Đổi mới chương trình và nội dung giảng dạy cho phù hợp với tâm lí lứa tuổi

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH VÀ NỘI DUNG GIẢNG DẠY CHO PHÙ HỢP VỚI TÂM LÝ LỨA TUỔI        

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Bài đăng trên Báo Giáo dục số 145 ra ngày 12/9/2013)

          Cải cách một cách căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông là công việc hết sức khó khăn , liên quan đến việc giải quyết hàng loạt vấn đề như: triết lý giáo dục, hệ thống giáo dục, chương trình và sách giáo khoa, thi cử và đánh giá, phương pháp giảng dạy, đào tạo giáo viên, lương bổng của thầy cô giáo và cơ sở vật chất của nhà trường v.v… Ở đây với tư cách là một người nhiều năm đứng lớp, tôi chỉ xin nêu lên một ý kiến nhỏ thuộc vấn đề Chương trình và Sách giáo khoa.

          Trước hết, Chương trình và theo đó là Sách giáo khoa cần thấm nhuần một triết lý giáo dục xuyên suốt, thể hiện từ khâu đầu tiên là cấu tạo chương trình đến các khâu tiếp theo như xác định mục tiêu của môn học, biên soạn Sách giáo khoa, biên soạn các bài giảng. Cho đến nay, hình như việc xác định một triết lý giáo dục như vậy ở nước ta còn đang được tranh cãi; mà đã vậy thì nói gì đến việc đạt được sự đồng thuận và quán triệt nó trong việc biên soạn chương trình và Sách giáo khoa. Đó là một thách thức rất lớn đối với nhà quản lý và những nguời trực tiếp thực hiện.

          Thứ hai, cần làm sao đảm bảo được tính thống nhất và mục tiêu xuyên suốtcủa toàn bộ chương trình phổ thông cũng như từng môn học qua tất cả các cấp. Từ việc quan sát trẻ con học ở nhà cũng như trực tiếp giảng dạy ở THCS và  THPT, tôi nhận thấy hình như một số môn như môn Văn chẳng hạn, chưa có tính liên tục trong mục tiêu và nội dung của Sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12. Cần có một quan niệm thống nhất và xuyên suốt về yêu cầu cung cấp tri thức, phát triển năng lực tư duy và bồi dưỡng tình cảm cho học sinh qua từng môn học, đi từng bước từ cấp học này sang cấp học khác, đảm bảo tính nhất quán của chương trình phổ thông cũng như đòi hỏi đối với học sinh đạt được trình độ giáo dục phổ thông nói chung và yêu cầu đối với một môn học nào đó nói riêng. Theo tôi được biết, hiện nay việc biên soạn chương trình và Sách giáo khoa của từng cấp học được tiến hành độc lập, chưa có sự tổ chức chỉ đạo và thẩm định chuyên môn thống nhất, đồng bộ. Đây là một trở ngại cho việc đạt được tính nhất quán,xuyên suốt của chương trình và mục tiêu môn học ở phổ thông.

         Thứ ba là vấn đề chương trình, sách giáo khoa và tâm lý, lứa tuổi. Hiện nay dư luận xã hội và phụ huynh đang kêu rất nhiều về chuyện quá tải. Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng đã có chủ trương cắt bớt chương trình, nội dung giảng dạy nhắm giảm tải. Tuy nhiên việc cắt bớt tiết, bỏ bớt bài chỉ là một biện pháp, càng không phải là giải pháp cơ bản. Vấn đề quá tải, học nặng phù thuộc vào nhiều khâu, kể cả cách dạy của giáo viên và cách thi cử. Với một thầy giáo giỏi, biết cách dạy, hiểu rõ trình độ và tâm lý của học sinh với cách thi cử không quá cứng nhắc và mang nhiều áp lực như hiện nay, thì dù chương trình và sách giáo khoa có nặng thì vấn đề quá tải cũng sẽ được hóa giải một phần. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, khi mà đa số các thầy cô giáo chưa đủ bản lĩnh chuyên môn để “cưỡng lại” Sách giáo khoa, để có thể lọc ra chỉ những điều quan trọng nhất truyền thụ cho học sinh trong hơn nửa giờ trên lớp, khi mà những quy định về nội dung giảng dạy còn mang tính chất pháp lệnh, và kéo theo đó là áp lực về điểm số, thành tích, thì việc giảm tải phụ thuốc rất nhiều vào tính chất của bản thân nội dung chương trình và sách giáo khoa. Việc giảm tải này, như tôi vừa trình bày ở trên, gắn liền một phần với việc cắt giảm về lượng đối với số tiết, số bài, nhưng cái chính có lẽ vẫn là làm sao cho kiến thức được thể hiện trong chương trình và sách giáo khoa phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh,đặc biệt là các môn nhân văn và xã hội.

         Về phương diện này, chương trình và sách giáo khoa hiện hành vẫn còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi. Xin nêu một vài ví dụ. Trong Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 có giảng bài thơ “Khúc hát ru những em bé trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm. Đây là bài thơ hay, có nhiều hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ, không dễ cắt nghĩa. Vậy mà cuối bài ta bắt gặp câu hỏi:”Theo em cái đẹp thể hiện trong bài thơ này là gì?”. Cũng trong sách này sau bài “Trống đồng Đông Sơn” của Nguyễn Văn Huyên, có câu hỏi :”Vì sao trống đồng Đông Sơn là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam ta?”. Còn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, sau bài “Thư gửi các học sinh” của Hồ Chí Minh, các em pải trả lời các câu hỏi:”Sau Cách mạng tháng Tám, nhiệm vụ của toàn dân là gì?”, “Học sinh có trách nhiệm như thế nào trong công cuộc kiến thiết đất nước?”. Sau bài “Sự sụp đổ của chế độ A-pác-thai”, Sách giáo khoa có câu hỏi :”Theo em, vì sao cuộc đấu tranh chống chế độ A-pác-thai, được đông đảo mọi người trên thế giới ủng hộ ?”.

         Những ví dụ tương tự khá phổ biến trong sách giáo khoa phổ thông, nhất là bậc tiểu học. Đó là mới nói đến phần văn chứ chưa nói đến phần ngữ. Ở đây có rất nhiều tri thức mang tính chất ngôn ngữ học, không cần thiết và không phù hợp với sự phát triển của trẻ mới bảy đến mười tuổi. Yêu cầu một cháu bé chín tuổi phải “Tìm các từ láy tiếng nào cũng bắt đầu bắng âm TR” (SGK/Tiếng Việt lớp 4) thật ra chẳng để làm gì và tạo thành gánh nặng cho các cháu. Tôi tin rằng không chỉ đối với môn Văn và Tiếng Việt, mà với các môn khác cũng có tình trạng tương tự.

         Một chương trình giảng dạy và sách giáo khoa có nhiều tri thức không phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh sẽ làm tăng áp lực đối với trẻ em, tạo cảm giác quá tải, nhất là bản thân các thấy cô giáo cũng không nhận thức được điều đó, vô tình làm cho nội dung giảng dạy càng trở nên khó hơn, nặng hơn. Ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng này là việc dạy môn Tiếng Việt ở tiểu học. Như chúng ta đều biết hiện nay ở bậc tiểu học, không có môn Văn mà chỉ có môn Tiếng Việt. Điều này là đúng. Ở bậc học này chủ yếu là dạy cho trẻ em nắm vững tiếng Việt thông qua tập đọc, tập viết, luyện từ, luyện câu, tập làm văn. Phần văn học chỉ nên dạy thích hợp ở một mức độ vừa đủ phù hợp với tâm lý trẻ, vì văn học là nghệ thuật, là cái rất khó. Nếu làm đúng điều này thì trẻ em chỉ cần học hết bậc tiểu học đã có thể viết đúng, chứ không phải chờ cho đến đại học phải học tiếng Việt như hiện nay.

         Tuy nhiên tình hình dạy môn Tiếng Việt ở tiểu học hiện nay không phải như vậy. Trong bản thân Sách giáo khoa, phần Văn học chiếm một nội dung rất lớn,tiếp theo là các thầy cô giáo cũng quan niệm dạy tiếng Việt ở tiểu học là dạy Văn. Điều này dẫn đến chỗ nhà trường yêu cầu học sinh quá cao, mà trẻ em thì chưa thể phát triển để đạt đến điều đó. Trong một bài báo đăng trên báo “Thanh Niên” ra ngày 6/12/2011 nhan đề “Dạy-Học-Văn ở trường Tiểu học: bức tranh không hồn”, một cô giáo hồn nhiên than phiền: “Trẻ em bây giờ viết văn vẫn viết được, khơi gợi thì trẻ vẫn nghĩ ra những câu văn hay, nhưng tìm những bài văn có chiều sâu, có tâm hồn, tình cảm xuất phát từ trái tim thì hiếm quá.” Cái hay bao giờ cũng hiếm, đó là chuyện thường huống chi là với trẻ em từ 7 đến 10 tuổi. Ở tuổi đó mà đòi hỏi các em viết văn và viết “có chiều sâu, có tâm hồn” là điều không thực tế và điều tệ hại hơn là một khi đa số học sinh không đáp ứng được điều đó thì các thầy cô giáo thường chán nản, buồn phiền, trẻ em thì bất lực nên mượn văn người khác hoặc nhờ phụ huynh làm thay, dẫn đến tình trạng “văn mẫu” lan tràn mà dư luận lên tiếng hiện nay.

         Nêu lên trường hợp môn Tiếng Việt trên đây để thấy đổi mới hay cải cách chương trình và sách giáo khoa, trong đó có việc đổi mới theo hướng đáp ứng đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh là một nhu cầu rất cấp bách . Nó không chỉ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học mà còn góp phần giải quyết tận gốc vấn đề quá tải là một vấn đề bức xúc của ngành giáo dục cũng như của xã hội hiện nay./.

SG, 8/2013

 

 

 


Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31