1.Tính chất và vị trí môn Văn trong Chương trình Giáo dục Phổ Thông
Bộ Giáo dục
và đào tạo đang có chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa, trong đó
môn Văn hay Ngữ Văn là một môn chủ chốt. Đây là dịp để nghĩ lại, nhìn lại toàn
bộ tính chất của môn học cũng như việc giảng dạy nó ở trường phổ thông, từ đó
có thể thay đổi, đi đến cách dạy hiệu quả hơn, bổ ích hơn (1). Sau đây, tôi xin
nêu lên một số suy nghĩ riêng về vấn đề này.
Giáo dục
hiểu theo nghĩa rộng, là hoạt động nhằm truyền bá và phát triển những thành tựu
mà con người đạt được trong quá trình chiếm hữu thế giới bằng cách truyền lại
cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm ấy. Những kinh nghiệm hay thành tựu này bao gồm
ba nội dung chính là: kỹ năng lao động, tri thức và các cách ứng xử, các
giá trị. Nhà trường như hình thức giáo dục chính quy (giáo dục không chính
quy là giáo dục gia đình và xã hội) được xác lập để thực hiện ba nội dung giáo
dục ấy.
Các môn học
trong chương trình giáo dục của nhà trường, tùy theo đặc trưng của mình sẽ thực
hiện các nội dung giáo dục trên đây theo cách riêng. Ví dụ, các môn Lý, Hóa,
Sinh chủ yếu cung cấp tri thức về thế giới tự nhiên. Ở đây các vấn đề kỹ năng
lao động và giá trị không phải là nội dung giáo dục chính. Ngược lại, đối với
các môn kỹ thuật –công nghiệp- nông nghiệp như trước đây hay công nghệ thông
tin, kỹ năng sống như hiện nay thì yêu cầu trước hết không phải là tri thức mà
là khả năng biết làm. Trường hợp các môn Lịch sử và Địa lý, vấn đề phức tạp
hơn. Môn Sử không chỉ cung cấp những tri thức về các sự kiện, biến cố xã hội diễn
ra trong quá khứ hay hiện tại mà còn chứa đựng cái nhìn và thái độ đối với các
sự kiện, biến cố ấy, bởi vậy, hàm lượng “giá trị” trong môn Lịch sử rất lớn. Đó
là chưa kể các sự kiện và biến cố ấy bao giờ cũng là sự kiện liên quan đến con
người, về con người, khiến chúng không phải là những thứ vô hồn, những tài liệu
khô khan. Ở phổ thông, môn Sử vừa là tri thức về lịch sử vừa là tình yêu quá khứ
của dân tộc- quá khứ không chỉ bó hẹp trong đánh giặc, chống ngoại xâm, làm cách mạng, mà còn là quá khứ văn hóa, là
quá khứ như kỷ niệm, như chặng đường sinh tồn đã qua không chỉ có vinh quang, tự
hào mà còn biết bao nhiêu mất mát, đau thương của dân tộc. Cùng với tri thức,
lòng yêu nước sẽ hình thành cùng với hiểu biết ấy. Thiết nghĩ, hiện nay tình trạng
học sinh chán học Sử, sợ học Lịch sử có lẽ một phần cũng do quan niệm của chúng
ta về môn Sử và cách dạy môn này. Đối với môn Địa lý, hiểu biết về điều kiện tự
nhiên – xã hội và thái độ, tình yêu với môi trường nhân văn, môi trường tự
nhiên cũng có ý nghĩa tương tự. Về phương diện này, Lịch sử và có lẽ cả Địa lý
nữa nên được xem là những môn thuộc nhóm ngành Nhân văn (Humanities) hơn là các
Khoa học xã hội (Social Sciences).
So với các môn trên đây, môn Văn có nhiều tính
chất đặc biệt. Môn Văn thật ra là tập hợp của hai ngành Ngôn ngữ và Văn học.
Trong chương trình phổ thông nước ta những năm 80 của thế kỉ trước, học theo
Liên-xô (cũ), chúng ta cũng chia ra môn Tiếng Việt và Văn hay Văn học. Nhưng dù
tách riêng ra hay gộp chung lại trong một môn học gọi là Văn hay Ngữ Văn, thì
môn học này bắt buộc cũng có hai phần rõ rệt là Tiếng Việt và Văn học (có khi cũng gọi đơn giản là Văn như trong Sách giáo khoa của nhóm
Cánh Buồm hay Chương trình THCS năm 1986 của Bộ Giáo Dục).
Trước những
năm 80, việc dạy Tiếng Việt chưa có vị trí độc lập. Sau đó, do sự phát triển của
nhận thức về vị trí của ngôn ngữ trong “cuộc
thay đổi hệ hình”, về tính chất của giáo dục ngữ văn cũng như do áp lực của
tình trạng yếu kém về tiếng Việt của học sinh, vấn đề dạy tiếng Việt đã được đặt
ra một cách có hệ thống, với những nhiệm vụ khá cụ thể. Cũng phải thừa nhận rằng
đã có lúc mục tiêu dạy tiếng tỏ ra không thật chuẩn xác. Dạy Tiếng Việt đôi khi đi quá xa dẫn đến chỗ
biến thành dạy Ngôn ngữ học, khiến học sinh phải gánh chồng chất trong đầu một
lô các khái niệm như âm vị, hình vị, âm tắc,âm xát, câu đẳng thức, câu nhận định
v.v, trong khi đáng lẽ chỉ đơn giản là dạy các em biết cách diễn đạt, dùng từ
và viết câu cho đúng. Những năm gần đây xu hướng này nhìn chung đã được khắc phục.
Dạy Tiếng Việt đã đi vào quỹ đạo phát triển năng lực giao tiếp, kỹ năng viết, đọc
hiểu văn bản, trên cơ sở đó hình thành tình yêu tiếng nói dân tộc và những tác
phẩm viết bằng ngôn ngữ dân tộc.
Nếu với
phần Tiếng Việt, mục tiêu giảng dạy đã khá rõ thì với phần Văn học, “mục tiêu của dạy Văn vẫn còn là vấn đề còn
nhiều tranh cãi” (2) không phải chỉ với chúng ta, mà còn với nhiều nhà giáo
dục các nước.
Từ lâu, ở
nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, môn Văn được xem như một môn học chủ
chốt gánh vác trách nhiệm giáo dục giá trị vốn là một trong ba nội dung của hoạt
động giáo dục. Tác phẩm văn học tự nó đã chứa đựng một hàm lượng giá trị rất
cao, vì nó không chỉ là nhận thức mà còn gắn với cách cảm nhận, cách nhìn, với
thái độ, với sự yêu ghét hay với cách ứng xử. Thông qua việc khai thác giá trị
của các tác phẩm văn học, nhà trường sẽ tác động đến việc hình thành nhân sinh
quan và cách sống của học sinh với mong muốn học sinh trở thành những công dân
tốt.
Tuy
nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng môn Văn là một khoa học, môn học về Khoa học
xã hội và Nhân văn, một môn học giống như Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nếu Vật lý
là khoa học về Tự nhiên và học sinh không thể trực tiếp “học Tự nhiên” mà chỉ
có thể học sự nghiên cứu về Tự nhiên, thì Văn hay Ngữ Văn cũng vậy. Học sinh
không thể “học Văn học” mà chỉ có thể học sự nghiên cứu về Văn học, tức Lý luận
hay Phê bình văn học. Theo logic này, đã không thể “học Văn học” thì cũng không
thể “dạy Văn học”. Tất cả những cái có thể trực tiếp dạy được- đó là khoa học về
Văn học(3). Ở nước ta từ những năm 80, quan niệm này đã để lại những hệ lụy
trong giảng dạy văn học, dẫn đến chỗ công việc dạy Văn tập trung quá nhiều vào
“cung cấp sẵn các kết quả nghiên cứu về vẻ
đẹp của các tác phẩm…, yêu cầu học sinh nắm được các khái niệm, thuật ngữ lý luận
hoặc các vấn đề của lịch sử văn học” (4).
Vấn đề đặt
ra là: vậy môn Văn nói chung và Văn học nói riêng là môn học gì, tính chất và mục
tiêu của nó ra sao?
Trước hết,
theo chúng tôi, coi môn Văn ở trường phổ thông là một môn khoa học tương tự như
Vật lý, Hóa học, Sinh học là không hợp lý. Không phải môn học nào ở phổ thông
cũng là khoa học. Nhạc, Họa, Thể dục là ví dụ. Khi gọi môn Văn là khoa học thì ở
đây có sự lẫn lộn giữa dạy Văn ở phổ
thông và dạy Văn ở đại học. Môn Văn ở đại học thực chất là ngành nghiên cứu
về Văn học và Ngôn ngữ. Ở Nga, các khoa Văn ở trường đại học được gọi là các
khoa Ngữ Văn (Philology). Ở Mỹ các
khoa Văn gọi là Faculty of English hay English Department mà nhiều
người thường hiểu lầm và dịch là khoa tiếng Anh, nhưng thực chất là khoa chuyên
ngành, nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ tiếng Anh. Trong các trường phổ thông ở
Mỹ, việc dạy Văn học và ngôn ngữ thường được gọi tắt là Teaching of English. Nhiều người nước ngoài không hiểu, nghĩ nhà
trường chỉ dạy Tiếng Anh chứ không dạy Văn học. Thực ra đó chỉ là cách gọi tắt,
còn tên đầy đủ của môn này trong Chương trình phổ thông ở Mỹ là English Language Arts, tức Nghệ thuật
ngôn ngữ tiếng Anh.
Thứ hai,
giả sử môn Văn ở phổ thông được coi như một khoa học giống Vật lý, Sinh học,
thì mục tiêu của học Văn sẽ là gì? Nếu đối tượng của Vật lý, Sinh học là thế giới
tự nhiên và học Lý, Hóa, Sinh là để hiểu biết về Tự nhiên, thì tương tự như vậy,
đối tượng của Văn là Ngôn ngữ và Văn học, học Văn là để hiểu về ngôn ngữ và văn
học. Nhưng họcVăn để hiểu được ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ thì điều này không
có gì phải bàn cãi vì ngôn ngữ là công cụ giao tiếp cơ bản của con người, là hiện
tượng quan trọng liên quan đến toàn bộ ý thức và đời sống tinh thần của con người.
Nhưng văn học thì sao? Văn học chỉ là một trong số các loại hình nghệ thuật.
Văn học không thể có vị trí như Tự nhiên trong Vật lý hay Sinh học. Những kiến
thức và kết quả nghiên cứu về văn học không mang tính phổ biến, có ý nghĩa sống
còn hay ý nghĩa thực tế như những nghiên cứu về Tự nhiên và Xã hội. Trẻ em học
Văn ở phổ thông sau khi ra trường nếu chỉ có trong tay một số kiến thức về thi
pháp, tác giả, cách phân tích tác phẩm hay các giai đoạn, trào lưu phát triển của
văn học thì với các em, những kiến thức ấy thật là xa xỉ, không cần thiết, nhất
là với phần lớn những em không tiếp tuc học lên hay đi làm theo chuyên ngành
văn học.
Vậy sẽ có
câu hỏi: tại sao nhà trường trước nay vẫn dạy văn học? Đó là vì phần lớn các thầy
giáo dạy Văn và khuynh hướng chung vẫn không xem môn Văn như khoa học, hay đúng
hơn, không đơn thuần là môn khoa học. Nó vẫn là môn Nghệ thuật ngôn ngữ
(Language Arts) như tên gọi trong Chương trình giáo dục phổ thông Hoa Kỳ. Các
nhà sư phạm nhìn thấy ở văn học phương tiện quan trọng có thể thực hiện hiệu quả cao nhất một trong những nội dung cơ bản của giáo dục
nhà trường là giáo dục giá trị. Văn học có mặt trong chương trình không phải chủ
yếu vì chính bản thân nó, mà vì nó là đại diện xứng đáng nhất của nghệ thuật, lại
có quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ là loại hình giao tiếp cơ bản và phổ biến nhất
của con người.. Dạy văn học thực chất là dạy nghệ thuật. Văn học chỉ là môn đại
diện. Tuy trong chương trình, bên cạnh văn học còn có Nhạc và Họa, nhưng vì Văn
học gắn với ngôn ngữ, nên chọn văn học thay mặt cho nghệ thuật để dạy là phù hợp
nhất. Khác với Tự nhiên như đối tượng của Vật lý, Sinh học, Văn học như đối tượng
của môn Văn là một hoạt động sáng tạo của con người. Văn học nói riêng và nghệ
thuật nói chung không chỉ đơn giản là một vật thể mà là nơi cư ngụ của tinh thần,
nơi ẩn trú của con người, nơi thể hiện tài năng và khả năng sáng tạo vô biên của
con người. Bởi vậy, ở đây học Văn để biết văn học là gì cũng cần thiết nhưng dẫu
sao nó vẫn chưa phải là cái đích thật sự của môn học này. “Những gì vang lên trong lời nói là những dấu hiệu của nội dung tâm hồn,
còn những điều mà chúng ta mô tả là dấu hiệu của những gì đã vang lên trong lời
nói” (Aristotle ). Học Văn không chỉ là học về những “dấu hiệu” hay sự “mô tả”,
mà còn để sống với nó, với “nội dung tâm
hồn” chứa đựng trong nó, để trường thành
qua nó, cùng với nó. Nói dạy văn ở phổ thông là dạy người (dạy người chứ
không phải chỉ dạy làm người), còn dạy
văn ở đại học là dạy nghề chính là
nói theo nghĩa đó. Xét về phương diện này, nói “Hai tính chất của Ngữ văn: tính
công cụ và tính nhân văn” như GS. Trần
Đình Sử là rất đúng (5).
Môn Ngữ Văn hay Văn là công cụ không chỉ theo nghĩa nó là
phương tiện để rèn luyện cho học sinh khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, có kỹ
năng đọc, viết, nghe, nói thành thạo mà còn là con đường để giúp hình thành năng
lực tinh thần và nhân cách học sinh.
Sở dĩ từ lâu trong chương trình giáo dục của các nước trên thế
giới, bên cạnh các môn khoa học, bao giờ cũng có môn Văn là vì Văn có những nét độc đáo riêng, nếu dạy Văn, học
Văn làm tốt sẽ có đóng góp rất quan trọng
cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục.
Thứ nhất, Văn gắn với ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là phương tiện
giao tiếp cơ bản nhất, phổ biến nhất, là hình thức phức tạp nhất của tư duy, của
tồn tại. Dạy Văn, bao gồm cả dạy tiếng và dạy Văn học, là công cụ hết sức quan
trọng để phát triển năng lực giao tiếp ( đọc, viết, nghe, nói), từ đó phát triển
năng lực tư duy của con người.
Thứ hai, Văn, trước hết là văn học, tiêu biểu cho phương thức “tư duy tự sự” (narrative mode of
thought), cùng tồn tại song hành với “ tư
duy mẫu hình” (paradigmatic mode of thought) (6). Nếu tư duy mẫu hình thiên
về sự kiện, tính khách quan, giả thuyết, lý lẽ và sự minh chứng, thì tư duy tự
sự là lối kiến tạo hiện thực theo cách kể chuyện, không chuộng phân tích và giải
thích mà nghiêng về trực giác và tình cảm, liên tưởng và tưởng tượng, chấp nhận
phi lí và phóng đại, đặc biệt thích hợp với nhận thức về con người. “Nếu
kinh nghiệm của chúng ta về thế giới tự nhiên hướng đến mô phỏng các phạm trù của
khoa học quen thuộc, thì kinh nghiệm của chúng ta về những vấn đề của con người
đưa đến việc sử dụng hình thức tự sự để nói về chúng.” (7). Dạy Văn là con
đường hữu hiệu để phát triển năng lực “ tư
duy tự sự”, kinh nghiệm thẩm mĩ và đời sống tinh thần nói chung của người học.
Thứ ba, Văn, cụ thể hơn là tác phẩm văn học, chính là nơi bảo
tồn, chứa đựng tập trung nhất kinh nghiệm sống và các giá trị, chân lý và sự
tìm kiếm chân lí, đạo lí và sự trăn trở lương tâm, cái đẹp và tình yêu cái đẹp.
Dạy Văn và học Văn là cơ hội để truyền bá những di sản tinh thần đã được tích
lũy, là công cụ để giúp trẻ em không chỉ tiếp thu những giá trị tốt đẹp mà còn
dựa vào đó soi mình, tự rèn luyện để có những phẩm chất của con người trung thực,
tự do, nhân ái.
Môn Văn hay dạy Văn và học Văn là sự gặp gỡ giữa yêu cầu giáo
dục và tính chất của đối tượng môn học, tức ngôn ngữ và sáng tác văn chương.
Công tác giáo dục nhìn thấy ở Văn khả năng và sức mạnh riêng trong việc đáp ứng
như cầu giáo dục của mình. Đến lượt mình, tính chất của Văn cũng sẽ quy định đặc
điểm nội dung và phương thức giảng dạy bộ môn. Xét theo phương diện này, đặc
trưng của môn Văn là ở chỗ, dù vẫn có trang bị cho học sinh những tri thức nhất
định về ngôn ngữ và văn học, môn Văn chủ yếu vẫn là môn học hướng về phát triển
năng lực và phẩm chất người học hơn là cung cấp hiểu biết về đối tượng. Môn Văn
có vị trí đặc biệt quan trọng trường phổ thông không chỉ vì nó gắn gắn với lời
nói và ngôn ngữ, mà còn vì văn chương là nghệ thuật, là hình thức cảm nhận độc
đáo về thế giới, là nơi thể hiện đậm đặc quan hệ sống còn của con người với tự
nhiên và xã hội – quan hệ giá trị.
Quan niệm đúng về tính chất và nhiệm vụ của bộ môn sẽ góp phần
xác định đúng nội dung và phương pháp dạy và học Văn. Những năm qua, tình trạng
sợ học Văn, chán học Văn và học Văn kém, viết tiếng Việt kém, thậm chí cả phần
nào sự sa sút về đạo đức của học sinh trong nhà trường. ít nhiều đều liên quan
đến việc dạy Văn mà gốc rễ của nó chính là ở quan niệm về tính chất và vị trí đặc
biệt của môn Văn.
2. Dạy Văn và vấn đè phát triển năng lực
Ở nước ta lâu nay trong việc dạy
Văn ở phổ thông đã tồn tại một số xu hướng khác nhau.
Đầu tiên là bình giảng. Bản chất của cách dạy bình giảng là lấy tác phẩm làm
chính. Công việc chủ yếu của thầy giáo là phân tích, giảng giải và bình giá để
học sinh thấy được giá trị nội dung và hình thức của tác phẩm, trên cơ sở đó tiến
tới đạt được các mục đích sau đây. Thứ nhất, giúp học sinh có một số kiến thức
về những thành tựu của văn học dân tộc thông qua những tác phẩm nổi tiếng được
chọn để dạy. Thứ hai, từ việc khai thác giá trị của các tác phẩm, đề cao những
giá trị tinh thần chung cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thông qua
đó tác động vào người học, giáo dục cho học sinh những phẩm chất đạo đức cần
có. Trong cách dạy bình giảng, giáo viên đóng vai trò chính, học sinh đóng vai trò người tiếp thu, chịu tác động
giáo dục chủ yếu từ phía thầy giáo, từ ngoài vào. Mặt mạnh của xu hướng bình giảng là khai
thác giá trị của tác phẩm, lôi cuốn và
tác dộng đến học sinh chủ yếu bằng sức mạnh và vẻ đẹp của bản thân các giá trị.
Trong trường hợp gặp giáo viên là người am hiểu văn chương và có sức dạy truyền
cảm, giờ giảng Văn rất hấp dẫn và thường để lại ấn tượng lâu dài trong kỷ niệm
về thời đi học của mỗi người. Điều này cũng có nghĩa là dạy Văn theo cách bình
giảng phụ thuộc rất lớn vào người dạy. Chất lượng học Văn và dạy Văn chủ yếu
trông vào người thầy. Thầy giỏi thì học sinh nhờ, thầy không hiểu biết và không
mẫn cảm với văn chương thì học sinh đành chịu thiệt.
Trong khoảng nửa thế kỷ qua, xu hướng bình giảng ở phổ
thông nước ta trải qua những giai đoạn
khác nhau. Trước 1975, trong khi ở miền Nam giảng Văn hướng vào việc làm nổi bật
các giá trị đạo đức và nhân văn cũng như những biện pháp tu từ có sức hấp dẫn mạnh
mẽ của tác phẩm thì ở miền Bắc, dạy Văn tập trung chủ yếu vào việc khai thác
giá trị hiện thực và khuynh hướng tư tưởng chính trị trong các bài thơ, đoạn
văn trích giảng. Do yêu cầu tuyên truyền và giáo dục tư tưởng của giai đoạn đó,
kết hợp với tính chất và nội dung của các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa
văn học, việc giảng văn trong giai đoạn này nhiều khi biến thành hình thức
tuyên truyền chính trị hay giáo dục tư tưởng nhiều hơn là học môn nghệ thuật
ngôn ngữ. Bố cục giáo án dạy Văn thường bao giờ cũng bắt đầu bằng mục “Chủ đề”
hay “Chủ đề tư tưởng” và kết thúc bằng “tính chiến đấu” hay giá trị nhân đạo của
tác phẩm.
Đến giữa những năm 80,
tính trạng này bắt đầu dần dần được khắc phục và thay thế bằng lời kêu gọi giảng
văn phải dạy cái hay cái đẹp của tác phẩm. Dĩ nhiên đây là yêu cầu hợp lý và có
cơ sở, nó không chỉ là phản ứng với lối dạy “tuyên huấn” cũ mà cái chính là thể
hiện nguyện vọng muốn tìm được cách dạy Văn đích thực là dạy Văn chứ không phải
dạy chính trị, một cách dạy tương thích với bản chất đích thực của Văn học. Và
điều này thực tế đã mang lại cho việc dạy Văn ở phổ thông một không khí mới mẻ.
Tuy nhiên cũng từ đây xuất hiện những thách thức mới.
Do quan niệm rằng muốn
giảng cái hay cái đẹp của tác phẩm phải chỉ ra cho được những tìm tòi về sáng tạo
nghệ thuật, cách diễn đạt, giáo viên giảng văn ở giai đoạn này có xu hướng đi
sâu vào phân tích thi pháp và hình thức của tác phẩm. Nếu bình giảng trước đây
nặng về cảm và bình, thì bây giờ giảng văn chủ yếu là phân tích và giảng giải.
Cùng với việc di chuyển một cách máy móc chương trình và phương pháp dạy văn ở
đại học vào phổ thông, cách giảng văn này vô tình dẫn đến và củng cố “khuynh hướng
lý tính” trong dạy Văn ở phổ thông. Đặc điểm của khuynh hướng này là nhấn mạnh
đến tri thức, trước hết là những kiến thức về tác phẩm văn học (thể loại, kết cấu,
ngôn ngữ, không gian, thời gian nghệ thuật,…) cũng như về lịch sử văn học (tác
giả, trào lưu, giai đoạn,…). Sách giáo khoa được biên soạn lại với đầy đủ các nội
dung của khoa nghiên cứu văn học, bao gồm các phần văn học dân gian, văn học viết,
văn học nước ngoài (văn học Nga, văn học phương Tây, văn học Trung Quốc, văn học
Đông Nam Á), lý luận văn học. Phần hướng dẫn giảng dạy tác phẩm cũng tràn ngập
những thuật ngữ và khái niệm nghiên cứu văn học, những câu hỏi cao siêu mà may
ra chỉ các thầy dạy Văn ở đại học mới trả lời được. Cùng với xu hướng hơi thiên
về dạy Ngôn ngữ học trong việc dạy tiếng Việt, cách dạy văn chương nặng về
nghiên cứu làm đậm thêm tính chất hàn lâm trong dạy Văn ở phổ thông, dẫn đến chỗ
học sinh cảm thấy học Văn quá khó, mất hứng thú và những tri thức về Văn học trở
nên phù phiếm, chỉ học thuộc để đi thi.
Trong khoảng hai thập niên gần đầy, dạy Văn ở nhà trường đã có
những đổi mới. Tiếng Việt trở thành ưu tiên hàng đầu của dạy Ngữ Văn. Mục tiêu
của dạy tiếng Việt cũng gần với đời sống hơn, thiết thực hơn. Dạy tiếng không
chỉ còn là dạy ngữ pháp, từ ngữ mà còn dạy đọc và viết văn bản, dạy thức hành
nói, thuyết trình, nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Đặc biệt, dạy
Văn chú trọng vấn đề đọc hiểu như khâu đột phá trong cả dạy tiếng và dạy Văn học.
Đây là một thay đổi, một bước tiến trong việc dạy Văn. Nó không hướng vào việc
nâng cao kiến thức của học sinh về văn học mà hướng vào việc để học sinh trực
tiếp tiếp xúc với văn bản, hướng vào việc phát triển một trong những năng lực cần
có của người học Văn là năng lực đọc và do đó cũng chính là hướng vào người học,
theo phương châm lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên khi thực hiện phương
châm đúng đắn này, khi đề cao khâu đọc bằng việc sử dụng thuật ngữ “đọc hiểu”
và xem khả năng tiếp nhận văn bản và tạo lập văn bản như hai phương diện chính
của năng lực Ngữ văn (cả năng lực tiếng Việt và Văn học) vô hình trung đặc
trưng của dạy văn chương đã bị lu mờ,
hòa vào việc dạy Ngữ văn nói chung và thực chất là dạy tiếng. Văn chương như một
nghệ thuật ngôn từ không còn là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà hiện ra chủ
yếu như một hoạt động ngôn ngữ, tác phẩm văn học không được quan sát như một
công trình nghệ thuật mà chủ yếu như một văn bản, một loại văn bản- văn bản nghệ
thuật. Điều này không ít thì nhiều chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả của dạy Văn
học và do đó cũng là của dạy Văn nói chung ở trường phổ thông.
Nhìn lại tình hình dạy Văn ở phổ thông thời gian qua có thể thấy
hai điểm nổi bật: thứ nhất là cách tiếp cận chủ yếu hướng vào tác phẩm hay văn
bản, chứ không phải hướng vào người học; thứ hai là chú ý đến việc nhận thức,
hiểu biết về tác phẩm (bao gồm cả tri thức về tác phẩm và giá trị chứa đựng
trong nó) hơn là quá trình hình thành những năng lực và phẩm chất ở học sinh
khi tiếp xúc, đọc tác phẩm, trong khi đây chính là nhiệm vụ đặc trưng của môn
Văn, thể hiện sức mạnh và hiệu quả riêng của dạy Văn và học Văn.
Hiện nay hệ thống giáo dục chúng ta đang có chuyển biến mới,
nhấn mạnh đến phát triển năng lực hơn là cung cấp tri thức. Nếu yêu cầu này
đúng với tất cả các môn, thì lại càng đúng hơn hết với môn Văn. Đây chính là cơ
hội để môn Văn phát huy thế mạnh của mình, thực hiện sứ mệnh riêng của mình
trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên yêu cầu dạy phát triển năng lực
ở môn Văn như thế nào vẫn còn là vấn đề cần tiếp tục làm rõ.
Trước hết là khái niệm “năng
lực”. Trong nhiều trường hợp, khi nói đến dạy phát triển năng lực nhiều người
thường hiểu năng lực như khả năng tiềm
tàng, năng khiếu, sở trường, mặt mạnh của mỗi người, từ đó cho rằng dạy phát
triển năng lực là để cho học sinh phát huy hết cái chúng vốn có, như người thì
giỏi về Toán, người giỏi về Sử, người có năng lực thẩm mỹ hay thể thao v.v. Tuy
nhiên cũng có nhiều trường hợp năng lực được giải thích như sự thành thục, khả
năng làm tốt một việc gì đó hoặc lao động
chân tay hoặc lao động trí óc. Ở đây năng
lực đồng nghĩa với kỹ năng (tiếng Anh là skill hay competence). “Kỹ năng mềm”
(soft skill) chính là những kỹ năng không thuộc lĩnh vực lao động, kỹ thuật,
công nghệ, ví dụ: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm v.v.Đồng nhất năng lực với kỹ năng là hiểu
sai tinh thần của phương châm đổi mới giáo dục chuyển trọng tâm từ dạy kiến thức
sang phát triển năng lực.Cuối cùng còn một nội dung quan trọng nữa của khái
niệm năng lực mà người ta thường ít nhắc đến_ đó là năng lực như sức nghĩ, sức cảm, hay như vẫn thường nói là “năng lực
tư duy”, một thứ năng lực tinh thần, bao hàm cả khả năng nhận thức, khả năng cảm
nhận, suy tưởng. Chính mặt nội dung này của khái niệm năng lực là cái liên quan
rất nhiều đến năng lực Văn.
Năng lực Văn, cũng giống như năng lực Toán, bao gồm hai nội
dung chính, đó là kỹ năng và năng lực “tư duy”. Nếu dạy Toán không chỉ là dạy kỹ
năng biết làm toán, giải bài toán mà còn dạy tư duy thì dạy Văn cũng vậy.
Dạy Văn trước hết là dạy kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ- dạy
nghe,nói, đọc, viết, trong đó đọc và viết là hai khâu quan trọng nhất. Tuy
nhiên, nếu đối với dạy tiếng Việt, việc dạy nghe và nói là bình thường, thì đối
với dạy Văn học, việc dạy nghe và nói có những yêu cầu khác cần chú ý. Chẳng hạn,
trong tiếp nhận tác phẩm văn học, nghe có ý nghĩa đặc biệt. Trẻ em không chỉ đọc
truyện mà còn nghe kể chuyện, nghe đọc thơ, ngâm thơ. Biết đọc thơ, thích nghe
đọc thơ cũng là một năng lực_ năng lực tiếp nhận độ vang của chữ, chất nhạc của
âm. Tương tự như vậy, nếu học nói trong dạy tiếng Việt chỉ là luyện khả năng
nói lưu loát, biết cách diễn đạt bằng lời thì đối với dạy văn học, yêu cầu dạy
nói lại có thêm điểm khác, đó là những bài thực hành tập đọc diễn cảm, đọc thơ-
đọc to hoặc ngâm thơ.
Về kỹ năng viết, trước nay ở trường phổ thông vẫn có môn Làm
văn hay Tập làm văn gánh vác công việc này. Ở đây có hai câu hỏi đặt ra. Thứ nhất,
tại sao dù đã có hẳn môn Làm Văn mà nhiều năm qua, trình độ viết tiếng Việt của
học sinh phổ thông nước ta vẫn còn kém, tình trạng viết sai câu, sai chính tả,
diễn tả không mạch lạc vẫn khá phổ biến? Phải chăng do nhà trường còn quá chú
trọng đến kiến thức hàn lâm mà coi nhẹ hoạt động viết, chú trọng học lý thuyết
mà coi nhẹ khâu luyện tập, thực hành, chú trọng đến nhận diện và phân biệt các
loại văn bản hơn là thực tập viết một loại văn bản cho thành thục? Thứ hai, xét
dưới góc độ dạy văn học (chứ không phải dạy tiếng Việt), việc dạy viết có những
đòi hỏi riêng, thiết tưởng cũng không nên bỏ qua. Chẳng hạn, dạy trẻ em làm
thơ, viết truyện, thậm chí cả viết kịch. Có người sẽ cho rằng việc này khó,
không thực tế, vì trẻ em không phải em nào cũng có năng khiếu sáng tác nghệ thuật
và nhà trường cũng không có chức năng đào tạo các em sau này trở thành nhà văn,
nhà thơ. Tuy nhiên, lập luận này không hoàn toàn thuyết phục. Thực tế trong
chương trình Văn những năm qua trẻ em vẫn được giao các bài tập kể chuyện, viết
những chuyện của mình, tả những người thân thuộc của mình. Đó cũng chính là
sáng tác văn học. Tuy trong nhà trường các em không được giao cho làm thơ,
nhưng ngoài đời hiện tượng trẻ em làm thơ rất phổ biến. Những bài đồng giao chắc
tất cả không phải do người lớn sáng tác. Còn bây giờ, nhìn vào các trang
Facebook hay Blog, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều “sáng tác” của trẻ em. Cuối
cùng, nếu nói rằng dạy viết truyện, làm thơ không phù hợp với mục tiêu của trường
phổ thông, vì nhà trường không đào tạo người sáng tác nghệ thuật, thì sẽ có câu
hỏi: Vậy tại sao trong trường vẫn có môn dạy vẽ, dạy nhạc? Phải chăng dạy vẽ, dạy
nhạc là đào tạo họa sĩ, nhạc sĩ? Thật ra, nếu có dạy học sinh cách làm thơ, viết
truyện thì cũng chỉ nhằm luyện tập khả năng viết, một cách làm quen với viết_
viết văn bản nghệ thuật và quan trọng hơn, qua đó hình thành thị hiếu thẩm mỹ,
tư duy nghệ thuật_ một loại năng lực đặc biệt mà chúng ta sẽ nói đến sau. Vấn đề
là ở liều lượng và tùy từng cấp học mà thôi.
(CÒN TIẾP)