuân Diên đã nêu ở trên. Ngoài ra, tác giả cũng xem thiên nhiên như một thủ pháp xây dựng hình tượng trong ca dao và nhấn mạnh đến sắc thái địa phương của những cảm xúc gắn với thiên nhiên: “cảm xúc thẩm mỹ đối với thiên nhiên được quy định bởi một số điều kiện: khoảng cách giữa con người và tự nhiên, phương thức cư trú, thái độ thưởng thức… Các điều kiện đó luôn gắn với sắc thái địa phương” [29, tr. 76].

Năm 1998, PGS. Phạm Thu Yến trong cuốn sách Những thế giới nghệ thuật ca daocũng dành khá nhiều trang để nói về thiên nhiên trong ca dao, nhất là các biểu tượng có liên quan đến thiên nhiên. Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, tác giả đi sâu phân tích ca dao theo hướng nghiên cứu thi pháp, trong đó có thi pháp xây dựng hình tượng và tổ chức kết cấu của bài ca dao dựa vào chất liệu thiên nhiên, nêu lên các dạng miêu tả thiên nhiên trong ca dao trữ tình như: miêu tả thiên nhiên chỉ để miêu tả, không bộc lộ sắc thái tình cảm, miêu tả thiên nhiên như là một lối nói, sử dụng các môtip có sẵn của ca dao, và miêu tả thiên nhiên để bộc lộ tình cảm nhân vật trữ tình.

Vấn đề biểu tượng thiên nhiên trong ca dao trữ tình giành được sự chú ý của nhiều tác giả. Trong luận án tiến sĩ Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt (bảo vệ năm 2001), nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã xem các hiện tượng tự nhiên và môi trường tự nhiên là một trong ba hệ thống biểu tượng của ca dao người Việt và dành khá nhiều trang để phân tích các biểu tượng thiên nhiên như trăng, chim, cá, cây, hoa, trái… [9]. Tác giả cho rằng, “đối với người nông dân xưa, thiên nhiên là môi trường lao động, môi trường sinh hoạt ca hát dân gian, đồng thời, thiên nhiên cũng là phương tiện thẩm mỹ, để con người thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình [9]. Cũng đề cập đến biểu tượng thiên nhiên trong ca dao, còn có các bài của Nguyễn Phương Châm, Triều Nguyên, Hà Thị Quế Hương, Hà Công Tài: “Biểu tượng hoa sen trong văn hóa Việt Nam” [3], “Biểu tượng hoa hồng trong ca dao” [4], “Biểu tượng hoa đào” [5], “Về biểu tượng con chim quyên trong ca dao” [27], “Hàm ý biểu trưng của từ chỉ hoa và tên hoa trong ca dao” [16], “Biểu tượng trăng trong thơ dân gian” [34].

Ngoài ra, thế giới thiên nhiên trong ca dao còn được khảo sát trong luận án tiến sĩ Thế giới động vật trong ca dao cổ truyền người Việt (bảo vệ năm 2010) của nhà giáo Đỗ Thị Hòa. Tác giả đã miêu tả khá chi tiết các đặc điểm hình thái biểu hiện của thế giới động vật trong ca dao, hệ thống hóa các từ ngữ định danh động vật và các dạng kết cấu, các thủ pháp nghệ thuật chủ yếu của các bài ca dao có hình tượng loài vật. Tác giả cũng đặt ra và tìm hiểu cách ứng xử với môi trường xã hội và tự nhiên được phản ánh vào thế giới động vật trong các bài ca dao có hình tượng loài vật, đồng thời cố gắng phân tích những cơ sở hiện thực tạo nên các giá trị biểu trưng của thế giới động vật trong ca dao cổ truyền của người Việt và giải mã các giá trị biểu trưng của các lớp, các loài vật cụ thể được phản ánh vào ca dao [14].

2. Thiên nhiên trong ca dao các vùng miền khác(1)

Trên cơ sở vấn đề thiên nhiên trong ca dao cùng với ảnh hưởng của khuynh hướng nghiên cứu văn hóa vùng, văn hóa địa phương xuất hiện những năm gần đây, một số công trình nghiên cứu ca dao đã tập trung đi sâu tìm hiểu hình ảnh thiên nhiên trong ca dao các vùng miền cụ thể. Tiêu biểu cho xu hướng này là hai luận án tiến sĩ, của hai nữ tác giả, một ở Thành phố Hồ Chí Minh, một ở Hà Nội.

Trong luận án Thiên nhiên trong ca dao trữ tình Nam Bộ (bảo vệ năm 2002), tác giả Trần Thị Diễm Thúy khảo sát khá chi tiết hệ thống hình tượng thiên nhiên trong ca dao dân ca Nam Bộ, nêu lên tính chất phong phú, đa dạng và sự xuất hiện không đồng đều của các hình tượng thiên nhiên, đồng thời giải thích nguyên nhân của sự không đồng đều này. Tác giả luận án đã đặt thiên nhiên trong quan hệ với các đề tài cơ bản của ca dao như: đề tài phong cảnh, đề tài lao động sản xuất, đề tài tình yêu nam nữ, hôn nhân gia đình và cuối cùng, phân tích thiên nhiên trong thế giới nghệ thuật của ca dao Nam Bộ, nêu bật vai trò của thiên nhiên trong các hình tượng so sánh, ẩn dụ, biểu tượng, thiên nhiên và không gian, thời gian nghệ thuật, thiên nhiên và ngôn ngữ, kết cấu trong ca dao Nam Bộ. Đây là luận án chứa đựng nhiều tư liệu phong phú về thiên nhiên trong ca dao vùng đất mới, vùng đất phía Nam của nước ta [40].

Trong luận án Thiên nhiên trong ca dao trữ tình đồng bằng Bắc Bộ (bảo vệ năm 2006), tác giả Đặng Thị Diệu Trang khảo sát thiên nhiên qua các chủ đề phổ biến của ca dao (đất nước, con người, lao động sản xuất, tình yêu nam nữ, hôn nhân gia đình) và thiên nhiên như yếu tố biểu đạt thế giới nghệ thuật trong ca dao (thiên nhiên với nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, biểu tượng, thiên nhiên với không gian, thời gian nghệ thuật, với ngôn ngữ trong ca dao), nhưng ở đây, ngoài các vấn đề quen thuộc trên, luận án có thêm một nét mới - đó là sắc thái văn hóa vùng của thiên nhiên trong ca dao trữ  tình đồng bằng Bắc Bộ. Theo tác giả, hình tượng thiên nhiên liên quan đến ruộng vườn, sông nước, rừng núi đã làm cho ca dao đồng bằng Bắc Bộ có một sắc thái địa phương riêng [41].

Ngoài hai công trình tập trung nghiên cứu về thiên nhiên trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ nêu trên còn có một số bài viết, công trình khác: “Một số đặc điểm nghệ thuật của ca dao, dân ca Nam Bộ”của Bùi Mạnh Nhị [12, tr. 58 - 90],Biểu trưng trong ca dao Nam Bộ của Trần Văn Nam [26], “Thiên nhiên và văn hóa người Nam Bộ” của Nguyễn Phương Thảo [35],…

3. Thiên nhiên trong ca dao miền Trung

Cho đến nay vẫn chưa có công trình nào có độ dày đáng kể, nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về thiên nhiên trong ca dao miền Trung như hai luận án về thiên nhiên trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ đã nói ở trên. Tuy nhiên, số bài, số tiểu luận đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến thiên nhiên Trung Bộ đã đạt được một số lượng đáng kể. Trước hết phải kể đến những bài giới thiệu trong các tập sách sưu tầm, biên soạn ca dao miền Trung. Đó là bài bạt của Xuân Diệu “Sống với ca dao, dân ca miền Nam Trung Bộ” (1963), in ở cuối sách Dân ca miền Nam Trung Bộ, tập 2 [7],  bài “Ca dao của một vùng đất” (1994) của Thạch Phương, in trong cuốn Ca dao Nam Trung Bộ [33], bài “Về ca dao xứ Nghệ” của Ninh Viết Giao (1996) trong cuốn sách do ông chủ biên: Kho tàng ca dao xứ Nghệ, tập 1 [13], bài “Đôi nét về ca dao Thừa Thiên - Huế” (2005) của Triều Nguyên trong cuốn Ca dao Thừa Thiên Huế do chính tác giả biên soạn [28].

Ngoài ra, còn một số bài viết khác: “Địa danh trong thơ dân gian xứ Nghệ” của Phan Xuân Đạm và Nguyễn Nhã Bản [8], “Sự khác nhau giữa ca dao người Việt ở xứ Nghệ và xứ Bắc”của Nguyễn Phương Châm [1], “Tính chất bác học trong ca dao xứ Nghệ” của Nguyễn Phương Châm [2] “Mấy suy nghĩ về ca dao dân ca vùng biển Trung Bộ” của Ngô Quang Hiển và Trịnh Sâm trên Tạp chí Văn hoá dân gian, năm 1986, số 1, “Bước đầu so sánh những sắc thái miền Trung qua bốn vùng dân ca: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ” của Lê Văn Hảo [30],…

Những bài viết nói trên tuy không có mục đích duy nhất là bàn về thiên nhiên trong ca dao, nhưng rải rác có những nhận xét, gợi ý rất đáng chú ý.

PGS. Ninh Viết Giao đã viết về thiên nhiên xứ Nghệ như sau: “Những ai đã tới Nghệ Tĩnh vào những ngày hè, chắc đã hiểu cái nắng ở đất Hoài Hoan giữa mùa hạn hán. Mặt trời vừa lên đã nóng. Hoàng hôn rồi còn nóng. Nhất là vào ban trưa, mặt bàn, cánh cửa, phản gỗ… đều bị uốn cong. Nắng lửa mùa hè thường đi với gió mùa tây nam mà bà con thường gọi là gió Lào. Gió cồn cột, gió sàn sạt. Cát bụi bay mù như có ai bốc mà tung lên. Có đi qua những cánh đồng ở Nghi Lộc, ở Thạch Hà, Nghi Xuân - nơi trước kia sản lượng lúa cả năm độ 5 tạ một mẫu Trung Bộ - mới thấy hết những ngày nắng và gió Lào ở xứ Nghệ… Cứ thế, nắng và gió ròng rã, người và gia súc uể oải, cây cối xác xơ, ngay đến cỏ dại và lau lách cũng quắt khô. (…) Còn khi đã mưa, mưa hết ngày nọ qua ngày kia, mưa như nước xối, mưa thối đất thối cát:

Trời làm một trộ (trận) mưa dông

Trời làm hai trộ mưa dông

Nước chảy băng đồng, băng hói, băng bãi, băng sông” [13, tr. 32].

Thạc sĩ Triều Nguyên nhận xét: “Cũng như ca dao dân tộc, ca dao Thừa Thiên - Huế sử dụng nhiều hình ảnh núi sông vùng đất. Có những tên gọi đã trở thành biểu tượng cho xứ sở (…). Cũng có khi biểu tượng về đất nước là chim đại bàng, chim phượng hoàng (với núi) và cá ngư ông (với biển), (…). Có những ngọn núi, con đèo, dòng sông, mặt phá trở thành các biểu tượng chỉ sự ngăn cách” [28, tr. 42].

Nhà nghiên cứu Thạch Phương viết về thiên nhiên và con người Nam Trung Bộ: “(…) dải đất từ phía nam đèo Hải Vân chạy đến địa giới Bình Thuận - Bà Rịa không phải là vùng quá khắc nghiệt (đất cày lên sỏi đá), nhưng cũng không phải là nơi thiên nhiên có nhiều hào phóng đối với con người. Thiên tai, bão lụt hằng năm vẫn liên tiếp xảy ra. Con người muốn bám trụ nơi đây, không những chỉ có siêng năng, lao động cần cù, mà còn phải luôn động não, tìm tòi cái mới, cái hay để xử lí một cách chủ động, thông minh trong các tình huống. Không giáo điều trong suy nghĩ, bền bỉ, kiên trì trong ý chí, có quyết tâm cao trong hành động, đó là những đặc tính nổi bật của con người nơi đây. Anh đây quyết chí câu cua, Dầu ai câu chạch, câu rùa mặc ai!. Họ quan niệm đã quyết thì hành, đã đẵn thì vác, đã đan thì lận tròn vành mới thôi” [33, tr. 39]. “Chính môi trường thiên nhiên và điều kiện sống nơi đây đã góp phần hun đúc nên tính cách và bản lĩnh của họ, mà dấu ấn in lên khá rõ nét trong những sáng tác ca dao. So sánh với miền khác, ca dao ở đây khoẻ khoắn, xốc vác hơn, chất sống còn sù sì, góc cạnh, ít được đẽo gọt, còn chất tình thì nồng đượm, dạt dào như sóng cồn, cái nghĩa cũng thâm sâu, đậm đà như muối mặn gừng cay” [33, tr. 40].

Trong luận văn thạc sĩ, nhà giáo Nguyễn Định có một phát hiện. Tác giả cho rằng, “ca dao Nam Trung Bộ có lớp động từ đặc biệt: động từ biểu hiện địa hình. (…). Nam Trung Bộ có đầy đủ mọi yếu tố của thiên nhiên Việt Nam: sông biển, đồng bằng và rừng núi. Không đâu như ở đây, sông ngòi, đồng bằng và đèo núi được tạo hoá bố trí xen kẽ, dày đặc. Trải dài theo những núi đèo, đồng bằng và sông ngòi đó là biển cả mênh mông. Thiên nhiên đó đi vào ca dao làm xuất hiện lớp động từ: lên, leo lên, ngó lên, trông lên, ra, ngó ra, vô, ngó vô có sắc thái riêng so với ca dao những vùng khác, nhất là ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ. Ca dao xứ sở này nói lên chủ yếu phải lên non,ra thường là ra biển, thì phải đồng kia, sông nọ, làng mạc, v.v… Điều đó có vẻ gần với ca dao Bình Trị Thiên nhưng xa lạ với ca dao Bắc Bộ và ca dao Nam Bộ. Ở sách Kho tàng ca dao người Việt, có 14 lời mở đầu bằng lên non, ca dao Nam Trung Bộ chiếm 5 lời, ca dao Bình Trị Thiên: 4 lời, ca dao Nam Bộ và ca dao Bắc Bộ (chọn ca dao Hà Nội làm chuẩn) không thấy có. Cũng ở sách này, có 7 lời mở đầu bằng ngó ra (ngó ra biển), ca dao Nam Trung Bộ chiếm 5 lời, ca dao Bình Trị Thiên: 1 lời, ca dao Nam Bộ và ca dao Hà Nội cũng không thấy có” [11, tr. 35 - 36](1).

So với những vấn đề khác như tình yêu lứa đôi, quan hệ gia đình, tinh thần đấu tranh của nông dân,…, vấn đề thiên nhiên trong ca dao được quan tâm muộn hơn. Trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam, thiên nhiên trong ca dao miền Bắc và miền Nam, đã có những công trình nghiên cứu dày dặn, chuyên sâu đề cập đến. Về thiên nhiên trong ca dao miền Trung, chưa có tác giả nào tập trung nghiên cứu. Vì vậy, chúng tôi xin được chọn vấn đề Thiên nhiên với sắc thái văn hóa vùng trong ca dao trữ tình Trung Bộ làm đề tài nghiên cứu. Những công trình nghiên cứu về thiên nhiên trong ca dao các vùng khác, cũng như những ý kiến rải rác của các tác giả đi trước viết về thiên nhiên trong ca dao miền Trung là những chỉ dẫn hết sức quý báu đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài./.

 Tài liệu tham khảo

 1.       Nguyễn Phương Châm (1997), “Sự khác nhau giữa ca dao người Việt xứ Nghệ và xứ Bắc”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 3.

2.       Nguyễn Phương Châm (1998), “Tính chất bác học trong ca dao xứ Nghệ”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 3.

3.       Nguyễn Phương Châm (2000), “Biểu tượng hoa sen trong văn hoá Việt Nam”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4.

4.       Nguyễn Phương Châm (2001), “Biểu tượng hoa hồng trong văn hoá Việt Nam”, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, Hà Nội, số 1.

5.       Nguyễn Phương Châm (2001), “Biểu tượng hoa đào”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 5.

6.       Chu Xuân Diên (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2002, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố công trình này.

7.       Xuân Diệu (1963), “Sống với ca dao, dân ca miền Nam Trung Bộ”, trong sách: Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang biên soạn, Dân ca miền Nam Trung Bộ, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội.

8.       Phan Xuân Đạm, Nguyễn Nhã Bản (2002), “Địa danh trong thơ dân gian xứ Nghệ”, Tạp chí Ngôn ngữ, Hà Nội.

9.       Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2001), Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm Thành phố  Hồ Chí Minh.

10.   Cao Huy Đỉnh (1974), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

11.   Nguyễn Định (1998), Ngôn ngữ và thể thơ ca dao Nam Trung Bộ, Luận văn thạc sĩ, Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian.

12.   Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984), Ca dao dân ca Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

13.   Ninh Viết Giao chủ biên (1996), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, tập 1, Nxb. Nghệ An, Vinh.

14.   Đỗ Thị Hoà (2010), Thế giới động vật trong ca dao cổ truyền người Việt, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

15.   Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2007), Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bốn mươi năm xây dựng và trưởng thành, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

16.   Hà Thị Quế Hương (2002), “Hàm ý biểu trưng của từ chỉ hoa và tên hoa trong ca dao”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 3.

17.   Đinh Gia Khánh (1966), “Nhận xét về đặc điểm câu mở đầu trong thơ ca dân gian”, Thông báo khoa học - Văn học ngôn ngữ, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội xb.

18.   Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1972), Văn học dân gian, tập 1, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

19.   Đinh Gia Khánh chủ biên, Chu Xuân Diên (1973), Văn học dân gian, tập 2, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

20.   Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận chủ biên (1995), Các vùng văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.

21.   Nguyễn Xuân Kính (2003), Con người, môi trường và văn hoá, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

22.   Nguyễn Xuân Kính chủ biên (2002), Tổng tập văn học dân gian người Việt. Tập 15: Ca dao, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

23.   Nguyễn Xuân Kính chủ biên (2002), Tổng tập văn học dân gian người Việt. Tập 16: Ca dao - tình yêu lứa đôi (quyển hạ), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

24.   Nguyễn Xuân Kính biên soạn (2003), Tổng tập văn học dân gian người Việt. Tập 19: Nhận định và tra cứu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

25.   Trần Thị Kim Liên (2005), Tính thống nhất và sắc thái riêng trong ca dao người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

26.   Trần Văn Nam (2003), Biểu trưng trong ca dao Nam Bộ, Luận án tiến sĩ, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

27.   Triều Nguyên (1997), “Về biểu tượng con chim quyên trong ca dao”, Tạp chí Văn hóa dân gian, Hà Nội, số 3.

28.   Triều Nguyên (2005), Ca dao Thừa Thiên - Huế, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế xb, Huế.

29.   Bùi Mạnh Nhị (1997), “Công thức truyền thống, đặc trưng cấu trúc của ca dao dân ca trữ tình”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1.

30.   Nhiều tác giả (1985), Về văn học dân gian miền Trung (Kỷ yếu Hội nghị văn học dân gian miền Trung lần thứ nhất), Trường Đại học sư phạm Vinh xb, Vinh.

31.   Nhiều tác giả (2000), Phác thảo chân dung văn hoá Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

32.   Vũ Ngọc Phan (1956), Tục ngữ và dân ca Việt Nam, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội. Ở đây, chúng tôi trích dẫn theo bản in lần thứ 8: Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

33.   Thạch Phương, Ngô Quang Hiển (1994), Ca dao Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

34.   Hà Công Tài (1988), “Biểu tượng trăng trong thơ ca dân gian”, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 5.

35.   Nguyễn Phương Thảo (1994), “Thiên nhiên và văn hoá người Nam Bộ”, trong tập sách của cùng tác giả: Văn hoá dân gian Nam Bộ - những phác thảo, Nxb. Giáo dục, Hà N`ội.

36.   Trần Ngọc Thêm (1998), “Vai trò của nước trong truyền thống văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, số 8.

37.   Trần Ngọc Thêm (1999), “Vai trò của thực vật trong đời sống văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4.

38.   Ngô Đức Thịnh chủ biên (1993), Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

39.   Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

40.   Trần Thị Diễm Thuý (2002), Thiên nhiên trong ca dao dân ca trữ tình Nam Bộ, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

41.   Đặng Thị Diệu Trang (2006), Thiên nhiên trong ca dao trữ tình đồng bằng Bắc Bộ, Luận án tiến sĩ, Viện Nghiên cứu văn hoá.

42.   Vương Duy Trinh (1973), Thanh Hoá quan phong, bản phiên diễn của Nguyễn Duy Tiếu, Bộ Văn hoá giáo dục và thanh niên xb, Sài Gòn.

43.   Hoàng Tiến Tựu (1978), “Vấn đề phân vùng văn học dân gian và ý nghĩa phương pháp luận của nó”, Tạp chí Dân tộc học, Hà Nội, số 2. In lại trong Nguyễn Xuân Kính biên soạn (2003),Tổng tập văn học dân gian người Việt. Tập 19: Nhận định và tra cứu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Ở đây, chúng tôi trích dẫn theo lần công bố năm 2003.

44.   Trần Quốc Vượng chủ biên, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Mỹ Dung, Trần Thuý Anh (1997), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

45.   Phạm Thu Yến (1998), Những thế giới nghệ thuật ca dao, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

  


(1) Ở mục này, chúng tôi chưa trình bày thiên nhiên trong ca dao miền Trung. Đây là nội dung của mục sau.

(1)Ở trên, chúng tôi trích nguyên văn. Nếu cộng lại thì mới thấy có 9 lời ca dao mở đầu bằng lên non, còn 5 lời khác (không thấy tác giả nói), phải chăng ở ca dao Nghệ Tĩnh? Tương tự như vậy là cách lí giải số lời mở đầu bằng ngó ra. Hiện nay, tác giả là tiến sĩ văn hoá học, công tác tại Trường Đại học Phú Yên.

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31