Một số vấn đề về đổi mới dạy Ngữ văn ở Phổ thông

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐỔI MỚI DẠY NGỮ VĂN Ở PHỔ THÔNG

 TS. Nguyễn Thị Kim Ngân

(Bài đã đăng ở Tạp chí Giáo dục số 9/2014)                                                  

          Với mọi môn học, vấn đề đầu tiên đặt ra là nội dung môn học; nhưng để xác định được nội dung môn học trước đó phải xác định cho rõ mục đích môn học. Đối với môn Ngữ văn cũng vậy.

          Quan niệm về văn học (VH) và nội dung giảng dạy VH tùy nơi và tùy lúc có thể khác nhau, nhưng nhìn chung môn NV là môn học về văn, thơ, về các tác phẩm và tác giả VH. Với việc đổi tên môn Văn thành môn Ngữ văn (NV), nội dung giảng dạy có thay đổi quan trọng: việc dạy TV được đưa thành nội dung chính (song song với VH), từ đó hình thành ba phân môn nhỏ là VH, Tiếng Việt (TV)và Làm văn. Vấn đề đặt ra là: trong chương trình đổi mới sắp tới, môn Ngữ văn sẽ dạy cái gì: dạy VH là chính hay dạy TV là chính, hoặc dạy cả TV và VH?

1.    Thực trạng dạy và học văn trong nhà trường hiện nay

Có một thực tế mà ai cũng thấy là phần TV trong chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) hiện nay quá nặng, mang tính “hàn lâm”, có dáng dấp một “CT Ngôn ngữ học TV” nhiều hơn là chương trình dạy TV cho trẻ em. Điều này dẫn đến hậu quả: HS không thích học và trình độ viết câu, diễn đạt cho đến hết lớp 12 vẫn rất kém. Tương tự như vậy, phần VH ở trường phổ thông cũng mang nặng tính học thuật, thiên về dạy “nghiên cứu VH” hơn là cảm thụ văn chương. HS phải đối mặt với một khối kiến thức quá khó về lịch sử phát triển VH, về phong cách, về thi pháp các khái niệm về lí luận VH...

Xu hướng “khoa học hóa” việc dạy văn bộc lộ cả trong thiết kế CT, SGK. Chẳng hạn, để đạt mục tiêu trang bị cho HS kiến thức về lịch sử VH Việt Nam, chương trình VH ở cấp trung học cơ sở (THCS) bắt đầu từ những sáng tác dân gian và VH cổ rồi đến trung học phổ thông (THPT) mới học VH hiện đại, bất chấp thực tế là đối với HS THCS việc tiếp thu các văn bản cổ (phú, hịch...) là rất khó. Hoặc như khi giảng dạy tác phẩm VH cho trẻ em, SGK đưa ra những yêu cầu có tính chất nghiên cứu nhiều hơn là cảm thụ, không phù hợp với tâm lí lứa tuổi (ví dụ: trong TV4, sau bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, có câu hỏi: “Theo em, cái đẹp thể hiện trong bài thơ này là gì?”).

          Ở đây có một vấn đề lớn cần tháo gỡ mà chính tác giả cũng lúng túng là. “Hạn chế lớn nhất của chương trình TV, NV Việt Nam hiện hành xét từ yêu cầu tích hợp là chưa xác định được trục tích hợp nhất quán từ tiểu học đến trung học; chưa xác định được mục tiêu chính của môn học này trong các giai đoạn phổ thông là gì (tiếng hay văn? kiến thức hay kĩ năng/nănglực?..) (1).

2.Tên môn học nào là thích hợp

          TVVH (có lẽ được lấy từ chương trình của Liên Xô cũ) có ưu điểm là đưa TV thành một nội dung giảng dạy chủ yếu trong chương trình và từ đó nâng cao hiểu biết và rèn luyện kĩ năng sử dụng TV cho HS. Tuy nhiên, việc tách rời TV và VH thành hai thành phần một mặt không phản ánh đúng bản chất của mối quan hệ gắn bó giữa văntiếng; mặt khác dễ dẫn đến tình trạng là việc dạy tiếng trở thành một bộ phận quá độc lập, ít gắn với dạy văn và phát triển kĩ năng giao tiếp của HS… mà nặng về cung cấp những tri thức mang tính chất ngôn ngữ học.

          Nếu gọi môn học này là “Tiếng Việt” như chương trình của một số nước (3)thì đối với Việt Nam có lẽ không hợp lí và cũng không phù hợp với quan niệm ông cha xưa cho rằng “dạy Văn là dạy Tiếng, chứ không phải dạy Tiếng là dạy Văn”.

          Về tên gọi môn NV. Đây có thể xem là cách rút gọn của TV và VH (những người ủng hộ cách gọi này cho rằng ngoài tiện lợi của sự ngắn gọn, tên gọi này phản ánh được sự thống nhất của Ngữ và Văn mà bản thân khái niệm NV vốn có). Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy NV như tên gọi môn học hiện nay và khái niệm “NV” có nội dung rất khác nhau. NV (philology) là một khoa học hay một ngành nghiên cứu về ngôn ngữ. Nếu dịch tên môn học hiện nay ra tiếng Anh (NV = Philology) chắc chắn sẽ gây hiểu lầm rất lớn.

          Theo chúng tôi, tốt nhất nên gọi môn học này là môn Văn. Cách gọi này có nhiều cái lợi: 1) Tên gọi đơn giản, ngắn gọn, phù hợp với cách nói phổ biến hiện nay, giống như chúng ta vẫn gọi tên môn Toán; 2) Tên môn Văn phù hợp với xu hướng muốn dạy tích hợp hiện nay, đồng thời phản ánh đúng bản chất mối quan hệ giữa ngôn ngữ và VH, giữa việc dạy TV và việc dạy VH, trong văn có ngữ và trong văn cũng có văn chương. 3) Đây cũng là tên gọi đã có từ lâu (Việt văn, Quốc văn), phản ánh truyền thống lâu đời của giáo dục Việt Nam vốn coi trọng văn chương. Tên môn Văn tuy sẽ khó dịch ra tiếng ngước ngoài, nhưng đó cũng chính là cái tạo nên “bản sắc”, sự độc đáo của chương trình giáo dục nước ta(3).

          Nội dung môn học được hiểu như trên phù hợp với yêu cầu của giáo dục phổ thông, đáp ứng đòi hỏi là ngoài việc cung cấp những tri thức về khoa học, còn cần hình thành ở trẻ em năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, năng lực thẩm mĩ và phát triển nhân cách. Môn học với nội dung cơ bản như trên hoàn toàn phù hợp với nhu cầu học tập của trẻ em, nhu cầu giáo dục của gia đình và xã hội đối với thế hệ trẻ. Muốn xác định đúng nội dung chương trình và phương pháp dạy, theo chúng tôi, trước tiên phải làm rõ cho được mục tiêu của việc dạy Văn.

          3. Mục tiêu của việc dạy văn

          1) Hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻcho HS, rèn luyện cho trẻ em kĩ năng đọc hiểu và viết đúng TV, khả năng diễn đạt (cả viết và nói) những điều mình muốn thể hiện. Dạy Văn phải bắt đầu bằng dạy Tiếng; và dạy Tiếng phải đi từ dạy đọc hiểu những văn bản từ dễ đến khó, từviết đúng đến viết hay, làm sao cho HS học hết THCS phải đảm bảo không còn viết sai chính tả, sai câu, diễn đạt thiếu mạch lạc, qua đó, thông qua kết hợp với học tác phẩm văn chương, HS thấy được “cái hay, cái đẹp” của TV, biết diễn tả những điều phức tạp hơn trong tình cảm và suy nghĩ của mình, có khả năng giao tiếp, hòa nhập với thế giới xung quanh. Trong dạy Tiếng cần chú ý rèn luyện kĩ năng cả viết nói, cho HS tiếp xúc với nhiều loại văn bản khác nhau, không chỉ tác phẩm văn chương mà bao gồm cả các văn bản lịch sử, xã hội…, đồng thời tránh “nhồi nhét” các kiến thức về ngôn ngữ học, dẫn đến tình trạng HS không tiếp thu được và chán học.

          2) Bồi dưỡng và phát triển năng lực thẩm mĩ cho HSnhằm hình thành ở các em một kiểu cảm nhận đặc thù về thế giới, một cách nhìn về sự vật và con người thấm nhuần cảm xúc, đầy chất tưởng tượng, bay bổng, huyễn hoặc. Đó không hẳn là cách tư duy hay là một tình cảm mà là một cái gì đó pha trộn cả hai, vừa là kiểu nghĩ, kiểu nhìn, vừa là kiểu rung động - rung động thẩm mĩ (4). Với mục tiêu đó, dạy văn chủ yếu không phải là dạy lịch sử VH, dạy ghi nhớ về tác giả, tác phẩm, dạy về cách cấu tạo và phân tích tác phẩm.., mà là khơi dậy những rung động thẩm mĩ, hình thành thói quen về cách tiếp cận với thế giới nghệ thuật không có thực do nhà văn tạo ra, từ đó phát triển ở HS khả năng tưởng tượng, nhập vai, khả năng sống trong một thế giới khác, một cuộc đời khác, một sự sống khác - dù đó là con người hay con vật, cây cỏ. Hình thành năng lực thẩm mĩ là sứ mệnh đặc thù của môn Văn.. Dĩ nhiên, trong quá trình giảng dạy và tùy từng cấp học, dạy văn vẫn cung cấp những kiến thức về lịch sử VH, nhà văn và các thể loại. Cũng giống như việc không được biến dạy TV thành dạy ngôn ngữ học TV, trong việc dạy văn cũng không được biến “dạy văn chương thành dạy khoa học về văn chương, dạy về nghiên cứu VH” - một nguyên nhân giải thích vì sao môn Văntrong nhà trường hiện nay quá nặng và HS không thích học.

Dạy văn trong nhà trường phổ thông chủ yếu là dạy tác phẩm, văn bản (text). Tuy cũng là những loại hình nghệ thuật, nhưng sở dĩ VH được đưa vào giảng dạy ở nhà trường như một môn học chính chứ không phải hội họa hay âm nhạc một phần vì gắn với ngôn ngữ (TV), một phần vì đây là loại hình nghệ thuật vừa tiêu biểu vừa phổ biến, gần gũi, có thể đại diện cho kiểu sáng tạo đặc biệt của con người - sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy, dạy văn chủ yếu không phải là trang bị những tri thức về văn mà dùng việc dạy văn - trước hết là dạy tác phẩm văn chương - như một phương tiện, một cách thức để đạt đến một mục đích lớn hơn là phát triển năng lực thẩm mĩ của HS, hình thành ở các em một cách cảm, cách nghĩ mang đậm tính sáng tạo, tính cá nhân và thiên về hướng nội. Ở đây, văn chỉ là “chất liệu”, là một trường hợp cụ thể. Nếu hiểu như vậy, từ cách dạy đến cách ra đề thi, kiểm tra sẽ hoàn toàn khác và lúc đó chắc chắn việc dạy văn sẽ khắc phục được tình trạng nhàm chán khá phổ biến như hiện nay.

          3) Bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách HS. Thông qua việc giảng dạy tác phẩm, GV bộ môn có thể khơi dậy ở HS tình yêu đối với cái đẹp, lòng nhân ái, khát khao lí tưởng cũng như những hiểu biết về thế giới, về xã hội và nhất là về con người. Không phải tác phẩm nào cũng có đầy đủ những giá trị ấy và cũng không phải giờ dạy văn nào cũng phải đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy, nhưng mục tiêu chung mà việc dạy văn cần hướng tới là kích thích ở trẻ tình cảm hướng thiện và tư duy phê phán, giúp trẻ có khả năng tự định hướng và lựa chọn một lối sống tích cực. Chúng ta thường nói về giáo dục đạo đức, dạy “làm người”. Dạy văn không phải là để dạy đạo đức, nhưng dạy văn cũng không xa lạ với dạy đạo đức, không xa lạ với dạy cái hay, cái đẹp, dạy những hiểu biết về cuộc sống. Giáo dục về giá trị không phải là nội dung trực tiếp và đặc thù của môn Văn, nhưng là một yêu cầu quan trọng và không thể thiếu của dạy văn.

 4. Từ 3 mục tiêu trên đây cùng với việc xem xét vấn đề từ góc độ tâm lí và sư phạm, chúng ta sẽ có cơ sở để thiết kế lại toàn bộ Chương trình và phương pháp dạy môn Văn ở trường phổ thông. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lên một vài vấn đề cụ thể.

              1) Nếu chúng ta quan niệm dạy văn ở phổ thông chủ yếu không phải nhằm cung cấp những kiến thức về VH, không phải là dạy lịch sử VH, thì liệu có nên phân chia chương trình VH ở phổ thông thành các phần: VH dân gian, VH cổ đại và trung đại, VH hiện đại hay không và liệu có nên có phần VH nước ngoài riêng như hiện nay không? Đã từ lâu ở Việt Nam, nhà trường chỉ dạy Việt văn hay Quốc văn. Hiện nay chúng ta vẫn có thể đưa thêm những tác phẩm VH nước ngoài, chủ yếu là văn xuôi vào dạy, nhưng thông qua việc dạy các văn bản này để cung cấp thêm hiểu biết về các nền VH trên thế giới là một việc, còn sử dụng tác phẩm như minh họa cho việc giới thiệu về nền VH của các dân tộc khác trên thế giới là một việc khác. Đây là hai mục tiêu khác nhau cần phân biệt.

              2) Nên chăng tách Làm văn thành một phân môn riêng độc lập và có vị trí tương đương với phân môn TV VH như lâu nay? Thực tế cho thấy trong TV và VH cũng có làm văn. Tập viết một câu, một đoạn, một văn bản trong TV, tập bình giảng bài thơ hay viết bài nghị luận cũng là làm văn. Vì vậy, có lẽ nên để Làm văn chung trong dạy văn, trong cả dạy TV và dạy VH. Điều này cũng góp phần khắc phục tình trạng khi phát triển khả năng giao tiếp cho HS, chúng ta chỉ chú ý kĩ năng viết mà gần như ít chú ý đến việc phát triển kĩ năng nói. Điều này rất khác với chương trình của nhiều nước.

              3) Việc xác định mục tiêu môn học không chỉ tác động đến vấn đề “dạy cái gì” mà còn quy định cả vấn đề “dạy như thế nào” - tức là vấn đề phương pháp dạy học, bao gồm cả phương pháp lên lớp và cách kiểm tra, đánh giá. Một khi dạy TV không phải nhằm cung cấp những kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp mà là rèn luyện kĩ năng giao tiếp…, thì việc coi trọng thực hành hơn học lí thuyết, việc chú ý luyện sao cho HS viết đúng chính tả, đúng câu, diễn đạt mạch lạc… phải trở thành yêu cầu bắt buộc với GV. Đối với việc dạy VH cũng vậy. Để bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho HS và khơi dậy ở các em những tình cảm cao đẹp chứ không phải chỉ là bắt các em học thuộc một số kiến thức về lịch sử VH và thi pháp… thì cách dạy Văn như hiện nay bắt buộc phải thay đổi. Kiểu tổ chức bài giảng tác phẩm theo kiểu: đại ý, chủ đề tư tưởng, bố cục… thật sự chẳng có mấy ý nghĩa. Một bài thơ có khi chỉ cần giảng mấy câu, khơi gợi để HS tự suy nghĩ, tự trình bày và học thuộc lòng là đủ.

          4) Việc đổi mới việc dạy TV và VH ở phổ thông “chưa xác định được trục tích hợp, nhất quán từ tiểu học đến trung học” (1). Nói cách khác, trong chương trình Văn từ tiểu học đến hết trung học, lúc nào học TV; lúc nào học VH; việc học tiếng và học VH kết hợp với nhau như thế nào… là những vấn đề cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Điều này dẫn đến tình trạng trong chương trình có những chỗ “trùng nhau”, nhiều khái niệm, thuật ngữ không nhất quán từ các lớp cấp dưới lên các lớp cấp trên; trong đó điều đáng lo ngại nhất là việc dạy văn nhiều khi không phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Thường những bài văn hay lúc nào cũng hiếm, nhưng đòi hỏi trẻ 9-10 tuổi phải viết những bài văn “có chiều sâu, có tâm hồn, tình cảm xuất phát từ trái tim” thì có lẽ hơi quá (như trường hợp yêu cầu HS lớp 4 phải nêu được cái đẹp trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ” đã nhắc đến ở trên)...

Để khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi, ở cấp tiểu học nên tập trung vào TV. Bản thân những văn bản TV cũng đã chứa đựng nhiều cái hay cái đẹp, có thể góp phần bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho HS. Năng lực này vốn không hề xa lạ với tuổi thơ, bắt nguồn trong trí tưởng tượng phong phú và cái nhìn hồn nhiên của trẻ nhỏ. Phần VH sẽ được đưa vào dần dần từ cấp THCS, đi từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, thể hiện trong cách lựa chọn các tác phẩm được chọn để dạy (chứ không phải từ xưa đến nay, từ cổ, cận đến hiện đại như chương trình hiện hành). Cuối cùng, trong chương trình Văn PTTH, ngoài việc phân tích và bình giảng các tác phẩm, HS có thể được yêu cầu nắm thêm một số kiến thức về VH sử (giai đoạn, trào lưu, tác gia, tác phẩm) và lí thuyết VH (thể loại, thi pháp, chức năng…). Cần tránh nhất là việc “di chuyển” chương trình NV ở trường sư phạm vào trường phổ thông, biến học văn ở phổ thông thành “học ngôn ngữ học TV” và “lí thuyết - lịch sử về văn chương” như cảm giác của nhiều người về chương trình và cách dạy Văn hiện nay,

***

MônVăn cũng như một số môn xã hội nhân văn khác cần phải được đổi mới một cách căn bản từ tên gọi cho đến mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa và phương pháp. Nhưng theo chúng tôi, để làm được việc này, trước tiên lại phải xác định cho rõ triết lí giáo dục, cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông, thời gian mỗi cấp học, phân luồng, phân ban...

------

(1) Đỗ Ngọc Thống. Chương trình ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam. NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2011.

(2), Tên môn học này các nước gọi khác nhau: Le Francaise (Pháp), English (Anh, Úc), English Language Arts and Literacy (Hoa Kì), English Langguage and Literature (Singapore ), Guk weo – Quoc ngu ( Hàn Quốc) Sđd.

(3) Điều này cũng tương tự như tên gọi của nhiều loại hình nghệ thuật và thể loại VH cổ ở nước ta, như: chèo, tuồng, cải lương, phú, hịch... không thể dịch ra tiếng nước ngoài mà chỉ có thể phiên ra theo âm hay kí tự và giải thích.

(4) Theo chúng tôi, nên cân nhắc lại việc đưa thơ nước ngoài vào dạy ở phổ thông, trừ trường hợp những bản dịch là kiệt tác. Lâu nay việc dạy thơ dịch chủ yếu là do yêu cầu cung cấp tri thức về VH nước ngoài, yêu cầu giới thiệu các tác giả cùng với các nền VH lớn trên thế giới chứ không phải xuất phát từ mục tiêu bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho HS.

------

Tài liệu tham khảo

1.  Bộ GD-ĐT. Đề án “Đổi mới Chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015” (dự thảo). Hà Nội, 11/2013.

2. Subject Syllabuses- English Language and Literature (Singapore)http://www.moe.gov.sg/education/syllabuses/english-language-and-literature

3. English Language Arts Standards (USA) -   http://www.corestandards.org/wp-content. NSW Syllabuses for the Australian Curriculum (English) -http://www.syllabus.bos.nsw.edu.au/english/

4. Literatuure in English Curriculum and Assesment Guide (Hong Kong) -http://www.edb.gov.hk/filemanager/EN/content 5041/lit in eng ass e.pdf

Summary:Literature is one of the two basic subjects taught and  holds a special position in the general education. It is obvious that innovating the way of teaching and learning literature will greatly affect the whole education process. The primary mission that should be carried out in the innovation of syllabus and textbooks is to innovate the concept of the objective of literature in education. The article aims to  analyze the three principal  objectives  in teaching literature and propose the issues of concern  during designing the syllabus of literature, and innovate the methods of teaching, and rename the subject taught as well.

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30