Để đổi mới căn bản giáo dục đại học
ĐỂ ĐỔI MỚI CĂN BẢN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
  TS. Nguyễn Thị Kim Ngân
(Bài đã đăng trên Tạp chí Giáo dục số 309/2013)

 
SUMMARY                              

          If we want to make a basic innovation for higher education, first and foremost, we should change the understanding of the MISSION of higher education. That is, the university is not considered as a place to foster the talents, neither is the place  only to provide the highskilled workforce to the labor market. The  universities must be regarded as the places where the people to be trained into the learned and cultured ones, who are creative in thinking, and as the place free for the domain of learning, making contribution to the forming of the intellegentsia for society.

          Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung và giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng là chủ trương hết sức đúng đắn và cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi không chỉ nghiên cứu kĩ lưỡng, mà còn phải có những suy nghĩ thật mạnh dạn, vượt lên thói quen, định kiến hoặc khuôn mẫu có sẵn, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến yêu cầu phải “đổi mới căn bản”.

         1.Khi nói phải đổi mới toàn diện, chúng ta hiểu ngay rằng đây là yêu cầu thay đổi một cách đồng bộ tất cả các khâu liên quan đến GDĐH: từ giảng dạy, học tập đến quản lí; từ nội dung chương trình, tài liệu học tập đến cách lên lớp, phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra đánh giá; từ tuyển sinh đến tốt nghiệp; từ liên thông trong nước đến liên thông và hội nhập quốc tế; từ củng cố hệ thống trường công lập đến phát triển mạng lưới trường ngoài công lập,v.v… Nghĩa là phải đổi mới nhiều mặt và cùng một lúc. Nhưng khi nói “đổi mớicăn bản” GDĐH, vấn đề không đơn giản như vậy.

          Thế nào là “đổi mới căn bản” GDĐH? Theo chúng tôi, ở đây cần lưu ý hai phương diện:

1)Đổi mới căn bản là đổi mới một cách triệt để tất cả cáckhâu, các mặt, các lĩnh vực của GDĐH và ở khâu nào cũng phải thay đổi một cách cơ bản chứ không phải chỉ chỉnh sửa, cải tiến đôi chút. Chẳng hạn, trong lĩnh vực quản lí, đổi mới căn bản là phải chuyển hẳn từ cơ chế Bộ bao cấp tất cả sang cơ chế giao quyền tự chủ cho các trường ĐH. Cách làm nhỏ giọt, nửa vời như vừa qua chưa phải đổi mới căn bản, thậm chí còn ngược lại, tác động tiêu cực đến chủ trương phân cấp quản lí, ví dụ như chủ trương phân quyền quản lí ĐH theo lãnh thổ, giao các trường ĐH về cho các Sở GD-ĐT địa phương. Hoặc như đối với vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) ở ĐH, nếu không có sự phân định rõ ràng giữa các loại hình ĐH nghiên cứu, ĐH vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và ĐH chỉ tập trung vào giảng dạy thì công tác NCKH và chuyển giao công nghệ ở các trường ĐH nước ta vẫn không có hiệu quả, đầu tư vào NCKH vẫn sẽ dàn trải, lãng phí, bệnh thành tích, chạy theo danh hiệu vẫn có đất để phát triển, trong khi đó nhiệm vụ đào tạo, chất lượng giảng dạy vẫn không được nâng lên. Đổi mới toàn diện và triệt để cũng là một mặt của đổi mới căn bản. Đây là một nhiệm vụ rất lớn. Tuy nhiên, việc này cũng không thể làm cùng một lúcngay một lúc mà phải có lộ trình và phân ra tập trung giải quyết từng khâu một.

2) Nhưng “đổi mới căn bản” còn có một yêu cầu khác và đây mới thực sự là vấn đề cần lưu ý. Đổi mới căn bản đòi hỏi không chỉ thay đổi tận gốc mà còn thay đổi ngay chính cái gốc, tức thay đổi ngay chính bản thân quan niệm, nhận thức về GDĐH,cái chi phối, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động giảng dạy, học tập, quản lí cũng như tất cả các lĩnh vực của GDĐH. Ở đây “đổi mới căn bản” trước hết là nhận thức lại cho đúng bản chất của GDĐH, tính chất của trường ĐH.

         Lâu nay để chỉ sự yếu kém của ĐH nước ta, nhiều người hay than phiền rằng ĐH đã biến thành trường phổ thông cấp IV. Vì sao có sự so sánh đó? Vì cách dạy, cách học? Vì nội dung chương trình? Vì chất lượng đào tạo? Đúng là có tất cả những cái đó. Nhưng theo chúng tôi, có một điểm quan trọng hơn, cơ bản hơn đó một phần là do quan niệm và cách cư xử của chúng ta với trường ĐH. Sự khác nhau giữa trường ĐH và phổ thông được hiểu không phải về chất mà về lượng. Sinh viên (SV) ĐH cũng chỉ là học sinh, không khác học sinh phổ thông bao nhiêu. Ở trường ĐH cũng có hình thức chủ nhiệm lớp, có giáo viên chủ nhiệm không khác gì ở phổ thông. Gần đây lại còn có ý kiến kêu gọi trường phổ thông cũng phải phát triển NCKH! Những dấu hiệu về sự “gần gũi” giữa ĐH và phổ thông nói trên phản ánh phần nào cách hiểu không đúng về tính chất trường ĐH đang tồn tại hiện nay.

       ĐH không phải chỉ là cấp học cao hơn phổ thông mà là một hình thức đào tạo khác hẳn về chất. Nó không chỉ cung cấp cho người học những kiến thức khó hơn, đa dạng hơn, mà cái chính là trang bị cho họ cách tư duy và những tri thức để có thể làm một công việc, một nghề nghiệp nào đó, nhất là giúp họ phát triển một nếp nghĩ độc lập, khả năng sáng tạo và cống hiến cuộc đời cho những tìm tòi, khám phá, thông qua đó hình thành ở họ bản lĩnh của người trí thức. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải đối xử với SV không phải như với trẻ con, như “các em, các cháu” mà như với những người đã trưởng thành, như “các anh, các chị, các bạn”, như với những trí thức trẻ.

          Để hiểu đầy đủ hơn bản chất của GDĐH, bên cạnh đặt nó trong quan hệ với giáo dục phổ thông, cần xem xét nó trong quan hệ với giáo dục chuyên nghiệp. Chúng ta đều biết một trong những lí do thúc đẩy các trường ĐH ra đời là do yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Trường ĐH là nơi cung cấp nguồn nhân lực cao cho xã hội. Về một phương diện nào đó, có thể nói các trường ĐH cũng là những trường nghề bậc cao, đào tạo những người có chuyên môn như điều khiển máy móc, chữa bệnh, dạy học, viết báo,v.v…Việc đào tạo những kĩ sư, bác sỹ, thầy giáo lành nghề, có trình độ chuyên môn giỏi hiện nay vẫn là một đòi hỏi cấp thiết. Tình trạng thầy không ra thầy, thợ không ra thợ mà dư luận xã hội thường kêu, phản ánh thực tế là chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đào tạo chuyên môn ở các trường ĐH nước ta còn thấp. Trước tình hình đó, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp của GDĐH cũng như đòi hỏi trường ĐH phải gắn nhiều hơn nữa với sản xuất, với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế, là hoàn toàn có cơ sở và cũng là dễ hiểu.

          Tuy nhiên, thực tế trên đây cũng đặt ra một vấn đề khác cần phải suy nghĩ. Phải chăng sứ mạng của ĐH chủ yếu là đào tạo nghề, cho dù là nghề bậc cao? Phải chăng trường ĐH chỉ là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội? Trong một số văn bản chính thức, chúng ta thường gặp cách diễn đạt: “Giáo dục nghề nghiệp và GDĐH thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát tiển nhanh, bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế” (1).

Trước hết, nói sứ mệnh của ĐH là bồi dưỡng nhân tài cũng không chính xác. Nhân tài vốn hiếm hoi, phần lớn do bẩm sinh mà có. ĐH chỉ là môi trường để những ai có mầm mống tài năng có điều kiện phát triển. Còn nếu nói bồi dưỡng nhân tài theo nghĩa thông thường thì có lẽ các trường phổ thông năng khiếu, các trường chuyên hiện nay mới là nơi đang làm chứ không phải các trường ĐH. Nhưng đó chưa phải là cái chính. Cái chính chúng tôi muốn nói là dường như ở đây sứ mệnh của GDĐH đã bị đồng nhất với giáo dục chuyên nghiệp, bị gộp chung vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực. Cách hiểu như vậy vô hình chung đã thu hẹp và hạ thấp vai trò của GDĐH.

 Sứ mệnh của GDĐH là đào tạo một đội ngũ trí thức có bản lĩnh, có tư duy độc lập, có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội và các ngành kinh tế. Trường ĐH không phải chỉ là nơi SV học để có một cái nghề đi làm, mà còn là môi trường để hình thành nhân cách của người trí thức, phát triển tư duy phê phán và lòng say mê chân lí, từ đó hiểu rõ hơn phẩm giá, trách nhiệm và chỗ đứng của người trí thức trong xã hội.

Nhận thức đầy đủ sứ mệnh của GDĐH có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Lâu nay nhiều người thường nói ở ta người có học thì nhiều nhưng trí thức thì ít. Đây cũng chỉ là một cách nói, nhưng nếu điều đó là đúng thì trường ĐH cũng phải xem lại trách nhiệm của mình. Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao sau Cách mạng tháng Tám chúng ta có một đội ngũ nhiều nhà trí thức lớn như Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Ngọc Thạch,… Phải chăng đó là do hầu hết các vị  đều được đào tạo ở các trường ĐH nước ngoài, được hấp thụ một nền ĐH tiên tiến; ở đó họ không chỉ nhận được những tri thức chắc chắn để hành nghề giảng dạy, kĩ sư, luật sư, bác sĩ, nghiên cứu mà còn được trang bị một vốn văn hoá sâu rộng, được thực sự khuyến khích độc lập suy nghĩ, được sống và làm việc trong một môi trường học thuật hoàn toàn tự do.

Quan niệm thu hẹp sứ mạng của GDĐH vào đào tạo nghề, đồng nhất nó với giáo dục chuyên nghiệp đã để lại những hậu quả thực tế. Một trong những hệ lụy của nó có thể nhận thấy trong việc đào tạo giáo viên ở nước ta. Vừa qua có khá nhiều cuộc thảo luận về chất lượng người thầy và công tác đào tạo giáo viên. Nhiều ý kiến cho rằng phần đông giáo viên đứng lớp hiện nay chỉ là “thợ dạy” chứ chưa phải là thầy giáo đúng nghĩa của nó. Dĩ nhiên bản thân công việc của người “thợ dạy” nếu làm cho tốt cũng đã quý rồi và thực tế cho thấy ngay cả chỉ làm “thợ dạy” thôi, nhiều giáo viên cũng chưa hoàn thành được. Tuy nhiên trường phổ thông là nơi dạy người, là môi trường để hình thành nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ, ở đó trẻ em không chỉ cần học chữ, nắm được những kiến thức phổ thông mà còn học cách sống, cách làm người. Nhiệm vụ ấy đòi hỏi người giáo viên không thể chỉ biết cách truyền thụ kiến thức như một người thợ lành nghề, mà còn phải là một nhà giáo dục.

Lâu nay khi nói đến yêu cầu làm sao để nâng cao hiệu quả giáo dục của người thầy, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc  bồi dưỡng cho SV sư phạm những kiến thức về Tâm lí học, Giáo dục học. Những người tốt nghiệp các trường ĐH khác, không phải sư phạm, chỉ cần học thêm một số chứng chỉ về sư phạm là được coi như đủ điều kiện để đi dạy. Điều này hoàn toàn không có gì sai. Những kiến thức về khoa học giáo dục hết sức cần thiết cho giáo viên. Trong một thời gian dài chúng ta đã coi nhẹ khoa học giáo dục và công tác nghiên cứu giáo dục. Điều này đã để lại một lỗ hổng lớn trong giáo dục nước ta. Tuy nhiên, để làm được công việc của người thầy - nhà giáo dục, có lẽ vẫn cần thêm một thứ gì đó rất quan trọng, mà theo chúng tôi, đó chính là những phẩm chất của người thầy, với tư cách là người trí thức, người có văn hóa. Người “thợ dạy” phiến diện hơn người thầy chính là ở chỗ này. Chữ THẦY ngoài ý nghĩa cao quý của nó, còn bao hàm sự thông thái, hiểu biết toàn diện, thái độ bao dung dựa trên cơ sở văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa tri thức và nhân cách. Có như thế mỗi thầy cô giáo mới có thể trở thành nhà giáo dục. Người thầy truyền thụ kiến thức cho học sinh bằng hiểu biết chuyên môn của mình, nhưng tác động đến trẻ em bằng cách hành xử, bằng nhân cách của chính bản thân mình, mà cách hành xử này phụ thuộc rất nhiều vào vốn văn hóa, phẩm chất đạo đức, sự am hiểu con người. Không có được những điều này, người đi dạy khó làm tròn trách nhiệm của nhà giáo dục đúng theo nghĩa của nó. Kinh nghiệm cho thấy xưa nay những nhà sư phạm lớn đều là những nhà văn hóa, những trí thức lớn.

2. Phân tích trên đây cho thấy, ngoài trình độ chuyên môn nghề nghiệp ra, trường ĐH cần bồi dưỡng để SV trở thành những người có văn hóa, có tư cách trí thức. Làm được như vậy, GDĐH mới hoàn thành được sứ mạng của mình, không chỉ cung cấp cho các ngành kinh tế nguồn nhân lực dồi dào, mà còn góp phần tạo ra một đội ngũ trí thức có tư duy sáng tạo, có năng lực phản biện, đủ sức gánh vác trách nhiệm đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện được nhiệm vụ này, theo chúng tôi, có hai việc quan trọng cần làm.

1) Tiếp tục đổi mới chương trình và nội dung giảng dạy. Cần để cho SV các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ được học một số môn về khoa học xã hội - nhân văn và nghệ thuật; đồng thời SV các ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng được tiếp cận với những môn tự nhiên cần thiết. Những tri thức này giúp SV có được tầm nhìn và hiểu biết về thế giới, về xã hội và con người, rộng hơn ngành nghề chuyên môn của mỗi người. Thời gian qua, tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài, Bộ GD-ĐT đã đưa vào Chương trình khung GDĐH phần Giáo dục đại cươngnhư yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường ĐH. Đó là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc giảng dạy phần Đại cương này vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn và còn nhiều vấn đề cần được thảo luận (như vấn đề thời lượng dành cho các môn lí luận chính trị; ngoài các môn chính trị, còn cần thêm những môn nào nữa và làm thế nào để giảng dạy các  môn này cho có chất lượng), nghiên cứu kĩ lưỡng và có những đổi mới căn bản. Bản thân chữ “Giáo dục đại cương”, theo chúng tôi, cũng nên thay đổi, chẳng hạn như “Giáo dục tổng quát” hay “Giáo dục kiến thức tổng quát”. Chữ “đại cương” dễ gây hiểu lầm rằng phần này chỉ bao gồm những kiến thức đơn giản, có tính chất nhập môn, SV chỉ cần hiểu biết qua, chứ không phải là trang bị cho SV những hiểu biết văn hóa có tính chất tổng quát, nền tảng, giúp SV hình thành tầm nhìn, thế giới quan.

2) Đổi mới cách dạy, cách học và tạo ra một môi trường học thuật tự do trong trường ĐH. Muốn SV trở thành người trí thức, phải cho họ được sống trong môi trường trí thức. Tính chất của môi trường này không chỉ thể hiện trong cách ứng xử có văn hóa giữa thầy và trò, giữa nhà trường với SV cũng như giữa SV với nhau, mà còn bộc lộ trong cách giáo dục, cách giảng dạy. Cần khắc phục một cách căn bản lối giáo dục mang tính áp đặt, thể hiện trong cách nghĩ, cách nghiên cứu, cách giải quyết vấn đề. SV cần phải được hình thành nhận thức sâu sắc về giá trị của văn hóa và tri thức, hiểu đầy đủ tính vô hạn và hữu hạn của những tìn tòi của con người trên con đường đi đến chân lí, biết nâng niu, trân trọng mọi thành quả của khoa học và hiểu rằng con đường đến với khoa học, để có được tri thức là đầy chông gai, đòi hỏi phải học tập không ngừng. Nhưng mặt khác, SV cũng cần được khuyến khích phải tự tin ở chính mình, mạnh dạn suy nghĩ, được tự do có ý kiến, tự do trình bày những suy nghĩ và những kiến giải riêng của mình. Được sống trong môi trường học thuật, môi trường ĐH như vậy, SV sẽ thực sự trưởng thành về ý thức, có điều kiện để phát triển phẩm chất của người trí thức, người công dân tốt.

3. Nói tóm lại, đổi mới căn bảnGDĐH đòi hỏi phải giải quyết triệt để hàng loạt vấn đề. Nhưng một trong những vấn đề hàng đầu là đổi mới ngay chính nhận thức về GDĐH, về sứ mệnh của nó. Đây là cái gốc, vấn đề của mọi vấn đề. Trường ĐH không phải là trường phổ thông cấp IV, không phải là một cấp học cao hơn, mà là một bậc học khác. Trường ĐH cũng không phải chỉ là trường nghề cao cấp; nó là nơi đào tạo những trí thức tương lai, những người vừa có chuyên môn riêng, vừa có tầm nhìn rộng rãi, có văn hóa, có tư duy độc lập, sáng tạo. Trường ĐH của chúng ta cần phải có tính ĐH nhiều hơn nữa. Mới đây trong Dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH,HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế,Ban soạn thảo đã đề xuất tách đào tạo CĐ và CĐ nghề ra khỏi GDĐH, hợp nhất với hệ thống TCCN và trung cấp nghề thành khối giáo dục chuyên nghiệp. Đây là một đề xuất hợp lí, tạo điều kiện góp phần nâng cao tính ĐH của trường ĐH.

Những đổi mới trong nhận thức về vai trò và sứ mệnh của GDĐH sẽ chi phối việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, quản trị ĐH và những khâu khác. Bởi vậy nó cần dược ưu tiên làm rõ và đột phá trước.

 (1) Dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế  (Hà Nội, 11/7/2013).                               

TPHCM, 8/2013

  N.T.K.N

 

 

Gởi
Bài được đọc nhiều nhất
Thứ 2
Thứ 3
Thứ 4
Thứ 5
Thứ 6
Thứ 7
Chủ nhật

 
 
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31