TÓM
TẮT: Bài báo tập trung nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục thông
minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và đất nước đang hội nhập. Bài báo đặc biệt
lưu ý đến việc phát triển ở người sử dụng công nghệ thông tin năng lực tự định
hướng, khả năng tư duy độc lập và tính sáng tạo. Vấn đề tương tác giữa người dạy
và người học trong giáo dục thông minh, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa IQ
và EQ cũng được đề cập như một gợi ý để thảo luận.
Tags: Giáo dục
thông minh, công nghệ, tư duy độc lập, sáng tạo, tương tác, IQ và EQ
Giáo
dục thông minh mà cốt lõi của nó là vận dụng công ngệ thông tin trong dạy và học,
trong hoạt động của nhà trường, đang trở thành xu hướng chung của các nền giáo
dục toàn cầu. Đó là kết quả của sự phát triển của nền công nghiệp 4.0. Máy
tính, internet và các phương tiện công nghệ thộng tin khác đang được đưa vào
nhà trường, làm thay đổi diện mạo và toàn bộ hoạt động của nhà trường, biến nhà
trường thành một kiểu trường học thông minh, khác nhà trường truyền thống. Nhất
là từ khi có đại dịch COVID-19, các trường chuyển sang dạy và học trực tuyến,
hoạt động của nhà trường đã hoàn toàn thay đổi. Học sinh đã có thể ngồi ở nhà để
học cùng thầy cô giáo mà không cần đến lớp. Bài tập và các bài kiểm tra đều được
thực hiện thông qua máy tính. Bản chất của giáo dục thông minh là vấn đề Công
nghệ và Giáo dục. Công nghệ đã mang lại cho giáo dục những cơ hội rất lớn để
thay đổi hoạt động sư phạm, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục. “ Một nền giáo dục trong một môi trướng thông
minh, được hỗ trợ bởi công nghệ thông minh, sử dụng các công cụ và thiết bị
thông minh có thể được coi là giáo dục thông minh” ( M. Coccli )
Một
trong những sức mạnh của giáo dục thông minh là nó giúp người học rút ngắn thời
gian tiếp cận tri thức, đẩy nhanh tốc độ thu thập thông tin. Chỉ cần một cái nhấn
chuột người học ngồi một chỗ vẫn có thể nhận được ngay những thông tin cần thiết mà không cần phải đến thư viện hay truy
tìm trong nhiều cuốn sách. Internet không chỉ giúp tiết kiệm sức lực và thời
gian truy tìm kiến thức mà còn đẩy nhanh quá trình thu thập thông tin theo nhiều
hướng, nhiều nguồn khác nhau. Nói cách khác, sự đẩy nhanh tốc độ kéo theo sự
tăng thêm số lượng thông tin và do đó cũng mở rộng khối lượng kiến thức, mở rộng
tầm nhìn. Chiếc máy tính hay Smartphone trở thảnh một thư viện khổng lồ, rất
thuận lợi cho người dạy và người học để truy tìm nguồn tài liệu hay kiến thức.
Nhờ nguồn tài liệu phong phú, những kiến thức này có thể được so sánh, đối chiếu,
từ đó người tiếp nhận có thể có cái nhìn đa chiều về cùng một vấn đề cũng như
biết được những ý kiến, quan điểm khác nhau xung quanh một sự vật, hiện tượng.
Điều đó không chỉ giúp người học mở rộng khối lượng kiến thức mà còn tạo điều
kiện để hiểu biết sâu hơn, toàn diện hơn về đối tượng, vấn đề mà mình quan tâm.
Một
ưu điểm lớn của giáo dục thông minh là nó tạo khả năng kết nối rất rộng rãi.
Trong nhà trường truyền thống học sinh thường bị giới hạn kết nối trong phạm vi
lớp học và trong trường. Và bản thân sự kết nối này cũng không linh hoạt, bị
nhiều rào cản, ngay cả đối với bạn bè trong cùng một lớp. Giờ đây trong trường
học thông minh, giao tiếp giữa thày giáo với học sinh, giữa học sinh với nhau
trở nên vô cùng phong phú, thuận tiện. Đặc biệt, sự kết nối này còn mở rộng ra
ngoài biên giới địa phương, quốc gia, trở thành kết nối mang tính toàn cầu.
Thông qua Google, Facebook và các mạng xã hội khác, hoc sinh sẽ có cơ hội thu
nhận thông tin, tìm thầy, kết bạn, tìm kiếm học bổng và rất nhiều cơ hội khác.
Nhờ công nghệ thông tin, thế giới đã trở nên “ phẳng” hơn, nhiều rào cản đã bị
xóa bỏ, vượt qua, các thành viên xã hội có nhiều điều kiện để trở thành công
dân toàn cầu. Trong bối cảnh đó trường học thông minh phải gắn mình vào mạng lưới
kết nối chung để tất cả thành viên trong trường, cả học sinh và thầy cô giáo có
cơ hội gắn kết với nhau và gắn kết với xã hội. Trong sự gắn kết này, sự kết nối
giữa nhà trường và phụ huynh là một khâu quan trọng. Cần sử dụng triệt để thế mạnh
của công nghệ thông tin để xây dựng và duy trì sự kết nối này, bởi vì mối liên
hệ giữa nhà trường với phụ huynh không chỉ giúp gia đình theo dõi được quá trình học tập của con em mình mà còn
hỗ trợ nhà trường về nhiều phương diện khác.
Phân
tích những ưu thế của giáo dục thông minh để thấy rõ hơn sự cần thiết của việc
đẩy mạnh giáo dục thông minh và xây dựng trường học thông minh, nhất là trong bối
cảnh nước ta đang phát triển công nghiệp 4.0. Nhận thức được ý nghĩa và tầm
quan trọng của giáo dục thông minh phải trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất
cả những người làm công tác giáo dục hiện nay. Giáo dục thông minh là kết quả của
sự phát triển của công nghệ thông tin. Hoạt đông giáo dục chịu áp lực rất lớn từ
những thành tựu của sự phát triển này, không thể không thay đổi phương pháp giảng
dạy, cách học cũng như phương thức quản lí nhà trường. Đó là đòi hỏi tất yếu của
sự đổi mới. Hiên nay phong trào xây dựng trường học thông minh, lớp học thông
minh đang được triển khai rộng rãi trên cả nước, nhất là ở các thành phố lớn,
các địa phương có đủ điều kiện. Sự phát triển của giáo dục thông minh đến lượt
mình sẽ tác động trở lại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp 4.0
và phát triển kinh tế nói chung, bởi vì nhà trường thông minh chính là cái nôi,
là trung tâm đào tạo những thế hệ trẻ sẽ gia nhập vào đội ngũ những người phát
minh, sáng chế công nghệ IT. Bởi vậy việc xây dựng chính sách phát triển công
nghệ IT cần đi kèm với chính sách phát triển giáo dục thông minh. Giáo dục chính
là nền tảng của phát triển kinh tê và xã hội.
Hiện
nay phong trào xây dựng trường học thông minh đang phát triển rầm rộ. Công nghệ
thông tin có sức hấp dẫn rất lớn đối với những người làm quản lí, thầy giáo và
học sinh. Điều đó mang lại nhiều thay đổi trong cách dạy và cách học, trong
cách quản trị nhà trường. Kết quả dĩ nhiên đa phần là tích cực. Tuy nhiên việc
sử dụng công nghệ rộng rãi cũng đặt ra nhiều vấn đề mà người làm giáo dục không
thể bỏ qua.
Trước
hết là vấn đề khai thác công nghệ trong giảng dạy. Chúng ta đều biết chữ Giáo Dục
Thông Minh trong tiếng Anh là SMART EDUCATION. SMART ( Thông minh ) là viết tắt của các chữ cái với 5 nghĩa:
- Self- Directed ( Tự định hướng )
- Motivated ( Có động cơ
)
- Adaptive ( Có khả năng
thích ứng )
- Resource ( Có nguồn học
liệu phong phú )
- Technology embedded (
Có sử dung công nghệ )
Như
vậy việc áp dung công nghệ chỉ là một phần trong giáo dục thông minh. Công nghệ
chỉ là phương tiện và cũng khộng phải không phải là phương tiện duy nhất. Sử dụng
công nghệ như thế nào, đến mức nào, trường hợp nào thích hợp trường hợp nào
không, tất cả điều đó phụ thuộc vào người thầy. Bị áp lực bởi công nghệ hoặc
quá say sưa với sử dụng công nghệ trong giảng dạy đều có thể dẫn đến những kết
quả không mong muốn. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ là việc áp dụng công nghệ trong kiểm
tra, đánh giá. Nhiều người muốn khai thác tối đa cách thi, đánh giá theo lối trắc
nghiệm thông qua máy tính, môn học nào, học phần nào cũng dùng phương pháp trắc
nghiệm để kiểm tra kết quả. Nhưng thực tế cho thấy không phải lúc nào việc làm
trắc nghiệm trên máy cũng phù hợp và cho cách đánh giá chính xác. Nhiều trường
hợp cách làm bài tự luận hay vấn đáp theo phương pháp phỏng vấn trực tiếp tỏ ra
hiệu quả và mang lại kết quả chính xác hơn, nhất là đối với các môn khoa học xã
hội – nhân văn.
Như
chúng ta thấy, trong giáo dục thông minh ( smart education ) bên cạnh công nghệ
và nguồn học liệu, vấn đề Tự định hướng ( Self- Directed ), Có động cơ (
Motivated ) và Khả năng tương thích ( Adaptive ) có vai trò rất quan trọng. Điều
đó cũng có nghĩa là trong giáo dục thông minh, tức là giáo dục có sử dụng công
nghệ, vai trò của người sử dụng có ý nghĩa rất lớn. Cần đặc biệt quan tâm đến
chủ thể sử dụng công nghệ. Đứa trẻ được trao cho máy tính hay Iphone để sử dụng
sẽ tạo điều kiện cho chúng có nhiều cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới, những
nguồn tư liệu khác nhau. Nhưng làm thế nào để tự định hướng trong rừng kiến thức,
trong mớ thông tin đa chiều, rối rắm ấy, đó là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Ở đây
vai trò của người thầy rất quan trọng. Đó là chưa nói đến những mặt tiêu cực mà
việc sử dụng công nghệ có thể mang lại như việc trẻ quá chìm đắm trong những
trò chơi công nghệ hay thậm chí còn sử dụng điện thoại thông minh, máy tính vào
những mục đích khác không lành mạnh. Phát triển giáo dục thông minh, bởi vậy, cần
đi đôi với bồi dưỡng nhân cách, giáo dục giá trị và hướng dẫn cho trẻ biết tự định
hướng trong việc sử dụng và làm chủ công nghệ.
Một
vấn đề khác cần chú ý khi triển khai giáo dục thông minh đó là quan hệ giữa
phát triển tri thức và bồi dưỡng năng lực. Hiện nay nhà trường nước ta đang
chuyển từ dạy kiến thức sang phát triển năng lực. Đó là một xu hướng đúng, góp
phần quan trọng vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất
lượng đào tạo ở phổ thông. Phát triển năng lực ở đây được hiểu là phát huy tối
đa khả năng của người học, phát huy những gì học sinh có đồng thời bồi dưỡng
tính chủ động, tích cực của người học, khắc phục việc tiếp thu kiến thức thụ động,
một chiều. Trong giáo dục thông minh, nhờ sử dụng công nghệ học sinh dễ dàng tiếp
cận với nguồn học liệu lớn, nhờ đó có cơ hội tiếp thu một khối lượng tri thức lớn.
Nhưng ứng xử với khối lượng kiến thức này như thế nào là vấn đề không dễ. Thường
người học do bị chìm trong khối lượng kiến thức lớn, không định hướng được lối
đi cho mình, đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập, từ đó chỉ biết tiếp thu kiến
thức một cách thụ động, chép lại những gì đã biết, học thuộc lòng, không có ý
kiến riêng của mình. Giáo dục thông minh cần khuyến khích trẻ vừa mở rộng khối
lượng kiến thức thông qua công nghệ, vừa phát triển tư duy, khả năng độc lập
suy nghĩ, tức năng lực phán đoán, suy xét, tìm hiểu chiều sâu của vấn đề. Làm
được như vậy cũng là góp phần khắc phục lối
học nhồi nhét, học vẹt mà lâu nay vốn phổ biến.
Đi
đôi với việc phát triển năng lực, giáo dục thông minh cũng cần chú ý một yêu cầu
nữa, đó là phát huy tinh thần sáng tạo của trẻ. Như đã nói ở trên, việc sử dụng
công nghệ nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn,
trong đó có sự kìm hãm tư duy độc lập, chạy theo tri thức thuần túy. Nhưng quan
trọng nhất là cần phải thấy rằng công nghệ thông tin mang lại lợi ích rất lớn,
kích thích và tạo điều kiện cho sáng tạo. Có thể nói sáng tạo là tinh thần cơ bản
của công nghiệp 4.0. Bởi vậy nhiệm vụ của giáo dục thông minh là phải khơi dậy
tinh thần sáng tạo trong thế hệ trẻ, giúp các em biết tận dụng mọi cơ hội, mọi
phương tiện của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng học tập, tăng cường
sự hiểu biết của mình, đồng thời mạnh dạn suy nghĩ, phát minh, sáng chế. Công
nghệ sẽ chắp cánh cho các em trong sự tìm tòi cái mới, phát huy sáng kiến cá
nhân. Giáo dục thông minh phải tạo ra được những con người thông minh, giàu khả
năng sáng tạo. Đó mới chính là sứ mệnh của giáo dục thông minh. Hiện nay cả nước
đang dấy lên phong trào khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp đang lan rộng trong
các trường học. Việc sử dung công nghệ và những thiết bị thông minh sẽ tạo điều
kiện cho hoạt động khởi nghiệp đạt được những kết quả không chỉ có nghĩa rèn
luyện phát triển tư duy mà còn có thể mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Chỉ
có sáng tạo mới phát huy hết ý nghĩa của giáo dục thông minh.
Một
vấn đề nữa đặt ra khi thực hiện giáo dục thông minh, đó là sư tương tác giữa thầy
và trò, giữa người dạy và người học. Trong công nghiệp 4.0 vai trò của con người
dần dần được thay thế bằng máy móc. Trong giáo dục thông minh các phương tiện
công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cho học
sinh. Lợi ích của việc này, như chúng ta biết, là hết sức to lớn, tạo ra sự
khác biệt giữa trường học thông minh và trường học truyền thống. Nhưng cũng từ
đây xuất hiện vấn đề : vậy thì vai trò người thầy sẽ như thế nào trong giáo dục
thông minh ? Dĩ nhiên thầy giáo không thể chỉ đóng vai trò trung gian, thông
qua các phương tiện công nghệ chuyển tải kiến thức đến cho học sinh. Ngược lại
thầy giáo phải là người làm chủ công nghệ, hiểu rõ sức mạnh và hạn chế của công
nghệ để có thể truyền đạt tốt nhất tri thức cho học sinh. Vấn đề đặt ra là sự
tương tác giữa người dạy và người học trong trường hợp sử dụng công nghệ không
còn trực tiếp nữa. Giao tiếp giữa thầy và trò như trong cách học trực tuyến sẽ
có sự gián cách rất lớn về không gian. Nếu điều đó xét về mặt truyền đạt kiến
thức không ảnh hưởng nhiều lắm thì xét về phương diện giáo dục nói chung đặt ra
những vấn đề cần phải suy nghĩ.
Giáo
dục thông minh là đào tạo nên những đứa trẻ thông minh. Nhưng như chúng ta biết,
thông minh có hai dạng : IQ ( Intelligence
Quotient ) và EQ ( Emotional Quotient). IQ chỉ sự thông minh, nhạy bén về trí tuệ, EQ chỉ sự thông minh cảm xúc, sự
nhạy cảm. Việc sử dụng các thiết bị thông minh chắc chắn giúp rất nhiều cho việc
phát triển IQ, không ai nghi ngờ điều đó. Nhưng còn EQ ? Làm thế nào để giáo dục
thông minh có thể kích thích, bồi dưỡng năng lực EQ cho trẻ, đó là nhiệm vụ
không dễ dàng và thường bị các nhà giáo dục khi nói về giáo dục thông minh bỏ
qua, không nhắc đến. Thực tế đã cho thấy rất nhiều sáng kiến, phát minh, sáng
chế, kể cả trong lĩnh vực công nghệ, đã ra đời gắn với những cơn bột phát về cảm xúc,
với sự bừng tỉnh của con tim chứ không phải chỉ của của cái đầu lạnh. Bởi vậy sự
tương tác với máy móc, với cộng nghệ không thể thay thế sự giao tiếp trực tiếp
giữa người với người, giữa thầy và trò, giữa người dạy và người học. Nhiệm vụ của
người thầy là làm sao bên canh việc sử dụng các thiết bi công nghệ trong giảng
dạy phải tăng cường hoạt động giao tiếp với học sinh, tiếp xúc trực tiếp với học
sinh, tạo nên sự giao lưu sinh động, sự kết nối về tình cảm, về tâm hồn, bởi vì
chỉ có sự gắn kết trực tiếp như vậy mới có khả năng truyền tải những thông tin
mà giao lưu qua máy móc không thể làm được. Tăng cường tính nhân văn trong giáo
dục thông minh, tức giáo dục sử dụng công nghệ là một chủ đề rất cần được đi
sâu trao đổi, nghiên cứu.
Phát
triển giáo dục thông minh là một yêu cầu cấp bách của giáo dục trong thời đại
4.0. Nó cũng là sự đòi hỏi tất yếu của giáo dục trong quá trình tự đổi mới để
nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước. Việc thực hiện giáo dục thông minh, xây dựng trường học thông
minh cần được đặt trong nhiệm vụ tổng thể của nhà trường là phát triển nhân
cách của người học, đào tạo học sinh thành những con người phát triển toàn diện,
không chỉ có tri thức, giỏi công nghệ mà còn có lòng nhân ái, bao dung, có khả
năng hợp tác, cùng sáng tạo. Đó là một
công việc khó khăn đối với những nhà quản lí giáo dục và các thầy cô giáo nói
chung./.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO :
1. Kenneth Komoski, P., The Continuing Confusion
about Technology and Education , trong cuốn “ Technology and Education”, Edited
by Lawrence Lipsitz, Educational Technology Publications, New Jersey, 1971
2. Chun,S. Korea’s Smart Education: Initiative and Its
Pedagogic Implications. CNU. J.Educ.Stud. (34-2). 2-18 (2013)
3. Yu,Z. Visualizing Artificial Intelligence Used in
Education over two decads, J.Inf. Techol. Res. 2020, 13
4. Dương Trọng Tấn, Giáo dục
thông minh, Dự án EdTech, Đại học FPT
5. Tuệ Anh, Đổi mới để đáp ứng
nền giáo dục 4.0. Bản tin ĐHQG Hà nội
27/4/2018
6. Tiếp cận “ Giáo dục
thông minh” trong đổi mới giáo dục phổ thông ( Bộ GD-ĐT ), Đà Nẵng, 21/12/2018,
Tài liệu Hội thảo
7. Giáo dục thông minh ở TP
HCM ( UBND TP HCM ), 20/12/2019, Tài liệu Hội thảo
N.T.K.N