Vị trí của thiên nhiên trong ca dao trữ tình

Vị trí của thiên nhiên trong  ca dao trữ tình

 Nguyễn Thị Kim Ngân

Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 (2010), Viện nghiên cứu Văn hóa – Viên Khoa học Xã hội Việt Nam, tr.51-56.

(Nature to be depicted in Lyric Folklore,  Nguyen Thi Kim Ngan,  periodical “Viet Nam Folklore Culture  (in 2010) No. 4, Institute of Culture Study - Institute  Sociology Science of Viet Nam).

           “Thiên nhiên là bà mẹ lớn của con người”. Con người không thể tồn tại nếu thiếu thiên nhiên. Con người sống trong thế giới thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên và tác động trở lại cải tạo thiên nhiên. Trong quá trình ấy, ít nhiều cũng bộc lộ những quan niệm, tình cảm, thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên. Mối quan hệ giữa con người, văn hóa và thiên nhiên càng ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn.

             Là một bộ phận của văn hóa, folklore nói chung và ca dao trữ tình nói riêng gắn bó rất chặt chẽ với thiên nhiên. Thiên nhiên trong ca dao trữ tình không chỉ là đối tượng mô tả mà còn là phương tiện nghệ thuật giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế giới quan, lối sống, cách cảm nghĩ và thẩm mĩ của người bình dân. Vì vậy, thiên nhiên có một vị trí rất quan trọng trong ca dao. Thiên nhiên là nội dung, là hình thức, là sức sống của ca dao.

 1. Hình ảnh thiên nhiên chiếm tỉ lệ lớn trong ca dao

 Thiên nhiên là môi trường diễn xướng của ca dao. Những câu ca dao thường là câu hát trong đêm trăng, điệu hò trên sông nước, lời đối đáp của những đôi nam nữ đang gặt hái trên đồng. Thiên nhiên còn là đối tượng mô tả của ca dao. Sông, núi, biển, rừng, chim muông, cầm thú, mây, gió, trăng, sao… đã đi vào ca dao, tạo thành một thế giới vô cùng sinh động, tồn tại và gắn bó chặt chẽ với đời sống con người. Thiên nhiên đồng thời cũng là phương tiện chuyển tải cảm nghĩ và rung động của con người, tình yêu của con người với quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình. Chính vì vậy thiên nhiên có mặt rất nhiều trong ca dao, số lượng những câu ca dao có chứa đựng hình ảnh thiên nhiên chiếm một tỉ lệ rất lớn.

 Qua khảo sát 7 tài liệu là tuyển tập ca dao các miền, chúng tôi thu được kết quả sơ bộ như sau:

STT

Tài liệu khảo sát

Tổng số câu ca dao được khảo sát

Số câu ca dao có hình ảnh thiên nhiên

Tỉ lệ

1

Ca dao ngạn ngữ Hà Nội

213

102

47,9%

2

Hát ví đồng bằng Hà Bắc

714

366

51,3%

3

Ca dao dân ca Nam Bộ

2938

1299

44,2%

4

Kho tàng ca dao xứ Nghệ (Tập 1)

2770

1156

41,7%

5

Kho tàng ca dao xứ Nghệ (Tập 2)

1387

505

36,5%

6

Ca dao Thừa Thiên Huế

3630

1917

52,9%

7

Ca dao Nam Trung Bộ

1643

840

51,1%

 Cụ thể hơn, trong mỗi tư liệu khảo sát, tần số xuất hiện của những câu ca dao có hình ảnh thiên nhiên trong mỗi chủ đề cũng khá cao. Chẳng hạn, khảo sát 4157 câu ca dao trong tài liệu “Kho tàng ca dao xứ Nghệ” (2 tập), có đến 1661 câu có hình ảnh thiên nhiên, chiếm tỉ lệ 40%, trong đó, chủ đề về quê hương đất nước có 226/419 câu có hình ảnh thiên nhiên, chiếm tỉ lệ 53,9%. Cũng với chủ đề này, khi khảo sát tài liệu “Ca dao dân ca Nam Bộ”, có 96/157 câu có hình ảnh thiên nhiên chiếm tỉ lệ 61,1%. Trong “Ca dao ngạn ngữ Hà Nội” có 22/31 câu, chiếm tỉ lệ 71%.

 Sau đây là bảng thống kê số liệu về tần số xuất hiện của các câu ca dao có hình ảnh thiên nhiên trong từng chủ đề riêng biệt của các tài liệu được khảo sát.

 Bảng 1: Tài liệu “Ca dao dân ca Nam Bộ” (1299/2938 câu. TL: 44,2%)

 

  * Chú thích:

 

1.      Chủ đề quê hương đất nước (96/157 câu)

2.      Chủ đề tình yêu nam nữ (960/2136 câu)

3.      Chủ đề tình cảm gia đình (243/645 câu)

3.1. Tình cảm vợ chồng (89/267 câu)

3.2. Tình cảm cha mẹ con cái (33/116 câu)

3.3. Các mối quan hệ xã hội khác (121/262)

 Bảng 2: Tài liệu “Hát ví đồng bằng Hà Bắc” (366/714 câu. TL: 51,3%)

 

 * Chú thích:

 1. Hát chào hỏi (6/27 câu)

2. Hát trao duyên, nguyện ước (327/590 câu)

3. Hát tiễn, hát dặn (20/54 câu)

4. Hát không theo lề lối (13/43 câu)

 Bảng 3: Tài liệu “Ca dao ngạn ngữ Hà Nội” (102/213 câu. TL: 47,9%)

 

 * Chú thích:

 1. Chủ đề về địa lí phong cảnh (22/31 câu)

2. Chủ đề về lịch sử và truyền thống đấu tranh (4/16 câu)

3. Chủ đề về nghề nghiệp và đặc sản (23/48 câu)

4. Chủ đề về phong tục và sinh hoạt (18/56 câu)

5. Chủ đề về tình yêu và hôn nhân (35/62 câu)

 Bảng 4: Tài liệu “Ca dao Nam Trung Bộ” (840/1643 câu. TL: 51,1%)

 

 * Chú thích:

 1.      Chủ đề về danh lam thắng cảnh, lịch sử, con người (75/100 câu)

2.      Chủ đề về sản vật (40/64 câu)

3.      Chủ đề về tình yêu nước, chống áp bức, xâm lược (50/90 câu)

4.      Chủ đề về tình yêu lứa đôi và khát vọng hạnh phúc (462/885 câu)

5.      Chủ đề về quan hệ gia đình (111/247 câu)

6.      Chủ đề về các mối quan hệ xã hội khác (102/257 câu)

 Bảng 5: Tài liệu “Ca dao Thừa Thiên Huế” (1917/3630 câu. TL: 52,9%)

 

 * Chú thích:

 1. Chủ đề về quê hương đất nước (115/192 câu)

2. Chủ đề về quan hệ gia đình (239/562 câu)

3. Chủ đề về nam nữ đối đáp trêu ghẹo (381/574 câu)

4. Chủ đề về tình yêu đôi lứa (802/1538 câu)

5. Chủ đề về cổ d0ộng các phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mĩ (72/163 câu)

6. Chủ đề về các vấn đề khác của cuộc sống (308/601 câu)

 Bảng 6: Tài liệu “Kho tàng ca dao xứ Nghệ” T.1&2(1661/4157 câu. TL: 40%)

 

 

 * Chú thích:

 1. Chủ đề về đặc điểm địa phương xứ Nghệ (226/419 câu)

2. Chủ đề vể tình yêu nam nữ (762/1894 câu)

3. Chủ đề về quan hệ gia đình và hôn nhân (168/457 câu)

4. Chủ đề về cuộc sống trong xã hội nông nghiệp (175/416 câu)

5. Chủ đề về quan điểm lao động và kinh nghiệm cuộc sống (108/271 câu)

6. Chủ đề về phê phán thói hư tật xấu và phong tục lạc hậu (87/291 câu)

7. Chủ đề về tinh thần dân tộc và quan hệ giai cấp (135/409 câu)

Qua các số liệu thống kê ta thấy thiên nhiên xuất hiện rất nhiều trong ca dao. Những câu ca dao có hình ảnh thiên nhiên trong các chủ đề khác nhau là rất lớn. Những nghiên cứu sâu hơn dựa trên những số liệu này sẽ đuợc chúng tôi giới thiệu ở những bài viết sau.

 2. Thiên nhiên là phương tiện chuyển tải tình cảm của con người

 Có thể nói về phương diện nào đó với ca dao cái tình là cơ bản nhất. Nội dung chủ yếu của ca dao là tình cảm của con người. Trước hết là cái tình của con người với chính thiên nhiên:

 

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”

 

*          *

*

“Trên trời biết mấy cái sao

Dưới đất biết có là bao nóc nhà

Ai ơi xin hãy dạo qua

Những sông cùng núi biết là bao nhiêu”

 

Cái tình ở đây là cái tình với núi sông, trăng sao, mây gió, cái tình với hoa trái, cây cỏ. Ca dao thể hiện tình yêu của con người với những cảnh vật thiên nhiên bao quanh mình, hàng ngày gắn bó với mình. Đó không chỉ là sự chiêm ngưỡng những cảnh đẹp mà còn là lòng yêu mến những sự vật bình thường, cây cỏ, sỏi đá. Nhà văn Nga Ilia Erenbourg đã từng nói: “Lòng yêu nước bắt đầu từ tình yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu dòng sông chạy qua xóm nhỏ…”. Chính cái tình với thiên nhiên đã dẫn đến tình yêu quê hương xứ sở vốn là một chủ đề, một nội dung rất phong phú trong ca dao mọi miền:

 

“ Ai vô xứ Huế mà coi

                                                                                              Sông Hương núi Ngự cảnh trời đẹp thay”

 

Ca dao không chỉ diễn tả tình yêu của con người với thiên nhiên mà còn là nơi con người gửi gắm tình cảm của mình qua hình ảnh thiên nhiên.

Những hình ảnh này thể hiện đặc biệt rõ rệt trong ca dao về tình yêu nam nữ. Ở đây thiên nhiên là bạn đường, khung cảnh, là nhân chứng của tình yêu:

“Đường đi trên động dưới khe

Chim kêu vượn hót không nghe tiếng nàng”

 

“ Đường xa rú rậm cheo leo

Nhớ khi ăn đọt cùng trèo Ba Xanh” (tên đèo)

 

Thiên nhiên là nguồn cảm hứng, gợi nên nỗi nhớ, nỗi thương:

 

“Khúc sông bên lở bên bồi

Thương em lúc đứng lúc ngồi cũng thương”

 

Thiên nhiên còn là hiện thân của sự vĩnh hằng, bất tử của tình yêu:

 

“Còn trời còn nước còn non

Còn trăng còn gió thì còn đôi ta”

“Chờ anh lở núi cạn sông”

“Chờ chàng đến lúc cạn sông

Chờ cho muống vượt lên đồng trổ hoa”

 

Thiên nhiên như người đối thoại, thổ lộ buồn vui:

 

“Lên truông than thở với truông

Ở đây than thở với nường đôi câu”

 

Thiên nhiên thể hiện sự cách trở của tình yêu:

 

“Mấy lâu cách trở giang đông

Đi về xuôi ngược mà không xáp chàng”

“Dở dang dang dở khi chiều

Mưa sa chớp giật cũng liều mà đi”

“Hai Vai cao ngất giữa trời

Em qua không được em ngồi thở than”

“Không đi thì nhớ thì thương

Đi ra cách trở một truông đôi đò”

 

Thiên nhiên như tâm trạng người đang yêu:

 

“Miệng cười tựa nụ hoa sen

Mình trông nhan sắc như đèn như sao”

“Mình em như cây thầu đâu

Ngoài tươi trong héo, giữa sầu tương tư”

 

Thiên nhiên cũng gắn với tình cảm gia đình, tình cha nghĩa mẹ, hạnh phúc vợ chồng:

“Mẹ già như chuối chín cây

Sao anh không liệu để em đây liệu cùng”

“Mẹ như ánh nắng mùa đông

Soi không tận mặt tận lòng cho con”

*     *

    *

“Kết đôi đi cho đó vợ đây chồng

Hoa trên rừng đua nở, lúa dưới đồng xanh um”

 

 “Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta tình thắm nghĩa dày

Dù xa nhau chăng nữa, ba vạn sáu trăm ngày cũng nỏ xa”

                 Như vậy, nội dung cơ bản của ca dao là cái tình. Tình với thiên nhiên, tình với quê hương đất nước, tình với con người. Thiên nhiên có vị trí quan trọng trong việc thể hiện những tình cảm ấy trong ca dao.

 3. Ca dao chứa đựng triết lí của con người về thiên nhiên

 Nhà thơ và triết gia Nga vĩ đại thế kỉ XIX V.Soloviev đã từng viết: “Sự sống là cái tên chung nhất và phổ quát nhất cho thực tại chu toàn ở mọi nơi và trong tất cả. Chúng ta có quyền như nhau nói về sự sống của thánh thần, về sự sống của con người và về sự sống của thiên nhiên” ([1]) .

 Hơn đâu hết ca dao là bức tranh về sự sống của thiên nhiên và hơn đâu hết trong ca dao thiên nhiên được quan niệm, được miêu tả như một sự sống, một thế giới sống tồn tại bên cạnh cuộc sống của con người, gắn chặt với sự sống của con người:

 

Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

Em thương anh không dám nói ra

Sợ mẹ bằng đất sợ cha bằng trời

Em với anh cũng muốn kết đôi

Sợ vầng trăng bạc trên trời mau tan

 

Thiên nhiên trong ca dao là cả một thế giới vô cùng phong phú, đa dạng, chứa chan sự sống, từ hoa cỏ lá cây, chim muông cầm thú, đến đất cát, sỏi đá, con đường, từ giọt mưa, tia nắng đến mây, gió, sương, trăng:

 

“Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”

 

“Bao giờ cho gạo bén sàng

Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh”

 

Hình ảnh thiên nhiên trong ca dao chứa đựng triết lí nguyên sơ của người bình dân, rằng sự sống không chỉ có ở con người, sự sống tồn tại khắp mọi nơi, bản thân con người cũng chỉ là một bộ phận của sự sống chung của vũ trụ, một bộ phận của sự sống tự nhiên. “Người ta hoa đất”. Cái tư tưởng về sự thống nhất giữa con người và tự nhiên, về con người là tự nhiên và tự nhiên cũng là một sinh thể có linh hồn xuyên suốt ca dao, thể hiện một cách bình dị, hồn nhiên trong ca dao, dù đó là nói về tình yêu nam nữ hay lao động sản xuất, dù trực tiếp miêu tả thiên nhiên hay chỉ mượn thiên nhiên để gửi gắm tâm tình:

 

Thân em như thể nước sông

Tuy là thấy mặt, biết lòng cạn sâu

 

Em như cây quế giữa rừng

Thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay

 

Non xanh bao tuổi mà già

Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu

 

Xuyên qua  tất cả hình ảnh ví von, chúng ta không chỉ thấy hiện lên thiên nhiên như là sự sống, như vạn vật có linh hồn mà còn cảm nhận được sự gắn bó của con người với thiên nhiên, sự giao cảm giữa hai thế giới của sự sống, buồn vui chia sẻ cùng nhau:

 

Đêm qua trăng gác đầu non

Vạc kêu sương lạnh, em buồn tái tê.

 

Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ

Buồn trông con nhện chăng tơ

Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ.

 

             Thiên nhiên rõ ràng không chỉ là phương tiện chuyển tải cái tình của con người qua ca dao mà còn tiềm ẩn triết lí của con người về sự sống, về mối quan hệ của con người với tự nhiên. Mối quan hệ này là vấn đề sống còn của nhân loại trong thời đại ngày nay. Ca dao thể hiện sự nhạy cảm rất sớm về vấn đề này. Tìm hiểu vị trí của thiên nhiên trong ca dao là một dịp để nhận thức sâu sắc hơn vấn đề con người và môi trường, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thế giới hiện nay.

 4.   Hình ảnh thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp của ca dao

           Có thể nói trong số những câu ca dao hay nhất có rất nhiều câu chứa đựng hình ảnh thiên nhiên:

 

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

 

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

 

            Vẻ đẹp của thiên nhiên đã mang lại cảm hứng cho người nghệ sĩ dân gian, làm cho hình ảnh thiên nhiên trong câu thơ trở nên lộng lẫy hay yên tĩnh, trầm lắng và nhờ đó câu ca dao đi vào lòng người với tất cả sự quyến rũ của màu sắc, âm thanh. Có biết bao nhiêu câu ca dao hay như vậy trong kho tàng ca dao Việt Nam và thường câu nào cũng gắn với hình ảnh của thiên nhiên.

            Nhưng thiên nhiên không chỉ là đối tượng thẩm mĩ của ca dao, nó còn là phương tiện nghệ thuật góp phần tạo nên cái hay, cái đẹp của câu ca dao. Có thể nói thi pháp ca dao có một phần gắn với việc xây dựng hình ảnh thiên nhiên.

 

            Thiên nhiên tạo nên cái hứng trong ca dao:

 

Trên trời mây trắng như bông

Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây

Hỡi cô má đỏ hây hây

Đội bông như thể đội mây về làng

Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây

 

Chiều chiều én liệng nhạn bay

Ta đây nhớ bạn, bạn rày nhớ ai

 

           Câu ca dao được hình thành chủ yếu theo nguyên tắc so sánh (tỷ) và cái được so sánh nhiều nhất vẫn là so sánh với thiên nhiên:

 

Nhấp nhánh là nhấp nhánh ơi

Mắt người nhấp nhánh như sao trên trời

 

Nhớ ai em những khóc thầm

Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa

 

Mình em như cá vô lừ

Khi vô thì dễ, bây chừ khó ra

 

         Một trong những thủ pháp quan trọng nhất tạo nên cái duyên của ca dao trữ tình là ẩn dụ, rất gần gũi với thể phú trong thơ. Và hầu như tất cả các hình ảnh ẩn dụ trong ca dao đều gắn với thiên nhiên:

 

Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

 

Lọng vàng che nải chuối xanh

Tiếc con chim phượng đậu cành tre khô

 

Lênh đênh một chiếc thuyền tình

Mười hai bến nước gửi mình vào đâu

 

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

 

         Đặc biệt thiên nhiên còn đi vào ngôn ngữ ca dao, làm cho lời thơ vừa sinh động, có hình ảnh, vừa súc tích, ngắn gọn, nhờ sử dụng các từ như trong thành ngữ:

 

Cùng nhau căn dặn đến nơi

Chỉ non thề biển một lời đinh ninh

 

Thân em như lá đài bi

Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương

 

Thân em như trái bàng trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu

 

         “Chỉ non thề biển”, “dãi nắng dầm sương”, “gió dập sóng dồi”, hay “lên thác xuống ghềnh”, “vật đổi sao dời”… chính là cách nói mang dáng dấp thành ngữ, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Có thể nói ở đây cách diễn đạt mượn hình ảnh thiên nhiên sóng đôi đã tạo nên vẻ đẹp của ca dao.

 

         Cuối cùng, nhắc đến thi pháp ca dao trữ tình không thể không nhắc đến các biểu tượng. Hầu hết các biểu tượng này đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến các hiện tượng thiên nhiên:

 

Ai làm cho bướm lìa hoa

Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng

 

Một đàn cò trắng bay quanh

Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta

 

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa

 

      “Bướm - hoa”, “loan - phượng”, “cây đa - bến cũ” và nhiều biểu tượng khác là những hình thức tổ chức ý thơ và câu thơ rất phổ biến trong ca dao trữ tình, góp phần tạo nên diện mạo thẩm mĩ  của thiên nhiên trong ca dao.

              Thiên nhiên gắn bó chặt chẽ với đời sống vật chất và tinh thần của con người. Nó có một vị trí rất lớn trong folklore nói chung và ca dao trữ tình nói riêng. Thiên nhiên gắn với cả nội dung và nghệ thuật của ca dao, tạo nên thế giới nghệ thuật kì diệu cho ca dao. 

 

                Thiên nhiên là hồn của ca dao, là sự sống của ca dao.

 

 Sài Gòn 6/2010

Tài liệu tham khảo:

 

1.    Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB ĐH Quốc gia HN, 2004

2.    Ninh Viết Giao (chủ biên), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, tập 1, NXB Nghệ An, 1996

3.    Ninh Viết Giao (chủ biên), Kho tàng ca dao xứ Nghệ, tập 2, NXB Nghệ An, 1996

4.    Triều Nguyên, Ca dao Thừa Thiên Huế, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Huế, 2005

5.    Thạch Phương, Ngô Quang Hiển, Ca dao Nam Trung Bộ, NXB KHXH,1994

6.    Triêu Dương, Phạm Hòa, Tảo Trang, Chu Hà, Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Hội Văn nghệ HN,1972

7.    Mã Giang Lân, Nguyễn Đình Bưu (sưu tầm, biên sọan), Hát ví đồng bằng Hà Bắc, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1976

8.    Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị, Ca dao dân ca Nam Bộ, NXB TPHCM, 1984



([1])V.Solovier,Siêu lí tình yêu – Những tác phẩm Triết-Mỹ chọn lọc, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Văn hóa-Thông tin, HN, 2005, tr.169.

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31