Sứ mạng và nghề nghiệp của nhà giáo
TS. Nguyễn Thị Kim Ngân
(Bài đã đăng trên Tạp chí ĐHSG 11/2013)
TÓM TẮT
Đã chọn cái “nghiệp” làm THẦY là chọn một gánh nặng, một công việc khó khăn. Làm sao vẫn hành được nghề, mà vẫn giữ được thiên chức của nhà giáo, đó là nỗi băn khoăn không phải chỉ riêng của các thầy cô giáo mà của đông đảo phụ huynh và của toàn xã hội. Để giải được bài toán này, ngoài nỗ lực của chính bản thân các thầy cô giáo cần có chính sách của nhà nước.
Từ khóa: nghề, thiên chức, lương bổng, thợ dạy...
ABSTRACT
Choosing an “occupation” as TEACHER means choosing a burden, a hard job. How to practice the profession and still keep its nobelity is an anxiety not only among teachers but also among many student parents and of the entire society. To solve this problem, besides the efforts of teachers, there is a need of appropriate government policies.
Keywords: occupation, noble job, salary, technician of teaching
Có thể nói ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, dạy học không phải là nghề hấp dẫn. Trong một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí “Education next” của Đại học Harvard (Hoa Kỳ), tác giả bài báo viết rằng ở Mỹ mấy thập kỷ qua hiếm thấy người nào có trình độ cao lại lựa chọn nghề dạy học. Ông kể rằng trong một lần đón các giáo viên giỏi về trường đại học nhận khen thưởng, ông hỏi nhiều thầy cô giáo là trước đây họ có lựa chọn nghề dạy không thì mọi người đều cười gượng gạo. Một cô giáo nói với tác giả rằng họ chưa bao giờ từng nghĩ là mình sẽ chọn nghề dạy học vì biết chắc là lương thấp (ở Mỹ, lương giáo viên chỉ bằng hai phần ba các ngành nghề khác cho dù cùng được đào tạo như nhau), điều kiện làm việc không tốt, giáo viên ít được tôn trọng và không có cơ hội thăng tiến(1).
Ở nước ta tình hình có lẽ cũng tương
tự như vậy nhưng đồng thời cũng có cái khác. Nhiều người chọn nghề giáo viên
trước hết chưa hẳn là do ham mê. Một phần do
tự biết khả năng của mình, một phần do sinh kế, nhưng một phần cũng do được
an ủi và tiếp sức bởi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Chính vì vậy ở
Việt Nam,
người giáo viên rất khó khăn khi phải ứng xử với chữ “NGHỀ và chữ NGHIỆP”. Thời
gian gần đây trên báo chí nhiều thầy cô giáo tỏ ra bức xúc, thậm chí cảm thấy
“tủi thân” khi có người gọi giáo viên là “thợ dạy”. Chữ “thợ dạy” ám chỉ tình
trạng nhiều giáo viên
không hoàn thành nghĩa vụ làm thầy
của mình, chỉ quan tâm đến việc truyền thụ kiến thức trên lớp hết năm này sang
năm khác, miễn là đúng bài bản, đúng qui định của nhà trường. Tình trạng trên
tuy không phải là của tất cả các thầy cô giáo, nhưng cũng khá phổ biến và dĩ
nhiên cần phải khắc phục.
Tuy nhiên chữ “thợ dạy” cũng phản ánh một thực tế mà nền giáo dục của chúng ta phải tính đến, đó là ngày nay việc dạy học đã trở thành một nghề, một công việc làm ăn như nhiều công việc khác. Ngày xưa, khi Chu Văn An từ quan về mở trường dạy học, có lẽ dạy học vẫn chưa phải là nghề. Dạy học là dạy chữ, mà dạy chữ là dạy đạo. Dạy học cũng là một cách truyền đạo. Người dạy học là người truyền đạo, người làm thầy, giống như thầy tu, thầy chùa. Dạy học cũng giống như làm thuốc, chữa bệnh. Ngày xưa, chữa bệnh chưa phải là một nghề mà chỉ là một công việc cứu nhân độ thế, vì vậy “lương y” như “từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền. Đối với nhiều người làm thầy – thầy giáo, thầy thuốc, thầy tu – đó không phải là cái nghề mà là cái nghiệp. Cái nghề là cái việc mình phải làm để kiếm ăn, kiếm sống, còn cái nghiệp là cái mình buộc phải làm, trời sinh ra đã vậy, không ai khiến mà cũng vẫn làm và làm tự giác, say mê, không tính thiệt hơn, không nhằm vụ lợi.
Thầy cô giáo của chúng ta hiện nay đang đứng trước một khó khăn lớn – đó là sự lựa chọn giữa “thầy” và “thợ”, giữa “nghiệp” và “nghề”. Cả nước hiện nay có hơn hai mươi triệu người đi học. Tình hình này khác xa ngày xưa khi một thầy giáo chỉ dạy một vài học trò, một tỉnh chỉ có một trường tiểu học. Dạy và học đã trở thành đại trà, thành công việc số đông. Trong hoàn cảnh ấy không phải ai có “nghiệp” làm thầy mới đi dạy, mà tất cả những ai muốn có một việc làm, muốn có một đồng lương để sống đều có thể đi dạy, làm “nghề” giáo viên. Những người làm nghề giáo viên, sau một thời gian đi dạy, do gần gũi với học sinh hoặc do tính chất công việc, có thể trở nên yêu nghề, tức là bắt đầu sống phần nào với cái “nghiệp” làm thầy, nhưng nhiều người khác có thể vẫn tiếp tục cảm thấy xa lạ, không gắn bó với công việc đang làm, sẵn sàng chuyển sang chỗ mới nếu có điều kiện, hoặc vừa đi dạy vừa kinh doanh, vừa làm những việc khác. Đó là một thực tế mà hiện nay không thể tránh khỏi và phải chấp nhận.
Trước thực tế ấy, giáo dục của chúng ta phải làm gì? Theo chúng tôi ở đây nếu chỉ giáo dục và động viên “lòng yêu nghề” là không đủ. Lòng yêu nghề phần nhiều mang tính chất bẩm sinh, nó như cái nghiệp của mỗi người, không dễ động viên mà có. Cái trước nhất cần phải làm là làm sao để mỗi giáo viên phải trở thành một người làm nghề giỏi, một “thợ” giỏi. Chúng tôi muốn dùng chữ “thợ” giỏi chứ không phải “thợ dạy” giỏi, bởi vì “thợ dạy” thì thường được hiểu chỉ là dạy chữ, dạy kiến thức, dạy trên lớp thôi; còn thợ giỏi hiểu ở đây là người làm nghề giỏi; mà người làm nghề giỏi thì bất cứ ngành nghề gì cũng cần. Giáo viên nếu chưa đủ điều kiện để làm “thầy” theo nghĩa xưa thì ít nhất cũng phải phấn đấu để trở thành một người “thợ” giỏi, tức là người làm nghề thành thục, chuyên nghiệp, có trình độ cao.
Phải thừa nhận rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, văn hóa nghề ở nước ta hiện nay đang giảm sút nghiêm trọng. Trong lĩnh vực giáo dục, tính chuyên nghiệp hay nói nôm na là tay nghề của nhiều giáo viên của chúng ta còn yếu. Thầy cô giáo chưa được trang bị và nắm vững các kĩ năng về giao tiếp với học sinh, với phụ huynh, với đồng nghiệp, kĩ năng giải quyết các tình huống sư phạm, kĩ năng đánh giá, thu thập và xử lí thông tin trong giáo dục. Trong thời đại công nghệ thông tin và máy tính như hiện nay giáo viên còn đòi hỏi phải có kĩ năng chuẩn bị giáo án điện tử và sử dụng các phương tiện hiện đại khác để giảng dạy. Đặc biệt tay nghề của người giáo viên thể hiện rất rõ trong phương pháp dạy học, truyền thụ kiến thức. Thầy cô giáo phải biết sử dụng các phương pháp lên lớp một cách linh hoạt, đa dạng, lúc nào thì đọc chép, lúc nào thì thuyết trình, lúc nào thì tổ chức làm việc theo nhóm, lúc nào thì mình thiết kế để học sinh tự thi công... Tất cả những công việc trên đây đòi hỏi người giáo viên phải có tay nghề cao, xứng đáng là một người “thợ” giỏi.
Nhưng người “thợ” giỏi trong nhà trường khác với người thợ giỏi trong các ngành nghề khác. Cái khác chính ở đây không phải ở mức độ của sự lành nghề, của yêu cầu về tính chuyên nghiệp, mà ở sản phẩm mà người thợ làm ra. Người giáo viên không làm ra cái máy mà đào tạo nên những con người. Nhà trường là nơi dạy người, mà dạy người thì không chỉ có dạy chữ, dạy kiến thức. Vì vậy cái giỏi của người thầy cô giáo, của người “thợ” trong nhà trường không chỉ thể hiện ở việc nắm vững phương pháp và kĩ năng truyền thụ tri thức mà còn ở năng lực giáo dục, khả năng giúp học sinh hình thành nên một con người có văn hóa, có lòng nhân ái, trung thực, biết lẽ phải trái, có ý chí vươn lên. Năng lực giáo dục là một yêu cầu rất khó với thầy cô giáo. Ở đây vừa đòi hỏi những kĩ năng sư phạm trong việc giáo dục trẻ, những hiểu biết về tâm lí học sinh, vừa đòi hỏi thầy cô giáo phải thấm nhuần những triết lí giáo dục truyền thống và hiện đại, những tư tưởng nhân văn về con người. Đó là chưa nói đến cái tâm, tấm lòng yêu thương con trẻ. Không có cái tâm, lòng yêu thương ấy, dù khéo léo đến đâu, thầy giáo cũng khó cảm hóa được học trò, nhất là trong trường hợp gặp những học sinh cá biệt, trẻ không ngoan.
Huấn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên chính là bồi
dưỡng cho họ cả hai năng lực ấy: năng lực giảng dạy và năng lực giáo dục. Thực
tế ở nhà trường hiện nay cho thấy cả hai năng lực này đều chưa đáp ứng yêu cầu
mong đợi, nhất là vấn đề năng lực giáo dục. Thậm chí có người còn lo ngại rằng
do áp lực của thi cử, chạy theo thành tích, nhiều trường, nhiều nơi còn coi nhẹ
yêu cầu này và đó là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về đạo
đức và lối sống ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Thế nhưng cho dù làm tốt cả hai
yêu cầu trên, giáo viên cũng chỉ là người “giáo viên giỏi”, tức là người “thợ
giỏi” mà thôi, trong khi sứ mạng truyền thống, vị thế mà xã hội trao cho người
giáo viên, hình ảnh người giáo viên trong mắt
mọi người không phải là
người “thợ” mà là
người THẦY. Chữ THẦY chứa đựng một thiên chức. Xã hội coi trọng nghề dạy
học vì nó không giống như các nghề bình thường mà là một thiên chức. Vừa phải
hành nghề để sống, vừa phải giữ được thiên chức quả là điều không phải dễ hiện
nay, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Cái thiên chức ấy vốn là một
đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam.
Ngày nay có lẽ hiếm có ai đi dạy chỉ
vì thiên chức, nhưng nếu
tất cả những người đi dạy cũng chỉ là người hành nghề, không
còn nghĩ đến thiên chức, giống như bác sĩ chỉ khám bệnh và
cho thuốc mà không biết đến y đức, thì giáo dục nước ta sẽ ra sao?
Đã chọn cái “nghiệp” làm THẦY là chọn một gánh nặng, một công việc khó khăn. Làm sao vẫn hành được nghề, mà vẫn giữ được thiên chức của nhà giáo, đó là nỗi băn khoăn không phải chỉ riêng của các thầy cô giáo mà của đông đảo phụ huynh và của toàn xã hội. Để giải được bài toán này, ngoài nỗ lực của chính bản thân các thầy cô giáo, chính sách của nhà nước, trước hết là vấn đề lương bổng, hết sức quan trọng. Xưa kia ông bà ta rất đề cao cái Đạo, trong đó có đạo làm THẦY. Nhưng ông bà xưa cũng nói: “Có thực mới vực được đạo”.
Rất may là hình như gần đây điều này đã được nhận thức sâu sắc hơn, trước hết là ở các cấp có thẩm quyền. Chúng ta vui mừng khi thấy trong Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” vừa được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thông qua có nhiều chỗ nói về Chính sách đối với nhà giáo và quản lí giáo dục, trong đó có đề nghị Nhà giáo được xếp bảng lương riêng, cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, đi đôi với cơ chế đánh giá, sàng lọc bảo đảm thu nhập tương xứng với chất lượng công việc, bổ sung chế độcho cán bộ quản lý giáo dục được hưởng thâm niên nghề như cán bộ quản lý các ngành Hải quan, Thuế, Thanh tra, Kiểm tra..v.v…(2). Nếu những chủ trương trên đây được sớm đưa vào thực hiện nó sẽ hỗ trợ một phần, giúp các thầy cô giáo “vực được đạo” làm THẦY, vừa đảm bảo được việc hành nghề để sinh sống, vừa làm tròn được sứ mạng mà xã hội đã giao phó cho những người làm công tác giáo dục để họ không phải áy náy lương tâm vì trách nhiệm làm THẦY mỗi khi lên lớp, mỗi khi đứng trước học sinh cũng như đứng trước xã hội.
Chú thích:
(1). Theo Education Next, số Fall 2013/vol.13, No.4.
(2). Theo Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Theo Education Next, số Fall 2013/ vol.13, No.4.
2. The Education Digest, March 2012.
3. Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
4. Nguyễn Đăng Tiến (2001), Nhà trường phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb ĐHQG Hà Nội.
5. Lương Vị Hoàng - Khổng Khang Hoa (2008), Triết học giáo dục hiện đại (Bùi ĐứcThiệp dịch) Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.