Gỡ nút thắt chất lượng giáo dục
Gỡ "nút thắt" chất lượng giáo dục
TS. Nguyễn Thị Kim Ngân
Bài đã đăng trên Báo Đại đoàn kết số 354 ra ngày 19/12/2012 trang 1,12

         Đào tạo liên thông và đào tạo theo học chế tín chỉ gắn bó chặt chẽ với nhau và có quan hệ với việc kiểm tra, đánh giá. Khó khăn chính cản trở quá trình thực hiện đào tạo liên thông – cả liên thông dọc và liên thông ngang – là sự chậm trễ và tình trạng kém chất lượng trong việc triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Ngoài ra, sự phân biệt mang “tính đẳng cấp” giữa các bậc học cũng như đầu óc mang “tính cát cứ địa phương” cũng là những rào cản tư duy góp phần làm chậm quá trình liên thông với việc áp dụng hệ thống tín chỉ

         Tính liên thông là một yêu cầu của giáo dục đại học hiện nay. Nó vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa phản ảnh đặc điểm của tri thức hiện đại: sự đan xen của các ngành khoa học, sự đòi hỏi cả chiều sâu và chiều rộng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Quyết định số 06/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 13/02/2008 ban hành Quy định liên thông trình độ Đại học, Cao đẳng. Như vậy cả về thực tiễn và lí thuyết, cả về nhu cầu xã hội và cơ sở pháp lí, mọi thứ dường như đã sẵn sàng. Tuy nhiên cho đến nay trên thực tế, việc đào tạo liên thông – cả liên thông dọc, tức liên thông giữa các bậc học và liên thông ngang, tức liên thông giữa các ngành nghề trong cùng bậc học đều gặp khó khăn và tiến triển rất chậm. Nguyên nhân do đâu?

         Dĩ nhiên những khó khăn trong đào tạo liên thông cũng như tình trạng ở nhiều nơi chất lượng đào tạo liên thông còn kém, có nhiều nguyên nhân, phụ thuộc vào nhiều điều kiện: cách tổ chức quản lí, cách kiểm tra, đánh giá, trình độ giáo viên, sự nỗ lực của người học, cơ sở vật chất của trường, v.v. Ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý một số vấn đề chính, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiệc chủ trương đào tạo liên thông, từ đó làm rõ thêm vai trò của hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ đối với quá trình đào tạo đại học nói chung và đào tạo liên thông nói riêng.

         Trước hết, theo chúng tôi, muốn đảm bảo thực hiện tốt việc đào tạo liên thông, phải áp dụng quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ. Đây vừa là con đường, vừa là cách để thực hành đào tạo liên thông, vừa là điều kiện để đảm bảo việc đào tạo - liên thông đạt kết quả.

          Cho đến nay ở nước ta, mặc dù sự nhận thức còn những chỗ khác nhau, việc giác ngộ có thể chưa đồng đều, nhưng nhìn chung mọi người đều thừa nhận cái lợi và sự cần thiết của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ra quyết định số 43/2007 QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007 ban hành Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên hiện nay số cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng đã chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ còn chiếm một tỉ lệ rất thấp. Bản thân Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã mấy lần phải dịch chuyển “thời hạn cuối cùng” cho việc áp dụng hệ thống đào tạo tín chỉ đối với các trường đại học và cao đẳng từ năm 2010 sang 2012 và mới đây nhất là năm 2015 như đã ghi trong “Đề án đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam” do Chính phủ ban hành.

        Thật ra, trong hoàn cảnh của giáo dục đại học nước ta hiện nay, việc hoãn lại này là hoàn toàn dễ hiểu và phù hợp với thực tế. Đối chiếu với những yêu cầu của việc đào tạo theo học chế tín chỉ, phần lớn các trường đại học (chứ chưa nói đến cao đẳng) chưa đáp ứng được, nhất là các trường đại học ở địa phương và ngoài công lập.

        Chúng ta đều biết, chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ là chuyển từ một cách dạy và cách học này sang cách dạy và cách học khác. Đó thực sự là sự chuyển đổi về tư duy, đổi mới tư duy. Hạt nhân của cách dạy, cách học, của tư duy mới này là tính linh hoạt, mềm dẻo và chủ động. Mềm dẻo trong cấu trúc chương trình, linh hoạt trong việc sắp xếp các modul kiến thức, bố trí thời khóa biểu, chuyển đổi ngành học, trong cách kiểm tra, đánh giá, chủ động trong lựa chọn các học phần, trong việc trao đổi với giáo viên, học nhóm, v.v. Với một kiểu quản lí, giảng dạy và học tập như thế, phần đông giáo viên và sinh viên chúng ta vốn quen với kiểu tư duy cứng nhắc, thụ động, trong một thời gian ngắn, khó mà chuyển theo kịp. Cho nên cái khó ở đây là khó trong nếp nghĩ, trong tư duy, mà khó về tư duy thì khó sửa hơn những cái khác. Đó là chưa kể để đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đòi hỏi phải có một số điều kiện nữa mà nhiều trường đại học và cao đẳng trước mắt chưa thể có ngay được. Trong đó, bên cạnh các vấn đề về chương trình, giáo trình, website điện tử, cơ sở vật chất, vấn đề đội ngũ giảng viên là quan trọng nhất. Có thể nói hiện nay, xét về phương diện giảng viên, rất nhiều trường đại học chưa sẵn sàng cho việc đào tạo theo học chế tín chỉ. Ở nhiều trường số lượng giảng viên còn thiếu nhiều, nhất là giảng viên có trình độ chuyên môn cao. Các trường cũng chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên cố vấn, việc tổ chức trao đổi và giải đáp thắc mắc về học tập thông qua mạng điện tử, cáchđánh giá kết thúc học phần theo tín chỉ. Thiếu những nhân tố này, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ khó đạt kết quả như mong muốn.

         Đào tạo theo học chế tín chỉ là điều quan trọng nhất của đào tạo liên thông. Bởi vậy khó khăn lớn nhất của đào tạo liên thông hiện nay cũng nằm chính ở đây. Nếu các trường không tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì việc liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng, từ Cao đẳng lên Đại học cũng như liên thông giữa đại học này với đại học khác cũng sẽ không thực hiện được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bản thân việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ cũng chưa đảm bảo hoàn toàn cho sự liên thông nếu nó không vượt qua được những rào cản về chất lượng đào tạo và cái mà chúng tôi tạm gọi là “rào cản tư duy”.

       Trước hết là về chất lượng đào tạo. Nhiều trường đại học và cao đẳng hiện nay còn e dè trong việc tiếp nhận các tín chỉ do các trường khác cấp bởi vì e ngại chất lượng của nó. Sự e ngại này không phải không có căn cứ. Không kể một vài đại học lớn, phần đông các trường đại học và cao đẳng ở nước ta hiện nay chưa có được những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho việc đào tạo có chất lượng. Đó là sự thật cần phải dũng cảm thừa nhận. Trong hoàn cảnh đó, việc “hoài nghi” những tín chỉ do một cơ sở đào tạo nào đó ở nơi này nơi khác cấp là điều hoàn toàn dễ hiểu, cũng giống như tình trạng vừa qua nhiều tỉnh “hoài nghi” về chất lượng của bằng tại chức và tuyên bố chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy. Bởi vậy, để quá trình liên thông được vận hành tốt, chất lượng của các tín chỉ, độ tin cậy của tín chỉ rất quan trọng. Khắc phục tình trạng tín chỉ chất lượng yếu hiện nay, thông qua việc thống nhất trong cách kiểm tra, đánh giá chính là gỡ bỏ một trở ngại quan trọng nhất trên con đường thực hiện chủ trương đào tạo liên thông.

        Đồng thời ở đây cũng cần lưu ý đến khó khăn về nhận thức. Có thể nói ở nước ta hiện nay, tâm lí về bằng cấp, danh hiệu còn rất nặng nề. Bằng cấp là gắn với đẳng cấp. Tâm lí đẳng cấp trong đời sống, trong sinh hoạt xã hội biểu hiện ở việc đề cao chức vụ, ngạch trật, danh hiệu, trong giáo dục thì thể hiện ở sự khác biệt mang tính chất định kiến, coi kĩ sư “oai” hơn thợ giỏi, cao đẳng “oai” hơn trung cấp, đại học “oai” hơn cao đẳng. Tâm lí này hoàn toàn đối ngược với quan niệm đào tạo theo học chế tín chỉ, bởi vì theo cách học này, quan trọng không phải là bậc học mà là số lượng các tín chỉ được tích lũy. Sự khác nhau giữa các bậc học không phải là sự khác nhau có tính chất đẳng cấp mà khác nhau ở số lượng kiến thức, số lượng các tín chỉ. Hiện nay trong giáo dục đại học của chúng ta đang có mâu thuẫn. Một mặt Hiến pháp công nhận Cao đẳng và Đại học đều là đào tạo đại học, người tốt nghiệp đại học hay cao đẳng đều gọi là cử nhân (cử nhân cao đẳng và cử nhân đại học), mặt khác trong thực tế, sự khác nhau giữa Đại học và Cao đẳng không phải khác nhau ở lượng tín chỉ tích lũy mà ở cả trình độ, chất lượng của các tín chỉ. Nói cách khác chúng ta mặc nhiên thừa nhận chương trình, nội dung đào tạo ở cao đẳng thấp hơn, kém hơn ở đại học. Thay vì sự khác nhau chỉ ở số lượng các tín chỉ, ở đây là sự khác nhau về chất lượng, nội dung kiến thức. Đây cũng là một cản trở cho việc liên thông thực sự giữa các bậc học hiện nay.

        Cuối cùng chúng tôi cũng muốn lưu ý thêm một điểm nữa thuộc “rào cản tư duy”, liên quan đến đào tạo tín chỉ và liên thông. Đó là đầu óc mang “tính cát cứ địa phương”. Ở nước ta tư duy vùng miền, bộ ngành, tỉnh huyện còn khá phổ biến. Việc chấp nhận cái khác mình, cái của người khác là chuyện không dễ. Trong bối cảnh văn hóa tư duy như vậy, xây dựng được những chương trình đào tạo, hệ thống các tín chỉ được thừa nhận chung, “xuyên biên giới” các trường thuộc các bậc học, các vùng miền, địa phương khác nhau, các bộ ngành khác nhau đòi hỏi các nhà quản lí đại học và giảng viên cũng phải có khả năng vượt qua những rào cản nhận thức, vượt qua chính mình trong quan niệm, trong cách nghĩ, lúc đó việc đào tạo theo tín chỉ mới phát huy được hết thế mạnh của nó và thực hiện được một trong những mục tiêu cơ bản của mình là tạo điều kiện cho sự liên thông giữa các bậc học và ngành học, giúp người học phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của mình, nhờ đó chất lượng và hiệu quả của đào tạo đại học sẽ được nâng cao.

       Đào tạo theo học chế tín chỉ và đào tạo liên thông có quan hệ chặt chẽ với nhau và có quan hệ mật thiết với cách kiểm tra, đánh giá. Tháo gỡ khó khăn và làm tốt khâu này sẽ tác động đến khâu kia, nhưng trong đó việc thực hiện tốt việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ là quan trọng nhất./.

                                                                                                         TP.HCM, 12/2012

 
 
 

 

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31